Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm B
Ga 1, 35-42
Hình ảnh con chiên rất quen thuộc trong cả văn học lẫn cuộc sống Tây Phương. Con chiên đã thành một đề tài hấp dẫn trong Thánh Kinh, nhất là từ tiên tri Isaia. Người Tôi tớ Ðau khổ "giống như con chiên bị đem đi giết" (Is 53). Con chiên vô tội chính là Con Thiên Chúa xuống trần chết thay cho muôn dân, như thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu : "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1:29).
Hình ảnh con chiên không hề xuất hiện trong văn chương và dân gian Việt Nam. Nếu Kitô giáo không du nhập Việt Nam, chắc hình ảnh con chiên không bao giờ lọt vào văn học. Trái lại con dê lúc nào cũng có sẵn trong nền văn học dân gian. Con dê là một trong 12 con giáp. Con dê thành đề tài đàm tiếu cho bao câu truyện dân gian.
Chiên hay dê, mỗi con một vẻ. Nhưng nếu đặt chiên và dê bên nhau, tự nhiên một hình ảnh đầy ý nghĩa xuất hiện. Chiên càng đơn sơ bao nhiêu, dê càng phá phách, càng dê bấy nhiêu. Hình ảnh con chiên đạt tới ý nghĩa phong phú nhất nơi Chiên Thiên Chúa. Vì Chiên Thiên Chúa đã trả lại cho nhân loại tất cả những giá trị cao đẹp nhất.
CHIÊN THIÊN CHÚA
Ngay từ trong Cựu Ước, con chiên đã chiếm một địa vị trung tâm. Con chiên trong bụi gai mắc sừng đã trở thành mồi ngon cho lưỡi dao Abraham, chết thay Isaac (x.Stk 22:13). Chiên Vượt Qua mang một chiều kích lớn lao trong lịch sử dân thánh (x. Xh 12:21). Các tiên tri như Isaia và Giêrêmia đều nhắc tới con chiên hiền lành bị đem đi giết (x. Is 53:7; Gr 11:19). Hình ảnh con chiên tràn ngập trong sách Khải Huyền. Ðặc biệt chỉ trong một đoạn ngắn, Tin Mừng Gioan đã nhắc tới Chiên Thiên Chúa hai lần (Ga 1:29,36). Như thế Thiên Chúa đã chuẩn bị một hình ảnh thật đẹp và ý nghĩa cho Ðức Giêsu cả ngàn năm trước khi Chúa nhập thể.
Chiên Thiên Chúa đã hi sinh để cứu nhân loại và qui tụ một cộng đoàn dân Chúa. Thánh Gioan Tẩy giả không ngần ngại giới thiệu với các môn đệ con người đến với sứ mạng lớn lao. "Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu"(Ga 1:37). Theo lời mời của Chúa,"họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người"(c.39). " Ở lại" để đi vào tương quan tình yêu thâm sâu với Người, như "Thày ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thày" (Ga 14:10). Từ hiệp thông sự sống với Chúa Cha và Chúa Con nhờ Chúa Thánh Linh đó, hai ông đã trở thành môn đệ đích thực của Ðức Giêsu (x.Fahey 1994:103). Họ đã "xem" thấy tất cả nét huyền nhiệm và cao cả của Chiên Thiên Chúa. Mạc khải đã hé lộ dần dần. Lần lượt Ðức Giêsu được nhận diện là "Thày" (c.38), "Mêsia" (c.41), "Con Thiên Chúa và Vua Israel" (c.49). Sứ mệnh Người vượt quá lãnh thổ một dân tộc. Người đến nối kết đất trời (c.51). Các ông đã "xem" thấy tất cả ý muốn của Thiên Chúa khi kêu gọi các ông. Ðó là dấu chứng tỏ các ông luôn tỉnh thức như Samuel khi nghe tiếng Chúa gọi. Ông đã sẵn sàng đáp lại và vâng phục ý Chúa (x.1 Sm 3:10). Ðó chính là kết quả sau bao tháng năm "ở lại" trong nhà Chúa. Các ông đã sống và chết vì chân lý vô cùng phong phú đó. "Ðặc điểm người môn đệ Ðức Giêsu trong Tân Ước là luôn luôn làm chứng và gắn bó với con người Ðức Giêsu" (Walter 1994:295).
Khi "ở lại" với Ðức Giêsu, các môn đệ Gioan đã thấy những nét gì đặc biệt nơi Ðức Giêsu ? Chắc chắn các ông đã thấy nét đơn sơ và khó nghèo của Chúa. "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8:20). Các ông cũng đã thấy những nét đó nơi sư phụ Gioan. Nhưng hơn Gioan, Ðức Giêsu cho các ông thấy tương quan với những người nghèo và những người bị áp bức trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. "Kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt 11:5) và "phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ"(Mt 5:10).
CỘNG ÐOÀN MÔN ÐỆ
Chính vì địa vị ưu tiên của người nghèo trong Tin Mừng, nên Giáo hội được thành lập để phục vụ người nghèo. Khi phục vụ như thế, người môn đệ làm cho Nước Trời thành hiện thực hoàn toàn. "Tự bản chất, Giáo hội là cộng đoàn các môn đệ" (Rausch 1993: 282). Nhưng "quá nhiều khi trong quá khứ đời sống đạo đức đã lấy thánh hóa bản thân làm mục đích chính yếu, trong khi việc phục vụ hay thừa tác vụ lại bị coi là thứ yếu" (Rausch 1993:284). Bản chất Kitô hữu là phục vụ. Coi việc phục vụ đánh mất phẩm giá Kitô hữu tức là chưa hề biết Chúa Kitô là ai. Chúa có mất nhân phẩm khi quì xuống rửa chân cho các môn đệ không ? Người không công bố Tin Mừng cho một thiểu số ưu đãi. Nhưng linh đạo Kitô thực hiện ngay trong đời sống cụ thể hằng ngày của mọi người. Tinh thần Kitô đòi người môn đệ phải hi sinh tới cùng, sẵn sàng coi mọi người hơn mình và phục vụ mọi người, không trừ ai (x.Mc 9:35).
Người môn đệ không biết đến lối sống kiểu cách và cô độc. Trái lại họ luôn "sống đơn sơ và liên đới với người nghèo và bị áp bức" (Rausch 1993:283). Ðó là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của một người môn đệ Kitô đích thực. Trong một xã hội đầy nhóc những người giàu bên cạnh những người đói nghèo, môn đệ Chúa Kitô luôn đứng về phe người nghèo. Mẹ Têrêsa Calcutta đã hòa mình với những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo. Thời Ðệ Nhị Thế Chiến, Dietrich Bonhoeffer, một mục sư người Ðức, đã rời bỏ nếp sống bình yên tại Mỹ, trở về Ðức sát cánh với dân tộc chống lại Hitler. Ông đã chết vì tình liên đới với người cùng khốn.
Người môn đệ chân chính của Ðức Kitô khởi hành từ niềm tin. Không tin không thể dấn thân cho tha nhân. Vì dấn thân phát xuất từ một con tim xác tín và nồng cháy tình yêu Chúa. Không có sự gắn bó bền chặt đó, không thể hoạt động hay tạo nổi giá trị đích thực Kitô giáo. Cụ thể hơn, làm môn đệ Ðức Kitô nghĩa là cùng chết và phục sinh với Người trong bí tích Thanh Tẩy và lớn lên nhờ bí tích Thánh Thể (x.Egan 1995: 420). Chính nơi nguồn mạch này, người môn đệ Ðức Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của thời đại và lên đường theo tiếng gọi của Ðức Kitô. Người môn đệ lúc nào cũng cần đổi mới nội tâm để thấy rõ những nhu cầu và nghe rõ tiếng gọi đó. Ðây là một cố gắng trường kỳ mang lại cho cuộc đời Kitô hữu một ý nghĩa sâu đậm và một giá trị thực sự.
Cộng đoàn môn đệ Ðức Giêsu chính là "một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ đứng trước Con Chiên"(Kh 7:9). Phải chăng hình ảnh lý tưởng đó chỉ kiếm được trên thiên đàng ? Không, Ðức Giêsu muốn thấy hình ảnh đó ngay trên trần thế. Cho tới công đồng Vatican II quần chúng vẫn quan niệm chỉ những tu sĩ và giáo sĩ mới là các môn đệ Chúa Kitô. Nhưng "từ thời Cải Cách, anh em Tin Lành đã quan niệm toàn thể cộng đoàn Kitô hữu là môn đệ Ðức Giêsu" (Egan 1995:420). Nếu thế, tất cả đều phải theo Chúa Kitô. Không còn cảnh một bên là chủ chăn và bên kia là đoàn chiên thụ động. Không môn đệ nào có quyền khoanh tay đứng nhìn người khác dấn thân. Tất cả đều thuộc về Chúa Kitô, chứ "đâu còn thuộc về mình nữa" (1Cr 6:19). Nếu "đã kết hợp với Chúa, thì (chúng ta) nên một tinh thần với Người"(c.17). Ðã đến lúc người giáo dân phải thực sự ý thức giá trị cao quí của mình, "vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc anh em về" (c.20). Bởi đó tất cả đều hoạt động "để phụng sự Chúa" (c. 13) và "tôn vinh Thiên Chúa". Ðừng đợi tới lúc "mục tử tách biệt chiên với dê" (Mt 25:32) chúng ta mới bừng tỉnh ! Vì "đêm đến, không ai có thể làm việc được" (Ga 9:4).
- Như Hạ, OP