CN_5_TNCChúa Nhật 5 Thường Niên, Năm C

Lc 5: 1-11

Tại sao Chúa Giêsu chọn bốn môn đệ đầu tiên trong hàng ngũ những người đánh cá? Ngài có dụng ý gì chăng?

Phải chăng tiêu chí đầu tiên cần cứu xét để tuyển chọn tông đồ là phải dạn dày sương gió, phải sẵn sàng xông xáo giữa biển đời đầy bão tố cuồng phong?

Có lẽ chính vì đã quen chịu nhọc nhằn trên biển cả, nhiều phen đối đầu với bão táp, thách thức với cuồng phong mà Simon và các bạn chài của anh đã "lọt vào mắt xanh" của Chúa Giêsu.

Nhưng trước khi kêu gọi Phêrô và các bạn chài của anh dấn bước vào công cuộc loan báo Tin Mừng đầy gian khổ, Chúa Giêsu muốn dạy cho các anh bài học vỡ lòng. Ngài truyền cho các anh chèo ra chỗ nước sâu...

Dù mệt mỏi và chán nản vì phải lao nhọc suốt đêm mà chẳng được tích sự gì, các anh vẫn vâng lời Chúa Giêsu để ra khơi, để chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Nhờ đó, các anh đã trúng một mẻ cá rất tuyệt vời. Qua đó, các anh học được bài học đầu tiên: Muốn bắt được nhiều 'tôm cá', thì hãy vâng lệnh Chúa chèo thuyền ra 'chỗ nước sâu'.

Cuộc ra khơi của Chúa Giêsu

Ngự trên ngai trời mà cứu thế, mà phán dạy loài người, hay ít ra, dùng các tiên tri mà phán dạy, thì 'đỡ khổ' hơn nhiều. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm như thế.

Ngài đã rời bỏ bờ bến an toàn và đầy đủ tiện nghi, đã bỏ hết mọi sự lại đằng sau để ra khơi. "Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân". (Philíp 2, 6-7)

Ngài phải mạo hiểm đến chỗ nước sâu nhất: sinh ra trong máng cỏ thấp hèn, đến ngụ nhờ nhà người tội lỗi, hoà mình với những người tội lỗi để xin nhận phép rửa bên bờ sông Gio-đan, chịu chết đau thương tủi nhục giữa những tên gian phi, chịu mai táng trong mồ...

Rồi, thay vì yên vị trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mà giảng dạy hoặc ít ra ngồi giảng trong các hội đường vào các ngày sa bát như các ráp-bi Do Thái, Chúa Giêsu đã xông xáo vào khắp hang cùng ngõ hẽm để loan Tin Mừng: trên triền núi, giữa đồng hoang, bên bờ giếng, bên bãi biển, bờ hồ...

Cuộc ra khơi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Noi gương Chúa Giêsu, vị đại diện của Ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã liên tục ra khơi, chèo ra chỗ nước vừa sâu vừa nguy hiểm. Qua 26 năm trong triều đại giáo hoàng, Ngài đã thực hiện 104 chuyến công du ngoài nước Ý và 146 chuyến công du trong nước Ý (không tính Rô-ma), thăm viếng hơn 130 quốc gia trên thế giới. Tưởng cũng cần thêm rằng trong số đó, ngài đã tám lần đến thăm viếng các nước Hồi Giáo, đặc biệt Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên bước vào một ngôi Đền Thờ Hồi Giáo cổ kính tại Syria vào năm 2001.

Tính ra, Ngài đã đi công du 1,400,607 km, tương đương 28 lần vòng quanh trái đất. Ngoài ra mỗi ngày Ngài làm việc đến 18 tiếng đồng hồ.

Ngài đã 'chèo' đến những vùng biển nhiều sóng gió: đến thăm những miền đất thù nghịch với Hội Thánh, vào những 'miền đất thánh' của Phật giáo, Án giáo, Hồi giáo hay Chính Thống giáo... vào cả những nơi mà một số đông dân chúng sở tại không muốn cho ngài đến, lại đòi ngài phải xin lỗi họ (như trong chuyến tông du tại Hy Lạp vào tháng 5 năm 2001), đến cả những nơi mà tính mạng ngài đang bị hăm doạ... Ngài là vị giáo hoàng can đảm nhất trong lịch sử, sẵn sàng dấn thân vào những 'chỗ nước sâu', những vũng xoáy, những nơi sóng gió... mà không hề biết sợ là gì, miễn là Tin Mừng được loan báo.

Nối gót Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II, vị Giáo Hoàng đương kim Bênêđictô, cuối tháng 11 năm 2006 vừa qua đã thực hiện chuyến viếng thăm Thổ-nhĩ-kỳ đang lúc tại đây đang nổi lên làn sóng chống đối ngài mãnh liệt và nhiều người quá khích hăm doạ sẽ giết ngài bằng mọi giá khiến cho nhiều người hết sức quan ngại.

Hội Thánh đang mời gọi chúng ta ra khơi

Trong tông thư Novo Millennio Ineute được công bố vào ngày kết thúc đại năm thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Phaolô II khẩn thiết kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trên khắp thế giới hãy 'Chèo ra chỗ sâu' (Lc 5, 4) để thả lưới, vì 'một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mặt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó, cậy dựa vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa' (số 58)

Trong dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triều yết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân chuyến đi viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào ngày 22-1-2002, vị Cha chung của Hội Thánh cũng mời gọi Giáo Hội Việt Nam hãy ra khơi. Ngài ngỏ lời với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: 'Giáo Hội Việt Nam được mời gọi ra khơi: Tôi muốn khích lệ anh em hãy hết sức quan tâm rao giảng Tin Mừng và truyền giáo...'

Thủ lãnh của chúng ta là Chúa Giêsu đã dấn thân vào chỗ nước sâu như thế, vị lãnh đạo của Hội Thánh là Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng như Bênêđictô đã anh dũng ra khơi như thế... thì với tư cách là thân mình của Đức Kitô, chúng ta không còn chọn lựa nào khác là cùng chèo ra chỗ nước sâu với Chúa Kitô, cùng ra khơi với Hội Thánh.

Lạy Chúa, con xin thú lỗi với Chúa là con chỉ muốn bám chặt đất bằng cho yên ổn và chẳng hề muốn ra khơi, vì ra khơi thì nhọc nhằn quá, phải hy sinh nhiều thứ quá mà đời sống lại rất đỗi bấp bênh và dẫy đầy nguy hiểm.

Ước gì cuộc 'ra khơi' vĩ đại của Chúa sẽ là một nhắc nhở không ngừng để con noi theo mà dấn bước.

Ước gì tấm gương chèo ra chỗ nước sâu đầy hiểm nguy sóng gió của Đức Thánh Cha là một thôi thúc liên tục thúc giục con lên đường đến với anh em con.

Lm. Ignatiô Trần Ngà

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch