Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên, Năm A

Mt 16: 21-27

Được sinh ra làm người là một hồng ân. Được làm con Chúa là một hạnh phúc. Nhưng, khi lớn lên, hồng ân và hạnh phúc đó phải được triển nở không ngừng trong tương qua với Thiên Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, để hoàn thiện, cần phải có những chọn lựa khôn ngoan.

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ theo mình để được hạnh phúc trọn vẹn. Con đường mà Ngài mời gọi lại không phải là con đường dễ dãi, thênh thang, mà là con đường hẹp. Con đường đó là “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24).

Tại sao vậy? Thưa! Vì đây là ý định cứu độ của Thiên Chúa muốn Đức Giêsu thi hành. Quả thật, Đức Giêsu đã đón nhận cũng như thi hành cách trung thành và trọn vẹn trên con đường ấy. Đến lượt chúng ta, phần vì muốn được cứu độ; phần vì muốn cộng góp với Đức Giêsu trên hành trình cứu độ nhân loại, hẳn chúng ta không còn con đường nào khác là con đường: “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy”(Lc 16,24).

Từ bỏ mình, có mất tự do không?

Tin Mừng kể lại: sau khi Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ biết về sứ mạng Thiên Sai của Ngài là phải chết để cứu chuộc con người. Song song với việc tiên báo đó, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ cũng đi vào con đường của Ngài để cùng chung chia sứ mạng mà Ngài đang thực hiện. Tuy nhiên, điều kiện rất quan trọng mang tính quyết định, đó là: “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24).

Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Vì tại sao Đức Giêsu lại muốn các môn đệ đánh mất sự tự do, từ bỏ cái tôi, tức là hủy mình ra không!!! Điều đáng nói là chính Thiên Chúa đã trao ban cho con người tự do, và Ngài chấp nhận con người dùng tự do theo ý hướng của họ. Vậy thì đòi hỏi này của Đức Giêsu có nghịch lý chăng?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cùng nhau khám phá ý nghĩa đích thực của nó dựa trên mặc khải của Thánh Kinh.

Theo lối hiểu của Kinh Thánh và ý muốn của Đức Giêsu thì sự đòi hỏi này mang tính tích cực cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc.

Khởi đi từ câu hỏi rất thân tình: “Ai muốn theo Thầy?”. Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát, nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề, mất tự do. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống mới theo tinh thần Tin Mừng.

Khi mời gọi như thế, Đức Giêsu muốn người môn đệ tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, thích ăn trên ngồi trước, thích được người khác phục vụ…, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi cho phần rỗi của mình và niềm vui, hạnh phúc của kẻ khác.

Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là con đường hẹp, gồ ghề và chông gai… Con đường đó là con đường của từ bỏ: “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24). Trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

“Từ bỏ mình vác thập giá mà theo” có ý nghĩa gì?

“… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24), tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường khó khăn, thiệt thòi, con đường của hy sinh, tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.

Từ bỏ chính mình là một điều khó. Khó vì nhiều lý do: ai sinh ra trên trần gian này cũng đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác. Khi khẳng định như thế, chủ thể tôi cũng muốn xác định lập trường của mình rằng: không ai có quyền lấy đi hay bắt buộc tôi phải từ bỏ những ý định riêng tư mang tính cá biệt của chính tôi.

Xét theo tâm lý học hay triết học thì đây phải chăng là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác! Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình; nhưng còn được tất cả. Hay nói cách khác, từ bỏ mình để kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Bởi vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nay ta tháp nhập với Ngài, thì ta trở về với chính nguồn cội nơi ta phát xuất ra. Được như thế là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Thật vậy: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3).

Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời.

Từ bỏ chính mình là một cách minh nhiên cho thấy ta sẽ ưu tiên cho việc đi theo Chúa hơn là công việc của Chúa.

Nếu không từ bỏ chính mình, thì hẳn ơn gọi và sứ vụ của người môn đệ không thể hướng tha, mà chỉ là quy về mình và sống trong sự ích kỷ, vụ lợi mà thôi.

Nếu theo Chúa mà cồng kềnh thì khó lòng vượt qua những khó khăn thử thách, và cái tôi của mình là một rào cản lớn có tầm ảnh hướng đến việc được hay mất.

Đức Giêsu không muốn các môn đệ đi theo mình với những nỗi niềm chờ mong sai lạc, nhưng Đức Giêsu muốn họ vui chọn cuộc sống thiếu thốn và cực khổ vì hạnh phúc của kẻ khác, biết từ bỏ cái tôi xác thịt, ham muốn hưởng thụ riêng mình mà chọn lấy niềm vui khi chia sẻ với người khác.

Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu

Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi.

Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí nhưng thứ cồng kềnh như: quyền lực; tiền bạc; danh lợi; ý riêng; tự kiêu; bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành.

Mặc lấy Đức Giêsu tức là ta trở nên giống Ngài. Nên giống Ngài là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng của mình để thay vào đó là ý Chúa như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Mặc lấy Đức Giêsu cũng là lúc phải ra khỏi những định kiến riêng tư để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ.

Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý.

Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài.

Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn cách trung thành, ngõ hầu chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa và như Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch