Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm A
Mt 4: 1-11
Chúng ta đã cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay Thánh hôm thứ Tư lễ Tro vừa qua. Khởi đầu Mùa Chay Thánh với việc xức tro. Cử chỉ bỏ chút tro lên đầu và vị chủ sự mời gọi: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”, Giáo Hội muốn mời gọi con cái của mình khiêm tốn và ý thức thân phận con người chẳng là gì cả, chỉ là bụi tro mà thôi.
Hôm nay, với Chúa Nhật I Mùa Chay, bài Tin Mừng thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và sau đó bị Ma Quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng.
Qua đó, Giáo Hội muốn nhắc cho con cái của mình là: hãy sám hối để bắt đầu bước vào hành trình tập luyện và chiến đấu thiêng liêng. Trong hành trình ấy, mẫu gương của Đức Giêsu trong sa mạc hôm nay được hiện lên như một động lực, điểm tựa cho mỗi chúng ta.
Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu
Khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha qua việc vâng lời tuyệt đối khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu đã trở nên Cứu Chúa của nhân loại. Vì thế, khởi đầu cuộc sống công khai, Ngài đã vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, để tìm thánh ý Thiên Chúa Cha, hầu chu toàn ý định của Người. Sau khi chay tịnh, Đức Giêsu cảm thấy đói, vì thế, nhân cơ hội này, Ma Quỷ đã tiến đến và cám dỗ Ngài.
Cám dỗ đầu tiên mà Ma Quỷ tấn công Đức Giêsu chính là cám dỗ về của ăn nuôi thân. Lợi dụng lúc Đức Giêsu đói, Ma Quỷ đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này, nên hắn đã tiến lại gần và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4, 3). Ma Quỷ thật tinh vi, nhưng Đức Giêsu đã không bị những thứ lương thực chóng tàn, mau hết làm cho Ngài sa ngã, vì thế, Ngài đã chiến thắng ngay từ cơn cám dỗ đầu tiên khi nói cho chúng biết lương thực của Ngài chính là làm theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài nói: “Đã có lời chép rằng: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra’” (Mt 4,4).
Cơn cám dỗ thứ hai mà Ma Quỷ muốn tấn công chính là đề nghị Đức Giêsu sử dụng quyền lực. Vì thế, nó đã nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’” (Mt 4,6).
Tuy nhiên, Ma Quỷ đã lầm khi tưởng rằng Đức Giêsu sẽ sử dụng quyền lực theo kiểu thế gian, để trổ tài theo ý của nó bằng những cú nhảy đẹp mắt, những pha ngoạn mục. Nhưng lại thêm một lần nữa chúng thất bại và chịu tác dụng ngược lại khi Đức Giêsu cho chúng biết rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7). Khi cám dỗ Đức Giêsu như thế, Ma Quỷ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ mắc bẫy để sử dụng ý riêng của Ngài thay cho thánh ý Thiên Chúa Cha. Nhưng không! Đức Giêsu đã đi theo con đường khiêm tốn mà Chúa Cha muốn nơi Ngài.
Thất thế lần hai, Ma Quỷ vẫn chưa chịu thua, chúng tấn công lần thứ ba. Lần này chúng nhắm tới danh vọng. Ma Quỷ đã nịnh hót Đức Giêsu, và “đem Người lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’” (Mt 4, 8-9). Nhưng lần cuối cùng này chúng vẫn thất bại và chịu sự quở trách nặng nề của Đức Giêsu, đồng thời Ngài cũng xác định danh giới của chúng khi nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi’” (Mt 4, 10).
Qua câu nói này, Đức Giêsu khẳng định thật rõ Ngài là Con Thiên Chúa, nên chỉ có bổn phận phục quyền và tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.
Như vậy, cả ba lần cám dỗ, chúng đều lãnh nhận những thất bại. Nếu chúng tập trung vào: thú, lợi, danh, để hy vọng hạ gục được Đức Giêsu, để Ngài phải phục quyền chúng, và nhất là nó muốn phá vỡ chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, ý định đó đã không thành, vì Đức Giêsu đã lựa chọn con đường Thiên Chúa Cha muốn, đó là con đường tự hủy nhờ đức vâng lời.
Ma quỷ cám dỗ chúng ta
Cơm, áo, gạo, tiền, vinh hoa, phú quý, quyền cao, chức trọng luôn gắn liền với thực tại của con người. Con người luôn hướng chiều về những điều đó vì mục đích sinh tồn của bản năng nơi loài thụ tạo. Vì thế, người ta chấp nhận và làm mọi cách để đạt được những mục đích trên.
Ma Quỷ là loài tinh quái, xảo quyệt. Nó đánh trúng tim đen của con người. Nó biết rất rõ nhu cầu và điểm yếu của chúng ta. Thực vậy, những nhu cầu như ăn uống, danh vọng, địa vị, chức quyền và sau cùng là tự phụ, khoe khoang, kiêu ngạo luôn theo sát mỗi người từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Cái quỷ quyệt của chúng là đưa ra những chiêu thức rất hấp dẫn, toàn là màu hồng để quyến rũ con người. Nhưng thực ra, những điều mà chúng cám dỗ ta chỉ là nửa sự thật mà thôi, chứ không phải sự thật tuyệt đối. Một khi con người sa lầy trước cám dỗ của nó, con người mới ngỡ ra là nó đã đưa mình vào những ảo vọng hão huyền.
Cách thức của chúng dùng chính là qua một trung gian, một cơ hội hay một sự vật:
Qua trung gian là con người, chúng tìm cách để người nào đó rủ rê dần dần ta phạm tội. Lúc ban đầu chỉ là những chuyện lặt vặt, nhỏ bé hằng ngày. Tuy nhiên, dần dà lâu ngày thành quen. Tội nhẹ, rồi dẫn đến tội trọng. Nay ăn cắp quả ổi là chuyện bình thường; ngày mai ăn chộm con gà cũng chẳng sao; ngày mốt lấy con trâu, rồi cuối cùng giết người cướp của.
Từ chuyện rất nhỏ, nhưng nó làm cho con người trai lỳ lương tâm và mất dần cảm thức về tội, nên chúng ta không lạ gì khi thấy nhiều người cứ nhởn nhơ trong vũng lầy tội lỗi mà vẫn tự hào mình là người tốt. Những người như thế, thường tìm mọi cách để ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Họ dùng những phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Họ sẵn sàng làm từ thiện để che lấp những tội ác như tham nhũng, bóc lột và buôn gian, bán lậu. Hay nói cách khác, họ dùng hình thức rửa tiền để che đậy những việc làm mờ ám của mình.
Thật vậy, là con người, ai cũng muốn có cơm no, áo ấm, rồi dần dần dẫn đến tình trạng ăn ngon mặc đẹp, tiếp theo chính là thỏa mãn xác thịt, ăn chơi trác táng và cứ như thế, chẳng mấy mà dẫn đến “Cực lạc sinh bi ai?”. Đây chính là cơn cám dỗ đầu tiên mà Ma Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu.
Cơm cám dỗ thứ hai mà trước kia Ma Quỷ cám dỗ Đức Giêsu, thì ngày nay, nó cũng không buông tha chúng ta. Thật vậy, nó tấn công chúng ta về quền lực, vinh quang, phú quý để làm cho ta ra mê muội và tìm mọi cách để đạt được những điều ta muốn dù là bất chính.
Cám dỗ cuối cùng mà nó tấn công Đức Giêsu là tham lam, danh vọng. Ngày nay, nó vẫn thường cám dỗ chúng ta như thế. Nó đánh đúng sào huyệt tham sân si của con người, rồi sau đó, con người phải tôn thờ nó. Xin nhắc rằng, Ma Quỷ nó làm được nhiều thứ để cám dỗ con người, nhưng chỉ có một điều mà nó không làm được, đó là không cho con người được hạnh phúc thật và sự sống đời đời mà thôi.
Như vậy, Ma Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu về 3 điểm, đó là: thú, lợi, danh. Đến lượt chúng ta, nó cũng không ngừng tấn công chúng ta về những điểm trên.
Nhưng, như Đức Giêsu đã chiến thẳng, còn chúng ta ngày nay thì sao? Mỗi khi đứng trước cám dỗ, chúng ta phải làm gì?
Khi bị cám dỗ, ta phải làm gì?
Mỗi khi cám dỗ đến với chúng ta, xin hãy nhớ lại lời Đức Giêsu cảnh báo để thêm sự cẩn trọng, hầu không vì kiêu ngạo mà mắc vào cạm bẫy của chúng: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26, 41). Hay Đức Giêsu nói với Phêrô về sự nguy hiểm của chúng: “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Và khi thánh Phêrô đã cảm nghiệm rõ nguy hiểm của Ma Quỷ, nên ngài đã cất lên lời khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì Ma Quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tiìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
Nhiều người quá coi thường chúng nên dần đi vào con đường mà chúng vạch ra cho lúc nào không hay.
Thật vậy, có nhiều người vì ích kỷ, nên sinh ra cố chấp với anh chị em trong cộng đoàn, rồi kết cục bỏ Chúa và không tham gia sinh hoạt đoàn thể vì tính kiêu ngạo của mình. Những người như vậy, họ theo đạo vì ông này bà nọ, chứ không phải vì Chúa. Bởi vậy, khi họ có chuyện khúc mắc với anh chị em thì họ bỏ luôn Chúa, vì đâu biết rằng những người kia, họ chỉ là phương tiện, là cầu nối để ta gặp được Chúa, chứ không phải họ là Chúa. Đây là cách mà Ma Quỷ thường hay tấn công vào những người thiếu sự khiêm tốn, cố chấp.
Lại có những người luôn nghĩ mình là tốt lành, thánh thiện, nên không sợ gì sa ngã vào con đường tội lỗi, vì thế, họ không ngần ngại khi được bạn bè rủ rê đi vào chốn ăn chơi trụy lạc vì nghĩ rằng: tướng Quỷ cũng không bao giờ quyến rũ được mình. Tuy nhiên, biết bao người đã trở thành nô lệ của chúng chỉ sau vài cuộc ăn chơi. Riết thành quen, không đi thấy nhớ. Hay cũng có những người nghĩ rằng mình cũng cần phải thâm nhập thực tế để cứu giúp những người tội lỗi ra khỏi cuộc sống bê bối của họ, nhân danh việc tốt để dẫn đưa anh chị em thoát khỏi vòng tội lỗi, tuy nhiên, cũng lại không ít người đã thay đổi vai trò. Từ người cứu giúp chuyển dần sang thành người đi theo và cùng nhau phạm tội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chúng ta coi thường mối nguy hiểm của công việc và coi thường sự sự khôn ngoan, tinh xảo của Ma Quỷ.
Thấy được sự nguy hiểm này, nên Đức Giêsu mới dạy các môn đệ cầu nguyện trong kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và trong kinh Ăn Năn Tội cũng có câu: “Nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội”. Trong dân gian, trải qua cuộc sống, người ta đúc kết thành kinh nghiệm và khuyên: nếu lượng sức mà không vượt qua được thì hãy “đào vi thượng sách”.
Thực vậy, sức con người thì giới hạn, vì thế, không thể nào chống trả được những cơn cám dỗ. Nếu muốn chiến thắng, chúng ta phải cậy dựa vào ơn Chúa. Nói như thánh Phaolô: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).
Khi chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa và đi theo con đường của Chúa, chúng ta dùng chính võ khí của Đức Giêsu để chiến đấu. Võ khí đó là gì? Thưa! Đó là sự khiêm tốn và vâng lời, đơn sơ, chân thật. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế, phải cẩn trọng trong việc lựa chọn trước những trào lưu tục hóa như ngày nay. Đứng trước sự lựa chọn, thánh Phaolô đã cho chúng ta một kiểu mẫu: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi truyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8). Ăn chay, cầu nguyện và bố thí chính là xác định thật rõ về sự giới hạn của chúng ta với Đấng Tuyệt Đối. Ăn chay để hãm dẹp nết xấu và ý thức được thân phận mong manh của mình. Cầu nguyện chính là xin Chúa trợ giúp và cùng đồng hành với chúng ta để chúng ta chiến đấu chống lại Ba Thù. Bố thí chính là vượt ra khỏi sự ích kỷ vốn là mầm mống của tội lỗi, để sống hiệp thông, liên đới với anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu, xưa kia Chúa đã chiến đấu và chiến thắng Ma Quỷ. Giờ đây, xin giúp chúng con chiến thắng được Ba Thù, để thuộc trọn về Chúa như Chúa thuộc trọn về Thiên Chúa Cha. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển