Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C
Lc 3: 10-18
Thời gian đang đưa chúng ta tới gần lễ Giáng Sinh. Chúng ta đang mong chờ điều này và cảm thấy vui khi được đón mừng lễ Noel. Cả những người khác tôn giáo với chúng ta cũng thấy vui. Nhiều người cứ hỏi sắp tới lễ Noel chưa vậy?
Chúa nhật thứ III mùa vọng hôm nay được gọi là Chúa nhật của niềm vui, nên cho phép sử dụng áo màu hồng. Thánh Phaolô nói: “Hãy vui lên, vì Chúa đã đến gần”. Đó là lý do để chúng ta vui. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở lời nói, hô hào vui để đón Chúa thì niềm vui ấy chưa trọn vẹn, mau qua, giả tạo, khó đạt được lắm. Niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại là những việc làm cụ thể kiểm chứng được. Đó chính là dấu chỉ về ơn cứu độ mà con người mọi thời hằng khát khao.
Lúc ấy ông Gioan đang ngồi tù, liền sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giêsu đã trả lời: các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ được nghe được, người chết trỗi dậy, và kẻ nghèo được nghe tin mừng”.
Dân chúng đã được thấy, được hưởng những ân phúc của Thiên Chúa qua các phép lạ và công việc phục vụ đồng loại của Chúa Giêsu. Đây là công việc hàng đầu và là sứ mệnh của Chúa Giêsu. Sứ mệnh ấy xuất phát từ Chúa Cha, nay thể hiện qua Chúa Giêsu để cho nhân loại thấy rằng: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.
Nhưng tại sao trước bao nhiêu phép lạ và công việc phục vụ ấy của Chúa Giêsu mà người ta vẫn không nhận ra Chúa là đấng cứu thế.; thậm chí ông Gioan là kẻ dọn đường cho Chúa đến cũng còn chưa rõ, nên mới sai người đến thăm dò, hỏi han xem Chúa Giêsu có phải là đấng Thiên Sai không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác? Chắc chắn Gioan phải biết rõ hơn về Chúa Giêsu so với người khác. Việc Gioan sai người đi hỏi điều này không có nghĩa là Gioan thiếu hiểu biết về Chúa Giêsu nhưng ông muốn nói cho người khác đặc biệt môn đệ của ông được trực tiếp nghe Chúa Giêsu trả lời mà biết chính xác hơn, không còn mơ hồ, nghi ngờ nữa. Phải nói đây là phương pháp giáo dục rất tài tình và tế nhị của Gioan. Nhờ đó củng cố đức tin cho chúng ta hôm nay nữa. Đúng như thánh Phaolô nói: đức tin có là nhờ nghe, nghe thế nào được nếu không có người rao giảng, rao giảng thế nào được nếu không có ai được sai đi?
Gioan Tẩy Giả biết sứ mệnh của mình sắp chấm dứt, vì ông xác định mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ong là tiếng, Đức Giêsu là Lời. Ong là ngọn đèn, Đức Giêsu là ánh sáng. Ong là phù rể, Đức Giêsu là chàng rể. Ong là người dọn đường, Đức Giêsu là con đường. Ong phải mờ nhạt, phải nhỏ bé đi để nhường chỗ cho Đức Giêsu xuất hiện. Quả thật, ông bị ngồi tù và bị chặt đầu đang khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thánh Gioan đã không bỏ lỡ cơ hội nào mà không làm chứng cho Đức Giêsu. Dù thuận tiện hay không thuận tiện, Lời Chúa vẫn được rao giảng. Vì làm chứng cho Chúa là một niềm vui, giới thiệu về Chúa là một niềm vui, giới thiệu ơn cứu độ cho người khác là một niềm vui dù bản thân Gioan có phải bị thiệt thòi, tống ngục, bị chặt đầu.
Ơn cứu độ của Chúa mang lại niềm vui không chỉ cho con người mà cho cả những loài vô tri vô giác nữa. Isaia mời gọi: “Vui lên nào, hỡi sa mạc, hỡi đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang hãy mừng rỡ, hãy trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa nhưu khóm huệ và hân hoan múa nhảy reo hò….” Đúng thế, vì Thiên Chúa cứu độ tất cả mọi loài thụ tạo, nên có lần thánh Phaolô nói: ‘muôn loài thọ tạo đang quằn quại rên xiết chờ ngày được giải thoát’. Riêng con người là loài có ý thức thì nỗi khát khao này càng cháy bỏng, mãnh liệt thiết tha hơn nhiều. Thánh vịnh 145 là lời cầu xin của dân Chúa thốt lên rằng: “Lạy Chúa xin ngự đến mà giải thoát chúng con”.
Sau Chúa nhật I Mùa vọng, Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối, Chúa nhật II kêu gọi dọn đường, Chúa nhật này chúng ta được thấy kết quả của ơn cứu độ là niềm vui cho con người. Quả thật, nếu người ta hưởng ứng theo lời ngôn sứ Gioan rao giảng, thực hành những điều ông dạy là: ai có 2 áo hãy chia cho người không có, ai có cái gì ăn cũng làm như vậy. Đối với người thu thuế thì ông dạy: ‘đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định cho mình’. Đối với binh lính thì ông dạy: ‘chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với đồng lương của mình'(x. Lc 3,10-18). Những lời đề nghị rất thực tế của Gioan mục đích muốn giải thoát con người tội lỗi khỏi những thứ cồng kềnh, ngổn ngang làm chúng ta quá nặng lòng với trần thế, quá bận tâm với cuộc sống khiến người ta buồn chứ không có niềm vui thật sự. Việc thay đổi tận căn phải phát xuất từ chính cõi lòng mỗi người trước tiên. Có câu tục ngữ nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ, ngược lại ở nhà mà đổi mới là đi rất xa”.
Dựa vào Lời Chúa hôm nay, mỗi người kitô hữu chúng ta hãy suy nghĩ mình đang thế nào? Trạng thái tâm hồn có niềm vui của những bon chen, ích kỷ, những toan tính nhỏ nhen, những tham lam bất công, chà đạp, vụ lợi chỉ vì miếng cơm manh áo, chút quyền lợi địa vị; hay là có niềm vui thánh thiện về ơn cứu độ? Mình đang ở trong môi trường thú vui tội lỗi hay môi trường niềm vui đạo đức? Mình đã ăn năn sám hối và dọn lòng tới đâu để chờ đón Chúa Giáng Sinh, đón rước Chúa mỗi lần rước lễ? Sự thật căn bản mà thánh Gioan tông đồ bảo là “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta”(1Ga 1,8-9).
Không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui của người tội lỗi được Thiên Chúa tha thứ, được ơn cứu rỗi. Thời gian còn rất vắn vỏi, mỗi người chúng ta hãy tìm cơ hội để thanh toán lương tâm, coi lòng với Chúa trước lễ Giáng Sinh. Vì thế, những ngay cuối cùng còn lại trong Mùa Vọng này chúng ta hãy sống tích cực hơn bằng cách không chỉ dừng lại ở những tâm tình đạo đức, dọn dẹp bên ngoài mà phải biết sám hối tận căn; biết hành động bác ái, chia sẻ phục vụ. Càng chuẩn bị kỹ, tốt thì niềm vui càng tràn đầy. Càng thực hành Lời Chúa, chúng ta càng hạnh phúc, bình an.
Chớ gì mọi người luôn có mãi niềm vui Chúa ban để giới thiệu cho những người khác biết về đạo, về Thiên Chúa của chúng ta bằng những hành động yêu thương cụ thể.
Lm. Bùi Trọng Khẩn