Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài gần một tháng qua và vào ngày 10/12 đã lên mức báo động sau khi đã bị xếp vào mức ô nhiễm hàng đầu thế giới vào ngày 8/12 vừa qua (theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - IQAir).
Các toà nhà cao tầng ở Hà Nội chìm trong màn bụi ô nhiễm không khí hôm 30/11/2023. AFP
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội vào ngày 10/12 đã vượt ngưỡng 223 là mức rất không tốt, có hại cho sức khỏe. Nồng độ bụi mịn - PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 34.5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Ở ngưỡng này, người dân được khuyến cáo tránh tập thể dục ngoài trời, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, chạy máy lọc không khí.
Truyền thông Nhà nước vào cùng ngày đăng tải các hình ảnh cho thấy bầu trời Hà Nội mịt mù như trong khói sương thậm chí kéo dài đến tận trưa khi có nắng lên.
Cũng theo truyền thông Nhà nước, người dân thủ đô đang bị ảnh hưởng bới mức bụi gấp năm lần tiêu chuẩn của WHO. Ở mức ô nhiễm bụi mịn đo được trong ngày 10/12, người dân thủ đô bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.
Truyền thông trong nước trích dẫn phân tích của các chuyên gia về môi trường cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí này là do khí thải từ phương tiện giao thông.
Theo thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện, trong đó ô tô hơn 1 triệu, xe máy hơn 6,6 triệu. Chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô.
RFA Tiếng Việt