Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm B

Lc 1: 26-38

Trong bài hát “Xin Vâng”, Linh mục nhạc sĩ Mi Trầm viết rằng: “Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.

Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai. Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời”. Tại sao chúng ta phải xin Mẹ dạy cho mình hai tiếng xin vâng? Chúng ta cũng thường thưa xin vâng hằng ngày đối với cha, mẹ, thầy cô, với Linh mục và với Chúa với Đức Mẹ mà. Thế thì lời thưa xin vâng của Đức Mẹ thưa với Chúa hôm nay có khác với lời thưa xin vâng của chúng ta không, khác nhau chỗ nào?

Nếu hôm nay Chúa hiện ra và bảo mỗi người trong quí ông bà anh chị em đây rằng: “Này con, con làm kỹ sư nhé!”. Anh chị em liền thưa: “Xin vâng”. Và “Này con, con hãy làm linh mục!” Anh em liền thưa: “Xin vâng.” Rồi, “Này con, con làm bà Soeur nhé!”, Chị em không một chút do dự thưa: “Xin vâng”. Rồi, Chúa cũng bảo: “Này con, con hãy đi đến vùng đang có bệnh dịch hay có chiến tranh xảy ra để chữa trị bao vết thương cho Ta!” Anh chị em do dự trả lời: “Từ từ để con coi nghĩ lại đã!”. Như vậy, rõ ràng hai tiếng “xin vâng” ấy là vâng có điều kiện và nhất là có lợi thuộc về tôi nhiều hơn. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ hôm nay thì khác. Qua hai tiếng ấy, Mẹ đặt mối quan hệ của mình và Thiên Chúa trong mối quan hệ thấp cao: Mẹ chỉ là nữ tỳ, còn Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Vì vậy, Mẹ xin vâng không điều kiện, không mặc cả, không tìm tư lợi cho mình. Cho nên, Mẹ sẵn sàng trao toàn thân để Chúa có thể làm bất cứ điều gì nếu Chúa muốn dù có đau thương Mẹ vẫn một lòng trung tín với Chúa.

Lời thưa của Đức Mẹ: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Một lời xin vâng quyết liệt, đã xoay chuyển toàn bộ cuộc đời của Mẹ. Chỉ ít lâu sau lời xin vâng này, Mẹ đã gặp không ít khó khăn và đau khổ. Trước hết là trước thái độ nghi ngờ của thánh Giuse khi thấy Mẹ mang thai. Rồi trong lúc bụng mang dạ chửa, Đức Mẹ cùng với Thánh Giuse lặn lội gieo neo đi xuống Bêlem để đăng ký hộ khẩu và rồi sinh con trong cảnh nghèo túng của máng cỏ đêm đông. Rồi, Mẹ phải lặn lội đem con trốn sang Ai-cập. Và rồi Mẹ theo Chúa trên đường lên núi Sọ. Mẹ đã chứng kiến cảnh tượng quân lính đóng đanh Chúa, nhìn Con yêu chết đau đớn. Mẹ đã đứng vững và trầm lặng dưới chân cậy thập giá để chứng tỏ rằng Mẹ luôn kết hiệp và chia sẻ với Chúa trong đau khổ. Và như vậy Mẹ đã đi cho tới tận cùng lời xin vâng của mình. Từng giây từng phút và trong từng biến cố suốt cả cuộc đời, Mẹ không ngừng xin vâng trước ý định muôn thuở của Thiên Chúa và thực hiện một cách trọn vẹn ý định thánh thiện ấy ngang qua thập giá. Mẹ luôn kết hiệp với Chúa và chia sẻ những khổ đau Chúa phải chịu bằng lời xin vâng, dù gặp phải những hoàn cảnh đen tối và đau đớn nhất. Như vậy, lời thưa xin vâng của Mẹ đồng thời cũng là hành động dâng hiến, phó thác, tin tưởng và trung tín với Chúa, cho Chúa, vì Chúa và tha nhân không một tính toán, không một vụ lợi và không một lời oán trách khi gặp khó khăn, đau khổ hay thử thách. Cho nên, Thánh Nữ Têrêsa Calcutta nói: “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nhưng tôi thuộc về Chúa, nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.

Lời “xin vâng” của Mẹ Maria vẫn được lặp lại trong đời sống Kitô hữu mỗi ngày. “Xin vâng” với ý thức là hiến toàn thân cho Chúa qua việc sám hối ăn năn tội và sống Lời Chúa, đồng thời hiệp thông với Ngài mọi biến cố trong cuộc sống ngang qua thập giá của Chúa Kitô. Vậy chúng ta học gương Mẹ, thưa xin vâng với Chúa qua việc sám hối, hy sinh hãm mình và làm việc lành phúc đức trong Mùa Vọng này để được Chúa Giêsu giáng sinh nơi cung lòng chúng ta.

Vì vậy, hôm nay Mẹ dạy ta hai tiếng xin vâng cũng là dạy hãy can đảm thi hành lời mời gọi của Tin Mừng đó là: “xin vâng” thực thi ý Chúa khi gia đình hạnh thịnh vượng cũng như lúc gian nan khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ để cùng với Chúa ta xây dựng gia đình bình an hạnh phúc và tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt trong năm đời sống gia đình, nhất là các gia đình trẻ, anh chị em hãy thưa “xin vâng” trước những đòi hỏi của cuộc sống gia đình: hy sinh, tha thứ, từ bỏ những tính hư tật xấu để giữ tâm hồn trong sạch và sống công chính nhằm xây dựng một gia đình hạnh phúc vững bền, hoà thuận và yêu thương nhau như gia đình Đức Mẹ. Là tu sĩ, giáo sĩ hãy thưa “xin vâng” với Chúa trước những bổn phận và trách nhiệm phải cúi xuống để rửa chân cho chị anh em qua việc yêu thương chăm sóc những người tội lỗi, nghèo khổ, bệnh nhân hay người khuyết tật. Cho nên, trong Tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời. Cả một nhân loại đang chờ đợi: những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh… Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩn trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi trao ban sự sống, tìm thấy hy vọng khi trao ban hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương” (phần II, số 4).

Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết noi gương bắt chước Mẹ nói lời “xin vâng” trong suốt cuộc lữ hành trần thế này. Xin Mẹ cho con biết mở lòng và cộng tác với Ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen.

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch