Khối Asean thống nhất việc thành lập nhóm chuyên viên để soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sau nhiều năm chậm trễ.
Truyền thông tại Việt Nam trích dẫn điều họ gọi là thông tin từ Asean nói rằng “bộ trưởng ngoại giao mười nước thành viên khối này đạt được sự nhất trí trong một cuộc họp không chính thức tại New York vào ngày 24/9”.
Chủ đề liên quan Tranh chấp lãnh thổ “Các bộ trưởng nhất trí rằng nhóm chuyên viên cần khởi động soạn thảo các chi tiết chính của bộ quy tắc ứng xử này vì đây sẽ là văn kiện ràng buộc về mặt pháp lý” - TTXVN đưa tin.
Asean và Trung Quốc đã thông qua bản Hướng dẫn Thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông
Hồi tháng Bảy năm nay tại Bali, Asean và Trung Quốc đã thông qua bản Hướng dẫn Thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
DOC được khối này và Trung Quốc ký từ năm 2002.
Giới quan sát vào lúc đó xem bản hướng dẫn như bước đột phá trong việc làm dịu căng thẳng trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Tuy nhiên sau sự kiện tại Bali người ta thấy Bắc Kinh có thái độ không rõ ràng về cái gọi là tuyên bố chủ quyền theo “đường chín đoạn”, còn được biết tới như đường chữ U hay đường lưỡi bò tại khu vực có tranh chấp.
Hơn nữa Trung Quốc duy trì lập trường không muốn thảo luận về tranh chấp theo khuôn khổ đa phương mà thay vào đó muốn đối thoại song phương với từng nước tuyên bố có chủ quyền tại đây.
Do đó, giới quan sát tỏ ra hoài nghi về Hướng dẫn Thực hiện DOC mà Asean và Trung Quốc đạt được tại Bali.
Họ cho rằng Trung Quốc và Asean phải đồng thuận thì mới đi tới được một bộ Quy tắc ứng xử, với các điều khoản cụ thể ràng buộc các bên tìm giải pháp ngoại giao trong tranh chấp.
Trong khi đó chính phủ Nhật đang có kế hoạch đề xuất họp với các bên về Bấm an ninh hàng hải tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng tới ở Indonesia trong nỗ lực được xem để đối trọng với những tuyên bố mạnh bạo của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Nhật Bản tin rằng các cuộc họp với giới lãnh đạo của Asean, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga, Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ đi tới được sự đồng thuận nào đó và đưa đồng thuận này vào tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
BBC