CN31_thuong_nien_nam_AChúa Nhật 31 Thường Niên, Năm A

Ml 1:14b-2:2b, 8-10; 1Tx 2:7b-9, 13; Mt 23:1-12

Ðể có được cái nhìn bao quát và tầm hiểu biết liên đới về toàn bộ Phúc âm, ta cần biết sơ qua về những nhóm người sau đây. Ngoài các tư tế và thượng tế, còn có các kinh sư, phái Pharisêu, phái Xađốc, nhóm Quá Khích, phe Hêrôđê và hội đồng kỳ mục. Khi gặp Chúa Giêsu, họ ưa bắt bẻ, đối chất và đụng độ ít hay nhiều với Chúa.

Tư tế/thượng tế là những người thuộc chi tộc Lêvi và dòng dõi Aaron, lo việc tế tự tại đền thờ. Ông Dacaria, thân phụ thánh Gioan tiền hô cũng là tư tế. Ông được trúng thăm vào dâng hương trong đền thờ (Lc 1:5-6). Sau khi chữa người phong cùi, Chúa bảo họ đi trình diện với tư tế để chứng minh được khỏi (Mt 8:1-4; Mc 1:44; Lc 5:14; 17:14). Tuy vậy có thầy tư tế gián tiếp bị phê bình khi gặp người bị kẻ cướp đánh nhừ tử mà bỏ đi qua (Lc 10:31). Kinh sư là những học giả và trí thức trong đạo Do thái, được nhận tước hiệu ráp-bi hoặc người chỉ đạo. Họ không thuộc phe đảng nào. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người kinh sư thuộc phái Pharisêu nên họ cũng tỏ thái độ và hành động chống Chúa như phái Pharisêu.

Các tông đồ đôi khi xưng Chúa là ráp-bi. Bà Maria Mác-đa-la khi nhận ra Chúa sống lại, thưa với Chúa bằng tiếng Híp-ri là Ráp-bu-ni, nghĩa là thưa Thầy. Còn phe Pharisêu thường được nhắc tới trong Phúc âm. Họ là phe biệt phái, nằm trong Do thái giáo. Theo sử gia Josephus, có chừng sáu ngàn người Pharisêu thời vua Hêrôđê. Họ thường phê bình chỉ trích, bắt bẻ và chống đối Chúa và các môn đệ Chúa. Thánh Phaolô tông đồ là cựu thành viên của phái Pharisêu. Ông Nicôđêmô (Ga 3:1-12; 7:45-48) và ông Ga-ma-li-ên (Cv 5:34) cũng là người Pharisêu.

Phái Xađốc cũng nằm trong Do thái giáo. Phái này không tin có sự sống lại của người chết (Mt 22:23-32; Mc 12:18-27; Lc 20:27-40), cũng không tin có thiên thần và quỷ thần (Cv 23:8). Phe Xađốc và phe Pharisêu có lần đòi Chúa Giêsu tỏ dấu lạ từ trời (Mt 16:1-12). Còn nhóm Quá Khích tượng trưng cho chủ nghĩa quốc gia cuồng tín. Họ cổ võ việc phục hồi và độc lập của Do thái. Họ chống đối việc khai sổ nhân danh theo lệnh hoàng đế Augustô. Chiến thuật họ dùng để chống đối người ngoại bang giống như chiến thuật du kích hay chiến thuật khủng bố của quân khủng bố. Vậy mà một thành viên của nhóm Quá Khích là ông Simon được Chúa chọn làm tông đồ đấy. Rồi đến phe Hêrôđê (Mt 22:16; Mc 3:6; 12:13) là những người phò vua bù nhìn Hêrôđê và do đó phò luôn cả đế quốc La mã. Sau cùng hội đồng kỳ mục, chủ trương duy trì những truyền thống mà các thầy ráp-bi thu tập lại thành sách. Ba nhóm nhúng tay ra mặt vào việc bách hại và đóng đinh Chúa là các thượng tế cùng với lãnh binh đền thờ, kinh sư, và kỳ mục cộng thêm đám đông dân chúng.

Thiên Chúa muốn dân được chọn đáp trả lời Chúa một cách trung thực. Hàng tư tế có trách vụ hướng dẫn dân chúng trong việc thờ phượng ngày sabát để đem sứ điệp của Chúa đến cho dân Người. Tuy nhiên Thiên Chúa của ngày sabát trong đạo cũ, cũng là Thiên Chúa của ngày Chúa nhật trong đạo mới, không hài lòng với họ, vì họ tỏ ra thiếu trách nhiệm. Họ dâng lên Chúa việc thờ phượng rẻ tiền, nghĩa là họ chỉ thờ Chúa ngoàì môi miệng, theo thói quen và hình thức bên ngoài. Vì thế Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Malaki để cảnh giác họ: Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật, và huỷ bỏ giao ước Lêvi (Ml 2:8).

Hai nhóm người vào cuộc trong Phúc âm hôm nay là nhóm kinh sư và Pharisêu. Chúa bảo họ được ngồi ghế Môsê, nghĩa là họ thông luật Môsê và được quyền giải thích luật. Tuy nhiên Chúa lại cảnh giác họ về tội giả hình và bất công. Họ thích nhận tước hiệu và mong được người khác biết đến tên tuổi. Họ muốn được ngồi ghế danh dự và chỗ cao trọng. Họ còn tỏ ra đạo đức trước mặt người đời. Họ chú trọng đến việc giữ luật bề ngoài để trình diễn. Họ đòi người khác giữ luật tỉ mỉ còn họ không động tay đến. Vì thế Chúa căn dặn dân chúng và các môn đệ: Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm (Mt 23:3).

Có vài điểm trong Phúc âm hôm nay xem ra có vẻ khúc mắc trong tâm trí ta. Chúa bảo ta đừng gọi ai dưới đất là thầy, là cha, là người chỉ đạo. Tuy nhiên người ta vẫn gọi người dạy mình là thày: thày nọ, thày kia. Giáo dân vẫn gọi linh mục là cha phần linh hồn để bày tỏ mối liên hệ thiêng liêng. Con cái vẫn gọi người đàn ông sinh ra mình là cha. Người ta còn có cha nuôi, cha tinh thần, cha mẹ đỡ đầu... Như vậy có phải ta cố tình đi ngược lại lời Chúa dạy sao? Thưa rằng khi ta gọi ai là cha, ta vẫn xác tín rằng chỉ có Chúa là Cha toàn năng, hằng hữu. Lời Ðức Kitô không có nghĩa là các môn đệ không còn được quyền đóng vai trò giáo huấn, chữa lành và thánh hoá người tín hữu. Do đó từ thời Giáo hội sơ khai, thì người tín hữu đã coi giám mục, rồi đến cả linh mục là cha phần hồn và xưng với các vị là cha. Thánh Phaolô gọi Timôthê và Titô là con. Như vậy hiểu ngầm rằng hai môn đệ này coi thánh Phaolô như người cha tinh thần và thiêng liêng. Còn khi ta gọi ai là thầy, là người chỉ đạo, ta xác tín rằng chỉ mình Ðức Kitô là Thầy dạy tối cao và duy nhất và là Ðấng chỉ đạo khôn ngoan và sáng suốt.

Chúa chỉ lên án người kinh sư và Pharisêu vì họ muốn và thích được gọi là thầy và có khi là cha nữa mà thôi. Những người kinh sư đòi hỏi học trò phải tôn kính thầy cách tuyệt đối. Tính kiêu căng và tự phụ của họ muốn được ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi cộng cộng và muốn được gọi là thầy (Mt 23:6-7), cộng thêm thái độ giả hình, háo danh, tính kiêu căng và tự phụ, mới khiến họ bị chê, trách, phạt (Mt 23: 13-36) mà thôi.

Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay cũng là những lời Chúa cảnh giác ta. Nếu không cẩn thận, ta cũng có thể rơi vào thái độ và hành động của người kinh sư và Pharisêu. Lời Chúa cảnh giác họ phải giúp ta tự xét xem việc phụng thờ và giữ đạo của ta thế nào. Nếu tự xét mình, ta có thể khám phá ra những thái độ và hành động của người kinh sư và Pharisêu cũng đã ăn rễ sâu vào đời sống nội tâm của tạ. Việc đạo đức của ta cũng có thể giả hình, đóng kịch, phô trương, khoe khoang và cạnh tranh để được tiếng khen chăng?

Xét cho cùng thì theo một nghĩa nào đó, có lẽ cái Pharisêu tính và kinh sư tính, cũng có thể được tìm thấy nơi ta. Do đó hôm nay mỗi người cần nhận thức rằng Thiên Chúa thông biết mọi sự. Chúa biết những ý nghĩ thầm kín của ta. Và ta không thể giấu Chúa điều gì. Nếu khi quét dọn nhà, ta cần lau bụi, cần loại bỏ những rác rưởi, thì khi quét dọn nhà tâm hồn, ta cũng cần lau bụi, cần loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn.

Lời cầu nguyện xin cho được sống trung thực với lòng mình:

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng thông biết mọi sự.

Chúa biết rõ những ý tưởng và ước muốn thầm kín của loài người.

Xin Chúa soi sáng để con có thể biết mình: điểm tốt cũng như xấu

để con có thể sống trung thực với lòng mình.

Xin cho lời nói của con được đi đôi với tư tưởng và hành động

để lời cầu nguyện và của lễ con dâng được đẹp lòng Chúa

và được Chúa vui chấp nhận. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch