Ngày 23/3/2023, Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố nhắc lại ưu tiên của Giáo hội đối với việc chôn cất người quá cố và nói rằng các phương pháp mới hơn - cụ thể là thủy phân bằng chất kiềm và ủ xác người - không thể hiện sự tôn trọng đối với thân xác con người.
Quá trình ủ thi thể người chết - còn được gọi là khử chất hữu cơ tự nhiên - là một hiện tượng tương đối mới ở Hoa Kỳ và đã được hợp pháp hóa ở một số bang, gần đây nhất là California. Khi một thi thể được ủ phân, nó được đặt trong một thùng chứa có thể tái sử dụng, nơi các vi sinh vật và vi khuẩn sẽ phân hủy nó thành đất trong vòng 30-45 ngày. Thủy phân bằng chất kiềm là một quá trình trong đó cơ thể con người bị phân hủy trong bể hóa chất ở áp suất và nhiệt độ cao, tạo thành một số mảnh xương và một lượng lớn nước thải.
Các Giám mục viết: “Trong những năm gần đây, các phương pháp và công nghệ mới hơn để xử lý thi thể của người quá cố đã được phát triển và trình bày như là những giải pháp thay thế cho cả chôn cất và hỏa táng truyền thống. Một số phương pháp và công nghệ mới hơn này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về việc chúng không thể hiện sự tôn trọng đối với những hài cốt, điều đức tin Công giáo đòi hỏi.”
“Thật không may, hai phương pháp mới nổi bật nhất để xử lý hài cốt được đề xuất như là những phương án thay thế cho chôn cất và hỏa táng, thủy phân bằng chất kiềm và ủ thi thể, không đáp ứng được tiêu chí này.”
Tôn trọng thi thể của những người đã khuất
Giáo hội Công giáo dạy rằng một ngày nào đó, khi sống lại vào ngày sau hết, linh hồn của người chết sẽ được đoàn tụ với thể xác của họ. Người Công giáo “có nghĩa vụ tôn trọng sự sống thể xác của chúng ta trong suốt cuộc đời của chúng ta và tôn trọng thi thể của những người đã khuất khi cuộc sống trần thế của họ đã kết thúc.”
Lưu ý đến việc cử hành Lễ Phục sinh sắp tới, khi các Kitô hữu cử hành sự phục sinh thân xác của Chúa Kitô, các Giám mục nhắc lại rằng “Giáo hội luôn dạy rằng chúng ta phải tôn trọng thi thể của những người đã khuất.” Do đó, chôn cất theo truyền thống được “Giáo hội coi là cách thích hợp nhất để bày tỏ lòng tôn kính và kính trọng đối với thi hài của người quá cố vì nó ‘tôn vinh con cái Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần’, và bày tỏ rõ ràng tâm hồn của niềm tin và hy vọng của chúng ta vào sự sống lại của thân xác con người.” (CNA 23/03/2023).
Hồng Thủy - Vatican News