Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin khẳng định rằng Đức Thánh Cha và Tòa Thánh gần gũi với nỗi đau khổ của mọi người: không hề “bỏ qua” việc lên án cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas vào ngày 7/10/2023; đồng thời không thể “phớt lờ” những gì đang xảy ra ở Gaza, “nơi đã có quá nhiều người chết, quá nhiều người bị thương, quá nhiều sự tàn phá”.
Bên lề Thánh lễ cử hành tại nhà thờ San Andrea della Valle ở Roma hôm 23/11/2023, nhân kỷ niệm 90 năm cuộc diệt chủng tại Ucraina từ năm 1932 đến năm 1933, với việc tiêu diệt bằng nạn đói do lệnh của Stalin khiến hàng triệu người chết, Đức Hồng y Parolin nhắc lại lập trường “gần gũi” của Đức Thánh Cha với người Israel và người Palestine.
Đức Hồng Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã nhắc lại nguyên tắc “gần gũi như nhau” vốn luôn là phong cách của Tòa Thánh kể từ thời Đức Bênêđíctô XV, người cũng bị “tấn công từ cả hai phía” trong Thế chiến thứ nhất vì đã giữ “lập trường trung lập”. Theo những người tố cáo, ngài đã không nhìn nhận “kẻ xâm lược và người bị tấn công”.
Điều tương tự cũng xảy ra với Đức Thánh Cha Phanxicô, khi mà những lời phát biểu của ngài vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm 22/11/2023 đã gây ra tranh cãi từ một số đại diện của thế giới Do Thái. Sáng ngày 23/11/2023, các Rabbi ở Ý đã phàn nàn về việc Đức Thánh Cha đã đặt Hamas và Israel ngang hàng với nhau bằng cách nói về “chủ nghĩa khủng bố” từ cả hai phía.
Tương quan với thế giới Do Thái
Khi được các nhà báo hỏi về điều này, Đức Hồng y Parolin nói về những cáo buộc “vô nghĩa” đối với Đức Thánh Cha và nhấn mạnh rằng các sự kiện gần đây “chắc chắn” không đặt nghi vấn về mối quan hệ với thế giới Do Thái cũng như “những thành tựu của những năm này, bắt đầu từ sắc lệnh Nostra Aetate (Đến với Muôn dân)”. Thật vậy, “chúng tôi quan ngại sâu sắc trước làn sóng bài Do Thái đang bùng phát khắp nơi”.
Lập trường rõ ràng của Tòa Thánh về cuộc tấn công của Hamas
Theo Đức Hồng y, “phía Tòa Thánh đã có lập trường rất rõ ràng đối với cuộc tấn công của Hamas, không phải là chúng tôi đã bỏ qua nó”.
Chính ngài, bên lề một sự kiện tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma, sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel, đã nói về một cuộc tấn công “khủng khiếp” và “đáng khinh”. Sau đó, Đức Thánh Cha, trong mọi tuyên bố công khai đã không ngừng phản đối bạo lực và kêu gọi ngừng bắn và thả các con tin Israel.
Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh: “Đối với tôi, dường như Tòa Thánh cố gắng bằng mọi cách để công bằng quan tâm đến nỗi đau khổ của mọi người. Cũng trong trường hợp này, thật đáng lên án những điều khủng khiếp mà Israel đã phải chịu. Đồng thời, “chúng ta cũng không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở phía bên kia”, tức là ở Dải Gaza, “nơi đã có quá nhiều người chết, quá nhiều người bị thương, quá nhiều sự tàn phá”. Nhắc lại tuyên bố của Đức Thánh Cha trong hai cuộc gặp gỡ với gia đình các con tin Israel và một nhóm người Palestine, Đức Hồng Y nói thêm: “Đức Giáo Hoàng muốn gần gũi với nỗi đau khổ của tất cả những người đau khổ”.
Phân biệt giữa kẻ tấn công và người bị tấn công
Đối với những người đã chỉ ra rằng những lời chỉ trích của các Rabbi (vào ngày 23/11) tương tự như những lời chỉ trích xuất hiện trong cuộc chiến giữa Ucraina và Nga về việc thiếu sự phân biệt giữa “kẻ xâm lược” và “người bị tấn công”, Đức Hồng y Parolin trả lời: “Chúng tôi đã trả lời vào thời điểm của nó. Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh nêu rõ điều đó: trong trường hợp Ucraina, chúng tôi đã nói ‘đó là một cuộc chiến tranh xâm lược...’”. Chúng ta có thể nói gì hơn thế? Chúng ta cũng cần phải đọc kỹ các từ và hiểu ý nghĩa của chúng. Nếu ai đó muốn hơn thế nữa, chúng tôi cũng có lập trường của mình, chúng tôi cân nhắc và đưa ra quyết định của mình”.
Đức Hồng Y đảm bảo: “Tuy nhiên, đối với tôi, dường như không có sự tương đương. Hoàn toàn không. Chúng tôi luôn nói những gì cần nói, ngay cả theo những cách thức của Tòa Thánh”. Và “những gì Đức Giáo Hoàng nói, ngài nói rõ ràng. Tất nhiên, đó không phải là cách họ mong muốn”.
Cách thế của Tòa Thánh
Những căng thẳng, cáo buộc, khó khăn trong việc nói về hòa bình, trong mọi trường hợp, không có gì mới. Đức Hồng y Parolin nhắc lại: “Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra… Nếu bạn còn nhớ trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất, Giáo hoàng Bênêđíctô (XV) đã bị cả hai bên tấn công bởi vì, theo họ, ngài cũng có lập trường trung lập, không nhìn nhận kẻ tấn công và người bị tấn công... Vì vậy, tôi rất tiếc, nhưng tôi không ngạc nhiên. Phải biết cách nói với mọi người những gì cần phải nói nhưng tôi trở lại nói theo cách mà Tòa Thánh nói”.
Vatican News
24 tháng mười một 2023, 21:06