Chúa Nhật 25 Thường Niên, Năm A
Mt 20: 1- 16
“Mấy người sau chót chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.
Câu nguyện dụ ngôn về tiền công trả cho các người làm vườn nho, nói gì thì nói, vẫn khó nuốt trôi, nhất là khi ta tự đặt mình vào tư thế các lao động nhóm một đã làm lụng vất vả suốt 12 tiếng ròng. Lời ông chủ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn…” xét về diện pháp lý thì không ai chối cãi được, nhưng vẫn còn đó một điều gì không mấy ổn, đăng đắng trong ruột gan… Ít nhiều ta vẫn còn thấy lời phàn nàn của đám thợ làm sớm có phần nào chính đáng. Nếu Nước Trời giống như câu chuyện này thì quả thật nó hàm chứa một điều gì quá bất thường và có phần nào khó hiểu lắm đấy.
Hầu như mọi tôn giáo đều tuân thủ cặn kẽ qui luật nhân quả, có nguyên nhân thì phải có hậu quả, ai làm thiện thì gặp lành, còn ai làm ác thì phải gặp dữ. Kể cả người Công giáo cũng thường được dạy, và đi tới xác tín như đinh đóng cột: nếu làm việc lành phước đức nhiều thì công phúc trên thiên đàng sẽ rất lớn, còn nếu sống tội lỗi và làm điều dữ thì sẽ bị trầm luân trong hỏa ngục đến muôn đời muôn kiếp. Đó là lẽ công bằng, đó là luật nhân quả quá hợp lý đã in sâu vào tâm khảm không dễ gì xóa nhòa; ngay cả đôi lúc nếu có xuất hiện một vài luật trừ ra ngoài định luật này, ta cũng còn thấy khó chấp nhận.
Khi kể câu chuyện dụ ngôn về ông chủ trả lương các người làm công theo cách thức đó, chắc hẳn Đức Giêsu chủ tâm cho thấy: một đàng công bằng vẫn được tôn trọng, “Tôi đâu có xử bất công với bạn…”, trong khi đó có một yếu tố ‘cào bằng’ rất lạ xuất hiện để trở thành nét đặc trưng của Nước Trời đang đến; “Tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng bằng bạn đó…” Thoạt tiên ‘cào bằng’ xem ra như đạp đổ tính công bằng của luật nhân quả, thưởng phạt, và đó là lý do của sự giận dữ kêu trách của những kẻ lẽ ra phải được coi trọng hơn. Tuy nhiên chính sự vô lý đó lại mời gọi ta khám phá ra nét độc đáo có một không hai đứng đàng sau Tin Mừng: “Tôi tốt bụng”, Thiên Chúa nhân lành, Ông Chủ đầy từ tâm.
Qua câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu đang vẽ lên hình ảnh một Thiên Chúa - Cha của Người khác xa hình ảnh Đức Chúa của Cựu Ước, khác xa với Ngọc Hoàng truy xét con người với tầm sét Thiên Lôi. Sự công bằng của Tin Mừng là công bằng của lòng từ nhân và thương xót. Nếu không thấu hiểu và chấp nhận sự công bằng này, sự công bằng mà chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải bằng cả cuộc sống và cái chết của Người, thì có thể cả tôi nữa cũng sẽ phải cằn nhằn ghen tức Thiên Chúa mà thôi: “Mấy người sau chót chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Và nếu Nước Trời chính là công bằng của lòng từ ái (tốt bụng) thì đúng là lúc đó tôi sẽ bị liệt vào hạng ‘những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót…’ Thật đáng tiếc, những người thợ của giờ thứ nhất đã không khám phá ra điều này để phải cằn nhằn với chủ và ghen tức với đồng bạn. Lẽ ra họ đã phải rất tự hào và sung sướng vì đã được diễm phúc làm lụng cho Ông Chủ tốt bụng suốt 12 tiếng, trong khi tiếc cho các bạn khác vì chỉ được gần gũi phục dịch Ngài trong một thời gian quá ngắn ngủi như thế.
Nếu không khám phá ra Thiên Chúa ‘tốt bụng’ của Đức Ki-tô, niềm tin và việc giữ đạo của Ki-tô hữu chúng ta cũng có nguy cơ trở thành một chuỗi những ‘công việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Chúng ta cũng sẽ rất dễ dàng phàn nàn và ghen tức khi thấy rằng mình, bất chấp các nỗ lực sống luân lý cách gương mẫu, cũng chẳng được ưu đãi hay nhận được ân huệ gì hơn những kẻ ‘tội lỗi và dân ngoại’ khác.
Khi áp dụng qui luật này vào chính mình, nhiều khi tôi cũng cảm thấy vui sướng và hãnh diện tạ ơn vì nhận được các ân huệ đặc biệt như trở thành tu sĩ, linh mục... vì cho rằng đó là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng tu luyện của mình; đồng thời những khi gặp thử thách gian nan tôi cũng dễ dàng chao đảo và mất lòng trông cậy. Thi thoảng khi thoáng nhận ra Thiên Chúa tốt bụng với kẻ khác... tôi cũng rơi vào tình trạng “hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Chính vì thế mà tôi vẫn thấy rất lý thuyết và xa vời cái tâm tình tạ ơn không ngừng của Ki-tô hữu; ‘tất cả đều là hồng ân’ không gì hơn một khẩu hiệu đầu môi chóp lưỡi… vì nhiều lúc tôi đâu có tìm thấy một lý do nào để mà cảm tạ. Ôi thật đáng thương cho tôi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, và Tin Mừng tôi sống sẽ chỉ là một nửa dang dở!
Lạy Chúa từ nhân, con không muốn là người thợ ‘đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót’. Xin ban cho con ơn huệ vĩ đại là không ngừng nhận biết Chúa là Ông Chủ công bằng giầu lòng xót thương, nhờ đó con sẽ có khả năng cảm tạ Chúa không ngừng trước bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống mình; và vui mừng vì nhận ra Chúa xót thương hết thảy mọi người, nhất là những kẻ thấp hèn và tội lỗi. Xin hãy giúp con luôn biết khiêm tốn dâng lời ca khen lòng nhân hậu Chúa không ngừng. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB