CN_22_TN-CChúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C

Lc 14,7-14

Thánh Luca mở đầu câu chuyện Tin Mừng hôm nay với chi tiết thời gian và không gian “một ngày Sa-bat nọ”, tại “bữa tiệc” của một thủ lãnh nhóm Pharisiêu. Chúa Giêsu được mời tham dự “bữa tiệc trần gian”, của những “con người trần gian” nầy.

Bữa tiệc ấy đã phát họa trọn vẹn cái cung cách trần gian của những con người phàm tục- hoặc chưa hiểu gì về con người mới, con người có văn hóa Thiên Chúa, hoặc không tiếp nhận ánh sáng mới của Tin Mừng để thay đổi. Họ vẫn còn cũ rích trong cách suy nghĩ, cách sống… Tất cả cho cái tôi, cái riêng tiềm ẩn trong chính họ, như là một căn bệnh di truyền do tội lỗi của nguyên tổ để lại. Cái tôi khiến người ta tranh giành tư thế độc tôn, tranh giành cho mình mọi sự nhất: được suy tôn nhất, được đề cao được chú ý nhất…

Đức Giêsu đã dùng chính những diễn biến trong bữa tiệc trần gian ấy để rao giảng bài học quí giá cho con người về bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa. Những người văn hóa cũ rích và đáng bị lên án kia, cũng đang là chính mỗi chúng ta, những con người của thế kỷ 21, được mang danh là những con người của thời văn minh hiện đại. Ngài đã lên án điều gì, và Ngài đã dạy gì?

Không dành cho người kiêu ngạo

Ngài lên án thói kiêu ngạo: “ Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống”.

Quả thật, không phải vô duyên vô cớ mà mối tội đầu Kiêu Ngạo được đưa lên đầu danh sách bảy mối tội, vì theo các nhà tu đức, thì thần dữ kiêu ngạo luôn có những chiêu thức cực kỳ hiểm độc, và có tài điều binh khiển tướng làm cho sáu thần dữ của sáu mối tội kia có sức mạnh đánh đâu thắng đó. Khi đã để cho thần dữ kiêu ngạo hoạt động trong lòng, thì việc hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, làm biếng là điều quá dễ dàng. Một trong những chiêu thức tài tình nhất của thần dữ kiêu ngạo là tặng cho con người ta sự tự ngộ nhận mình là đạo đức, là thánh thiện, là khiêm nhượng, là từ thiện, là bác ái hơn người, và luôn luôn hơn người, một cách chủ quan. Nhưng thật ra, tất cả những điều ấy đều là sự giả dối, sự tự đánh lừa mình từ trong tận gốc rễ. Cách suy nghĩ ấy, cách sống ấy, của những người Pharisiêu xưa, đã bị Đức Giêsu vạch mặt thần dữ kiêu ngạo trong họ và lên án nghiêm trọng.

Cả chúng ta nữa, lời rao giảng của Đức Giêsu đã hơn hai ngàn năm vẫn chưa thẩm thấu và thay đổi được cái căn tính tồi tệ ấy trong mỗi con người hôm nay. Chiêu thức “cám dỗ làm điều tốt” vẫn luôn luôn được rao bán hoặc biếu không, khuyến mãi khắp nơi trên thế giới và trong cõi lòng thâm sâu của ta. Cái vỏ bọc đạo đức bề ngoài cho thấy, không phải chúng ta không biết thế nào là đạo đức, nhưng chúng ta lại chấp nhận theo cách đạo đức được hướng dẫn bởi thần dữ kiêu ngạo, không phải bởi Thần Khí của Thiên Chúa. Tự nhận cho mình trách nhiệm xây dựng Giáo hội theo kiểu của mình là phải chỉ trích, lên án, rêu rao, phản đối… mà chưa kịp suy niệm cho ra những ý định tuyệt vời của Thiên Chúa; tự nhận cho mình một công tác mang tầm vóc tổ chức của Giáo Hội để thành lập uỷ ban nầy, tập thể kia mà không được ủy thác; tự tôn phong cho mình một vai trò quan trọng trong giáo hội ngang tầm với ý định riêng tư của cõi lòng mình……. hoặc cụ thể hơn, tôi phải làm cái gì đó, to hơn, lớn hơn người đi trước tôi hoặc hơn những nơi khác; tôi phải làm ông kia bà nọ trong giáo xứ vì mấy người nầy làm chẳng ra chi; phải có tôi, phải có đóng góp của tôi thì việc mới thành công được…. Tất cả, tất cả những suy nghĩ ấy đều có thể bị đánh lừa bởi sự giả dối của thần-dữ-kiêu-ngạo-thật-trong-lòng đang chỉ đạo.

Không hẳn chỉ người có quyền, có tiền, có tài mà sinh ra lòng kiêu ngạo. Thực ra, đôi khi họ chưa kịp kiêu ngạo thì kẻ yếu thế, người nghèo khổ, người kém cỏi đã kiêu ngạo trước họ rồi- kiêu ngạo với lòng bất mãn, ganh tỵ, chống đối, chê bai, chỉ trích. Thần dữ kiêu ngạo không trừ ai, không miễn trừ thành phần nào và cũng không hà tiện một thủ đoạn nào, miễn là nó đạt được mục đích tối hậu là làm cho con người không được tham gia vào bữa tiệc Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hôm nay cũng đang cảnh cáo mỗi chúng ta-những con người thích ngồi chỗ nhất, mâm cỗ nhất, thích được đánh bóng, thích được ngụy tạo một chổ đứng một vị trí, thích cho danh mình được cả sáng…-và cho chúng ta cơ hội đặt mình trước mặt Ngài để nhờ ánh sáng Lời Ngài chiếu dọi vào tận cõi lòng mà tìm ra cho được sào huyệt thường trú của thần dữ kiêu ngạo tinh quái.

Nhưng dành cho những ai có lòng khiêm nhượng

“Thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo” -nhân đức ưu tiên được đề cập đến trong “cải tội bảy mối”, là lời dạy thiết thực của Chúa Giêsu trên trang Tin Mừng hôm nay dành cho những ai muốn bảo đảm một vé mời dự tiệc Nước Thiên Chúa.

“Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối…” Chúng ta đã được “mời vào dự tiệc” Nước Thiên Chúa qua các Bí tích, từ việc tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được gọi Thiên Chúa là Cha, được nhận lấy Thần Khí sự sống, được sống bằng chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trong tiệc Thánh Thể…, nhưng còn việc “vào ngồi chỗ cuối” thì chắc hẳn phải xem lại.

Chổ cuối Chúa dạy chúng ta vào ngồi là chỗ của Đức Giêsu, chỗ chấp nhận thân phận làm người, và chấp nhận dưới mức tận cùng của kiếp người với lòng khiêm hạ tối đa vì lòng yêu mến và tuân phục Cha, để mọi người được cứu rỗi. Chỗ cuối, chỗ của yêu thương và phục vụ tận tình. Chỗ cuối, chỗ của lòng tin tuyệt đối, lòng cậy vững vàng-tín thác hoàn toàn, và chỗ của lòng mến không vụ lợi. Chỗ cuối, chỗ nên giống Chúa Giêsu hoàn toàn trong cách suy nghĩ, cách nói, và cách cư xử: kiên quyết loại trừ thần dữ kiêu căng trong lòng trí con người,và mặc lấy tâm tình đơn sơ nhỏ bé phó thác để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và cho vinh danh Thiên Chúa.

Lòng khiêm nhượng của Đức Giêsu là từ bỏ chính mình, chính cái rất riêng của mình, lắng nghe và thấu hiểu ý của Cha. Vì vậy, chỗ của Chúa Giêsu, là chỗ khiêm nhượng chân thành nhưng khôn ngoan nhờ việc luôn kết hợp mật Thiết với Thiên Chúa Cha và làm theo ý của Cha qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Lời dạy dành cho người mời tiệc “hãy mời những người nghèo khó…” mặc khải cho chúng ta biết ý định của Thiên Chúa Cha về tiêu chuẩn khách được mời vào trong tiệc Nước Thiên Chúa: khiêm nhượng.

Bữa tiệc của Nước Thiên Chúa không dành cho những người kiêu ngạo, nhưng dành cho những người có lòng khiêm nhượng, người chọn vào ngồi chỗ của Đức Giêsu, chỗ rốt cùng vì quảng đại đến cùng cho công cuộc cứu rỗi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết chỗ của Chúa và vào ngồi chỗ của Chúa trong cuộc đời, trong Giáo Hội và trong Nước Chúa.

Cao Huy Hoàng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch