Chúa Nhật 25 Mùa Thường Niên, Năm B
Mc 9:29-36
Trên đường đến Capharnaum, Chúa Giêsu đã công khai loan báo cuộc thương khó và phục sinh của Ngài lần thứ 2. Lần này Ngài đi thẳng vào vấn đề chứ không rào đón như lần trước. Thế nhưng trước những lời loan báo ấy, thái độ của các mộ đệ thế nào? Xem ra cả hai lần loan báo của Chúa Giêsu không có tác dụng gì đối với tâm thức của các ông cả, chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”.
Theo những gì Tin Mừng thuật lại, ta thấy dường như các ông không hiểu gì hết. Không hiểu, một phần vì các ông không muốn hiểu. Không hiểu, một phần vì các ông vẫn còn bám vào quan niệm về một Đấng Kitô theo kiểu phàm trần.
Mặc dù không hiểu, đúng hơn là “khó hiểu” nhưng các ông lại không dám hỏi. Sống với Thầy gần ba năm rồi, tự dưng hôm nay thấy Thầy “khó gần” quá đỗi. Thế mới hay! Đây cũng là một nghịch lý “khó ưa” nơi các môn đệ. Kỳ thực vì các ông sợ. Sợ điều gì? Sợ hiểu rõ điều các ông không muốn hiểu. Sợ biết rõ sự thật các ông không muốn biết. Và nhất là sợ bị Chúa Giêsu cho “ăn đòn” như thánh Phêrô hôm trước.
Hậu quả là khi khư khư giữ lấy quan niệm về một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, ô-tô-ma-tíc các ông đã sa vào cơn cám dỗ kinh điển của con người: tranh giành địa vị, quyền lực. Trong thâm tâm các ông vẫn luôn nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của Đế Quốc La Mã và tái lập một vương quốc Israel hùng mạnh. Lúc bấy giờ, chắc chắn các ông, chứ không ai khác, sẽ được tân vương Giêsu bổ nhiệm vào 12 chức vụ quan trọng trong điều đình. Vì mang não trạng như thế, nên không lạ gì dọc đường các ông đã “giành ghế” với nhau. Ai sẽ là tể tướng? Ai sẽ là Quân sư? Ai sẽ là Phò mã? v.v… Quả đúng, quyền lực luôn là vấn đề muôn thuở của con người, ngay cả những người đi theo Chúa. Chiến tranh, chia rẽ, xung đột, đau khổ… cũng từ đó mà ra!
Chúa Giêsu đã sửa sai quan niệm và thái độ của các ông ra sao? Chúa Giêsu đã nêu cao tinh thần phục vụ cho các môn đệ của Ngài. Ngài đã, đang và sẽ phục vụ với tư cách là người rốt hết và là người tôi tớ của mọi người: “Ai muốn làm người đứng đầu thì thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35); “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu muốn các môn đệ học lấy bài học này, bài học mà chính Ngài đã “trả giùm” học phí cho họ bằng cái giá đắt đỏ nhất, là máu châu báu của Ngài trên thập tự. Tuy nhiên, đây cũng là bài học “khó xơi” nhất mà có khi các môn đệ phải vật lộn cả đời mới thấy thấm nghiệm.
Rõ ràng ơn gọi của người môn đệ Chúa Kitô là phục vụ, phục vụ theo gương mẫu của Chúa Kitô. Phục vụ chứ không phải là thống trị, và phục vụ đến độ sẵn sàng hi sinh cả mạng sống mình: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45). Ngài còn đồng hoá mình với các trẻ nhỏ, đồng hoá mình với những người bé mọn: “Ai đón tiếp trẻ nhỏ này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy” (Mc 9,37).
Tắt một lời, khi ta chỉ lo tìm kiếm địa vị danh vọng và tranh giành quyền lực hơn thua là ta đang sống theo tinh thần thế tục. Ngược lại, khi ta sống tinh thần khiêm nhường phục vụ là ta đang sống ơn gọi làm người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Có một giai thoại lý thú về bác sĩ Charles Mayo, người thường được nhắc tới với cái biệt hiệu là “bác sĩ giám đốc đánh giày”. Cùng với cha và người em của mình, bác sĩ Charles Mayo đã xây dựng bệnh viện Mayo nổi tiếng trên thế giới tại thành phố Rochester, bang Minnnesota, Hoa Kỳ.
Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quý khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ Charles Mayo làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng! Có thể họ đã quên làm việc này chăng? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang loay hoay đánh những chiếc giày cuối cùng cho các khách quý.
Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành một huyền thoại! Bác sĩ Charles Mayo được ca tụng không những vì có tài chữa bệnh, hay vì những công trình y khoa to lớn đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại, mà còn vì đời sống khiêm nhường phục vụ của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì phục vụ tha nhân, dù việc ấy không xứng với địa vị của ông.
Chúng ta không biết bác sĩ Charles Mayo có thấm nhuần giáo huấn của Đức Kitô hay không, nhưng những việc phục vụ mà ông đã là đúng theo tinh thần của người môn đệ Đức Kitô: càng làm lớn càng phải phục vụ mọi người.
Phẩm giá của người môn đệ Chúa Kitô không được đo bằng chứ này chức nọ trong Giáo Hội hay xã hội, mà được đo bằng chính phẩm chất của việc phục vụ anh chị em đồng loại. Vậy ta đã sống tinh thần phục vụ thế nào? Thường thì ta vẫn thích sai khiến, thích thống trị kẻ khác hơn là phục tùng và phục vụ, và nếu có phục vụ đi nữa, ta chỉ thích phục vụ những kẻ giàu sang quyền thế, hay những kẻ trên mình. Ít khi ta tự nguyện hạ mình phục vụ những kẻ nghèo khó thấp hèn; trong khi đó Chúa lại dạy rằng khi ta phục vụ những kẻ bé mọn là ta đang phục vụ chính Chúa. Mà được phục vụ chính Chúa thì còn vinh phúc nào bằng! Vậy thử hỏi bao nhiêu lần ta đã đánh mất cái phúc vinh lớn lao này vì đã từ chối phục vụ Chúa trong những người anh em bé mọn?
Lạy Chúa, chắc là nhiều nhiều lắm, con đếm không nổi rồi Chúa ơi!!!
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long