Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm A
Ga 6: 51-59
Chúa Giêsu đến trong trần gian này cũng chỉ có một ý nghĩ, cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn.
Chính vì sự sống phần hồn của chúng ta, mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Trong tư cách là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hiệp thông vào sự sống với Người. Nếu chúng ta tin vào Người, chúng ta được đi vào trong sự sống với Người, trong sự sống vĩnh cửu. Ở đây Người giải thích cặn kẽ Người là bánh ban sự sống cho chúng ta như thế nào: Trong cái chết trên thập giá, Người hiến mình cho thế gian được sống và Người ban cho chúng ta thịt và máu Người làm của ăn của uống.
Chúa Cha chính là nguồn phát xuất ra mọi sự: Ngài gửi Chúa Con đến với loài người như là “bánh ban sự sống” (6, 32.44), nhưng cũng dẫn đưa loài người đến với Đức Giêsu trong tư cách là “bánh ban sự sống” (cc. 37.44.65). Thiên Chúa là Cha “hằng sống”, là chính sự sống, là sức sống viên mãn không bao giờ cạn kiệt, là Thiên Chúa hằng sống. Đức Giêsu được sai phái đi bởi Chúa Cha và có sự sống bởi Chúa Cha; Người cũng có thể thông ban sự sống thần linh. Bánh ban sự sống đến từ Chúa Cha hằng sống và nhận từ Chúa Cha tất cả sức mạnh ban sự sống. Bởi vì Người phát xuất từ Chúa Cha hằng sống, Đức Giêsu là bánh ban sự sống, là bánh từ trời xuống.
Trong kinh nghiệm của quá khứ, ta thấy người Do Thái bị vấp phạm nặng nề vì lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Với mức độ Chúa Giêsu mạc khải rõ ràng hơn, sự đối kháng cũng tăng theo. Lúc đầu, còn là những xầm xì, nay đã trở thành tranh luận. Nếu cố gắng ép nghĩa, thì cũng có thể hiểu lời khẳng định của Chúa Giêsu theo nghĩa ẩn dụ: ăn và uống đây chính là học hỏi Lề Luật. Nhưng dựa theo giọng điệu của Chúa Giêsu, những lời Người nói, người Do Thái đã hiểu rằng phải hiểu mọi sự theo nghĩa chữ.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và nói trước mặt các môn đệ: “Đây là Mình Thầy”, lập tức mọi người hiểu rằng tấm bánh kia là thân thể Chúa, nghĩa là tấm bánh kia, bên ngoài có hình thù, mầu sắc, hương vị của bánh nhưng bản thể của bánh đã biến sang bản thể của Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa Giêsu đã cầm và phân chia cho các môn đệ chính là bánh của bữa ăn hằng ngày nơi Ngài sống. Chén rượu cũng vậy, và bánh ấy, rượu ấy, đã được biến đổi thành Mình Máu Ngài. Do đó mầu nhiệm Thánh Thể còn là mầu nhiệm chia sẻ, chia sẻ để mọi người cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa Giêsu dùng như dấu chỉ các môn đệ làm để nhớ đến Ngài: Hai môn đệ đi Emmau đã nhân ra Đấng Phục Sinh và chính lúc Ngài “cầm lấy bánh chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho hai ông…” (Lc 24,30-31).
Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống Kitô hữu. Trước hết vì ở đây cử hành mầu nhiệm Cứu độ. Chúa Giêsu đã chết để cứu chuộc nhân loại. Người chết vì yêu thương chúng ta. Ngoài việc chết một lần trong lịch sử, Chúa còn dùng Thịt và Máu nuôi dưỡng ta, để biểu lộ Tình yêu của Chúa, để ta thông hiệp với sự sống vô biên của Chúa, của một vị Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến muôn đời. Những thực tại này được thể hiện trong bí tích Thánh Thể, trong Thánh Lễ. Sống cuộc sống thế trần chúng ta cốt đem sự sống tới cho loài người và bí tích Thánh Thể chính là suối nguồn sự sống. Chúng ta cần năng tiếp xúc với nguồn sống đó, chúng ta mới có sự sống để có thể chuyển thông sự sống ấy cho người khác.
Bí tích Thánh Thể đáp ứng những nhu cầu về linh hồn và thân xác. Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Có nhiều nơi, các tín hữu có thói quen thay phiên nhau Chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày đêm. Có những người quỳ lặng cầu nguyện trước Nhà Tạm hàng giờ để kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn suối ủi an và nơi nương tựa. Chính Chúa Giêsu đã phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Ta ăn thịt và uống máu Đức Giêsu, ta đón nhận các quà tặng của chính Người và tuyên xưng niềm tin rằng Người hiện diện trong bánh và rượu đã được truyền phép và chỉ nhờ Người, Đấng được giương cao và chịu đóng đinh, chúng ta mới có sự sống đời đời. Khi đó, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra rằng Thịt và Máu Người chính là bằng chứng cao cả nhất về tình yêu của Chúa Cha và của chính Người đối với nhân loại, đồng thời cũng là bảo chứng về sự sống đời mà Người muốn ban cho chúng ta.
Đã hiệp thông vào thịt và máu Đức Kitô, chúng ta trở thành “Đức Kitô toàn thể”. Do đó, chúng ta cũng phải trở thành “lương thực” nuôi dưỡng anh chị em chúng ta. Mãi mãi chúng ta sẽ thấy mình bất xứng, muốn co lại, khép kín trên chính mình, nên cứ phải để cho Đức Giêsu giúp biết hy sinh hầu phục vụ sự sống của anh chị em mình.
Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nghĩa là đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Từ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ đưa chúng ta đến việc hiệp nhất với các anh chị em tín hữu. Vì liên kết với Chúa Kitô, nên chúng ta cũng liên kết với nhau để làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, điều mà Thánh Phaolô gọi là “Nhiệm thể Chúa Kitô”. Ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô là lãnh nhận một động lực mạnh mẽ nhất để dẹp bỏ và xua tan những mối bất đồng, những mâu thuẫn sâu xa nhất để chỉ còn trở nên với Chúa Kitô một thân xác và một linh hồn. Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô hữu trong Bí tích Thánh Thể có sức mạnh thu phục những khách bàng quan, những người xa lạ đến với Giáo Hội, như các tín hữu thời sơ khai đã từng chinh phục và đem lại ảnh hưởng lớn lao cho thế giới ngoại giáo:
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.
Kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể sẽ mang lại nguồn tươi mát và dịu êm. Giáo Hội mời gọi chúng ta năng kính viếng và lặng quỳ bên Thánh Thể Chúa. Chúng ta sẽ gặp gỡ một Chúa thật có trái tim biết cảm thông và yêu thương.
Và như vậy, ta hãy xin Chúa thêm ơn khiêm hạ cho ta khi ta đón nhận Chúa vào tâm hồn ta. Xin cho ta biết mau mau tìm đến bên Chúa là nguồn mạch sự sống, lương thực nuôi dưỡng tâm hồn của ta.
Huệ Minh