Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm A
Is 11, 1-10; Rm 15, 4-9; Mt 3, 1-12
Đường hay đạo là một điều hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống tự nhiên, chúng ta luôn cần có một con đường để đi, cho dù đó chỉ là một con đường mòn, nhỏ bé đi chăng nữa thì chúng ta vẫn luôn luôn cần đến nó.
Không có đường, chúng ta không thể di chuyển, không thể đến được nơi chúng ta muốn đến, cũng như không thể lìa bỏ nơi chúng ta muốn tránh.
Tương tự như thế, trong đời sống thiêng liêng, mỗi người chúng ta cũng rất cần một con đường để Thiên Chúa đến với con người, và để chúng ta có thể đến với Thiên Chúa.
Chính vì thế, sau lời mời gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng trong Chúa Nhật I vừa qua, phụng vụ lời Chúa trong Chúa Nhật II của mùa Vọng này đã mượn lời của thánh Gioan Tiền Hô để mời gọi chúng ta sửa soạn lại con đường trong tâm hồn của chúng ta cho ngay thẳng, chuẩn bị cho việc đón chờ ngày Con Thiên Chúa trở lại.
CON ĐƯỜNG GIÊSU
Con đường mà thánh Gioan Tiền hô mời gọi chúng ta đi vào không phải là một con đường cao vời, xa xôi khiến không ai trong chúng ta có thể đạt tới. Trái lại, con đường đó rất gần với chúng ta. Con đường đó chính là con người của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Trong Tin mừng Gioan, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14, 6a). Con đường đó chính là con đường của Tin mừng, con đường của thập giá mà chính Con Thiên Chúa trong thân phận con người đã đi qua. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu chính là con đường duy nhất mà Thiên Chúa đã dùng để tỏ mình ra cho chúng ta. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng là trung gian duy nhất, để dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Thế nhưng qua dòng thời gian, mỗi người chúng ta đang ngày càng xa rời con đường có tên gọi là Giêsu, mỗi người chúng ta đang đi trên con đường riêng của mình.
Trong bối cảnh đó, Thánh Gioan kêu gọi: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
SỬA ĐƯỜNG CHO NGAY THẲNG
Con đường ngay thẳng theo tinh thần Tin mừng, con đường mang tên gọi Giêsu, đó là con đường của sự thật, của chân lý. Trong bài đọc một, khi loan báo về Đấng Messia, hình ảnh của Đức Kitô, ngôn sứ Isaia đã nói như sau: “Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe”.
Con người ngay thẳng theo Tin mừng không bao giờ xét đoán sự vật, hay người khác theo suy nghĩ chủ quan của mình. Theo tâm lý tự nhiên, chúng ta dễ dàng áp đặt cách suy nghĩ của mình để đánh giá người khác: “Ai không sống, không làm như tôi là sai”. Thậm chí kể cả những điều chúng ta tận mắt nhìn thấy, nhưng lắm khi vẫn không đúng sự thật, vì có những điều “thấy vậy mà không phải vậy”. Và những nhận xét của chúng ta lắm khi dẫn đến những sự hiểu lầm hết sức nguy hiểm. Vì thế, chúng ta đừng xét đoán, cũng đừng lên án người khác khi không có bổn phận, vì chúng ta không hiểu rõ hết hoàn cảnh của anh chị em mình.
Sự ngay thẳng theo Tin mừng còn đòi hỏi chúng ta không được quanh co dối trá, nhưng “có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5, 37). Chúng ta cũng không được nhân danh bất cứ điều gì để biện hộ cho sự ghen tương, ganh tỵ, ích kỷ của mình. Không biết từ bao giờ, mỗi khi có một lỗi lầm nào đó, là tất cả chúng ta, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ ngay lập tức tìm một lý do nào đó để biện hộ cho mình. Chúng ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác… Chúng ta cứ nói “Tại thế này, tại thế khác”, nhưng không bao giờ đấm ngực và nói “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, như lời thú nhận mà chúng ta vẫn đọc ở đầu mỗi thánh lễ.
Muốn đi vào con đường có tên gọi là Giêsu, tâm hồn chúng ta phải được tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc một: “Trong ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi, và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh Thiên Chúa sẽ ngự xuống. Thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa”. Chỉ với sức mạnh của Thần Linh Chúa chúng ta mới có đủ sức đi trọn con đường Giêsu.
XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN HUYNH ĐỆ
Không chỉ thanh tẩy bản thân, lời Chúa còn tiếp tục mời gọi chúng ta xây dựng cộng đoàn chúng ta đang sống thành một cộng đoàn hiệp thông huynh đệ. Thánh Phaolô trong bài đọc hai nhắc bảo chúng ta: “Anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em để làm rạng danh Thiên Chúa”. Mở rộng vòng tay để đón tiếp tất cả mọi người, theo bản tính tự nhiên, quả thật là điều không phải dễ dàng gì, bởi vì trong thực tế đã có những người từng làm cho chúng ta đau khổ thật nhiều. Do đó, thánh Phaolô muốn chúng ta đón tiếp nhau, không phải vì người đó dễ thương, hợp với ý của chúng ta, nhưng chúng ta cần tiếp đón tất cả mọi người theo gương của chính Chúa Giêsu, Đấng đã nhập thể làm người và đã mở rộng vòng tay đón tiếp hết thảy anh chị em chúng ta. Chúa Giêsu đã đón tiếp tất cả mọi người: từ người đạo đức thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi; từ những người khiêm nhu, phó thác cho đến những người yếu đuối năm lần bảy lượt sa ngã, chống đối Ngài, thì Ngài vẫn mở rộng vòng tay chờ đón từng người chúng ta trở về. Thiên Chúa không bao giờ loại trừ bất cứ người nào. Chỉ khi chúng ta mở rộng vòng tay và con tim yêu thương của chúng ta cho hết thảy mọi người như thế, chúng ta mới có thể xứng danh là môn đệ của Thầy Giêsu và làm rạng danh Thiên Chúa.
Tóm lại, con đường của người Kitô hữu chúng ta đó là con đường của Tin mừng, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Muốn được hưởng ơn cứu độ, chúng ta cần phải nhìn vào chính con người của Đức Kitô, suy nghĩ và sống theo giáo huấn của Ngài đã để lại cho chúng ta, vì Đức Kitô chính “là Đường, là Sự Thật và là Sự sống” (Ga 14, 6a), như lời HĐGMVN nhắc nhở chúng ta trong năm phụng vụ mới này. Trong tất cả mọi việc, từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động, chúng ta hãy quy chiếu về Đức Kitô. Xem thử trong trường hợp của tôi, Ngài sẽ nói gì và làm gì? Nhờ đó, mỗi người chúng ta “sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (All). Amen.
Lm Trần Thanh Sơn