CN_20_TN-AChúa Nhật 20 Thường Niên, Năm A

Is 55, 1. 6-7; Rm 11, 13-15. 29-32; Mt 15, 21-28

Đọc lại lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới, chắc nhiều người trong chúng ta đều biết đến cuộc Thập Tự chinh đẫm máu chống lại người Hồi Giáo vào những năm 1095-1291,

bước sang thế kỷ 16 là cuộc chiến giữa người Tin lành và Công giáo tại Âu Châu, rồi cuộc đối đầu giữa những người quá khích Ấn giáo với những người theo các tôn giáo khác tại Ấn Độ…

Và Mahamat Ganhdi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Ganhdi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.

Những câu chuyện trên đây muốn nói lên một trong những thảm trạng đau thương của lịch sử nhân loại hiện nay. Đó là sự xâu xé do sự bất khoan dung tôn giáo gây nên. Thế đó, con người luôn bị cám dỗ nhân danh niềm tin, nhân danh Thượng Đế của mình để bách hại và loại trừ người khác.

Thời Chúa Giêsu, những người Biệt phái cũng có thái độ tương tự. Nhân danh lề luật, nhân danh Thiên Chúa, họ đã kết án và loại trừ nhiều người, nhất là những kẻ bé mọn, những người dân ngoại, những người mà họ cho là tội lỗi.

Thế nhưng khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Được sai đến trước tiên cho người Do Thái. Chúa cũng đã đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn quy tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài. Điều này được thể hiện rõ trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay.

1. Ơn cứu độ được ban cho mọi người

Để thấy rõ điều này, chúng ta cùng đọc lại các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Trước hết, bài đọc một được trích đọc hôm nay, thuộc phần thứ ba trong sách của ngôn sứ Isaia (56, 6-7). Đoạn này được viết trong bối cảnh dân Do Thái vừa từ nơi lưu đày trở về. Tại Đất Hứa, và ngay chung quanh thành Thánh Giêrusalem đã có rất nhiều người dân ngoại sinh sống. Do đó, vấn đề đặt ra là họ phải đối xử với những dân tộc này như thế nào. Hơn nữa, những người ngoại bang này có được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa hay không? Đứng trước những vấn nạn đó, vị ngôn sứ được mạc khải của Thiên Chúa đã đưa ra cho họ một câu trả lời thật rõ ràng: “Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện, Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Như thế, ngay từ trong Cựu ước, mạc khải về tính phổ quát của ơn cứu độ đã bắt đầu được hé mở.

Tính phổ quát này của ơn cứu độ đã trở nên hiện thực với việc xuất hiện của Chúa Giêsu. Ngay từ khi Giáng Sinh thì một trong những người đầu tiên đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chính là những đạo sĩ người dân ngoại đến từ Đông Phương (x. Mt 2, 1-12). Rồi hôm nay đây, trong lúc những người đồng hương Nazareth với Chúa Giêsu đã không tin Ngài (x. Mt 13, 53-57); các Luật sĩ và Biệt phái thì dựa vào các lệ truyền của tiền nhân để huỷ bỏ chính Lời Thiên Chúa (x. Mt 15, 1-9). Họ đang tranh luận với Ngài về luật “sạch” và “dơ” (x. Mt 15, 10-20). Họ tự hào là công chính vì có lề luật, để loại bỏ những người mà họ cho là dân ngoại, là “dơ”, thì ngay lúc đó, một người phụ nữ người Canaan, một thứ “dân ngoại” chính gốc đã hết lòng tin tưởng và nhận được ân ban của Đức Giêsu (x. Mt 15, 21-28). Đây là khúc mở đầu, sau khi Phục Sinh, trước khi về trời, thì di chúc cuối cùng của Đức Kitô cho các tông đồ là ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân (x. Mt 28, 19-20).

Vâng lời Thiên Chúa, các tông đồ đã lên đường rao giảng cho hết mọi dân tộc. Chính thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma chúng ta vừa nghe, cũng khẳng định: “Tôi là Tông đồ các Dân ngoại”. Và ngài còn cho thấy, lẽ ra Tin mừng phải được loan báo cho dân Israel là dân được Chúa chọn trước, nhưng vì họ đã cứng lòng, không tin, nên giờ đây, vị tông đồ đã quay sang loan báo cho anh em dân ngoại để họ được cứu rỗi “Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót”. Dù vậy, thánh nhân cũng hy vọng chính khi thấy dân ngoại tin nhận Đức Kitô và được ơn cứu độ, thì lúc đó dân Israel cũng sẽ quay lại để được ơn cứu độ “cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót”.

Như vậy, ơn cứu độ không thể bị giới hạn bởi bất cứ một dân tộc nào, cho dù đó là dân Chúa chọn; hay bởi bất cứ miền đất nào, dù đó là Đất Hứa. Tuy nhiên, mặc dù là ơn của Thiên Chúa, nhưng để lãnh nhận được ơn cứu độ này, mỗi người chúng ta cũng cần thể hiện một thiện chí nào đó của mình.

2. Điều kiện để nhận lãnh được ơn cứu độ

Trước hết, chúng ta phải xác tín lại với nhau rằng ơn cứu độ là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. (Rm 15, 29).

Kế đến, ơn cứu độ cũng đòi chúng ta một sự mở rộng cõi lòng, sẵn sàng đón nhận và hết lòng tin tưởng trong tinh thần khiêm hạ. Chúng ta có thể nhận ra được điều này trong lời cầu xin của người phụ nữ Canaan, khi bà xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà. Bà không hề nhân danh một điều gì khác ngoài lòng thương xót của Đức Giêsu: “Lạy Ngài, con Vua Đavít, xin thương xót tôi” Đây là một lòng tin trong sự phó thác hoàn toàn nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không hề dựa vào bất cứ điều gì của bản thân mình. Khi Chúa nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó” thì bà đã đáp lại một cách tuyệt vời: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng đựơc ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Trước lòng tin mạnh mẽ đó, Đức Giêsu đã làm cho bà những gì bà muốn: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi, mà Chúa Giêsu đã “thua” trong các cuộc tranh luận. Ngài đã thua trước lòng tin và sự khiêm hạ của người phụ nữ Canaan.

3. Chúng ta hôm nay

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải tự nhìn lại chính mình. Có khi chúng ta đang đi vào vết xe cũ của những người Biệt phái xưa kia. Chúng ta tự hào mình là một kitô hữu, được rửa tội từ bé, mình là “đạo dòng, đạo gốc” rồi loại bỏ những người khác. Đây quả thật là một điều nguy hiểm, vì nếu chúng ta không có được một đức tin, lòng khiêm hạ và sự kiên nhẫn như người phụ nữ Canaan trong bài Tin mừng, thì nguồn gốc đó không thể cứu được chúng ta. Điều thứ hai chúng ta rút ra được từ lời Chúa hôm nay đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài không loại trừ ai. Vì thế, để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy biết tha thứ và sống bao dung với người khác, đón nhận người khác không phân biệt lương giáo, kể cả những người không cùng ý kiến với chúng ta như lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn đọc hàng ngày: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”.

Đối với các em thiếu nhi, các con cần tập sống lòng bao dung đó ngay từ bây giờ, cụ thể là không cãi nhau, đánh nhau, và sẵn sàng chơi với hết mọi bạn, nhất là những bạn không có ai chơi cùng. Các con hãy luôn giữ nụ cười trên môi đối với hết mọi người.

Nếu tất cả cộng đoàn chúng ta sống đức tin cách cụ thể như vậy, nghĩa là, luôn mở rộng vòng tay đón nhận người khác đến với chúng ta. Lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng nhận được lời hứa của Chúa: “Này con, con có lòng mạnh tin. Con muốn sao thì được vậy”. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch