WHĐ (12.1.2011) – Như mọi năm, Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu đều phổ biến một Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất (từ ngày 18 đến 25 tháng 1). Chủ đề năm nay của Tuần cầu nguyện lấy từ sách Công vụ Tông đồ 2, 42-47. Tài liệu được dùng cho Tuần cầu nguyện và cho cả năm 2011.
Khởi sự, Tập tài liệu này do một nhóm những người có trách nhiệm thuộc cộng đoàn Giáo hội Công giáo ở Giêrusalem thực hiện. Họ đã họp nhau lại theo lời mời gọi của Hội Đồng đại kết các Giáo hội và được Trung tâm đại kết ở Giêrusalem tạo điều kiện để thực hiện công việc này.
Sau đó, Nhóm chuẩn bị tài liệu quốc tế, do Ban Đức Tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu của Giáo hội Công giáo chỉ định, đã gặp nhau tại tu viện Thánh Christophe Saydnaya bên Syri và nhất trí thông qua Tài liệu này.
Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đã chuyển dịch Tài liệu này từ bản tiếng Pháp “Textes pour la Semaine de Prière pour l’Unité des Chrétiens et pour toute l’année 2011”.
Tài liệu gồm 4 phần:
Phần I: Dẫn vào chủ đề Năm 2011
Phần II: Diễn tiến buổi cử hành
Phần III: Cử hành nghi thức đại kết
Phần IV: Bản văn Kinh Thánh, suy niệm và lời nguyện cho tám ngày
WHĐ xin lần lượt giới thiệu từng phần.
***
HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU
Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011
Bản văn Kinh thánh: Công vụ Tông đồ 2, 42-47
Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
PHẦN I: DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2011
Công vụ Tông đồ 2, 42-47 Giáo hội tại Giêrusalem, hôm qua, hôm nay và ngày mai
Cách đây hai nghìn năm, những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, họp nhau tại Giêrusalem, đã được lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện Xuống, và họ đã được qui tụ để làm nên thân thể duy nhất của Đức Kitô. Các Kitô hữu ở mọi nơi và mọi thời đều nhận thấy biến cố này là nguồn gốc phát sinh ra cộng đoàn các tín hữu, những người được kêu gọi để cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Dù cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem gặp rất nhiều khó khăn, cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng họ vẫn luôn trung tín, hiệp thông huynh đệ, năng tham dự lễ bẻ bánh và chuyên cần cầu nguyện.
Cũng không có gì khó để có thể thấy rằng hoàn cảnh của các tín hữu đầu tiên ở Thành Thánh và của cộng đoàn tín hữu ngày nay tại Giêrusalem rất giống nhau. Cộng đoàn tín hữu tại Giêrusalem ngày nay có nhiều niềm vui nhưng họ cũng gặp không ít những đau khổ như đã từng xảy ra trong cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai: bị đối xử bất công, bất bình đẳng từ bên ngoài, chia rẽ từ trong nội bộ nhưng họ vẫn trung tín, vẫn cố gắng để có thể hiệp nhất nhiều hơn nữa giữa các Kitô hữu.
Hoàn cảnh của các cộng đoàn ở Giêrusalem hiện nay càng giúp chúng ta hiểu rằng việc bảo vệ sự hiệp nhất giữa những vô vàn khó khăn, có ý nghĩa lớn lao thế nào. Hoàn cảnh ấy cũng cho chúng ta thấy lời mời gọi hiệp nhất phải vượt lên trên lời nói và nó phải thực sự giúp chúng ta hướng tới và góp phần xây dựng tương lai Giêrusalem trên trời.
Cần phải thực tế để ý tưởng này có thể trở thành hiện thực. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những chia rẽ mà chúng ta gây ra. Vì chúng ta gây nên những chia rẽ này, nên chúng ta cần phải biến lời cầu nguyện của chúng ta thành hành động và xin Chúa biến đổi chính chúng ta để có thể góp phần tích cực vào việc xây dựng sự hiệp nhất. Chúng ta sẵn lòng cầu nguyện cho sự hiệp nhất, nhưng chúng ta cũng phải hành động để sự hiệp nhất sớm được thực hiện. Biết đâu chính chúng ta lại là người cản trở sự hiệp nhất khi chúng ta cản trở Chúa Thánh Thần; biết đâu chính lòng kiêu căng của chúng ta là nguyên nhân cản trở sự hiệp nhất ? Năm nay, lời mời gọi hiệp nhất được gửi tới các cộng đoàn Giáo hội trên toàn thế giới từ chính Giêrusalem, cộng đoàn Giáo hội mẹ của chúng ta. Ý thức được những chia rẽ nơi mình và ý thức được sự cần thiết phải làm để tái tạo sự hiệp nhất cho Thân Thể Chúa Kitô, các cộng đoàn tại Giêrusalem kêu gọi tất cả các Kitô hữu tái khám phá những giá trị làm nên sự hiệp nhất nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên khi họ chuyên cần lắng nghe lời giảng dạy của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Đó là thách đố mà chúng ta phải vượt qua. Các tín hữu tại Giêrusalem mời gọi các anh chị em mình, nhân tuần cầu nguyện này, tiếp tục dấn thân cho một cuộc đại kết đích thực, dựa trên kinh nghiệm của cộng đoàn tiên khởi.
Lời cầu nguyện trong Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất trong năm 2011 này do chính các Kitô hữu ở cộng đoàn Giêrusalem chuẩn bị và họ đã chọn câu 42 chương 2 sách Tông đồ Công vụ làm chủ đề cho Tuần cầu nguyện: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Chủ đề này làm cho chúng ta nhớ lại thuở ban đầu của cộng đoàn Giáo hội tiên khởi ở Giêrusalem; nó nhắc nhở chúng ta phải suy tư và đổi mới, phải trở về với nền tảng của đức tin; nó mời gọi chúng ta nhớ lại thời kỳ mà mọi sự trong cộng đoàn Giáo hội đều là của chung. Nội dung của chủ đề này đề cập đến bốn yếu tố, cũng là bốn nét đặc thù của cộng đoàn tín hữu sơ khai và là những yếu tố cần thiết cho sự sống còn của bất cứ cộng đoàn Kitô hữu nào. Trước hết là Lời Chúa do các Tông đồ truyền lại. Thứ đến là sự hiệp thông huynh đệ (konoinia), một trong nét đặc thù của cộng đoàn tín hữu sơ khai mỗi khi họp nhau. Nét đặc thù thứ ba của Giáo hội thời sơ khai đó là việc cử hành Thánh Thể (“lễ bẻ bánh”), tưởng niệm Giao ước mới mà Đức Giêsu đã hoàn tất bằng cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Người. Nét đặc thù thứ bốn là cầu nguyện không ngừng. Bốn yếu tố này là những yếu tố thiết yếu làm cho Giáo hội sống động và hiệp nhất với nhau. Cộng đoàn Kitô hữu ở vùng Đất Thánh có ý nhấn mạnh đến các yếu tố nền tảng này và cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội trải rộng trên khắp địa cầu được hiệp nhất và tràn đầy sức sống. Các tín hữu ở Giêrusalem mời gọi những người anh chị em của mình trên khắp thế giới hiệp lời cầu nguyện cho các dân tộc trên địa cầu được sống trong công lý, hòa bình và thịnh vượng.
Các chủ đề của tám ngày cầu nguyện
Xuyên qua các đề tài được trình bày trong tám ngày cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra một tiến trình đức tin. Ban đầu, nơi căn phòng cầu nguyện, cộng đoàn tín hữu sơ khai đã được lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần, Đấng làm cho họ được lớn mạnh trong đức tin và tình hiệp nhất, trong lời cầu nguyện và những việc bác ái, để họ thực sự trở nên một cộng đoàn phục sinh liên kết với Đức Kitô, hầu vượt lên tất cả những gì gây chia rẽ trong cộng đoàn và làm cho họ xa rời Đức Kitô. Như thế, cộng đoàn Giêrusalem đã được biến đổi để trở thành ngọn đèn tỏa sáng niềm hy vọng, thành hình ảnh báo trước Giêrusalem trên trời, để hiệp nhất không chỉ các cộng đoàn trong Giáo hội với nhau mà còn hiệp nhất tất cả mọi dân nước. Tiến trình này do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Thánh Thần đã soi sáng các Kitô hữu đầu tiên nhận ra chân lý Chúa Giêsu Kitô, đã bao bọc Giáo hội sơ khai bằng những điềm thiêng dấu lạ và làm cho nhiều người ngỡ ngàng sửng sốt. Tiếp nối con đường ấy, các Kitô hữu ở Giêrusalem ngày nay cũng phải siêng năng tập họp để lắng nghe Lời Chúa được truyền lại qua những giáo huấn của các Tông đồ, để cử hành các bí tích và cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông huynh đệ. Được trao ban tràn đầy sức mạnh và niềm hy vọng phục sinh, họ phải chứng tỏ cho mọi người thấy họ đã thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, họ có khả năng và có can đảm để trở thành khí cụ qui tụ mọi dân tộc và mời gọi các dân tộc vượt lên những chia rẽ và những bất công mà họ đang phải gánh chịu.
Ngày cầu nguyện thứ nhất đưa chúng ta trở về với cội nguồn cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi và giúp chúng ta hiểu rằng Giáo hội hiện diện trên khắp thế giới ngày nay chính là phần tiếp nối của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi xưa. Chúng ta cũng được gợi nhớ lại lòng can đảm của Giáo hội thời sơ khai đã hiên ngang làm chứng cho chân lý, y như chúng ta ngày nay đang hành động để bảo vệ công lý ở Giêrusalem cũng như ở khắp nơi trên thế giới.
Ngày thứ hai nhắc chúng ta nhớ lại rằng cộng đoàn đầu tiên được qui tụ trong ngày lễ Hiện Xuống là cộng đoàn gồm nhiều nguồn gốc khác nhau và trong cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem ngày nay chúng ta cũng thấy có nhiều truyền thống Giáo hội khác nhau. Như vậy chúng ta hiện đang đứng trước một thách đố là làm sao thực hiện được sự hiệp nhất cụ thể rộng lớn hơn mà vẫn giữ được những khác biệt và những truyền thống đa dạng.
Ngày thứ ba mời gọi chúng ta chú ý đến khía cạnh nền tảng của hiệp nhất: Lời Chúa được truyền lại qua lời giảng dạy của các Tông đồ. Cộng đoàn Giáo hội ở Giêrusalem nhắc nhớ chúng ta rằng dù nơi chúng ta vẫn còn những chia rẽ, nhưng lời giảng dạy của các Tông đồ luôn mời gọi chúng ta đón nhận nhau vì tình yêu thương và vì lòng trung thành với thân thể duy nhất là Giáo hội.
Ngày thứ tư nhấn mạnh đến tinh thần chia sẻ như là biểu hiện thứ hai của sự hiệp nhất. Như các Kitô hữu đầu tiên đã đặt mọi sự làm của chung, cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem hôm nay cũng mời gọi tất cả anh chị em trong Giáo hội hãy quan tâm, hãy vui lòng quảng đại chia sẻ của cải vật chất để không còn ai phải thiếu thốn.
Ngày thứ năm đề cập đến khía cạnh thứ ba của sự hiệp nhất: nghi lễ bẻ bánh qui tụ mọi người trong niềm hy vọng. Sự hiệp nhất của chúng ta còn vượt trên sự hiệp thông thánh thiện; sự hiệp thông của chúng ta bao gồm thái độ đúng đắn trong đời sống luân lý, trong đời sống nhân bản và trong toàn bộ cộng đoàn. Cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất với nhau trong “lễ bẻ bánh” bởi vì một Giáo hội chia rẽ sẽ chẳng có tư cách gì để nói về vấn đề công lý và hòa bình.
Ngày thứ sáu giới thiệu cho chúng ta đặc tính thứ tư của sự hiệp nhất; noi gương cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Đặc biệt nhất là cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Kinh này mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở Giêrusalem cũng như trên toàn thế giới, người nhỏ bé cũng như người quyền thế, cùng nhau sống công chính, hòa bình và hiệp nhất để nước Chúa trị đến.
Ngày thứ bảy đưa chúng ta trở lại với một yếu tố vượt trên cả bốn yếu tố hiệp nhất trên đây: sự phục sinh của Đức Kitô. Cộng đoàn Giêrusalem vui mừng công bố tin vui phục sinh dù đang phải mang lấy những đau khổ của thập giá. Đối với các Kitô hữu tại cộng đoàn Giêrusalem hiện nay, sự phục sinh của Đức Giêsu chính là nguồn hy vọng và sức mạnh, giúp họ kiên cường làm nhân chứng và bảo vệ sự tự do và hòa bình cho Thành đô của bình an.
Ngày thứ tám đúc kết tiến trình hiệp nhất bằng lời mời gọi các cộng đoàn ở Giêrusalem hướng đến một việc làm rộng lớn hơn, đó là sự hòa giải. Dù các Kitô hữu đã hiệp nhất với nhau, thì mọi việc cũng chưa phải chấm dứt vì họ còn phải hòa giải với những người khác. Cụ thể trong bối cảnh của Giêrusalem, đây là sự hòa giải giữa người Palestin và người Israen. Cùng với các cộng đoàn khác, người Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm công lý và hòa giải ngay trong hoàn cảnh riêng của mình.
Như thế, chủ đề của mỗi ngày cầu nguyện không chỉ nhắc lại lịch sử Giáo hội sơ khai nhưng còn nhắc cho chúng ta thấy được hoàn cảnh của các Kitô hữu ở Giêrusalem hiện tại và mời gọi tất cả chúng ta tìm ra cách thức giúp cho cộng đoàn địa phương của mình rút ra những bài học quý giá từ những kinh nghiệm ấy. Trong suốt tiến trình cầu nguyện tám ngày này, các Kitô hữu ở Giêrusalem mời gọi chúng ta loan báo và làm chứng rằng sự hiệp nhất- với ý nghĩa là việc trung thành với lời giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và siêng năng cầu nguyện- sẽ giúp chúng ta có thể cùng nhau chiến thắng sự dữ, không chỉ ở Giêrusalem mà ở khắp nơi trên thế giới.
Công việc chuẩn bị Tài liệu cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2011
Tập tài liệu chuẩn bị cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này do một nhóm những người có trách nhiệm thuộc cộng đoàn Giáo hội Công giáo ở Giêrusalem khởi sự thực hiện. Họ đã họp nhau lại theo lời mời gọi của Hội Đồng đại kết các Giáo hội và được Trung tâm đại kết ở Giêrusalem tạo điều kiện để thực hiện công việc này. Ở đây, chúng tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt tới những người đã có công đóng góp vào việc chuẩn bị tài liệu này:
Đức Thượng Phụ Giáo chủ đáng kính của nghi lễ Latinh, Michel Sabbah
Mục sư Munib Younan thuộc Giáo hội Tinh lành Luther ở Jordanie và Đất Thánh
Linh mục Naim Ateek thuộc Giáo hội Trưởng lão ở Giêrusalem và Trung Đông
Linh mục Frans Bouwen thuộc Giáo hội Công Giáo Rôma
Linh mục Alexander thuộc Giáo hội Chính Thống Hy lạp ở Giêrusalem
Cha Jamel Khader thuộc Đại học Bethléem
Ngài Michel Bahnam thuộc Giáo hội Chính Thống Antiokia ở Syri
Ngài Nora Karmi thuộc Giáo hội Chính Thống Armenie
Ngài Yusef Daher thuộc Giáo hội Công Giáo Melkite Hy lạp
Nhóm chuẩn bị tài liệu quốc tế, do Ban Đức Tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu của Giáo hội Công giáo chỉ định, đã gặp nhau tại tu viện Thánh Christophe Saydnaya bên Syri và nhất trí thông qua các bản văn này. Những người tham dự cuộc gặp gỡ này đặc biệt bày tỏ lời cám ơn sự tiếp đón nồng hậu và lòng hiếu khách của Đức Ignace IV, Thượng phụ Chính thống vùng Antiokhia, Hy lạp và những người cộng sự của ngài ở Damas và ở Saydnaya cũng như sự nâng đỡ và động viên khích lệ của các vị có trách nhiệm trong các Giáo hội thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau.
Phần dẫn vào nghi thức cử hành đại kết
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Công vụ Tông đồ 2, 42.)
Chủ đề mà chúng ta sẽ suy niệm trong Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm nay do các Cộng đoàn Giáo hội ở Giêrusalem gợi ý. Chủ đề này mời gọi các Kitô hữu trên toàn thế giới dành thời gian suy nghĩ về mối tương quan giữa cộng đoàn Giáo hội của mình với Cộng đoàn Giáo hội mẹ Giêrusalem, nhờ đó chúng ta có được cái nhìn mới về hoàn cảnh thực tế của chính mình. Thật vậy, chính từ Cộng đoàn Giêrusalem mà tất cả các cộng đoàn khác đã được sinh ra. Cộng đoàn Giêrusalem dưới đất là hình bóng Giêrusalem trên trời, nơi tất cả các dân tộc sẽ được qui tụ quanh ngai Con Chiên để tôn thờ và ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Các Kitô hữu ở Giêrusalem mời gọi chúng ta, trong những buổi cử hành đại kết năm 2011 này, suy niệm về tầm quan trọng của việc chuyên cần nghe lời giảng dạy của các Tông đồ và hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện, những yếu tố qui tụ chúng ta, dù ít hay nhiều, thành thân thể duy nhất của Đức Kitô. Các cộng đoàn ở Giêrusalem mời gọi chúng ta phải nhớ đến hoàn cảnh bấp bênh của họ và cầu nguyện cho một nền công lý đem lại hòa bình cho vùng Đất Thánh. Phụng vụ đại kết được trình bày ở đây muốn nhấn mạnh đến việc làm chứng của các Kitô hữu, nói cách khác là tình yêu mà các Kitô hữu đặt để trong việc phục vụ Tin mừng hòa giải với Thiên Chúa, với tất cả nhân loại và thụ tạo, là một khía cạnh quan trọng nền tảng.
Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu