Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên, Năm A

Mt 5: 1-12

Thường người ta nghĩ rằng, những người được chúc phúc là những người giỏi, thông thái, người giầu sang, người có sức mạnh, người được việc, người thành công trên đời. Nhưng Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cái nhìn khác.

Những người được chúc phúc là những người nghèo, người hiền lành, người thương cảm người, người nhân ái, người kiến tạo hoà bình, người đơn sơ trong sáng, người khao khát điều tốt lành, và cả những người bị bách hại nữa.

  1. Phải chăng người giầu hạnh phúc

Tiền bạc là một yếu tố rất quan trọng trong đại đa số đời sống con người. Nó ảnh hưởng đời sống gia đình, ảnh hưởng tâm lý cá nhân, và đôi khi là yếu tố chính yếu chi phối đời sống cá nhân và gia đình. Tiền bạc ảnh hưởng đặc biệt trên những người coi tiền bạc là quan trọng. Với những người này, “đồng tiền là Tiên là Phật”, đồng tiền có thể điều khiển tất cả, thậm chí cả lề luật: “kim ngân phá lề luật”. Dùng tiền, người ta mua được tất cả: “có tiền mua tiên cũng được”. Với những người này, tiền bạc có thể mua được vợ được chồng (nhưng họ không mua được tình yêu), có thể mua được hạnh phúc kiểu “nhất dạ đế vương” (nhưng họ không mua được hạnh phúc sâu thẳm trong tâm hồn mà bình an là dấu chỉ).

Trên đời, rất nhiều người đi tìm tiền bạc. Họ nghĩ rằng có tiền, là có quyền lực, danh giá, được trọng vọng, và hạnh phúc. Tuy vậy, thực tế không hoàn toàn như vậy. Bao nhiêu người giầu sang cũng khổ. Chưa đủ làm con người hạnh phúc khi chỉ thoả mãn những đòi hỏi vật chất. Gia đình là một yếu tố rất quan trọng. Nếu có tiền của, mà có người vợ hoặc chồng không chung thuỷ, mà con cái hư hỏng, thì làm sao người đó hạnh phúc được. Tiền bạc, không là một yếu tố làm người chồng hoặc vợ chung thuỷ, làm con cái ngoan và tốt lành. Nếu một người coi tiền bạc là quan trọng, và người chồng hoặc vợ, con cái họ cũng quan niệm như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra? Những người này có thể nghĩ: tại sao tôi phải trung thành với người chồng hay vợ của tôi, khi người khác có thể cung cấp cho tôi hơn điều người chồng hay vợ hiện tại cung cấp cho tôi, tại sao tôi phải trung thành khi tôi thích người này người kia, tại sao tôi phải “sống tốt” theo tiêu chuẩn luân lý, mà cha hoặc mẹ tôi không sống theo đó. Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ gian ác. Nếu người nào coi tiền bạc như phương tiện, người đó sẽ tốt; nhưng nếu ai coi tiền bạc là nhất, và họ chỉ biết đi tìm tiền, thì họ sẽ bất hạnh.

Biến cố của những cuộc đảo chánh chính trị, những cuộc chiến tranh, những tai họa, chẳng hạn cuộc đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, biến cố 30 tháng 4, biến cố 11 tháng 9 ở World Trade Center, cuộc chiến Afganistan mới đây. Bao người giầu và quyền thế, bỗng chốc trở thành bình thường. Những biến cố đó, tuy dù tiêu cực, nhưng cũng giúp con người nhận ra sự thật về con người.

  1. Nghèo làm sao hạnh phúc

Những người bị bách hại, là những người không còn hoặc không có quyền lực, bị người khác đàn áp và làm khổ. Mạng sống họ bị đe doạ, nhân phẩm không được tôn trọng, không có quyền lợi; tất cả những điều này giúp họ nhận ra điều gì trường tồn, đâu là giá trị thật trên đời. Trong hoàn cảnh khốn cùng, họ nhận ra giá trị đích thực của giầu có, tài năng, và chức vị. Thiên Chúa lúc đó là hy vọng cuối cùng của họ.

Khi một người nhận biết thực tại quan trọng “Thiên Chúa và con người”, và rồi thương cảm người bất hạnh, thương những người túng thiếu, thương cảm những người đang bị nô lệ bởi bao ràng buộc vật chất và tinh thần, và sẵn sàng giúp đỡ những người này, thì họ là những người được chúc phúc. Họ hạnh phúc ngay trong cuộc sống này.

Lời Chúa trong thư gởi tín hữu ở Corintô cho thấy, đa số các Kitô hữu không là những người khôn ngoan thông thái theo tiêu chuẩn người đời, không phải là những người giầu sang quý phái, không phải là những người thế lực, nhưng Thiên Chúa đã chọn để mặc khải cho họ biết điều làm con người hạnh phúc.

  1. Hạnh phúc đích thực

“Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong được vào”. Có nhiều người sau một thời gian dài trong cuộc sống, mới nhận ra điều mà các Kitô hữu được nhận biết qua lời dạy của Chúa về tiền bạc, về danh vọng, về quyền lực. Họ phải trả một giá khá đắt để nhận ra bài học đó, và đôi khi khá trễ trong đời.

Hạnh phúc đích thực hệ tại một đời sống trong sáng, coi con người là quan trọng, yêu thương giúp đỡ người khác, nhân ái tha thứ những lỗi lầm của con người. Hạnh phúc ở đây không nhằm thoả mãn những đòi hỏi của xác thịt vật chất, nhưng là hạnh phúc khi thấy người khác vui và hạnh phúc, khi thấy mình giúp người khác bớt buồn và vui hơn.

Hạnh phúc đích thực có Thiên Chúa là nền tảng. Hạnh phúc đích thực không chỉ là hạnh phúc đời sau, nhưng là hạnh phúc ngay ở đời này. Niềm vui con người cảm nghiệm từng ngày trong đời, khi họ nhận ra những hồng ân Thiên Chúa ban, khi họ nhận ra Thiên Chúa dùng mình để giúp người khác nhận ra sự thật, giúp người khác được giải phóng khỏi quan niệm sai lầm để vui sống.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Xin bạn kể một vài người giầu không hạnh phúc, một vài người nghèo hạnh phúc mà bạn biết qua kinh nghiệm.
  2. Đâu là những bất lợi của giầu và nghèo? Nếu được chọn giữa giầu và đẹp (nữ), giữa giầu và giỏi (nam), bạn chọn điều nào? Tại sao?
  3. Hiện tại bạn có hạnh phúc không? Tương lai bạn có thể hạnh phúc không? Tại sao?

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch