Chua_Nhat_6_Phuc_SinhChúa nhật 6 Phục sinh, Năm A

Cv 8:5-8,14-17; 1Pr 3:15-18; Ga 14:15-21

Khi còn tại thế, Ðức Giêsu hiện diện với các tông đồ bằng thân xác, ngũ quan của Người. Khi về trời thì một sự hiện diện mới cần phải được thiết lập như lời Người hứa: ‘Thày sẽ xin Chúa Cha ban cho chúng con một Ðấng Phù Trợ khác để Ngài ở lại với các con luôn mãi’ (Ga 14:16). Chúa Giêsu biết chẳng còn bao lâu nữa các tông đồ sẽ thấy họ phải tự lập giữa thế gian; họ sẽ bị thế gian ghét bỏ, bách hại, tù đầy và bị kết án tử hình. Lời hứa ban Ðấng Phù Trợ là Thần Chân lý phải là lời an ủi, khích lệ cho các Tông Ðồ. Ðó cũng là lời hứa để sửa soạn cho các ông đón nhận ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống.

Lời Chúa hứa ban Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa phải là một lời bảo đảm vì Chúa không bao giờ lỗi lời giao ước. Do đó lời hứa ban Thánh Thần còn được áp dụng và thực hiện nơi người tín hữu thời Giáo hội sơ khai. Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin  dân miền Samaria đã đón nhận lời Chúa thì liền gửi hai ông Phêrô và Gioan đến với họ. Theo sách Công vụ ghi lại: Hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh thần. Vì Thánh thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần (Cv 8:15-17). Người tín hữu sau này nhận ơn Chúa Thánh Thần khi họ lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Khi chịu Phép Rửa tội, người tín hữu đã lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Còn khi chịu phép Thêm sức, người tín hữu nhận ơn Chúa Thánh thần một cách dồi dào và sung mãn hơn.

Thiên Chúa đến với ta bằng Thần Khí và ở lại với ta cũng bằng Thần Khí. Thần Khí là cách thế của việc Chúa hiện diện trong Giáo Hội cũng như trong mỗi người tín hữu. Nhìn bằng con mắt thế gian, ta không thấy được Thần Khí. Ðể có thể cảm nghiệm được Thần Khí của Thiên Chúa, người tín hữu phải dùng con mắt đức tin. Ðức tin được chiếu sáng bởi ơn Chúa Thánh Thần, sẽ giúp ta nhìn thấy một thực tại khác với thực tại của thế gian bởi lẽ ơn thánh không tuỳ thuộc vào ứng nghiệm. Ơn thánh cũng không cảm thấy được bằng giác quan. Khi ta nhìn thấy những hiện tượng lạ, đó có thể là do tác động của Chúa Thánh Thần, hoặc do ma quỉ bầy đặt, do trí tưởng tượng của loài người, hay do ảo thuật của loài người tạo ra. Vì thế ta cần dùng con mắt đức tin để phân biệt hiện tượng nào là do quyền phép Chúa Thánh Thần, hiện tượng nào là do ma quỉ bầy đặt, do trí tưởng tượng, hay ảo thuật của loài người. Nói như vậy không có nghĩa là ngày nay không còn phép lạ xẩy ra hay không còn những công việc lạ lùng do quyền phép Chúa làm. Nếu nhìn bằng con mắt đức tin, ta sẽ thấy vô số phép lạ xẩy ra xung quanh ta và trong đời sống hàng ngày.

Ðọc Thánh kinh, nhất là sách Công Vụ Tông Ðồ, ta thấy ơn Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ nơi các tông đồ, cũng như thời Giáo hội sơ khai. Sức mạnh Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ thành những người hăng say và nhiệt thành trong việc rao giảng Tin mừng Cứu độ. Ơn Chúa Thánh Thần cũng đã tác động tâm hồn người nghe, khiến họ sẵn sàng đón nhận đức tin vào Chúa và hoạt động tông đồ cho nước Chúa. So với cách sống và những hoạt động của giáo hữu thời Giáo hội sơ khai thì có những người cho rằng thời đại ta đang sống không phải là thời đại Chúa Thánh Thần, bởi vì họ không thấy những công việc vĩ đại Chúa làm. Họ nói họ không cảm thấy ơn Chúa tác động trong đời sống cá nhân. Họ nói họ không cảm thấy lửa yêu mến Chúa bừng cháy trong tâm hồn. Họ không cảm thấy sốt sắng trong lời cầu nguyện và việc thờ phượng. Họ nói họ không cảm thấy nhiệt tâm trong việc tông đồ. Theo họ, họ vẫn cảm thấy tâm hồn khô khan, nguội lạnh, trễ nải và làm biếng việc lành.

Nếu nói rằng thời đại ta đang sống không phải là thời đại Chúa Thánh Thần thì như vậy có nghĩa là lời Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần là lời hứa hão huyền hay sao? Hoặc giả có nghĩa là Chúa Thánh Thần đến viếng thăm chốc lát, rồi lại đi, lâu lâu mới trở lại chăng? Xét theo phương diện thần học thì không có việc xẩy ra như vậy. Thánh Kinh dạy ta biết Thiên Chúa luôn trung thành với lời giao ước với loài người. Khi ta thấy ơn Chúa Thánh Thần không tác động trong đời sống là vì ta giữ những điều kiện tối thiểu của đạo một cách bất đắc dĩ; ta đặt những chướng ngại vật trong tâm hồn bằng tính lười biếng, tham lam, ích kỷ, bằng những lo toan thái quá, hay bằng cách sa phạm tội.

Do đó ơn Chúa Thánh thần bị tắc nghẽn trong tâm hồn và hoạt động của Chúa Thánh thần bị giảm thiểu hoặc đình trệ trong đời sống. Thêm vào đó người công giáo lại thường hay quên lãng Ngôi Ba trong bản thể Thiên Chúa. Ta thường quen thuộc với những hình ảnh cụ thể. Ta thấy tượng Chúa Giêsu làm người với vẻ uy nghi, quyền thế; tượng Mẹ Maria với vẻ dịu hiền trìu mến. Nhưng ta không thấy tượng Chúa Thánh Thần dưới hình loài người, mà chỉ thấy hình chim bồ câu, hoặc hình lưỡi lửa. Vì thế ta khó hình dung ra Chúa Thánh Thần vì ta không quen đối chất với những gì là trừu tượng.

Hôm nay mỗi người phải xác tín lại rằng thời đại nào cũng là thời đại Chúa Thánh thần, miễn là ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, và cộng tác với ơn Chúa bằng cách đáp lại tiếng Chúa mời gọi hằng ngày trong nếp sống đều đặn của cuộc sống.

Lời nguyện xin ơn Chúa Thánh thần đến:

Lạy Ðức Kitô phục sinh!

Con xin tạ ơn Chúa đã bày tỏ cho loài người biết

về ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa thực hiện lời hứa

mà ban Thánh Thần đến với chúng con.

Xin cho con biết yêu mến Chúa

bằng việc tuân giữ giới răn Chúa,

bằng cách loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn

để ơn Thánh Thần có thể tác động trong tâm hồn và đời sống con.

Và xin giúp con nhận ra đâu là Thần Khí của Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch