Chúa Nhật 10 Thường Niên, Năm B

St 3:9-15; 2Cr 4:13- 5:1; Mc 3:20-35

 Đối diện với Chúa, người ta có thể có những tâm trạng khác nhau. Đến với Chúa để tạ ơn, người ta có tâm trạng khác. Đến với Chúa để tạ tội, người ta có tâm trạng khác. Đến với Chúa để xin ơn, người ta lại có tâm trạng khác. Đến với Chúa để xin ơn mãi mà không được toại nguyện, người ta lại có tâm trạng khác. Đến với Chúa để thử Người, người ta lại còn có tâm trạng khác nữa. Do đó người ta nhìn Chúa với những cái nhìn khác nhau.

 Có người nhìn Chúa với lòng tin tưởng, cậy trông phó thác. Có người nhìn Chúa với con mắt hồ nghi, muốn thử thách Chúa. Như vậy con người và sứ mệnh của Chúa tuỳ thuộc vào cách thế người ta nhìn Chúa và hiểu Chúa như thế nào. Người ta có thể nhìn Chúa như là một trẻ thơ, còn tuỳ thuộc vào cha mẹ. Người ta có thể nhìn Chúa như một thanh niên tầm thường, sống trong gia đình Nadarét tầm thường: Ông ta lại không phải là con bác thợ mộc và bà Maria nội trợ sao (Mt 13:55). Người ta có thể nhìn Chúa như Đấng hay làm phép lạ chữa trị bệnh tật loài người. Người ta có thể nhìn Chúa như một tội nhân run sợ trước viễn tượng của hình phạt thánh giá (Mt 26:37; Mc 14:33-34). Người ta có thể nhìn Chúa như Đấng giầu lòng quảng đại và tha thứ (Mt 20:34; Mt 9:2, 5). Hay người ta có thể nhìn Chúa như một quan toà phán xét công minh (Mt 25:32).

 Mỗi cái nhìn như trên đều đúng, nhưng chỉ đúng phần nào về phương diện nào đó thôi. Bao lâu người ta chưa có cái nhìn toàn diện về Chúa, bao lâu người ta chưa đọc hay chưa nghe toàn bộ Phúc âm hay ít là một phần lớn, người ta sẽ dễ dàng chụp mũ Chúa, gán cho Chúa những tên và tước hiệu lệch lạc. Khi nhìn Chúa một cách khiếm diện như vậy, người ta sẽ dễ dàng bóp méo con người của Chúa và cắt nghĩa sai lệch về việc Chúa làm. Chẳng hạn khi Chúa ngồi ăn uống vui vẻ thì bị nhóm người Pharisêu gán cho là người thích ăn nhậu (Mt 11:19; Lc 7:34). Khi Chúa tìm đến khuyên can người tội lỗi, thì bị coi là thích giao du với người tội lỗi và gái điếm (Mt 9:10; Mc 2:15; Lc 7:34, 37). Còn trong Phúc âm hôm nay, khi nhóm kinh sư thấy Chúa dùng quyền năng trừ quỉ, thì lại bị gán cho là: Dùng thế quỉ vương mà trừ quỉ (Mc 3:22). Nhóm người Pharisêu không muốn phục tùng quyền năng Chúa nên mới gièm pha, bóp méo sự thật lời Chúa giảng dạy và việc Chúa làm.

 Để hiểu tại sao nhóm người Pharisêu phản ứng như vây, người ta cần tìm hiểu hai nhóm người Pharisêu và kinh sư. Hai nhóm người này coi mình là biết về luật và đạo đức hơn ai. Họ ưa giữ đạo hình thức bề ngoài và hay bới lông tìm vết người khác, và bắt bẻ cả lời nói và hành động của Chúa. Họ đến Đền thờ và ăn chay cầu nguyện để được tiếng khen. Trong Phúc âm, Chúa cũng thường quở trách họ, gọi họ là giả hình và căn dặn các môn đệ phải canh chừng cái men giả hình của họ (Mt 16:6, 11; Mc 8:15; Lk 12:1. Phúc âm thánh Mát-thêu dành cả một chương (Chương 13) ghi lại những lởi cảnh giác của Chúa về nhóm ngưòi Pharisêu.

 Ađam và Evà trong bài trích sách Sáng thế hôm nay đã ăn trái cấm do quỉ dữ xúi bẩy, làm trái ý Chúa. Khi được hỏi tại sao, Ađam đổ lỗi cho Evà, Evà đổ lỗi cho con rắn, tượng trưng cho ma quỉ (St 3:12-13). Tà thần là ma quỉ hằng lợi dụng những sơ hở để xúi bẩy, để gieo mầm chia rẽ, gây đố kị hầu làm lũng đoạn nước Chúa và làm xáo trộn cộng đoàn dân Chúa.

 Ma qủi đã lừa dối tổ phụ loài người và vẫn còn lừa dối con cái loài người. Ngày nay ma quỉ vẫn còn cám dỗ loài người, bảo ta việc nọ việc kia không có tội và bảo ta đừng nhận lỗi vì nhận lỗi là yếu. Ví thế mà người ta thấy hiện tượng đổ lỗi lan tràn trong xã hội loài người. Trong gia đình, người ta thấy chồng đổi lỗi cho vợ, vợ đổ lỗi cho chồng, cha mẹ đổ lỗi cho con cái, con cái đổ lỗi cho cha mẹ, anh chị em đổ lỗi lẫn cho nhau. Trong một giáo xứ, giáo dân đổ lỗi cho cha sở, cha sở đổ lỗi cho giáo dân. Trong công sở, chủ đổ lỗi cho thợ, thợ đổ lỗi cho chủ. Trong một quốc gia, chính phủ đổ lỗi cho người dân, dân đổ lỗi cho chính phủ.

 Bao lâu người ta chưa biết nhận lỗi mình thì con đường đi tới Chúa còn dài. Và bao lâu người ta chưa biết nhận tội, thì mối liên hệ với Chúa còn xa vời. Vậy để có thể đến với Chúa, người ta cần có thái độ khiêm tốn, chấp nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình để có thể mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và để cho quyền năng Chúa tác động. Để thiết lập mối liên hệ gần gũi với Chúa, ta cần phải thực thi ý Chúa. Đó chính là ý nghĩa lời Chúa hôm nay: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mc 3:35).

 Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết tuân phục quyền năng Chúa:

 Lạy Đức Giêsu là người và cũng là Thiên Chúa!

Để được làm bạn nghĩa thiết với Chúa,

Chúa dạy loài người phải sống theo luật Chúa

và tuân giữ giới răn Chúa.

Xin dạy con biết mở rộng tâm hồn trước lời Chúa

và tìm sống theo thánh ý Chúa

để ân sủng và quyền năng Chúa

có thể biến đổi tâm hồn và đời sống con. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch