Chúa Nhật III Thường Niên C
Mở cuốn Thánh Kinh, chúng ta thấy ngay sức mạnh của Lời, đó là tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng…” ( x.St 1). Thánh Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng những dòng tuyên tín về tính siêu việt, sự tiền hữu cũng như quyền năng của Ngôi Lời: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” ( Ga 1,1-3 ).
Thành thật cám ơn anh em Tin Lành đã góp phần một cách nào đó để rồi trong Công Đồng Vatican II Giáo hội Công giáo mạnh mẽ khẳng định rằng Giáo hội luôn tôn kính Lời Chúa ngang hàng với Thánh Thể Chúa Kitô ( x. MK số 21 ). Với các bài Thánh Kinh trích đọc trong Chúa Nhật III TN C này, cách riêng bài đọc thứ nhất, Thánh vịnh đáp ca và bài Tin mừng, khiến chúng ta dễ nhận ra chủ đề là Lời Chúa và hiệu năng của Lời.
Khi khẳng định mình luôn tôn kính Lời Chúa như Thánh Thể Chúa Kitô, thì Giáo hội tuyên tín rằng Lời Chúa không chỉ là những gì được Chúa phán dạy mà còn chính là một Hữu thể, một Ngôi vị siêu việt, có từ đời đời và đầy quyền năng. Và Lời quyền năng ấy cũng là Lời Tình Yêu. Chính vì thế hiệu quả của Lời được tuyên ban luôn là những sự tốt đẹp cả về sự hiện hữu lẫn cách thế hiện hữu ( x. St 1 ). “ Lạy Chúa, Lời Chúa là thần trí và là sự sống” ( Đáp ca ). Qua bài trích Tin Mừng thánh Luca của Chúa Nhật III TN C, chúng ta cùng xem xét một vài hiệu quả của Lời được tuyên ban vốn đã được Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” ( Lc 1,21 ).
Lấy lại lời Ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu minh định rằng Thánh Thần ngự trên Người, xức dầu tấn phong cho Người để Người loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Và những hiệu quả của Lời Người loan báo đó là: “công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” ( Lc 4,18-19 ).
Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa: Đây là năm toàn xá đã được Thiên Chúa thiết lập trong Cựu Ước. Cuối một chu kỳ bảy năm là năm Sabat, thì phải để cho đất đai được nghỉ ngơi, không canh tác. Các nô lệ cũng được trả tự do …( x. Xh 21,2; Lv 25,1-7 ). Cuối chu kỳ bảy lần bảy năm và bắt đầu ngày mồng mười tháng bảy năm thứ bốn mười chín thì khởi đầu một năm toàn xá ( x. Lv 25,8-54 ). Trong năm này đặc biệt cần phải thực thi ân tình cách khoáng đạt với người nô lệ, người nghèo, khách ngụ cư…như tha nợ, trả tự do, trả lại đồ cầm cố… Những quy định của năm toàn xá không nguyên chỉ để tái lập sự công bằng theo nghĩa công bằng phân phối, vì “ai giàu ba họ, ai lại khó ba đời !”, mà còn nói lên lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, đặc biệt dành cho những người nghèo hèn, bé mọn, cô thân, yếu thế. Tự sức mình, những người này như bất lực để giải thoát mình khỏi cảnh bần hàn, túng khổ. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ.
Khi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn nói đến tình yêu vô điều kiện của Cha trên trời, Đấng đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một để cho thế gian được sống và sống dồi dào ( x. Ga 3,16 ). Sự kiện Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta là một hồng ân vô giá, vượt quá mọi công trạng của loài người. Đấng Siêu Việt mà xưa dân Chúa rất đổi kính sợ và cả kinh sợ, vì bất cứ ai thấy long nhan thảy đều phải chết, thì nay hiện diện giữa loài người và người ta có thể diện kiến, tiếp xúc, đụng chạm cách trực tiếp để được lãnh nhận ân phúc ( x.1Ga 1,1 ).
Cho người mù được sáng mắt: Quả thật Chúa Giêsu đã dùng lời quyền năng của Người cho một vài người mù trong dân Israel thời bấy giờ được nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên chắc chắn vẫn còn đó nhiều người về thể lý lúc bấy giờ chưa được lãnh nhận ân phúc. Như thế việc công bố lời ở đây không nhắm đến sự mù hay sáng của đôi mắt thể lý. Chúa đến để công bố lời giúp nhân loại nhìn thấy chân lý. Chân lý ấy chính là Người, Giêsu Kitô, cuộc sống, các hoạt động và những lời giảng dạy của Người. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chúng cho sự thật” ( Ga 18,37 ).
Chân lý nền tảng mà Chúa Giêsu đã từng long trọng khẳng định lại lời Kinh Thánh đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng dựng nên mọi sự và là Cha chung của mọi người. Chúng ta phải tôn thờ, yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Yêu mến Chúa thì phải thực thi lời người phán dạy. Vì thế chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính bản thân mình, dù họ thương ta hay ghét ta, dù họ làm ơn cho chúng ta hay bách hại chúng ta ( x.Mc 12,28-34; Mt 5,43-48 ). Chính khi bước đi trong ánh sáng chân lý thì chúng ta sẽ được tự do. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi cảnh tình nô lệ.
Giải thoát, trả tự do cho người bị áp bức, kẻ bị giam cầm: Chúng ta chớ quên rằng khi Chúa Giêsu công bố những lời này và khẳng định chúng đang ứng nghiệm thì người anh em họ của Chúa là Gioan Tẩy giả đang ở trong ngục tù. Khi sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu rằng Người có phải là Đấng phải đến chăng, thì có lẽ Gioan Tẩy giả đang băn khoăn và ít nhiều cũng đang ở trong đêm tối của đức tin ( x.Lc 7,18-23 ).
“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do”( Ga 8,34-36 ). Những lời khẳng định trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ sứ mạng của Người. Người đến thế gian là để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ thần dữ, khỏi cảnh ngục tù của tội lỗi. Các bức tường gỗ đá của chốn lao tù vẫn không thể cướp đi sự tự do của tâm hồn. Chính tội lỗi mới làm cho chúng ta thành người nô lệ, mặc dù chân vẫn thong dong ngoài đời. Sau lời tuyên phán “ Ta truyền cho anh: Hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà” đôi chân của người bất toại được giải phóng. Nhưng rồi phải đến ngày đôi chân ấy lại bất động vì bệnh tật hay vì tuổi tác. Chính lời truyền phán: “ Tội lỗi anh được tha” mới là lời giải thoát người bất toại khỏi cảnh nô lệ, giam cầm. ( x. Mc 2,1-12 )
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã ban Ngôi Lời. Ngôi Lời là Ánh Sáng thế gian. Ánh sáng chân lý dẫn đưa con người thoát cảnh nô lệ tội lỗi đến cảnh đời tự do của phận người con được sống và sống mãi trong tình Cha trên trời. Hãy lắng nghe lời của Esdra: Đừng sầu thảm khóc lóc, nhưng hãy hân hoan vui mừng đón nhận Lời giải thoát, Lời yêu thương. Vậy hãy xét xem, bạn, tôi, chúng ta đã tham dự phần Phụng Vụ lời Chúa trong các Thánh Lễ, đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật ra sao ? Cũng hy vọng rằng các thừa tác viên của Lời trên giảng đài chớ quên rằng những chia sẻ của mình là một phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Mong sao những lời ấy cũng có “quyền năng” vì là thần trí và là sự sống.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa