CN_5_TN_CChúa Nhật 5 Thường Niên, Năm C

Is 6:1-2, 3-8; 1Cr 15:1-11; Lc 5:1-11

Phụng vụ lời Chúa hôm nay có chung một đề tài về lời Chúa kêu gọi và loài người đáp trả: lời Chúa kêu gọi Isaia làm ngôn sứ, lời Chúa kêu gọi Phaolô trở lại làm tông đồ dân ngoại, lời Chúa kêu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan làm tông đồ. Mặc dầu các vị nhận được ơn Chúa gọi để thi hành sứ vụ vào thời điểm khác nhau, họ đều trải qua kinh nghiệm thiêng liêng giống nhau, và đi tới quyết định giống nhau là theo Chúa.

Trước hết họ ý thức về sự hiện diện thánh của Chúa. Thứ hai họ ý thức về tội lỗi và bản tính yếu hèn và bất xứng của họ để làm việc Chúa trao phó. Vì thế mà ngôn sứ Isaia mới thốt lên: Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Ðức Vua là Ðức Chúa các đạo binh (Is 6:5). Còn Phaolô khi được Chúa gọi thì bào chữa: Tôi không xứng đáng được liệt kê vào số các tông đồ, vì đã ngược đãi đạo thánh của Chúa (1Cr 15:9). Thánh Phaolô còn thú nhận tính yếu hèn của mình và đã ba lần xin Chúa cho được thoát khỏi nỗi khổ này (2Cr 12:7-8), Chúa bảo Phaolô: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (2Cr 12:9). Còn thánh Phêrô, thả lưới suốt đêm mà không bắt được cá. Khi nhìn thấy mẻ lưới đầy cá do kết quả của quyền năng Chúa, thánh Phêrô cảm thấy bất xứng liền thốt lên: Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi (Lc 5:8). Chúa không nói nếu tội lỗi thì thôi, không xứng đáng theo Thầy. Chúa bảo: Từ nay con sẽ bắt người như bắt cá (Lc 5:10).

Sau cùng, mặc dầu tội lỗi và bất xứng, các vị đã chấp nhận lời Chúa mời gọi với xác tín rằng mình đã được tha thứ. Họ đặt tin tưởng vào lòng nhân lành của Chúa và xác tín vào quyền năng biến đổi của Chúa. Sau khi miệng lưỡi được thanh tẩy, Isaia sẵn sàng lãnh nhận sứ mệnh mà thưa với Chúa: Lạy Chúa, vâng con đây, xin sai con đi (Is 6:8). Thánh Phaolô xác nhận ơn Chúa ở với mình khi viết: Nay tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không ra vô hiệu (1Cr 15:10). Còn thánh Phêrô thì bỏ hết mọi sự mà theo Chúa (Lc 5:11).

Xét về phương diện làm ăn buôn bán thì mẻ lưới đầy cá do quyền năng Chúa vẫn còn ảnh hưởng tốt tại bờ hồ Tibêria, cũng gọi là hồ Galilê. Ði du lịch tới biển hồ Tibêria mà vừa xuống khỏi xe buýt, khách du lịch sẽ ngửi mùi thơm nhức mũi. Ðó là món cá thánh Phêrô mà một tiệm ăn ở đây quen gọi. Thơm đến độ dù không thích cá, thì cũng muốn ăn. Họ rán nguyên vẹn một con cá tươi, thơm ngon bắt được tại biển hồ nước ngọt Tibêria. Tới đây thì phải tìm ăn món cá này cho bằng được, để ghi nhớ kỷ niệm mẻ lưới đầy cá của thánh Phêrô trong Phúc âm hôm nay.

Việc Chúa gọi không làm thay đổi cá tính của ngôn sứ Isaia, của thánh Phaolô và thánh Phêrô. Họ vẫn còn mang trong người bản tính yếu hèn và tội lỗi. Thánh Phêrô vẫn còn mang tính nóng. Tuy nhiên bây giờ họ nhận thức được rằng Chúa có thể dùng những người yếu hèn và tội lỗi để làm công việc của Người. Ðiều gì còn thiếu xót nơi họ, Chúa sẽ bổ túc và bù đắp lại. Một số người Kitô hữu khi ý thức về tội lỗi của mình thì tự ý miễn trừ cho mình những việc hoạt động tông đồ hay những việc phục vụ dân Chúa. Họ nghĩ rằng Chúa không gọi họ làm việc tông đồ giáo dân. Họ cho rằng việc tông đồ là thuộc phạm vi linh mục và tu sĩ nam nữ. Và họ nghĩ rằng để làm việc Chúa, họ phải được Chúa kêu gọi đích danh và vỗ vai họ. Hôm nay mỗi người cần nhận thức rằng qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi người tín hữu đều được kêu gọi làm việc tông đồ mở mang nước Chúa.

Ðọc lịch sử Giáo hội, người ta thấy khi Chúa muốn để lại một ấn tượng sâu xa về quyền năng của Người, Chúa dùng những phương thế khác thường. Ðó là trường hợp Chúa đã dùng, khi kêu gọi Phaolô, Augustinô, hoặc người phụ nữ ngoại tình có lòng sám hối trở lại. Ðó là những tấm gương đáp trả quyết liệt lời Chúa mời gọi cách rõ rệt. Còn đối với đa số người tín hữu, thì Chúa đi vào đời ta một cách lặng lẽ và đức tin của ta được phát triển một cách từ từ tiệm tiến, khiến ta khó nhận ra sự khác biệt. Nói cách khác, con đường của ta đến với Chúa không qua một khúc quanh rõ rệt chín mươi độ như thánh Phaolô, hoặc thánh Augustinô: từ những kẻ tội lỗi khét tiếng thành những vị thánh lỗi lạc vang danh lẫy lừng. Có những người có thể ghen tuông với những vị thánh này vì họ được ơn biến đổi cách lạ lùng và rõ rệt.

Còn đại đa số người tín hữu, thì Chúa đi vào đời ta một cách âm thầm lặng lẽ từ tuổi thơ ấu, đến thiếu niên, qua tuổi trưởng thành, rồi sang tuổi xế chiều. Do việc tiếp tục đáp trả lại lời Chúa mời gọi mà ta nhận ra đường lối nhiệm mầu của Chúa mỗi ngày một chút. Có khi ta tự hỏi tại sao Chúa lại gọi mình, trong khi có những người trổi vượt hơn mình về nhiều phương diện mà Chúa không gọi hay họ không đáp trả? Có khi ta trải qua những khúc quanh co trên đường Chúa gọi, những chặng đường gập ghềnh của cuộc sống ơn gọi. Có khi ta cảm nghiệm được những cơn mây đen bao phủ tâm trí, những giằng co giữa lí trí và con tim trước khi tìm được đời sống ổn định và tâm hồn an bình trong đời dâng hiến. Khi tâm hồn được ổn định và an bình trong đời dâng hiến thì ta tự hỏi tại sao hồi đó mình lại lưỡng lự trong việc đáp trả lại ơn gọi, và sau khi đáp trả rồi, có những lúc mình còn ‘đứng núi nọ trông núi kia cao’?

Ðể cho quyền năng Chúa có thể tác động, ta phải thú nhận bản tính yếu hèn và tội lỗi của mình, cùng với những giới hạn của mình, rồi xin ơn Chúa giúp để làm việc của Chúa trao phó. Ta có thể nói với Chúa như là: Lạy Chúa, yếu hèn và tội lỗi như con mà Chúa gọi con sao? Con lại không có tài năng trổi vượt như nhiều người. Con xin dâng lên Chúa những yếu hèn và tội lỗi của con để xin Chúa thanh tẩy. Xin Chúa giúp và biến đổi con thành dụng cụ của Chúa, chứ con không dám cậy vào sức riêng của con.

Việc đáp trả lời Chúa mời gọi tuỳ thuộc vào việc mỗi người cộng tác với ơn Chúa. Bản tính loài người là yếu đuối, mỏng giòn, nhưng khi Chúa gọi ta làm việc nọ chuyện kia, hoặc làm linh mục, tu sĩ, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm người giáo dân, làm hội viên của hội đoàn nọ kia, làm nghề này, nghề khác, Chúa sẽ ban đủ ơn để ta thi hành sứ vụ.

Lời cầu nguyện xin cho biết đáp ơn Chúa gọi:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu!

Hằng ngày Chúa hằng mời gọi con

để làm việc nọ chuyện kia cho Chúa.

Chúa biết bản tính con yếu hèn và tội lỗi.

Xin cho con biết cậy nhờ vào ơn Chúa

để Chúa toàn quyền xử dụng con.

Xin Chúa biến đổi con thành dụng cụ của Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch