Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C
Gs 5:9a,10-12; 2 Cr 5:17-21; Lc15:1-3,11-32
Lòng nhân từ hay thương xót của Chúa là một thực tại hiện hữu được ghi lại trong Thánh kinh. Sách Giô-suê kể lại dân Chúa bị lưư lạc, làm nô lệ bên Ai cập như là một ô nhục, nên Thiên Chúa cho giải thoát dân Người, đem họ về đất hứa:
Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai cập (Gs 5:9a). Trong miền đất hứa, họ được dùng thổ sản và hoa mầu của đất hứa Ca-na-an (c.12).
Trải qua suốt dòng lịch sử cứu độ, biết bao lần dân Chúa đã lỗi lời giao ước. Họ chối bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai. Họ đúc bò vàng để thờ. Và mỗi khi họ đi lạc đường lỡ bước thì Chúa lại sai các ngôn sứ đến để cảnh giác họ. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối, thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về với lòng tha thứ. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một đến để làm cuộc hoà giải giữa loài người với Thiên Chúa. Ðó là điều mà thánh Phaolô dạy người tín hữu Corintô hôm nay: Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải (2 Cr 5:18).
Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về người con hoang đường và phung phá (Lc 15:13). Dụ ngôn chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn người tội lỗi được cứu rỗi. Sự thực thì dụ ngôn nhắm vào người cha hơn là người con và có lẽ đúng hơn thì nên gọi là dụ ngôn người cha nhân từ hay thương xót và tha thứ (Lc 15:20), thay vì dụ ngôn người con phung phá.
Theo dụ ngôn thì cả hai người con đều có lỗi. Người con thứ hai đã phạm tội ích kỉ, tham lam và đàng điếm. Còn người con trưởng lỗi phạm tội ghen tuông và không tha thứ. Người con trưởng được thừa hưởng tài sản và của cải của cha mình. Ðáng lẽ anh ta phải cảm thấy hoan hỉ về những của cải mà người cha có cũng sẽ là của anh ta. Tuy nhiên anh ta không nhận định được ân huệ mà người cha sẽ dành cho mình. Anh ta đóng cửa lòng lại, nhất định không chịu tha thứ cho người em biết sám hối trở về.
Ðến đây mỗi người tín hữu tự hỏi xem mình thuộc loại người con nào? Ta hành động như người con thứ hai khi ta lạm dụng những ân huệ, phung phí những của cải và tài năng Chúa ban, khi ta ích kỉ và lười biếng. Ta hành động như người con trưởng khi ta không chịu tha thứ hoặc ghen tuông với người được may mắn và được nhiều ân huệ, giàu có và tài năng hơn ta. Ta có thể có kinh nghiệm khi ta đóng cửa lòng lại, không chịu tha thứ. Tâm trạng đó có thể hiện trên nét mặt làm ta khó chịu. Chắc vẻ mặt của người con trưởng lúc đó phải lầm lì khó chịu lắm khi thấy người em thứ được cha đón tiếp trở về.
Bối cảnh của dụ ngôn Chúa kể hôm nay là những người Pharisêu và kinh sư bất bình với Chúa Giêsu vì Người đón tiếp và ăn uống với những người tội lỗi. Họ cho rằng Chúa Giêsu coi nhẹ tội và họ muốn đặt giới hạn cho lòng nhân từ của Chúa. Câu chuyện trong dụ ngôn hôm nay không gợi cho ta một kinh nghiệm nào trong cuộc sống hằng ngày. Theo kinh nghiệm trong xã hội loài người, người ta khó có thể tìm thấy một người cha nào tốt lành và nhân hậu đến nỗi, hối hả chạy ra đón đứa con hoang đàng trở về khi đứa con chưa có dịp xin lỗi và kể lể.
Thường khi một người con bỏ nhà ra đi, mà trở về thì người cha cũng để con vào nhà, nhưng giữ sự việc yên lặng cho phản ứng vui buồn lẫn lộn lắng đọng trong một thời gian rồi mới tính đến những chuyện khác. Việc tha thứ của loài người thì khác biệt với việc tha thứ của Chúa. Việc tha thứ của loài người chỉ có giới hạn. Còn việc Chúa thứ tha thì vô hạn. Chúa cũng bảo ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy.
Nhận thức được tình trạng khốn khổ và bi thảm của mình, người con thứ đã quyết định trở về. Ðó là bước đầu để tiếp nhận lòng nhân từ và tha thứ của người cha. Trong nhà người cha nhân từ, anh ta có nhà ở, có cơm ăn áo mặc, có người giúp việc phục dịch mà anh ta không đánh giá được những hồng ân đó. Vậy để đánh giá được những ân huệ ta được hưởng trong Giáo hội của Chúa, ta phải tập cho mình biết đưa mắt nhìn quanh để so sánh và biết đánh giá. Ở trong Giáo hội là ở trong cửa chuồng chiên, ta được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng là lời Chúa cùng lời giảng dạy về giáo lí Phúc âm và Mình Thánh Chúa. Ta còn được sự khuyến khích và nâng đỡ của những người tín hữu khác cùng với lời cầu nguyện của người tín hữu lẫn cho nhau.
Người con thứ hôm nay được may mắn là anh ta đã có can đảm trở về nhà cha. Anh ta không để cho mình bị sa lầy trong vũng bùn đen tội lỗi, nhưng đã chỗi dậy trở về để hưởng tình tha thứ của người cha, được ăn ở và sống trong sự an toàn của gia đình. Nếu đã đi lạc đường lỡ bước về phương diện nào đó, ta cần có can đảm chỗi dậy trở về. Ðiều không may là ta đã quên lãng lòng nhân từ, hay xót thương và tha thứ của Chúa. Vậy điều ta cần là lòng tin tưởng, cậy trông vào lòng xót thương nhân từ của Chúa. Chúa vẫn ở đó chờ đợị ta tỏ dấu muốn trở về làm hoà với Chúa và thay đổi cách sống để được sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa.
Lời cầu nguyện xin Chúa rủ lòng thươnh xót:
Lạy Chúa, Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót.
Xin ban cho tội nhân biết đặt tin tưởng
vào lòng xót thương của Chúa
và khơi dậy lòng thống hối, quyết chí dốc lòng chừa
Xin đừng để họ ngã lòng trông cậy Chúa.
Xin Chúa cũng nhớ lại lòng khoan dung của Chúa
mà đối xử khoan hồng đại lượng với con. Amen.
Lm Trần Bình Trọng