Cư dân Đông Nam Á cổ đại - một trong hai trung tâm hình thành sớm nhất của loài người đang vui sống yên bình giữa một vùng đất đai ẩm thấp, rộng lớn. Bỗng một ngày băng tan, mực nước biển dâng lên cao (khoảng 100 đến 120 mét so với hiện nay), toàn bộ vùng đồng bằng ngập trong biển nước, để từ đó hình thành nên vùng Ma-Lai đa đảo (là các quốc đảo Đông Nam Á hiện nay).

Vậy là, Việt Nam đối diện với biển Đông. Biển và địa hình sông nước cùng với nền văn minh lúa nước đã trở thành một đặc điểm địa lý tự nhiên ảnh hưởng đến văn hóa Việt - một dạng văn hóa - địa khá đặc trưng. Chính vì lẽ đó mà bên cạnh nền văn hóa gốc nông nghiệp, môi trường sông nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Việt. Điều này lý giải vì sao các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trở thành những dân tộc có kỹ thuật chế tác các phương tiện giao thông sông nước thủ công sớm và đa dạng so với các dân tộc khác. Các nhà khảo cổ đã khai quật được những con thuyền buồm có niên đại cách nay trên 4.000 năm ở thềm lục địa Đông Nam Á. Và trên thực tế, các phương tiện giao thông trên sông nước do người Việt tạo ra, bây giờ, khó ai gọi hết tên của từng loại. Nào là bè, là mãng, là xuồng, là thúng, là ghe, là nóp, là thuyền… Rồi trong các loại xuồng, loại thuyền, loại ghe lại phân chia ra nhiều tiểu loại khác nhau: xuồng ba lá, thuyền độc mộc, thuyền đuôi tôm, thuyền nan, thuyền thúng, ghe ngo, ghe bầu… Kỹ thuật làm cầu cống thủ công để làm phương tiện giao thông qua các địa hình sông rạch, kênh suối của người Việt cổ cũng khá đa dạng: cầu khỉ, cầu tre, cầu dừa, cầu dây, cầu treo, cầu gỗ, cầu đá…; cống tre, cống dừa, cống gỗ, cống đá… khó mà kể tên cho hết.

HauGiang_copyĐây chính là nguyên nhân khiến cho văn hóa giao thông (văn hóa đối phó với khoảng cách tự nhiên) của người Việt chỉ chủ yếu phát triển về giao thông đường thủy. Giao thông đường bộ thì do gốc văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp khống chế nên không thể phát triển. Mỗi làng là một vương quốc độc lập, tự trị, tự cấp tự túc nên không hề nghĩ tới việc di chuyển xa. Dân trong làng chỉ có từ nhà mình ra đồng làng cày cấy; lên đình làng hội họp, lễ hội; ra chợ làng mua con cá, cái rau; lên trường làng học hành dăm ba chữ… vì thế cho nên: “Nhất ruộng giữa đồng, nhì chồng giữa làng”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Đừng ham cỏ tốt mà qua đồng người”… Giao thông đường bộ không có cơ hội phát triển, người Việt phải tận dụng tối đa môi trường giao thông sông nước. Cho nên, làng xã Việt Nam thường hình thành bên cạnh một bến sông, mọi quan hệ giao thương, buôn bán đều diễn ra ở bến sông. Từ đó hình thành nên những trung tâm đông người, cho nên không lạ gì khi các đô thị Việt Nam hiện nay đều tồn tại bên cạnh một dòng sông. Điều này cũng lý giải vì sao quá trình hình thành ngôi nhà (văn hóa kiến trúc nhà ở) của người Việt cũng mang dấu ấn sông nước rõ ràng đến vậy.

Đầu tiên là Bè (để nổi được trên mặt nước), ngồi trên Bè rồi thì lại chịu nắng mưa nên phải cắm cây trên bè lấy lá lợp che, nên phát triển thành Nhà Bè. Che được nắng mưa rồi thì Bè không kín nên sàn bè thường ngập nước, vậy là phải nghĩ ngay đến cách đối phó làm cho nước không ngập lên, và như thế thúng, mãng, nóp, xuồng, ghe… đan bằng tre, khoét bằng gỗ ra đời. Nước không vào được rồi thì lo việc che nắng che mưa nên thuyền mui (thuyền có mái che) ra đời. Đây chính là Nhà thuyền (chiếc ghe bầu) của cư dân sông nước. Nó tồn tại như một ngôi nhà di động. Ở trên thuyền, có cả bàn thờ ông bà, bếp núc, giường ngủ, thậm chí là trồng rau, nuôi gà, nuôi heo; vợ chồng sinh hoạt ở đó, sinh con đẻ cái ở đó, con cái học hành và lớn lên ở đó; tổ chức cúng tổ tiên ông bà cũng ở đó. .. Cho đến khi định cư được trên đất liền, người Việt quen ở trạng thái lênh đênh cộng với địa hình đồng bằng ẩm thấp, nên ngôi nhà đầu tiên dựng được trên đất liền chính là Nhà sàn (Chính vì thế mà cái nền nhà hiện nay, ta vẫn quen gọi là sàn nhà). Cho đến khi quen dần với sự định cư, yên vị của mặt đất thì kiến trúc mái nhà Việt Nam vẫn uốn cong theo dáng con thuyền (Mái nhà của dân Trung Hoa theo mô-típ lều của cư dân đồng cỏ du mục cho nên mái thẳng, chỉ đến cuối đời Minh, mái nhà Trung Hoa mới có một nét uốn cong nhẹ). Cứ nhìn vào mái đình, miếu, chùa cổ, cố cung, nhà cổ của Việt Nam ta sẽ dễ nhận ra nét uốn cong của dáng con thuyền. Thuyền là nhà, và vì thế, con thuyền luôn có hai con mắt để biết đi đâu về đâu. Nhìn luồng nước nào nhiều tôm, nhiều cá để đánh bắt; đi tới bến nào để trao đổi cá tôm lấy hàng hóa khác; mắt nhìn được nơi đâu là sóng gió, chốn nào là bình yên… Mắt con thuyền quả là một biểu tượng đẹp, một hình tượng độc đáo của cư dân sông nước Việt Nam.

Chính môi trường sông nước đó đã hình thành nên một kho tàng đồ sộ và đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ giao tiếp của người Việt. Từ ngôn ngữ ra đời gắn liền với địa hình sông nước, hoạt động trên sông nước, dần dần hình thành nên cả một trường ngôn ngữ sông nước trong giao tiếp của người Việt.

1. Danh từ: Như ta đã biết, khác với các dân tộc khác, khái niệm về Quốc gia khá trừu tượng và khái quát, người Việt Nam nông nghiệp lúa nước, sống giữa môi trường sông nước nên gọi Quốc gia là Đất Nước. Và vì sống bằng nghề trồng lúa nước, nên khi cần người Việt đem yếu tố đầu tiên của mình để đại diện cho cả Quốc gia: “Nước Việt Nam”. Từ Nước này, tất nhiên khi dịch sang tiếng Anh phải dịch thành Nation chứ chẳng ai dịch thành Water cho dù nó chính là Water của cư dân sông nước. Suối chảy thành dòng, muôn dòng suối đổ về chung một dòng sông, và vì thế mà người Việt chuyển nghĩa trong giao tiếp thành nhiều trường nghĩa mới. Khái quát, trừu tượng, ta có: “Dòng đời”, “Dòng thời gian”, “Dòng dõi Tiên Rồng”…Suy tư, lãng mạn ta có: “Dòng suy tư”, “Dòng suy nghĩ”, “Dòng cảm xúc”…Cụ thể mà thiêng liêng, ta có: “Dòng người”, “Nhà Dòng”, “Dòng họ”, “Dòng tộc”, “Dòng văn học”, “Theo dòng lịch sử”…; Hiện đại hơn, ta gọi: “Dòng sản phẩm”, “Dòng tiền trong lưu thông”,…Bên cạnh những dòng sông lại có những con kênh. Kênh rạch trở thành phương tiện tự nhiên được con người tận dụng để lưu thông, vì thế, danh từ “kênh” bắt đầu biến nghĩa dần để dẫn đến những trường nghĩa hoàn toàn lạ xa với nghĩa đen sông nước: “Ý kiến của quần chúng cũng là một kênh phản hồi, cung cấp thông tin”, “Kênh phát thanh”, “Kênh truyền hình”…

Về cách gọi tên phương tiện giao thông sông nước, ta nhận ra một nét độc đáo là người Việt không gọi là “Cái” (Sự vật) mà là “Con” (sinh vật hàm yếu tố chính là con người). Vì thế mà thuyền luôn có hai con mắt, có mũi thuyền, có khoang (bụng thuyền) và có đuôi thuyền. Mũi thuyền hướng về trước, nhưng “Mũi dại, lái chịu đòn” nên ta có lái thuyền, có tay chèo. Vai trò của con thuyền đối với cư dân sông nước trở thành yếu tố gắn chặt với sự sống, sinh hoạt muôn mặt của người dân, vì thế nó được chuyển nghĩa khá đa dang và phong phú, đầy hình ảnh trong ngôn ngữ Việt: “Con thuyền cách mạng”, “Thuyền hạnh phúc”, “Thuyền tình”…Thuyền đi phải đến bờ đến bến. Bờ, bến là nơi ghé lại, nơi trú ngụ của con thuyền. Thuyền vượt trùng khơi đầy bão tố, thuyền chu du khắp cùng sông nước đầy thác ghềnh, vực sâu, thác cao nguy hiểm… cho nên cập được tới bờ, về được  tới bến là xem như đã thành công. Chính vì thế, bến, bờ  sông nước chuyển nghĩa thành: “Bến vinh quang”, “Bến tình”, “Cập bờ hạnh phúc”;…Biển bao la, rộng lớn, muôn trùng, cả một cuộc đời của người ngư dân gắn liền với biển, vì thế chuyển nghĩa giao tiếp thành: “Biển đời”, “Biển người, “Bể khổ”, “Bể tình”, “Đời là bể khổ”, …Biển với sóng gió, bão táp, phong ba… nên trong giao tiếp ta có: “Phong ba bão táp cuộc đời”, “Sóng gió cuộc đời”, “Cuộc đời tôi tưởng đã sóng lặng bể yên nào ngờ cuối đời lại nổi lên phong ba bão táp”,… Sóng là một hiện tượng tự nhiên chỉ phát ra từ biển, mà một khi cuộc đời được ví như biển lớn, thì sóng cũng trở thành hiện tượng để chuyển sang ví von trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường: “Làn sóng dư luận”, “Làn sóng cách mạng dâng lên”, “Sóng tình”, “Sóng mắt em đánh đắm bao thuyền tình ái”… Hiện đại hơn, lại có: “Sóng phát thanh”, “Sóng truyền hình”… Hãy thử dịch sang tiếng Anh câu văn này sẽ thấy cái độc đáo của ám ảnh sông nước trong ngôn ngữ Việt Nam: “Đảng Cộng sản Việt Nam là người lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao phong ba bão táp cập đến bến bờ vinh quang”. Muốn dịch được sang tiếng Anh, nhất định ta phải chuyển nó về với nghĩa đen mới có thể giúp cho người phương Tây hiểu được nội dung câu văn: “Đảng cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam vượt qua bao khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi vĩ đại cuối cùng”.

Còn đối với những phương tiện giao thông trên địa hình nhiều sông, ngòi và kênh rạch, thì chiếc cầu trở thành yếu tố số một bên cạnh con thuyền bơi (giao thông) trên biển, trên sông. Chính vì vai trò của chiếc cầu, cây cầu quá quan trọng đối với giao thông của người dân sống trên địa hình sông nước nên danh từ “Cầu” được chuyển nghĩa khá đa dạng trong ngôn ngữ giao tiếp Việt Nam. Trừu tượng và tình cảm ta có: “Cầu tình, cầu nghĩa”, “Cầu ái, cầu ân”, “Bắc một nhịp cầu tình nghĩa”, “Nhịp cầu duyên đôi lứa”…Cụ thể hơn, ta lại có kiểu nói: “Chính văn học nghệ thuật đã bắc một nhịp cầu của tình đoàn kết các dân tộc”, hoặc “Văn hóa là cầu nối để kéo gần lại hai dân tộc cách xa nhau”,… Hiện đại hơn, lại có: “Cầu truyền hình”, “Nhịp cầu giao lưu tình cảm”…

2. Động từ:

Ở bài viết “Ám ảnh của văn hóa gốc nông nghiệp trong ngôn ngữ Việt Nam”, chúng tôi đã phân tích về cách gọi “Mặt trời mọc”, ở đây, trên cơ sở một hành động cụ thể của con người sông nước là “lặn” xuống dưới mặt nước để săn bắt thủy hải sản, người Việt đã lấy hành động này chuyển nghĩa để chỉ mặt trời khuất xuống phía đằng Tây: “Mặt trời lặn”, cũng để chỉ sự mất dạng, vắng mặt lâu ngày của một đối tượng: “Lặn đi một tháng sau, hắn xuất hiện”,…Nước ngập tràn, nước dâng tràn, đầy lên, vơi xuống là những hiện tượng cụ thể, thường xuyên trong quan sát của cư dân sông nước, nhưng khi phái sinh nghĩa sang chỉ những vấn đề trừu tượng, người Việt đã sử dụng một cách đa dạng những động từ này: “Tràn đầy mơ ước”,“Sức sống dâng tràn”, “Cảm xúc trào dâng”, “Ngập tràn cảm xúc”, “Đầy tham vọng”, “Đầy ắp niềm vui”, “Ăm ắp niềm vui”, “Hạnh phúc vơi đầy”, “Suy tư lắng xuống”, “Tình yêu vơi cạn”… Sông mang phù sa “đắp bồi” cho cây cối tốt tươi, thành bãi để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, vì thế, động từ này khi chuyển nghĩa luôn được dùng để chỉ sự hình thành nên những điều tốt đẹp: “Bồi đắp những tình cảm trong sáng”, “Đắp bồi tình cảm cho nhau”,… “Xói mòn” là tác động của dòng chảy, của sóng nước làm cho bờ bãi bị sạt lở, biển nước lấn dần vào đất, từ đó, nó được chuyển nghĩa trong ngôn ngữ giao tiếp khi ta nói:“Đạo đức bị xói mòn”, “Xói mòn dần tình cảm thiêng liêng của năm tháng cũ”… “Tắm” là hành động thường xuyên đối với cư dân sông nước, đã “tắm” (ở đây là tắm sông, tắm biển chứ không phải tắm giếng bằng cách xối từng gàu) thì phải bơi, hụp cho cả thân hình dầm trong nước, vì thế động từ này được chuyển nghĩa rất hay trong các trường hợp: “Tắm trong biển máu”, “Tắm trong bầu không khí lễ hội”,…“Lặn”, “lội”, “hụp” là những động tác của con người hoạt động trong nước. Hai hành động này thường là tốn sức lực, vất vả, vì thể khi chuyển nghĩa để diễn đạt trong giao tiếp, chúng thường được dùng để chỉ hành động mang tính chất vát vả, phải bỏ công sức nhiều:“Lặn lội đến đây”, “Hụp lặn giữa dòng đời”… “Đắm” và “chìm” là hai động từ chỉ sự tác động của các hiện tượng tự nhiên (sóng, gió, bão, lốc…) đến những con thuyền khiến nó không nổi lên mặt nước được nữa, hai động từ đơn này ghép lại thành một cặp động từ khi chuyển sang nghĩa mới: “Đắm chìm trong máu lửa chiến tranh”, “Chìm đắm trong suy tư”…, tương tự như vậy, ta có: “Ngập chìm trong biển nhớ”, “Chìm vào giấc ngủ yên”… “Neo” và “đậu” là hai động từ để chỉ hành động làm cho thuyền dừng lại, đứng yên và vì thế, người Việt phái sinh nghĩa để nói: “Neo đậu bến tình”, “Ăn nhờ, ở đậu”…; “Lênh đênh”, “bập bềnh”, “bềnh bồng”, “trôi nổi”  là những động từ chỉ sự tác động của sóng nước thủy triều làm cho những con thuyền không bình yên, vì thế khi chuyển nghĩa, người Việt đã nói đầy hình ảnh rằng: “Một kiếp lênh đênh”, “Bềnh bồng trong trong khói thuốc”, “Bập bềnh trong những điệu nhạc”, “Trôi nổi giữa dòng đời”… Rồi “tù đọng” và “trôi chảy” là hai động từ đối lập nhau để chỉ hoạt động những dòng sông, con suối…, khi chuyển nghĩa, những động từ này đem đến cho chủ ngữ vốn trừu tượng, khái quát một cách biểu nghĩa đầy hình ảnh và cụ thể: “Cuộc sống tù đọng”, “Công việc trôi chảy”… rồi kết hợp với danh từ sông nước “Dòng”, “Suối” tạo nên cách nói: “Dòng đời trôi chảy”, “Dòng đời trôi bất tận”, “Dòng nhạc chảy dài”, “Suối nhạc chảy dài”,… “Ngâm” là hành động của người nông dân khi nhấn chìm một vật gì đó xuống dưới mặt nước (Ngâm giống, ngâm mình trong nước) liền được chuyển thành cách nói khá độc đáo: “Hồ sơ bị ngâm lâu”, “Ngâm công việc như thế bao giờ cho xong?”…

3. Tính từ:

Cũng như những ám ảnh trong văn hóa nông nghiệp, so với danh từ và động từ thì tính từ trong trường ngôn ngữ sông nước cũng xuất hiện ít hơn. “Đầy” là tính động từ chỉ mực nước, khi là tính từ “đầy” kết hợp với “đặn” để làm nên một từ láy chỉ đặc điểm của bộ phận trên cơ thể con người: “Gương mặt đầy đặn”,… hoặc kết hợp với “tràn”, “ngập” thành tính từ chỉ mức độ: “Tình cảm tràn đầy”, “Ngập tràn cảm xúc”,… Đối lập với “đầy” là “cạn”, tính từ mức độ này khi phái nghĩa cũng mang đến cách biểu đạt khá hình ảnh: “Suy nghĩ nông cạn”, “Khô cạn tình người”, … “Nông” lại đối lập với “sâu” và vì thế, tính từ mức độ “sâu” cũng được chuyển nghĩa sang: “Ý nghĩa sâu xa”, “Tình yêu sâu thẳm”,… “Trong” và “đục” cũng là hai tính từ chỉ tính chất của nước, chính vì vậy trong giao tiếp, người Việt lập tức phái sinh nghĩa để diễn đạt tính chất, đặc điểm: “Ánh mắt trong veo”, “Quan hệ trong sáng”,… “Dòng đời trong đục”,… Rồi đem cả trạng thái chỉ sự thuận lợi trong việc chèo thuyền trên sông nước, trong quá trình giao tiếp, người Việt sử dụng tính từ này để chỉ những vấn đề êm xuôi trong cuộc sống, nó kết cấu chặt chẽ thành một câu tục ngữ: “xuôi chèo mát lái” và chuyển thành: “Công việc xuôi chèo mát lái”…

Ngoài các từ loại như trên, ám ảnh sông nước còn tạo nên những cụm từ diễn đạt đầy hình tượng khiến những cụm từ này mang một đặc trưng sông nước mà khi chuyển ngữ, người dịch sẽ không ít vất vả để thể hiện cho hết nghĩa lý của các cụm từ, ví như: “Đắm chìm trong bể khổ”, “Ngụp lặn giữa dòng đời”, “Trôi nổi giữa phong ba”, “Lênh đênh trong sông nước cuộc đời”…

Có thể nói, thống kê ra cho hết những từ, cụm từ, cách nói mang hình tượng sông nước này trong ngôn ngữ giao tiếp Việt Nam và giảng giải đầy đủ những nghĩa biểu trưng của chúng cũng là một việc làm cần thiết để góp phần chỉ ra sự đa dạng và phong phú của ngôn ngữ Việt Nam; đồng thời cũng để nhìn nhận rõ ràng hơn rằng: gốc văn hóa của một dân tộc có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nên những đặc trưng của ngôn ngữ dân tộc đó./.

TS Mai Bá Ấn                                                                         Nguồn: Phong Diệp.net

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch