Chúa Nhậ 5 Mùa Phục Sinh, Năm C

Ga 13: 3133a, 34-35

Theo Tin Mừng Máccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu phục sinh cho đến khi các ngài được chính Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cho: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Ngài mà nay đang buồn bã khóc lóc.

Nghe bà nói Ngài đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó Ngài tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình cho chính nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc.16, 9-14).

Đức Giêsu đã phục sinh. Từ biến cố này, với sự trợ giúp của Thánh Thần, các tông đồ nhận biết Đức Giêsu không chỉ là một con người, một tiên tri, một vị Kitô vua (Mc.8, 27), nhưng còn là Đấng vô cùng đặc biệt: Ngài là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc.14, 62), ngang hàng với Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa Cha (Ga.10, 30), có trước Abraham (Ga.8, 57-58), có quyền tha tội (Mc.2, 5.7). Những trích dẫn này giả sử người đọc đều biết cái nhìn của các sách tin mừng về chân tướng của Đức Giêsu, là cái nhìn về Đức Giêsu dưới ánh sáng Phục Sinh. Khi Đức Giêsu nói những điều trên, các tông đồ đã không hiểu; nhưng một khi Đức Giêsu phục sinh, với ơn Thánh Thần, các tông đồ nhớ lại những lời của Đức Giêsu, và lúc đó họ hiểu lời Đức Giêsu đã nói với họ.

Tác giả tin mừng Gioan, sau một thời gian dài suy gẫm, đã nhận ra Lời hằng ở nơi Thiên Chúa từ đời đời (Ga.1, 1), và Lời đã nhập thể (Ga.1, 14). Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, nên Ngài có trước Abraham. Những suy tư về Ba Ngôi sau này, có cùng quan niệm của Gioan về Lời hằng có và nhập thể. Vào thời điểm của tin mừng Gioan và trước đó, chưa có từ ngữ Ba Ngôi, nhưng tin mừng Matthêu cũng đã nhắc đến Cha, Con, và Thánh Thần: “vậy anh em hãy đi làm muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần” (Mt.28, 19).

Một điều quan trọng cần hiểu, là tương quan giữa Cha, Con, và Thánh Thần. Đức Giêsu ý thức “Cha trọng hơn Thầy” (Ga.14, 28); có những điều “chẳng có ai biết, kể cả Con Người, chỉ có Cha biết thôi” (Mc.13, 32). Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng ý thức “nếu các ông không tin rằng Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga.8, 24), đồng thời cũng nhận ra mọi người phải tôn vinh Ngài: “để ai nấy đều tôn vinh người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” (Ga.5, 23). Đức Giêsu luôn được phân biệt với Thiên Chúa Cha, ngay cả khi Ngài nói: “Ta và Cha là một” (Ga.10, 30).

Các nhà thần học hiểu rằng, cách nói như thể Đức Giêsu kém Thiên Chúa Cha là nói theo nhiệm cục cứu độ, chứ thật sự ba ngôi đều ngang bằng nhau và là một trong tất cả. Nói trong nhãn quan nhiệm cục cứu độ, Chúa Cha là nguyên ủy và cùng đích mọi sự, Chúa Con thực hiện công trình cứu độ, và Thánh Thần thánh hóa và hoàn tất những gì Chúa Con đã khởi đầu. Con người và công trình cứu độ con người, là điều vô cùng kỳ diệu Thiên Chúa đã và đang làm trong dòng lịch sử. Khi cứu độ con người, Thiên Chúa, qua những sáng kiến để cứu độ con người, cho con người biết Thiên Chúa tuyệt vời như thế nào.

Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài sống và hành xử, chính là Thiên Chúa sống và hành xử. Đức Giêsu đã yêu thương con người, phản ánh Thiên Chúa yêu thương con người. Đây chính là con đường giúp con người hạnh phúc. Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga.13, 34-35). Yêu thương tha nhân như chính mình (Mc.12, 31) đã là một điều khó, thế mà Đức Giêsu còn dạy: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Đức Giêsu đã yêu thương con người đến chết, đến hiến mạng sống cho con người. Yêu như Chúa yêu, đó là huấn lệnh của Đức Giêsu cho các môn đệ của Ngài.

Yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Đây là điều rất khó, nhưng nó làm con người được hạnh phúc thật. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài là Đấng chỉ biết yêu thương, làm tất cả vì yêu thương. Thiên Chúa yêu thương con người ngay lúc con người còn là tội nhân, Ngài thông cảm với những yếu đuối của con người, Ngài biết tại sao họ lại hành xử và phản ứng như vậy, nên Ngài thông cảm và tha thứ cho họ. Để chúng ta có cùng cách hành xử của Thiên Chúa, có con tim giống như Chúa, bao dung nhân hậu giống như Chúa, mình cũng cần có cái nhìn giống như Chúa; có như vậy, mình mới có thể yêu thương, tha thứ cho tha nhân.

Thù hận, tìm cách trả thù, chỉ làm cho con người khổ sở bất hạnh. Ngay cả khi người ta xúc phạm đến mình, nếu mình tha thứ, mình sẽ sống an bình và hạnh phúc hơn. Yêu thương, là cung cách hành xử của Thiên Chúa, là vương đạo, là Thiên Chúa đạo. Thiên đàng, là nơi người ta yêu thương, quan tâm đến nhau, và như vậy con người hạnh phúc. Không có con đường hạnh phúc nào khác ngoài con đường yêu thương. Yêu thương cả kẻ thù ghét mình, vì nếu mình không yêu thương mình không được hạnh phúc thật

Làm sao để người ta có cung cách hành xử của Thiên Chúa? Làm sao để người ta có cái nhìn về người khác như Thiên Chúa nhìn họ? Làm sao để có thể yêu thương tha thứ và khoan dung đối với người khác như Thiên Chúa đối với họ? Cầu nguyện, chiêm ngắm Đức Giêsu hành xử, đối xử với tha nhân, đối xử với những người ghét Ngài, chúng ta sẽ dần dần trở nên giống như Đức Giêsu, sẽ trở nên giống Thiên Chúa.

Với Đức Giêsu và Thánh Thần, Thiên Chúa đang làm mới tất cả. Khi đón nhận tin mừng Phục Sinh, người ta được biến đổi. Người ta có cái nhìn mới về Thiên Chúa và về vũ trụ này. Một khi sống như Đức Giêsu chỉ dạy: yêu thương như Ngài yêu thương, thì Kitô hữu làm cho thế giới này dễ thương và đáng yêu đáng sống hơn. Thiên Chúa đang làm mới mọi sự, trong và nhờ Đức Giêsu Kitô.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch