Thứ Tư Lễ Tro, Năm A, B, C
Ge 2:12-18; 2 Cr 5:20-6:2; Mt 6:1-6,16-18
Thứ Tư lễ Tro là ngày khởi đầu mùa Chay thánh, kéo dài khoảng bốn mươi ngày đêm, để tưởng nhớ bốn mươi đêm ngày (Mt 4:2) Ðức Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa. Hôm nay trong nghi thức xức tro, linh mục nhắc nhở: Ta là thân bụi đất, và sẽ trở về đất bụi (St 3:19).
Sách Sáng thế ghi lại: Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật (St 2:7). Như vậy khi chết, con người lại trở về bụi đất. Nếu nghĩ đến việc hoả táng, thì hình ảnh trở về bụi tro lại càng thích hợp để diễn tả thân phận làm người. Ðối với giới ngôn sứ trong Cựu ước, thì việc xức tro là dấu chỉ của việc ăn năn sám hối và trở về với Chúa.
Tại Hoa kì người ta đi lễ Tro khá đông, gần như Chúa nhật, mặc dù không phải là lễ buộc để được xức tro trên trán với hình thánh giá, chứ không phải trên chỏm đầu. Linh mục Việt nam ở Mĩ thì vẽ hình thánh giá nhỏ thôi. Còn linh mục Mỹ thường vẽ dấu thánh giá lớn hơn. Vậy mà người Mĩ cứ hiên ngang để lộ dấu tro trên trán đi ra đường và đến sở làm. Cả người Tin lành cũng nhận tro hoặc ở nhà thờ của họ hay nhà thờ Công giáo.
Những việc đạo đức truyền thống Giáo hội dậy làm trong mùa Chay là cầu nguyện, đền tội và làm việc từ thiện bác ái. Cầu nguyện bao gồm việc cầu nguyện chung hoặc riêng, cầu nguyện tại nhà, tại nhà thờ hay ở nơi nào thích hợp. Việc dâng lễ, đọc Thánh kinh và suy niệm cũng là cầu nguyện. Trong Phúc âm hôm nay, Ðức Giêsu dạy ta cầu nguyện thế này: Hãy vào phòng đóng của lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Ðấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6:6). Như vậy có phải ta áp dụng lời Chúa dậy theo nghĩa đen, vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện không?
Ta cần hiểu Chúa nói lời này để trả lời nhóm người Pharisêu là những người chỉ muốn người khác biết họ cầu nguyện và cho họ là đạo đức. Ta cần đến nhà thờ cầu nguyện để làm chứng cho đức tin vào Chúa, chia sẻ đức tin với người khác nghĩa là nâng đỡ đức tin của người yếu đức tin chứ không phải như người Pharisêu để cho người khác biết đến. Chính Chúa Giêsu cũng đã lên Ðền thờ cầu nguyện công khai, nghĩa là người khác có thấy Chúa cầu nguyện. Theo cách giải thích của thánh Amrôxiô thì vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, có nghĩa là vào căn phòng nội tâm của nhà linh hồn, là nơi người ta lưu trữ tư tưởng, cảm tình. Căn phòng nội tâm này luôn đi liền với mỗi người. Chúa dạy các tông đồ: Anh em hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 22:20). Khi các tông đồ hỏi Ðức Giêsu tại sao các ông không trừ được quỉ nhập người động kinh, Chúa bảo: Loại quỉ đó chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện (Mc 9:29).
Việc truyền thống thứ hai trong mùa chay là đền tội. Ðền tội gồm việc ăn chay, kiêng thịt, hi sinh, hãm mình.. Sau Công đồng Vaticanô II, luật ăn chay kiêng thịt trở nên đơn giản: chỉ buộc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu mùa chay và ăn chay cùng với kiêng thịt vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần thánh. Ðiều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng luật ăn chay kiêng thịt đã trở nên lỏng lẻo dễ dãi. Tuy nhiên nếu đi sâu vào vấn đề, người ta thấy không phải vậy. Thiết tưởng ngày nay nhiều người công giáo cần phải xét lại việc ăn chay kiêng thịt. Sống trong xã hội kĩ nghệ hoá tiêu thụ, người ta thấy thịt thà quá dư thừa. Vì thế ăn cá cũng là dịp tốt cho sức khoẻ. Vả lại những người thích ăn cá thì việc kiêng thịt cũng không hẳn là việc hãm mình đáng kể. Có những người kiêng thịt mà lại đi ăn tôm hùm chẳng hạn - vừa mắc tiền vừa ngon lành - thì làm sao gọi là hi sinh hãm mình?
Ðiểm lợi ích của việc ăn chay là không những để giữ gìn sức khoẻ phần xác, mà còn giúp gia tăng sức mạnh thiêng liêng hầu chống trả cám dỗ. Nếu người ta kiêng ăn uống chỉ nhằm mục đích giữ gìn sức khoẻ phần xác cho khỏi mập hay cao máu, hay để làm giảm chất béo cholesterol, thì việc ăn chay kiêng thịt của họ không có giá trị thiêng liêng vì thiếu động lực tôn giáo thúc đẩy. Vì vậy, muốn có giá trị thiêng liêng, người ta phải đem động lực tôn giáo vào việc kiêng cữ đồ ăn thưc uống. Mục đích của việc ăn chay kiêng cữ là để tạo nên một khoảng trống trong dạ dày hầu giúp người ta cảm thấy được sự trống rỗng trong tâm hồn mà đi tìm Chúa và mời Chúa vào để lấp đầy sự trống rỗng. Nói cách khác mục đích của việc ăn chay kiêng cữ là để cho tâm trí được thanh thoát hầu dễ vươn lên thượng giới. Khi mới ăn chay, người ta hay cảm thấy kiến bò trong bụng. Tuy nhiên rồi cũng quen đi. Nếu kiến còn bò thì uống nước lã vào, thì kiến hết bò.
Ngoài ra Giáo hội mong muốn người tín hữu tự nguyện ăn chay kiêng thịt vào những ngày khác. Ai tưởng luật ăn chay cho người Công giáo là khắt khe, thì nên tìm hiểu xem tín đồ Phật giáo và Hồi giáo giữ chay ngặt hơn gấp bội như thế nào. Ngoài việc kiêng cữ đồ ăn thức uống, Giáo hội còn mong muốn người tín hữu không những kiêng thịt, nhưng còn kiêng miệng lưỡi, lỗ tai, con mắt, để chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn xem những gì đáng nói, đáng nghe và đáng xem, nghĩa là những gì lành mạnh hoá cho sức khoẻ tâm linh. Người tín hữu cần ghi nhớ lời Chúa dùng miệng lưỡi ngôn sứ Isaia để cảnh giác những người ăn chay kiểu này: Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn sao (Is 53:4)?
Khi về thăm Việt nam, có người tặng linh mục kia bộ vật kỉ niệm gồm ba con khỉ ngồi thế chồm hổm, trông có vẻ buồn cười, nhưng khá nghệ thuật, chế tạo đầu tiên tại Nhật bản bằng đất sét nung thành mầu gụ. Một con lấy hai tay bịt mắt, con kia lấy hai tay bịt tai, con thứ ba lấy hai tay bịt miệng có nghĩa là không nhìn, không nghe, không nói. Linh mục nhận vật kỉ niệm để trưng bầy và cũng để nhắc nhở cho mình về việc kiêng cữ miệng lưỡi, lỗ tai và con mắt nữa.
Việc truyền thống thứ ba trong mùa chay là việc từ thiện, bác ái, thay vì dùng từ bố thí. Về cách làm việc từ thiện bác ái, thì Chúa dạy ta đừng thổi loa trước như bọn giả hình để cho người ta ca tụng. Chúa cảnh giác những người làm việc thiện chỉ để khoe khoang và lấy tiếng khen, để người ta ca tụng mình, thay vì để cho Chúa được ca tụng ngợi khen. Ðể Chúa được vinh danh, Chúa bảo sự sáng của ta phải chiếu dãi để người đời nhận biết mà ca tụng Ðấng ngự trên trời. Nếu để người khác ca tụng mình dưới đất thì người ta đã được thưởng công rồi, không còn công phúc trước mặt Chúa nữa. Nếu không canh chừng cẩn thận thì có những việc ta làm như quyên góp dưới danh nghĩa là từ thiện bác ái, mà muốn được điểm với giáo dân hay với bề trên, ta lại làm sao cho quyên được nhiều để lấy điểm.
Ðể được gọi là việc từ thiện bác ái, ta cần chia sẻ những gì là của mình, cho đi chính phần mình thay vì cho những gì thừa thãi mà mình không nhận làm của mình nữa. Nếu chỉ cho quần áo cũ mà mình không dùng đến thì khó mà gọi được là việc từ thiện bác ái. Nói tóm lại trong Mùa chay, người tín hữu được mời gọi hoán cải tâm hồn và đời sống bằng việc trở về với Chúa để có thể đồng hành với Ðức Kitô trên đường khổ giá, lên đồi Can-vê vào ngày Thứ Sáu chịu nạn, hầu được chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Chúa trong ngày Chúa nhật Phục sinh khải hoàn.
Lời cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho những việc làm trong mùa chay:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa cho Mùa chay thánh này.
Xin dạy con sống tinh thần mùa chay:
bằng việc cầu nguyện, hi sinh, ăn chay, kiêng thịt, hãm mình,
làm việc từ thiện bác ái thế nào cho đẹp lòng Chúa.
Xin cho con biết làm hoà với Chúa qua bí tích cáo giải,
hầu trở về sống trong ơn nghĩa với Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng