2_Sun_of_Easter_CChúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm B

Ga 20, 19-31

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là một cuộc thương lượng, ngã giá cho niềm tin và tình yêu. Nhưng lạy Chúa, đâu phải một mình Thomas thôi, mà thấp thoáng có bóng dáng và khuôn mặt của chúng con đang tham gia trong cuộc ngã giá này.

Đó là khi chúng con hủ hoá tình yêu bằng những cử chỉ tính toán hơn thiệt thật tỉ mỉ và chi li, hoặc trung thành kiểm tra lại sổ kế toán cuộc đời của anh chị em mình. Biết bao phen chúng con đo lường chuẩn mực đạo đức bằng cách đối chiếu với mọi qui tắc đã được đặt ra, hay cho mình là chuẩn mực để luận tội và kết án người đồng loại.

Lạy Chúa, nhiều khi chúng con tìm mua những phần thưởng từ trời cao bằng những giá cả đàng hoàng, như thể niềm tin và tình yêu là thứ hàng hoá để trao đổi chứ không phải để trao dâng một cách vô vị lợi. Những lúc gian truân hay khốn cùng chúng con lại ra giá và thương lượng với Chúa rằng: “Xin Chúa cất chén đắng này khỏi con, rồi Chúa lấy lại  cái gì khác nơi con cũng được, tuỳ Ngài”. Lạy Chúa, chúng con đã thoả thuận với Chúa như thế đấy! Vậy mà Ngài vẫn không chấp tội, nhưng lại yêu thương và yêu thương đến nỗi hiến thân mình làm lương thực để dưỡng nuôi và thêm sức cho tâm hồn chúng con đã vướng bụi trần.

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể,

Chúng con cũng học cách yêu thương như Ngài. Và  chúng con ý thức rằng yêu thương không phải chỉ trao cho nhau những nụ cười xã giao, cũng không phải nắm lấy tay nhau để chào hỏi những câu dư thừa, hay chúc bình an cho nhau mà trong lòng vẫn còn tức tối. Mà yêu thương nhau là phải tha thứ cho nhau.

Nhưng lạy Chúa, mỗi lần tha thứ cho ai là chúng con vẫn còn cảm thấy đau đớn vì phải quên đi cái tôi quá lớn của mình. Ấy vậy, những lúc thất bại hay lỗi lầm, chúng con cần lắm một cái siết tay nồng ấm, một cái nhìn với ánh mắt âu yếm, cảm thông, hay một lời nói thân thương của người đồng loại như xưa kia Chúa đã nhìn và nói với Thomas: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, các môn đệ vui mừng, vì được thấy Chúa chỗi dậy từ cõi chết và Thomas đã thấy Ngài tận mắt, đụng đến Ngài tận tay nên đã tin. Còn chúng con, chúng con không thấy Ngài Phục sinh mà vẫn tin, xem ra thật là diễm phúc cho chúng con. Nhưng biết bao lần chúng con có cảm tưởng rằng diễm phúc đó chưa được vẹn toàn. Bởi chưng, giữa chợ đời bôn ba, náo nhiệt, thì trong trái tim lặng lẽ của chúng con vẫn còn hoài nghi, ngờ vực và tự hỏi: với cái chết nhục hình và sự Phục Sinh vinh quang của Ngài thực sự đã hoàn tất chương trình Cứu Độ hay chưa, mà sao chúng con mãi còn khắc khoải, lo âu cho thân phận làm người?!

Chúng con đã hồi tâm, tĩnh lặng và nguyện cầu qua những ngày ăn năn, sám hối để đón mừng ngày đại lễ trong sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Nhưng rồi lại tiếp tục ẩn dấu những khắc khoải, lo âu trong những đêm dài hoang vắng của đời thường chúng con.

Chúng con khắc khoải, lo âu cho chính mình và cho bao kẻ túng thiếu, cơ hàn, những người lang thang đầu đường xó chợ, những trẻ thơ bơ vơ không nơi nương tựa, hay những giọt nước mắt đắng cay và ngẹn ngào của bao người giàu sang, lắm bạc vàng mà con cái lại hư hỏng, gia đình ly tán.

Lạy Chúa, họ là anh chị em chúng con, người đồng loại với chúng con. Nhiều khi chúng con cần đến sự  Phục Sinh  của Ngài thể hiện thật khẩn cấp trên cuộc đời chúng con, nhưng sao Ngài vẫn do dự, do dự đến lặng thinh!

Lạy Chúa, chúng con tưởng rằng mình là kẻ tôi trung của Chúa, nên sẽ được ân thưởng như ý nguyện, bất cứ lúc nào chúng con cần đến Chúa và kêu xin Chúa. Nhưng theo dòng thời gian, chúng con nhận ra rằng mình chỉ là kẻ bất trung, không đủ kiên nhẫn khi theo Chúa dông duỗi trên dặm đường dài chốn dương gian.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Mấy khi chúng con nhận ra rằng Ngài lặng thinh và do dự cũng là đúng lý. Ngài lặng thinh để chúng con thêm kiên nhẫn và vững tin. Ngài do dự để trái tim chúng con khẽ đập nhẹ nhàng và ý thức hơn từng nhịp đập yêu thương của mình trên nẻo đường đời lắm chông gai, nhiều lồi lõm. Ngài gởi đến những trái ngang và cay đắng cuộc đời để trái tim chúng con không ngừng đập trên những lối thẳng tắp đầy thơ mộng.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng Ngài cũng chẳng vui thích gì trước những khổ đau của con người, nhưng Chúa luôn sẵn sàng trong mọi khoảnh khắc của đời chúng con, nếu chúng con biết phó thác và cậy trông vào Chúa.

Và giờ đây, lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con muốn dâng lên Chúa những nhọc nhằn, vất vả của người cha, bao lo âu tất tả của người mẹ, nỗi buồn man mác của những em bé thơ ngây vô tội bị ngược đãi, nỗi nhục hèn của kiếp thân nô lệ, những giọt nước mắt câm nín của những ai một đời làm thuê. Chúng con dâng lên Chúa những tuổi đời chưa kịp lớn mà đã vội vất vả, long đong hay những số phận đã ngã bóng về chiều mà vẫn còn lạc lõng, chơi vơi giữa cuộc đời. Xin Chúa thương ban men rượu tình yêu hiến tế của Ngài, ban ơn bình an cho họ và cho cả chúng con nữa như xưa Chúa đã ban ơn bình an cho các môn đệ sau khi Ngài Phục Sinh.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, thuở xưa, sau khi Ngài chịu chết, các môn đệ phải thường trực đóng kín các cánh cửa trong nhà vì sợ người Do Thái. Còn ngày nay, Chúa đã sống lại rồi, mà chúng con vẫn thường xuyên khép kín cánh cửa cõi lòng cũng vì sợ hãi. Chúng con không sợ hãi một đối tượng nào, nhưng lại nơm nớp lo sợ đối diện với con người thật của chính mình. Chúng con sợ thiệt thòi, sợ thất bại, sợ đau khổ, sợ yếu đuối, sợ nhục nhã, sợ bị hiểu lầm, sợ cô đơn, sợ bệnh tật và nhất là sợ cái chết bất ngờ đến khi tuổi đời đang còn dang dở.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã sống lại thật rồi, nhưng từ trong sâu thẳm cõi lòng, chúng con mãi còn sợ hãi: sợ Chúa bỏ rơi, sợ người đời xa lánh. Nhiều khi chúng con trấn tĩnh mình khỏi sợ hãi bằng một kiểu bình an do ý chí tự chế, một trạng thái bình an nguỵ tạo do kiêu căng hay do tự mãn mà có được, rồi vênh váo với đời và với người. Nhưng lạy Chúa Giêsu, chỉ có nguồn ơn bình an Phục Sinh của Ngài mới là bình an đích thực mà chúng con ngày đêm khiêm cung nài xin Chúa thương ban.

Nhờ đó, trong ngờ vực của niềm tin, xin Chúa cho đôi mắt chúng con rạng ngời ánh sáng, ánh sáng Phục Sinh của Ngài. Trong tăm tối tuyệt vọng của cuộc đời, xin Ngài cho trái tim chúng con một lần loé sáng, ánh sáng hy vọng, hy vọng được hưởng ơn Cứu Độ của Ngài. Amen.

Giuse Nguyễn Hữu Phúc, OP

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch