Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C
St 15:5-12, 17-18; Pl 3:17-4:1; Lc 9:28b-36
Dưới nhãn quan của thánh sử Luca : cuộc đời Chúa Giêsu là mọt cuộc hành trình đi lên Giêrusalem. Nơi đó Ngài sẽ phải chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Nơi đó Tin Mừng Phục Sinh bắt đầu được công bố và rao truyền cho đến tận cùng trái đất. Như vậy có thể nói Giêrusalem vừa là điểm hội tụ của biết bao điều xấu xa tội lỗi của con người, vừa là điểm xuất phát tình thương và ơn huệ của Thiên Chúa.
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là, sau khi thánh Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ lên Giêrusalem chịu đau khổ và chĩu chết và Phục Sinh, cho nên các ông lo lắng hoang mang. Hiểu được tâm trạng đó, Chúa Giêsu đã biến đổi hình dạng vinh quang sáng láng trên một ngọn núi. Qua biến cố biến hình, Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ và loan báo về sự Phục Sinh của Ngài.
Hôm nay, trong ngày Chúa Nhật thứ II Mùa Chay, Giáo Hội tuyên đọc bài Tin Mừng này để động viên khuyến khích và dẫn đưa chúng ta và mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Bước vào Mùa Chay là chúng ta bắt đầu đi theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá. Đó là con đường phải trải qua đau khổ, sự chết rồi mới tới vinh quang Phục Sinh.
Từ đó chúng ta có thể rút ra một bài học căn bản là : Sau khi đi hết con đường Thập giá thì chúng ta sẽ thấy ánh vinh quang Phục Sinh hé lộ. Qua thập giá tới vinh quang.Thập Giá và vinh quang Phục Sinh là hai thực thể gắn liền với nhau. Thập giá mà không có vinh quang thì thập gái trở thành vô nghĩa. Trái lại vinh quang Phục Sinh mà thiếu vắng Thập Giá thì vinh quang đó chỉ là ảo tưởng, mơ hồ. Năm xưa trong cuộc hành trình tiến về đất hứa dân Israel đã phải trải qua biết bao thử thách đau khổ và thất bại, họ nhìn lên cột lửa, áng mây để tìm thấy nghị lực mà vượt qua. Cũng vậy, hôm nay Giáo Hội và từng người Kitô hữu, nhờ Bí tích Rửa tội đã được liên kết với Đức Giêsu, và cũng giống như Ngài chúng ta được tôi luyện trong hy sinh và Thập giá. Do đó chúng ta phải chết đi cho con người cũ tội lỗi, để cùng được sống lại với Đức Kitô trong cuộc sống mới. Trong cuộc hành trình đức tin người Kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm Đức Giêsu vinh quang để có đủ nghị lực chiến đấu chống lại tội lỗi, sự dữ.
Trong bài đọc 2 hôm nay, qua đoạn thư gởi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy hướng đến vinh quang Phục Sinh của Đức Kitô, để rồi cậy dựa vào tình thương và quyền năng của Ngài, chúng ta mạnh dạn tiến bước mà không ngại phải đối mặt với bao thử thách cám dỗ của kẻ thù là ma quỷ.
Là Kitô hữu, nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta đã được nhận là con Thiên Chúa, được mang trong mình vinh quang Phục Sinh của Đức Kitô, thì trong cuộc sống hằng ngày vinh quang ấy phải được tỏ hiện và sáng rực lên, qua tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta, để cuộc sống của chúng ta gắn bó thân mật với Đức Kitô “Để được Ngài biến đổi thân xác yếu hèn nên giống thân xác vinh hiễn của Ngài”.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không cho thánh Phêrô dựng ba cái lều để kéo dài tình trạng vinh quang và hạnh phúc trên núi. Nhưng các ông phải cùng với Chúa Giêsu đi xuống núi, trở về với cuộc sống đời thường, để rồi lại cùng với Ngài tiến lên Giêrusalem chịu chết đau khổ. Bởi thế, chiêm ngắm vinh quang Phục Sinh không phải là việc làm cho chúng ta xa rời thực tế cuộc sống, quên trách nhiệm và bổn phận của mình, ngại khó khăn và không biết nỗ lực vượt qua thử thách.
Sau cùng, một chi tiết độc đáo chỉ thấy trong trình thuật biến hình củaTin Mừng Thánh Luca là “Đang khi cầu nguyện, dung mạo Ngài đổi khác”.Chính đang khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu được biến đổi. Các vị thánh trong lịch sử Giáo hội cũng thường được biến đổi trong cầu nguyện như thế. Cầu nguyện là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, làm cho chúng ta được biến đổi, ít là về mặt tinh thần. Nếu chúng ta thường xuyên cầu nguyện, chắc chắc cuộc sống chúng ta sẽ đổi khác và tiến bộ hơn trong đàng trọn lành. Nhờ cuộc cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa khi trở về cuộc sống và tiếp xúc với tha nhân chúng ta nhìn họ với cái nhìn thiện cảm hơn, yêu người, yêu cuộc đời này hơn nữa. Đó là chúng ta quyết tâm cùng với Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống trong Mùa Chay thánh này.
Martin Lê Hoàng Vũ