Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, Năm A
Mt 25: 31-46
Kết thúc năm phụng vụ, Mẹ Giáo hội muốn con cái mình suy niệm về viễn tượng của ngày Thẩm phán- ngày mà Con Người ngự đến trong vinh quang, triệu tập tứ phương thiên hạ đến trước mặt Người để chịu xét xử.
Ngày đó cũng là ngày công - tội, thưởng- phạt phân minh rõ ràng, không còn chỗ cho địa vị, cho quyền uy, thế lực hay giàu sang phú quý tác quai tác quái. Ngày đó ai nấy, bất luận là người thế nào, sẽ thấy rõ công việc mình đã thực hiện khi còn sống trên trần gian này và, ngày đó Con Người sẽ dựa vào công trạng để xét xử, số phận được định đoạt hưởng phúc hay hưởng phạt đời đời.
Cảnh tượng ngày thẩm phán tuy được viết theo lối văn thể khải huyền nhưng thánh sử Mátthêu đã trình bày rất xúc tích, rõ ràng và dễ hiểu. Chúng ta có thể thấy đối tượng của ngày chung thẩm không dành riêng người Dothái hay những người thuộc khối Kytô mà còn cho toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, giai cấp. Ngày đó là ngày đại hội toàn dân. Chính Thiên Chúa sẽ triệu tập toàn thể nhân loại đến trước mặt Con Người để chịu xét xử. Ngày đó Chúa Kytô - Vua muôn vua, Chúa các chúa, sẽ ngự trên ngai uy linh của Người để xét xử chư dân. Không một ai trong ngày đó được miễn trừ ngày trọng đại này. Cũng không một ai trong ngày đó tìm được cơ hội để thanh minh hay lập công chuộc tội vì những việc mình đã thực hiện trước đây khi còn sống trên trần gian. Vì thế, tính “nghiệt ngã” của ngày thẩm phán không phải đem ra nhằm hù doạ mà là một sự thật hiển nhiên sẽ xảy đến nếu nhân loại cố tình phớt lờ những gì mình đã gây nên cho đồng loại.
Ngày thẩm phán được sánh ví như ngày vị mục tử tách chiên ra khỏi dê, chiên ở bên phải còn dê ở bên trái. Sở dĩ cần phải tách ra như thế là vì thực tế chiên và dê tuy ban ngày cùng chung một ràn nhưng khi chiều về cần phải tách chúng ra vì dê không thể ở ngoài trời đẫm sương như chiên được. Hình ảnh chiên- dê, tay phải - tay trái mang đầy tính biểu tượng. Chúng ta biết chiên là một loài vật có giá trị, bộ lông mầu trắng của chúng tượng trưng cho sự tinh tuyền, công chính. Còn dê, trái lại, tượng trưng cho sự bất chính, không tinh tuyền; cũng vậy, nếu tay phải tượng trưng cho quyền uy thế lực và giàu sang theo quan niệm của người Dothái, thì tay trái tượng trưng cho những gì xấu xa tội lỗi và hèn nhát.
Tách biệt để thấy sự khác biệt. Tách biệt để thấy hố ngăn cách vô phương cứu chữa. Tách biệt để thấy một sự thật phủ phàng được phơi bày trong chính sự khác biệt này. Tách biệt để thấy công đức được đề cao và cũng để biết đến một hạng người không bao giờ biết đến khái niệm công đức hay việc làm phúc bố thí là gì. Thật vậy, khi tách biệt như thế, chúng ta thấy một bên được vị Thẩm phán hết lời khen ngợi : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”; và một bên là lời khiển trách : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ac quỷ và các sứ thần của nó”.
Sự khác biệt này không đến bởi vị Thẩm phán thiên vị, nhận tiền hối lộ để làm lợi cho bên này hoặc bên kia mà đến từ việc thực thi công bình bác ái của chính đối tượng chịu xét xử. Rõ ràng chúng ta thấy Đức Vua chỉ dựa vào mỗi điều này để xét xử. Theo đó những việc được xem là “đáng được chúc phúc” được Đức Vua liệt kê khá chi tiết. Đó là : cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp rước khách lạ, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm người đau yếu và viếng kẻ tù đày. Những người được chúc phúc thật sự ngỡ ngàng vì họ cũng không ngờ những việc làm đạo đức lúc trước của mình lại có ngày được Đức Vua ghi nhận không xót một điều. Và càng ngỡ ngàng hơn nữa khi Đức Vua tự nhận khi họ làm những việc lành phúc đức như thế là làm cho chính Người. “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
Còn đối với “quân bị nguyền rủa” họ cũng lấy làm ngỡ ngàng vì có bao giờ họ thấy nhà Vua vi hành, xuống với thường dân để họ có cơ hội tiếp rước đâu. Cố để phân minh thôi, nhưng thật sự họ biết rõ hàng ngày có biết bao con người cần đến sự trợ giúp của họ, thế mà họ vẫn phớt lờ. Bao nhiêu kẻ túng nghèo, rách rưới, bệnh hoạn tật nguyền qua lại trước mắt họ, nhưng họ vẫn làm ngơ không đoái hoài. Như thế bị liệt vào hạng “quân bị nguyền rủa” không bởi vì họ không phải là người Dothái hay Kytô hữu mà là vì họ không có lòng nhân hậu, không biết xót thương, không giúp đỡ đồng loại. Cho hay, đối với Tin mừng Chúa Kytô, không yêu thương, không giúp đỡ anh em đồng loại là một trọng tội và hậu quả là sẽ bị liệt vào hàng “quân bị nguyền rủa” và tệ hơn nữa sẽ rơi vào lửa cực hình muôn kiếp.
Đọc và suy niệm đoạn Tin mừng về ngày Thẩm phán trong ngày cuối cùng của năm phụng vụ giúp mỗi người Kytô chúng ta duyệt xét lại thái độ sống của mình đối với anh em đồng loại. Hãy nhớ rằng điều kiện duy nhất để được vào “thừa hưởng Vương quốc” muôn đời không nằm ở việc chúng ta là ai, địa vị thế nào, thuộc giới tư sản hay vô sản mà nằm ở chỗ chúng ta đã đối xứ với anh em đồng loại như thế nào. Tiêu chuẩn của ngày Thẩm phán dựa trên tình yêu và chính điều này sẽ là thước đo chuẩn xác định đoạt số phận của mỗi người. Tình yêu mới là thước đo duy nhất xác định kẻ tốt người xấu trong ngày Con Người quang lâm.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb