Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C
Gs 5:9a, 10-12; 2Cr 5:17-21; Lc 5:1-3' 11-31
Một trong những dụ ngôn tiêu biểu cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân là dụ ngôn mà nhiều người vẫn quen gọi là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng. Thực sự tên gọi của nó đúng hơn phải là dụ ngôn Người Cha Nhận Hậu. Vì trọng tâm của dụ ngôn nhấn mạnh đến thái độ và tấm lòng của người cha đối với người con, hơn là của người con đối với cha mình. Thánh Luca muốn hướng ống kính vào nhân vật người cha và những hành động của ông dành cho con mình, hơn là vào người con và những nỗ lực trở về của anh.
Điều này rất đúng với cảm nghĩ của cha Raniero Cantalamessa, một linh mục dòng Capuchin, người giảng phòng cho Phủ Giáo hoàng, trong bài giảng đầu tiên của Mùa Chay năm nay, trước sự hiện diện của Đức giáo hoàng Benedict XVI và nhân viên Giáo triều Roma. Ngài nói rằng: Các tôn giáo hoặc các nền triết học phát xuất từ con người, thường bảo cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để được cứu độ, được giải thoát. Kitô giáo thì khác, vì đạo này bảo cho con người những gì Thiên Chúa đã thực hiện để cứu độ con người. Và đây chính là cốt lõi đặt Đạo Chúa vào vị trí khác các tôn giáo khác (x. Tại sao Đạo Chúa không giống đạo nào khác ? Phụng Nghi, Vietcatholic.net).
Theo ý nghĩa đó, gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” là hoàn toàn thích hợp. Còn nếu phải gọi bằng một tên khác, thiết nghĩ nên gọi đó là dụ ngôn “Người Con Hạnh Phúc” thì đúng hơn. Hạnh phúc vì anh có được người cha Number One đúng nghĩa, người cha nhân hậu trên cả tuyệt vời. Lòng nhân hậu ấy được thể hiện rất rõ qua các tình tiết mà thánh Luca phác hoạ.
- Trước hết, ông rất mực tôn trọng tự do của con cái: Ông đối xử với con mình như với một người trưởng thành thực sự. Ông hoàn toàn tôn trọng tự do và quyết định của con, dẫu biết rằng rất có thể đứa con sẽ lạm dụng tự do để xúc phạm đến mình. Theo tập tục Do Thái, người ta chỉ chia gia tài khi cha mình đã qua đời. Đòi chia gia tài khi cha mình còn sống là một sự xúc phạm nặng nề. Rõ ràng ở đây, người con thứ đã làm một việc trái với luân thường đạo lý. Hơn nữa, khi được chia gia tài rồi, không phải anh đã dùng gia tài này để làm ăn buôn bán, đầu tư chứng khoán, gởi ngân hàng, hay làm từ thiện…., mà là để ăn chơi cho thoã chí tang bồng. Biết trước như thế, nhưng người cha vẫn tôn trọng quyết định của anh.
- Thứ đến là kiên nhẫn đợi chờ trong thương nhớ: Chia gia tài cho con, không phải để nó đi cho rảnh nợ, cho khuất mắt là xong. Trái lại, khi con mình đi rồi, ông luôn thao thức, nhớ thương và ngóng trông con trở về. Ông không hề nhớ tới sự xúc phạm của con, mà chỉ nhớ thương con. Nhớ thương đến mỏi mòn. Ông trăn trở lo âu về số phận của con, nhất là khi có nạn đói xảy ra. Tâm trí ông luôn hướng về con khiến nhiều đêm ông không ngủ được. Chắc hẳn sự thương nhớ và trông mong phải nhiều lắm lắm thì ông mới có thể trực giác thấy con mình từ rất xa khi nó trở về, như thánh Luca mô tả.
- Sau nữa là bao dung tha thứ trong hân hoan: Khi thấy con trở về, ông đã chạy ra ôm lấy cổ, không phải để vật nó xuống và đánh cho nó một trận cho bỏ ghét, hay ít ra lườm cho nó mấy cái, rồi chiến tranh lạnh…, nhưng là để “hôn lấy hôn để”. Rõ ràng ông không hề nghĩ tới hình phạt, mà chỉ muốn tha thứ và thứ tha. Tha thứ ngay khi đứa con xúc phạm vì đã đòi chia gia tài lúc mình con sống, thứ tha ngay khi nó phung phá hết tài sản mồ nước mắt mà mình đã tích luỹ một đời.
Bốn hành động xảy ra liên tiếp: chạy ra, ôm cổ, hôn lấy hôn để, sai gia nhân… “Chạy ra, ôm cổ” là những hành động diễn tả niềm vui được gặp lại con mình. Nếu không vui chắc chắn ông không hành động như thế. “Hôn” ở đây là một cử chỉ nói lên sự tha thứ hoàn toàn.
- Cuối cùng là quảng đại cho đi không tính toán: Không chỉ dừng lại ở chổ tha thứ, ông còn cho lại đứa con tất cả: áo đẹp (phẩm giá), nhẫn (quyền hành), giày (tự do - vì nô lệ không được mang giày)… Cho đi nhiều đến độ có người muốn đặt tên cho dụ ngôn này là dụ ngôn “người cha phung phí”. Phung phí của cải, nhất là phung phí tình thương và lòng nhân hậu đối với người con đi hoang. Lòng nhân hậu yêu thương ấy không chỉ được thể hiện đối với người con thứ mà còn đối với người con cả và cả đối với người làm công. Và đây chính động lực giúp cho người con thứ hoán cải ăn năn và quyết tâm trở về.
Vâng, người cha ấy không gì khác hơn chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta bằng một tình yêu nhân hậu vô biên. Ngài yêu thương tôn trọng tự do của con người, dẫu biết con người có thể lạm dụng tự do ấy để làm những điều xấu, ngay cả việc chống lại Ngài. Rồi khi con người “đi hoang”, Ngài kiên nhẫn chờ đợi và làm mọi cách để đưa con người lầm lạc trở về, kể cả việc hy sinh chính Con Một của mình: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống”. Và một khi con người biết hoán cải trở về, Ngài còn phục hồi cho họ gấp ngàn lần hơn: danh dự, địa vị, phẩm giá, tự do, v,v…
Hãy hãnh diện vì chúng ta có một người Cha Number One trên trời như thế đó. Hãy tri ân Chúa Giêsu vì Ngài đã mạc khải cho chúng ta dung mạo của một vị Thiên Chúa là Cha nhân hậu bao dung. Hãy cảm tạ Chúa Cha, vì Người đã yêu thương ta bằng tình yêu phụ - tử tuyệt vời.
Đồng thời hãy nỗ lực đáp trả tình yêu ấy. Đáp trả như thế nào ? Trong tư cách là người con cái Chúa, hãy nguyện luôn sống trong tình yêu của Cha mình. Nếu có lầm lỗi ngã sa, hãy mau quay trở về để được thứ tha và được giao hoà. Trong tư cách là người cha người mẹ trong gia đình: hãy sống nhân hậu yêu thương để phản chiếu cho con mình dung mạo của Thiên Chúa là Cha nhân từ; nhất là luôn biết sống bao dung tha thứ cho những người con hoang đàng tội lỗi, nhằm tạo cơ hội và động lực cho chúng hoán cải và đổi mới cuộc đời.
Xin Chúa ban ơn giúp giúp để mỗi người chúng ta sống được những tâm tình và ước nguyện đó.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long