Viết nhân dịp Chúa Nhật 4 Mùa Vọng. Đặc biệt gửi đến những ai cô độc, cô đơn, cô thân và cô thế.
Vấn đề cô đơn không những có ảnh hưởng đến người già, người độc thân, người goá bụa, mà còn tác dụng đến cả người trẻ và người có gia đình. Tuy nhiên cô đơn không đồng nghĩa với cô độc, bởi vì người ta có thể sống cô độc, cô thân hay cô thế, nghĩa là ở một mình, mà không cảm thấy cô đơn. Trái lại người ta có thể vẫn cảm thấy cô đơn, mặc dù có gia đình, sống giữa đám đông và giữa cảnh vui nhộn. Chẳng thế mà đại thi sĩ Nguyễn Du đã dệt hình ảnh nàng Kiều với vẻ hoa rầu liễu rủ vào cảnh truyện thơ Ðoạn Trường Tân Thanh đượm vẻ buồn man mác: Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ.
Mùa đông với thời tiết âm u càng khiến cho lòng người ảm đạm. Theo thống kê thì mùa đông con số người tự huỷ diệt mạng sống tại một số quốc gia cao hơn các mùa khác. Vào mùa đông từ tháng mười hai cho tới sau tết dương lịch, nỗi buồn của những người già sống một mình lại càng thấm thía khi họ thấy người có gia đình hay bạn bè gửi thiệp Giáng sinh hay năm mới chúc mừng nhau, đi thăm hỏi lẫn nhau, tặng quà cáp cho nhau và ăn uống với nhau, còn họ thì cứ lủi thủi một mình. Nếu có con cháu đến thăm hỏi, gửi thiệp hay quà cáp, họ có thể đặt câu hỏi: tại sao trong năm bị con cháu quên lãng mà chỉ vào dịp này mới được con cháu nhớ tới? Như vậy có phải con cháu chỉ làm theo phong tục tập quán hơn là do lễ nghĩa và tình hiếu thảo thúc đẩy không?
Người sống độc thân hay có gia đình mà phải sống một mình vì những lý do khác nhau thì tự lo đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn.. Vậy thì để đối phó với cảnh cô độc, cô thân, cô thế, nghĩa là không vợ, không chồng, không con, không bạn, người ở một mình mà không đi tu, cũng cần tìm cho mình một lý tưởng sống nào đó, nghĩa là tìm phương pháp tu tại gia để cho đời có ý nghĩa. Ngoài ra, để đối phó với cảnh đơn độc, lẻ loi, người ta cần tạo những giờ phút thinh lặng để tìm kiếm sự thân mật với chính mình.
Thân mật với chính mình có nghĩa là biết mình, biết những ưu khuyết điểm của mình. Ða số người ta chỉ để ý đến những ưu điểm, mà không quan tâm đến những khuyết điểm của mình. Thân mật với chính mình còn có nghĩa là tiếp xúc với những cảm giác của chính mình: vui, buồn, hạnh phúc, chán nản, mệt nhọc, hối hận..., những cảm giác hãnh diện cũng như những tự ti mặc cảm.
Không những cần tiếp xúc với những cảm xúc của chính mình, người ta còn cần biết tại sao mình có mối cảm xúc đó trong lúc đó trong cuộc sống. Chẳng hạn biết được tại sao mình cảm thấy xuống tinh thần lúc đó, để mình đề phòng cho khỏi xẩy ra và đối phó khi xẩy đến. Xuống tinh thần có thể là tại thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, thiếu chất gì đó trong người, hay thiếu được nâng đỡ và đánh giá. Nói tóm lại người ta cần quan sát để lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể, những cảm giác của tâm trí và những khát vọng của tâm hồn.
Sự thân mật với chính mình sẽ giúp mình nhận ra những yếu hèn và tội lỗi của mình hầu đặt niềm tin tưởng cậy trông phó thác vào lòng thương xót của Chúa. Sự thân mật với chính mình còn giúp mình nhận ra những tài năng và ân huệ nơi mình hầu cảm tạ đội ơn Chúa cho những tài năng và ân huệ nhận được. Hệ quả của sự thân mật với mình trên đây sẽ đưa mình đến sự thân mật với Chúa. Như vậy khi gặp điều vui hay nhớ lại những dịp khiến mình vui, mình sẽ thầm cảm tạ Chúa. Gặp chuyện buồn chán, mình sẽ nguyện xin Chúa là sức mạnh và là lẽ sống cho đời. Gặp bệnh tật và những gánh nặng của cuộc sống, mình sẽ cầu xin Chúa đến bổ sức cho. Cảm thấy những yếu điểm của mình về thân xác, tầm vóc hay diện mạo thấp kém, tính nết khó chịu, khiến mình có mặc cảm, mình sẽ dâng lên Chúa những mặc cảm đó và nguyện xin Chúa giúp mình đối phó với mặc cảm. Bị người khác tẩy chay, mình sẽ cầu xin Chúa đến làm bạn đồnh hành trong cuộc sống. Đứng giữa ngã ba đường, không biết phải theo đường nào, mình sẽ cầu xin Chúa hướng dẫn đi theo..
Thân mật với chính mình và với Chúa còn giúp mình đối phó với những giờ phút cô đơn. Có được sự thân mật với mình và với Chúa, nỗi cô đơn sẽ đưa đến sự thanh vắng của tâm hồn, là nơi người ta có được sự tĩnh mịch và phẳng lặng của tâm hồn. Có được sự tĩnh mịch và phẳng lặng của tâm hồn rồi, người ta lại thích tìm đến nơi cô tịch và chốn quạnh hiu để dễ duy trì trạng thái phẳng lặng và tĩnh mịch của tâm hồn hầu dễ cảm nghiệm được sự hiện diện và thân mật với Chúa, để rồi thả hồn vào cõi thiên giới cho hồn lơ lửng. Ðó là lí do dễ hiểu tại sao có những vị ẩn tu xưa kia đi vào rừng vắng sống bên cỏ cây, hoa lá, hoà nhịp với tiếng chim kêu, vượn hót, hoặc tiếng dế mèn và côn trùng rủ rỉ mà ca tụng Ðấng Hoá công.
Thiếu sự thân mật với mình và với Chúa, thì cô độc, tức là cô thân hay cô thế, sễ trở thành cô đơn. Và cô đơn sẽ trở thành mối nguy hiểm cho chính mình. Bởi vì để đối phó với cảnh cô đơn buồn chán, người ta có thể tìm đến xì ke, ma tuý hay rượu mạnh, hoặc coi phim ảnh đồi tệ cho qua ngày giờ. Cũng nên nhớ lại hồi mới tản cư ra ngoại quốc, có những người coi phim chưởng suốt cả ngày đêm. Ðể đối phó với cảnh cô đơn, có những người tìm bám víu vào Chúa hay một quyền lực siêu nhiên nào đó. Không đối đầu được với tâm trạng cô đơn (loneliness), cộng với bệnh buồn chán nản (depression) (1), người ta có thể quyết định tự huỷ diệt mạng sống mình. Ðể đối phó với cảnh cô đơn, có những người khác lại tìm đến những thú vui bất chính, những mối tình ngang trái và tạm bợ. Mà những mối tình tạm bợ và ngang trái thì không bền, nghĩa là có lúc nào đó, người ta phải tự cắt đứt hay buộc phải cắt đứt vì những lí do khác nhau.
Và khi phải cắt đứt mối tình ngang trái và tạm bợ, đương sự sẽ phải chuốc lấy đau khổ về cho mình. Có những người cảm thấy chới với như người mất hồn: ăn không ngon, ngủ không yên, làm việc mà lòng trí để đâu đó khi phải cắt đứt mối tình tạm bợ. Chiều Chúa nhật buồn như tựa đề một bài hát diễn tả, có ảnh hưởng đến cả người đi tu. Có người tu hành kia đến chiều Chúa nhật mà không có mục gì như đi ra ngoài, gặp bạn bè ăn uống giải trí lành mạnh, thì cảm thấy thiếu vắng điều gì. Khi có được sự thân mật với Chúa và với mình, người tu hành đó không còn cảm thấy nhu cầu phải đi gặp người nọ, người kia như trước nữa.
Vậy thì phải chăng chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới lấp đầy được sự trống rỗng trong tâm hồn. Thời xưa Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại bằng nhiều cách thế khác nhau như: trong đám mây, trên đỉnh núi, nơi bụi cây, ngoài hoang địa. Tuy nhiên sự hiện diện của Thiên Chúa qua những cách thế biểu lộ có tính cách gián tiếp như vậy, vẫn còn có gì ẩn khuất. Vì thế ngôn sứ Isaia trong Cựu ước hôm nay hứa cho nhân loại một sự hiện diện mới của Thiên Chúa: một sự hiện diện có tính cách cá biệt, qua một biến cố kỳ diệu. Ðó là: Một người nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và đặt tên cho con trẻ là Emmanuen (Is 7:14). Ðiều mà ngôn sứ Isaia chỉ hứa, thì thánh sử Mát-thêu đã nhìn thấy được thực hiện nơi người Con của trinh nữ Maria, tên là Emmanuen, có nghĩa là: Thiên-Chúa-ở- cùng- chúng- ta (Mt 1:23).
Trong biến cố Giáng sinh, Thiên Chúa đã biến thành nhục thể và ở giữa loài người, và thiết lập sự hiện diện giữa loài người. Có Chúa hiện diện và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, không có nghĩa là người ta không còn cảm thấy cô đơn. Có lúc người ta vẫn cãm thấy cô đơn. Tuy nhiên vì có cảm nghiệm về sự hiện diện và tình yêu của Chúa, cô đơn không còn là mối đe doạ nữa. Cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa, giống như cảm nghiệm của hai người khác phái yêu nhau mà vắng bóng nhau. Mặc dù họ không hiện diện bằng thân xác, họ thường tư tưởng về nhau, cảm nghĩ về nhau, nhớ nhung nhau, nghĩa là họ cách mặt mà không xa lòng. Cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống cũng tương tự như vậy. Khi có cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa thì người ta thường tưởng nghĩ về Chúa, cảm thấy Chúa ở quanh mình, bao bọc và che chở mình, cảm thấy Chúa cùng ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi với mình.
Và đó chính là ý nghĩa của lời thánh Phaolô: Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi (Gl 2:20). Ðức Kitô sống trong ta bằng ơn thánh, bằng tư tưởng, cảm tình, bằng mơ ước và hoài bão của ta. Hai người yêu nhau thường có cảm nghiệm về sự hiện diện của người yêu, bóng dáng người yêu, ánh mắt người yêu, tiếng thì thầm của người yêu. Yêu Chúa và được Chúa yêu, người ta cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, bóng dáng của Chúa, ánh mắt của Chúa, tiếng thì thầm của Chúa, và còn cảm nghiệm được sự bao bọc, ấp ủ và che chở của Người nữa.
Lời nguyện xin cho được cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa:
Lậy Thiên Chúa nhập thể sắp ra đời làm người.
Chúa hứa ‘ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế’.
Xin lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn con.
Xin Chúa là niềm vui, là sức mạnh,
là hi vọng, là lẽ sống và là gia nghiệp đời con.
Lạy Chúa, xin hãy đến và ở lại với con.
Lạy Ðấng Emmanuen, xin hãy đến. Amen.
Lm Trần Bình Trọng
__________________________________
(1) Có từ điền định nghĩa bệnh này (depression) là bệnh trầm cảm. Theo tác giả bài này thì bệnh trầm cảm không lột hết được ý nghĩa và tình trạng của bệnh vì người mắc bệnh này vừa buồn, vừc chán, vừa nản, có khi không muốn làm gì, không muốn gặp ai, không muốn nói chuyện với ai. Khi bệnh nặng, bệnh nhân có thể tìm cách huỷ diệt mạng sống. Mắc bệnh này, thiếu niên cũng có thể tìm cách huỷ diệt sinh mạng.