Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm C
Lc 13: 1 - 9
Trước những hoạn nạn hoặc tai họa xảy ra, người bàng quang thường bàn tán. Với người họ cho là tốt, họ nhận định: “Ông bà nầy xem ra ăn ở phúc hậu, sao lại bị trời phạt như thế nầy!”.
Với người họ không thích, họ phê: “Ăn ở thất đức, trời phạt là phải”. Quan niệm cho là người tội lỗi, ăn ở bất chính thì gặp phải bệnh tật, hoạn nạn, tai họa, là quan niệm rất phổ biến trong dân gian, nhất là thời xưa. Ở Do Thái thời của Đức Giêsu cũng thế. Nghe tin tổng trấn Phi-la-tô giết những người Galilê một cách tàn nhẫn trong đền thờ, hoặc những người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, dân chúng kết luận: họ là người xấu, mắc tội nặng, cho nên mới bị chết một cách khủng khiếp như vậy. Họ xem tai họa là hậu quả của tội lỗi. Ai không bị tai họa thì có thể an tâm cho mình là người tốt.
Chúa Giêsu đã sửa quan niệm coi tai họa là hậu quả của tội lỗi và bảo: “Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Hoán cải và tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu chính là con đường dẫn vào Nước Thiên Chúa. Vì vậy, suy nghĩ về cuộc sống và chỉnh hướng cuộc sống theo Tin Mừng phải là thái độ sống liên lỉ của tất cả mọi kitô hữu.
Khi nghe đến từ sám hối, chúng ta nghĩ ngay đến việc ăn chay, hãm mình, đánh tội và bao việc lành chúng ta phải làm, để không bị Chúa đoán phạt. Thực ra, sám hối không tiêu cực như thế. Lời đầu tiên Đức Giêsu rao giảng là: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Triều Đại Thiên Chúa chính là sự sung mãn Thiên Chúa ban cho loài người, là ý nghĩa cuộc đời, là tương lai và hạnh phúc bất diệt của con người. Và Ngài ban tặng món quà đó qua chính con Ngài là Đức Kitô. Qua cuộc sống, các hoạt động, cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại, Đức Kitô đã bộc lộ cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai: Người là Tình yêu vô tận. Và Thiên Chúa ao ước cho chúng ta thực tâm đón nhận Tình yêu ấy và từ bỏ những gì cản trở chúng ta trên con đường đến cùng Người. Thiên Chúa không muốn chúng ta làm những việc đạo đức cách miễn cưỡng, sám hối sửa minh bề ngoài, nhưng yêu thương phải được đáp trả bằng yêu thương. Sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta, đó mới là hoán cải thật lòng, là sám hối cụ thể trong đời thường, thể hiện trong tình thương tha nhân, quan tâm đến người khác, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới và giúp đỡ cụ thể. Sám hối thực lòng bắt đầu ở con tim và thể hiện ra hành động cụ thể. Và để sống trọn vẹn tình thương ấy, đôi khi chúng ta phải sửa đổi cách sống, nhất là tính ích kỷ và lòng ham muốn hưởng thụ.
Trong ý nghĩa đó, không thể hoán cải một lần là đủ, nhưng con người cần phải làm mãi trong cuộc đời. Không thể nói: tôi đã tốt đủ rồi, không cần phải sửa đổi nữa. Cũng không thể phàn nàn với Chúa: con còn phải làm gì nữa, để Chúa được vui lòng. Nhưng hãy tự hỏi: tôi còn có cách thế nào để bộc lộ lòng tri ân của tôi đối với Chúa, để làm chứng tá hơn nữa cho tình thương lớn lao Chúa dành cho tôi.
Mùa Chay thiết tưởng là thời gian thuận tiện để chúng ta suy tư về cuộc sống của chúng ta trước mặt Chúa, để khám phá những dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời và trong cuộc sống thường ngày, để nhận định được những gì chúng ta còn có thể sửa đổi, để con đường chúng ta đi được đúng hướng. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu không nhằm hăm dọa con người, nhưng là sứ điệp về lòng nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cảm nghiệm được tình thương của Người, chúng ta sẽ hoán cải, để đạt được niềm tin sâu xa hơn và cuộc sống bác ái cụ thể hơn.
Lm. Giuse Nguyễn Trung Điểm