Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden lâu nay khuyến khích các hãng Mỹ chuyển hoạt động sản xuất hàng điện tử và công nghệ ra khỏi Trung Quốc đến các nước thân thiện hơn, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng giữa hai nước này, Việt Nam có lợi thế hơn, theo hai hãng tin kinh tế, tài chính CNBC và Benzinga có trụ sở ở Mỹ.
Kỹ thuật viên kiểm tra mạch điện tử tại hãng Manutronics ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam, tháng 5/2018.
Việt Nam và Ấn Độ là những nước hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các hãng nước ngoài để thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, một phần vì hai nước có chi phí lao động thấp, CNBC và Benzinga nêu ra trong những bài viết đăng lần lượt trong hai hôm 1 và 2/4.
Giữa hai nước, theo CNBC, Việt Nam hiện đang dẫn trước một khoảng cách xa với tổng kim ngạch xuất khẩu là xấp xỉ 97 tỷ đô la so với hơn 75,6 tỷ đô la của Ấn Độ.
“Việt Nam đã có tiếng về khả năng sản xuất hàng điện tử. Ấn Độ mới chỉ bước vào cuộc chơi này, vì vậy, điều đó mang lại một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam”, ông Samir Kapadia, Tổng Giám đốc của India Index và là nhà quản lý hàng đầu của tập đoàn Vogel, nói với CNBC.
Hai điểm lợi khác của Việt Nam được CNBC và Benzinga của Mỹ chỉ ra là Hà Nội đã có thỏa thuận về thương mại và đầu tư với Washington từ năm 2007 và chính sách, thủ tục của Việt Nam đơn giản hơn Ấn Độ.
Ông Mukesh Aghi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn Độ, nói với CNBC rằng 29 bang của nước ông có những chính sách có thể rất khác nhau ở mỗi bang.
Ở một khía cạnh khác, ông Nari Viswanathan, Giám đốc Cấp cao về chiến lược chuỗi cung tại hãng phần mềm Coupa, ghi nhận rằng Việt Nam ở thế tay trên về tính kinh tế nhờ quy mô sản xuất trong những công việc chủ yếu dùng lao động phổ thông.
Vẫn CNBC và Benzinga nêu ra một cản trở lớn đối với tham vọng của Ấn Độ nhằm trở thành trung tâm sản xuất, chế tạo, đó là thuế nhập khẩu cao đối với công nghệ thông tin, truyền thông. Mức thuế tới 10% của Ấn Độ cao hơn thuế suất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 5%, theo ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư thuộc hãng VinaCapital, được CNBC trích dẫn.
Ấn Độ dùng thuế nhập khẩu để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước nhưng chính phủ sẽ giảm thuế để thu hút các hãng nước ngoài. Doanh nhân Kapadia nói với CNBC rằng thủ tướng Ấn Độ sẽ giảm dần nhiều loại thuế trong năm 2024, xét theo các ngành hàng, chứ không phải theo các nước đối tác.
Ví dụ, hồi tháng 1, Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu từ 15% xuống 10% đối với một số linh kiện nhựa và kim loại dùng để sản xuất điện thoại, điều này có lợi cho các hãng như Apple và Dixon Technologies.
Nhưng ông Andy Ho cảnh báo rằng giảm thuế nhập khẩu không phải là biện pháp mang lại lợi thế bền vững trong việc thu hút vốn đầu tư FDI về dài hạn. Ông nói: “Giới đầu tư nước ngoài thường quan tâm hơn đến các vấn đề về kinh doanh, làm ăn dễ dàng – đặc biệt là tính linh hoạt trong tuyển dụng và sa thải nhân viên – hơn là các vấn đề thuế má. Đây là lợi thế về dài hạn của Việt Nam so với Ấn Độ”.
Ngoài những điều nêu trên, Ấn Độ cũng gặp bất lợi vì hạ tầng còn thiếu thốn, dẫn đến thời gian vận chuyển, giao hàng bị chậm lại đáng kể, hai bài báo của CNBC và Benzinga viết.
Ông Mukesh Aghi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn Độ, được CNBC trích lời nói rằng một con tàu đến Singapore có thể bốc dỡ hàng trong 8 tiếng và sau đó xe tải đưa hàng tới các nhà máy, nhưng cùng con tàu đó sẽ bị kẹt lại ở kho hải quan Ấn Độ trong vài ngày. Những chuyện như vậy làm cho Ấn Độ mất hấp dẫn với các hãng ngoại, ông nói.
Việc cải thiện hạ tầng, cùng với giảm thuế một cách chiến lược và đơn giản hóa chính sách có thể nói là những điều rất cần thiết đối với Ấn Độ để cạnh tranh một cách hiệu quả, Benzinga nhận xét.
Tuy nhiên, trang này và CNBC lưu ý rằng Ấn Độ có thể nắm lợi thế so với Việt Nam về khía cạnh quan hệ chính trị. Hai trang viết rằng sự thân thiết, gắn bó của Việt Nam với Trung Quốc về rất nhiều mặt có thể là mối quan ngại cho các nhà quản lý chuỗi cung và các hãng Mỹ.
VOA Tiếng Việt