Theo trình thuật thứ nhất của sách Sáng thế, từ buổi ban sơ của nhân loại, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Và con người nguyên thủy phát xuất từ bàn tay nhân từ của Thiên Chúa là con người tròn đầy, “là nam, là nữ” (St 1,27). Trình thuật thứ hai đã dùng những hình ảnh bóng bẩy và gợi hình để diễn tả việc tạo dựng nên người phụ nữ.
Thiên Chúa đã nhìn thấy rõ nhân loại không thể chỉ là nam giới và trách nhiệm về cuộc sống, càng không thể trao phó cho riêng người đàn ông. Cần có thêm sự hỗ trợ của người khác phái. Chính vì vậy Ngài đã dựng nên người nữ và người đàn ông đã công nhận “nàng như chính xương thịt của mình” (St 2,18-24).
Rất nhiều trình thuật về sáng tạo của các tôn giáo và các dân tộc ở Á châu cũng đặt nổi tính toàn diện và tròn đầy này của nhân loại. Con người lý tưởng luôn bao gồm nam và nữ, cũng như âm và dương. Do đó người nam hay người nữ, xét như một cá nhân riêng biệt, chỉ mới là một nửa con người đích thực. Kinh Dịch chẳng hạn đã khẳng định: “Dương chi trung hữu âm căn; âm chi trung hữu dương căn” (trong dương có mầm âm, trong âm có mầm dương). Âm dương cần phải quân bình và hỗ tương hầu kiến tạo một xã hội thực sự nhân bản.
Kinh Brhâdâranyaka-Up đã diễn tả một cách thật ngắn gọn và sắc nét tính hợp nhất, bổ túc, hỗ tương nói trên của nhân loại: “Đàn ông hay đàn bà, xét về phương diện cá nhân, mỗi người chỉ là một nửa!”.
1. Một nửa nhân loại luôn bị thiệt thòi và áp bức!
Tuy nhiên một nửa nhân loại tự mệnh danh là “phái mạnh” đã xây dựng một mô hình xã hội theo sở thích, nhu cầu và quyền lợi của riêng mình. Dĩ nhiên trong trật tự và khuôn khổ của một xã hội được dựng nên theo “hình ảnh người đàn ông“, khó có chuyện bình quyền và bình đẳng về phái tính. Ở những xã hội chịu ảnh hưởng Khổng-Mạnh chẳng hạn, phụ nữ luôn bị thiệt thòi, chèn ép, khinh miệt, đàn áp và chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Nguyên chữ “phụ” trong danh từ “phụ nữ” đã nói lên đầy đủ ý nghĩa xót xa về vai trò “phụ thuộc” và “lệ thuộc” của nữ giới trong xã hội cũng như trong cuộc sống thường nhật: “Phu xướng phụ tùy“.
Nhưng quan niệm khinh miệt nữ giới này đâu phải chỉ là khuyết điểm riêng của các nước Á Đông. Ở Tây phương ngày xưa phụ nữ cũng bị đối xử bất công và tàn tệ chẳng kém gì. Tại Đức ngày xưa, người phụ nữ cũng được coi như con người của “Tam K”: Kinder, Kuchen và Kirche, nghĩa là sinh và nuôi con, lo chuyện bếp núc và nhà thờ. Tín đồ Do Thái giáo cũng không khởi đầu lễ nghi phụng tự khi chưa hội đủ 7 người đàn ông, bất kể sự hiện diện của hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ. Rồi trên thiên đàng của Hồi giáo, phụ nữ cũng không dứt nổi cái “nghiệp chướng” của đời mình, nghĩa là vẫn phải đóng vai tiếp đãi viên để tiếp tục phục vụ bọn đàn ông con trai.
Tại một vùng đất vốn có truyền thống nhân quyền và có nhiều quá trình tranh đấu cho công bằng xã hội như nước Pháp chẳng hạn, thế mà trong những thế kỷ trước đây đã nẩy sinh cái trò quái đản và tàn nhẫn đối với phụ nữ thuộc giới thượng lưu đó là “vòng đai trinh tiết“. Ngay tại một nước đi tiên phong về dân chủ như Hoa kỳ, quyền bầu cử của phụ nữ cũng chỉ được áp dụng từ đầu thế kỷ này thôi.
Trên phương diện suy tư triết học, đại triết gia Aristote xác quyết đàn bà tự bản chất thấp kém hơn đàn ông. Kể từ đó biết bao triết gia, thần học gia, trí thức, văn sĩ… đã lặp đi lặp lại ý kiến trên như thể là một định đề toán học. Bên trời Đông, Khổng Tử và ngàn ngàn lớp lớp nho gia kế tiếp vẫn đinh ninh rằng “phụ nhân nan hóa“. Họ quan niệm “người phụ nữ khó dạy“, bởi vì một mặt không có khả năng tiếp thu cái hay và cái mới, mặt khác khó bỏ tính nết xấu. Nói một cách giản dị, phụ nữ tự bản chất vừa ngu dốt vừa thiếu khả năng và ý chí cầu tiến.
Có lẽ chính vì vậy mà trong hệ thống Nho giáo, nữ giới suốt đời bị lệ thuộc và bị trói buộc bởi “Tam tòng“: khi còn sống trong gia đình phục tùng cha, khi đi lấy chồng phục tùng chồng, chồng chết phải theo con, nghĩa là không được bước thêm bước nữa. Rút cục suốt đời phải quên hạnh phúc và chính bản thân để tận tụy lo lắng, hy sinh cho chồng con và đành luẩn quẩn bên cái cối xay hay sau lũy tre làng.
Tính bất bình đẳng này nằm sâu trong phái tính và bắt đầu từ khi đứa trẻ mới chào đời. Hẳn chúng ta chưa quên câu nói đã được người xưa lặp đi lặp lại như một điệp khúc, từ đời nọ sang đời kia: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai kể là có, mười con gái vẫn kể là không). Lý do sâu xa của việc đối xử phân biệt này nằm ở quan niệm Khổng Mạnh về việc nối dõi tông đường, theo đó trong ba tội bất hiếu, tội lớn nhất là không có con trai để nối dõi tông đường (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).
Nhiều người xưa vẫn cho rằng “tài mệnh tương đố” hay “hồng nhan bạc mệnh“. Có lẽ người tạo ra vậy để ru ngủ hay xoa dịu các nạn nhân, chứ không lẽ Thượng Đế lại quá hẹp hòi và ghen tị với phụ nữ như thế sao? Mà dù có thật như vậy đi chăng nữa, ít ra còn có cái gì an ủi và cũng được bù trừ phần nào! Tuy nhiên trong thực tại cuộc sống, đại đa số phụ nữ chẳng có gì gọi là “tài sắc” hay “hồng nhan” mà vẫn “bạc phận“. Trong bối cảnh đó, Thúy Kiều có lý để cất tiếng than:
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Thói trọng nam khinh nữ và đánh giá thấp vai trò của phụ nữ nói trên không những chỉ gặp thấy trong văn chương bác học, mà còn ăn sâu vào tâm thức và não trạng của giới bình dân. Nó thể hiện rõ rệt qua lối suy nghĩ, cách đối xử, đánh giá, phán đoán của người dân, kể cả người phụ nữ. Giữa muôn vàn dẫn chứng, chỉ xin đơn cử một vài câu ca dao như một thí dụ điển hình:
“Khôn ngoan cũng thể đàn bà
dù rằng vụng dại cũng là đàn ông”.
“Đàn ông nông nổi giếng khơi
đàn bà sâu sắc tựa cơi đựng trầu”.
Như vậy, cái nông nổi, thấp kém, thua sút, ngu muội, dốt nát của “đàn bà” không phải chỉ do yếu tố cá nhân của bà này hay bà nọ, mà nó nằm sâu ở bản thể và thuộc về “phái tính” của tất cả các bà, các cô. Nói rõ hơn, theo quan niệm phong kiến cổ xưa, đàn bà tự bản chất là thấp hèn, ngu muội và “khó dạy”.
2. Biến đổi và tiến bộ quan trọng
Phong trào tranh đấu cho sự phát triển và bình đẳng của phụ nữ là một trong những hiện tượng đặc biệt nhất ở hậu bán thế kỷ XX. Đây là một phong trào do chính phụ nữ khởi xướng và lãnh đạo, với sự yểm trợ ngày càng đông đảo của nam giới. Những Hội nghị quốc tế về Phụ nữ trở thành “dấu chỉ thời đại” có tác dụng đánh thức lương tâm của nhân loại, giúp chúng ta đánh giá đúng đắn hơn về vai trò và ơn gọi của phụ nữ.
Hội nghị phụ nữ thế giới (HNPNTG) lần thứ I ở Mêhicô (1975) mở đầu cho thập niên sôi động về vấn đề phụ nữ. Kế đó, năm 1979, Công ước quốc tế nhằm chấm dứt những hình thức bất bình đẳng đối với phụ nữ đã đặt nền tảng pháp lý cho nguyên tắc nam nữ bình quyền. HNPNTG lần thứ II ở Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 1980 đã quyết định thiết lập những trung tâm nghiên cứu chuyên biệt về vai trò của phụ nữ và thành lập mạng lưới giữa những cơ quan và những người nghiên cứu về vấn đề này. HNPNTG lần thứ III tại Nairobi (Phi Châu) lấy chủ đề bình đẳng, phát triển và hòa bình làm mục tiêu hoạt động.
Hội nghị quốc tế về nhân quyền tại Viena (Áo), năm 1993, bước thêm một bước quan trọng trên hành trình thăng tiến phụ nữ. Bản tuyên ngôn nhân quyền được 171 nước tham dự chấp thuận nêu lên những nguyên tắc căn bản sau đây: bình đẳng giữa nam và nữ về quyền công dân trong lãnh vực công, tư cũng như trong phạm vi gia đình; bình đẳng về cơ hội trong những gì liên quan đến an sinh xã hội, giáo dục và y tế; bình đẳng trong tiến trình tham dự vào những quyết định thuộc lãnh vực chính trị và kinh tế; bình đẳng về lương bổng khi đảm nhận cùng một việc làm, v.v… Cuối cùng, HNPNTG lần thứ IV ở Bắc kinh(1995) tiếp tục khai triển và đào sâu thêm những chủ đề căn bản nói trên.
Nhờ sự tranh đấu của các phong trào phụ nữ và sự yểm trợ của các tổ chức quốc tế, trong hai thập niên vừa qua đại đa số các quốc gia đã cố gắng phát triển phụ nữ về phương diện y tế và giáo dục. Một kết quả rất khích lệ là tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên 20% so với tuổi thọ của nam giới. Tỉ lệ sinh sản đã giảm xuống 1/3 (từ 4,7 trẻ em sinh ra sống cho mỗi phụ nữ, vào năm 1970, giảm xuống 3 trong những năm 1990-95). Tỉ lệ tử vong của các sản phụ cũng giảm nhiều và nhanh.
Tại những nước đang phát triển, trong năm 1990, hơn nửa số phụ nữ có gia đình ở tuổi có thể thụ thai đã dùng những phương pháp ngừa thai hiện đại, trong khi đó vào năm 1980 chỉ có 1/4. Việc phát triển kế hoạch hóa gia đình không những đã cho phép phụ nữ có thời giờ hơn để săn sóc cho những đứa con đã chào đời, mà còn có điều kiện để phát triển nhân bản và tài năng.
Trong thời gian từ năm 1970 đến 1990, tỉ lệ phụ nữ lớn tuổi tham gia phong trào xóa nạn mù chữ tại các nước đang phát triển tăng nhanh hơn nam giới: từ 54% so với nam giới vào năm 1970, đã tăng lên 74% vào năm 1990. Đồng thời tỉ lệ phụ nữ ghi danh theo học ở tiểu và trung học cũng gia tăng đáng kể so với tỉ lệ của nam giới: từ 67% vào năm 70 đã tăng lên 86% vào năm 90. Nói chung, tỉ lệ phụ nữ ghi danh tiểu học tại các nước đang phát triển tăng 1,7% mỗi năm trong giai đoạn từ 1970-1990, trong khi đó tỉ lệ tăng của nam giới là 1,2%. Xét về tỉ lệ ghi danh tiểu và trung học của nữ giới, Châu Á Thái Bình Dương (83%) và Mỹ châu La-tinh (87%) hầu như gần theo kịp mức độ của các nước kỹ nghệ hóa (97%).
Hơn bao giờ hết, chìa khóa của việc thăng tiến phụ nữ nói riêng và phát triển nhân loại nói chung luôn luôn hệ tại việc nâng cao giáo dục cho phụ nữ. Khi một người phụ nữ được giáo dục thì cả gia đình và cả tập thể được giáo dục, vì phụ nữ là nhà giáo dục đầu tiên, tuyệt vời nhất, tận tụy nhất và hữu hiệu nhất.
Một dấu hiệu rất đáng mừng là khoảng cách về trình độ học vấn giữa nam và nữ đang được rút ngắn ở khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa trong mấy thập niên vừa qua, nữ giới tăng nhanh về cả lượng lẫn phẩm. Xem ra con gái học giỏi và chăm hơn con trai cùng lứa tuổi và trình độ. Tỉ lệ con gái bị ở lại lớp cũng thấp hơn.
Ở cấp bậc Đại học, năm 1970 số nữ sinh viên ghi danh vào Đại học hay các trường Cao đẳng tại các nưóc đang phát triển chỉ khoảng gần 50% số nam sinh viên, nhưng năm 1990 tỉ lệ đó đã tăng lên 70%. Tại các nước phát triển, hiện nay xét về lượng nữ sinh viên đã vượt nam sinh viên. Số nữ sinh viên ra trường mỗi năm cũng nhiều hơn. Năm 1995, tại các nước thuộc Cộng đồng Âu châu cứ 100 nam sinh viên tốt nghiệp thì có tới 124 nữ sinh viên tốt nghiệp. Tại Ý chẳng hạn, năm 1992 có 45885 nữ sinh viên và 44228 nam sinh viên tốt nghiệp, năm 1993 con số nữ sinh viên tốt nghiệp tăng lên 47991 trong khi đó nam giới hầu như vẫn dậm chân tại chỗ với 44476 người tốt nghiệp thôi.
3. Vẫn còn nhiều bất bình đẳng về phái tính
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ nói trên về phương diện giáo dục và y tế, phụ nữ vẫn còn phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng về phương diện xã hội, kinh tế và chính trị.
Thật vậy phụ nữ vẫn chiếm 2/3 của tổng số 900 triệu người mù chữ tại các nước đang phát triển. Trong số 130 triệu trẻ em bất hạnh, không được may mắn cắp sách đến trường, 60% là trẻ nữ. Ngoài ra ở một số nước nghèo, tỉ lệ sinh sản tăng nhanh hơn tỉ lệ phụ nữ ghi danh theo học, vì vậy số phụ nữ không biết đọc, biết viết sẽ có nguy cơ tăng thêm.
Tại nhiều nước đang phát triển, vì phương tiện y tế còn quá thô sơ, nhất là những gì liên hệ đến khoa sản phụ, cũng như việc săn sóc trước và sau khi sinh, làm cho nhiều phụ nữ phải thiệt mạng. Thật vậy, những khó khăn trong thời kỳ thai nghén là nguyên nhân của phần lớn tình trạng tử vong của phụ nữ ở tuổi sinh con. Con số tử vong liên hệ đến việc sinh sản ở các nước nghèo lên tới gần nửa triệu mỗi năm. Thêm vào đó mỗi năm vẫn có khoảng 100.000 phụ nữ chết vì nạo thai bất hợp pháp.
Trong một thế giới giàu sang và tiến bộ như thế giới của chúng ta vẫn còn 1,3 tỉ người nghèo. Nhưng xưa cũng như nay nghèo đói vẫn luôn mang một khuôn mặt rất phụ nữ, vì 70% người nghèo nói trên là phụ nữ. Theo phúc trình của Tổ chức Lương nông quốc tế (tháng 2, 1996), trên thế giới hôm nay vẫn còn 800 triệu người đói. Không cần nói ai cũng biết phụ nữ chiếm đa số những người bị đói này, bởi vì trong một gia đình đói ăn, thường thường những người mẹ, những người chị, những cô em… luôn phải nhường hay tự ý nhường những miếng ăn hiếm hoi còn lại cho con, cho chồng, cho cha, cho em…
Tình trạng nghèo đói hiện tại của nữ giới còn là hậu quả của những bất bình đẳng ở lãnh vực lao động, điều kiện xã hội, vai trò và trách nhiệm của nữ giới trong gia đình. Trong hai mươi năm qua, việc tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động đã tăng lên 4%: từ 36% trong năm 1970 lên 40% ở năm 1990. Dù vậy, tỉ lệ tín dụng dành cho phụ nữ vẫn quá thấp, bởi vì vẫn duy trì quan niệm cho rằng phụ nữ không có khả năng để kinh doanh và quản trị tốt. Tại Mỹ châu La-tinh chẳng hạn, phụ nữ chỉ chiếm khoảng từ 7% đến 11% những người được hưởng chương trình tín dụng.
Lương trung bình của phụ nữ cũng thấp hơn lương trung bình của nam giới, bởi vì phụ nữ thường làm việc trong những ngành lợi tức thấp, hoặc thuộc diện kinh tế chui. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ nữ làm cùng một sở và một việc với nam giới vẫn lãnh ít lương hơn. Theo nghiên cứu của Chương trình phát triển của Liên-hiệp-quốc (1995), tại 55 nước lương trung bình của phụ nữ chỉ bằng 3/4 lương trung bình của nam giới. Và ở khắp nơi trên thế giới tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ bao giờ cũng cao hơn nam giới.
Trong các nước kỹ nghệ hóa, nam giới sử dụng khoảng 2/3 thời giờ lao động vào những hoạt động được trả lương và 1/3 vào những hoạt động không trả lương. Trường hợp của phụ nữ ngược lại: 1/3 thời giờ lao động dành cho hoạt động được trả lương và 2/3 lao động còn lại không trả lương. Ở các nước đang phát triển, trên 3/4 lao động của nam giới nhằm vào những hoạt động có lợi tức, trong khi đó đại đa số những hoạt động của nữ giới thuộc lãnh vực không được trả lương và cũng không được thừa nhận như một hoạt động có tính sản xuất. Chính vì vậy nam giới đóng góp nhiều hơn vào kinh tế gia đình và do đó có nhiều uy thế trong cuộc sống.
Việc không thừa nhận giá trị kinh tế những việc làm của phụ nữ đã đưa đến chỗ đánh giá thấp sự đóng góp của phụ nữ trong xã hội. Hậu quả trực tiếp của nó là phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay tiền ở ngân hàng, bởi vì trong xã hội tiêu thụ hiện nay ưu thế của một người phần lớn lệ thuộc vào lợi tức và việc làm của người đó.
Việc không đánh giá đúng mức vai trò và nhân phẩm của phụ nữ còn dẫn đến những vụ bạo hành thể lý. Rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, và suốt cuộc đời vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi những hành động vũ phu đó. Tại Chí lợi, Mễ tây cơ, Tân Guiné, Nam Hàn, chẳng hạn, khoảng 2/3 phụ nữ có gia đình là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Một phần ba phụ nữ ở Barbados, Canada, Bỉ, Hòa Lan, Tân Tân lan, Na uy và Hoa kỳ là nạn nhân của sự lạm dụng tính dục trong thời thơ ấu hay ở tuổi thanh xuân. Mỗi năm có tới một triệu trẻ em, đặc biệt các cô gái Á châu, bị cưỡng bức làm nghề mãi dâm.
Gần một nửa những thủ phạm giết phụ nữ tại Bangladesh, Ba tây, Kenya,Tân Guiné,Thái Lan… là chồng hiện tại hoặc chồng cũ hay người tình. Bạo lực trong gia đình cũng thường là nguyên nhân chính của những vụ tự tử của phụ nữ. Sự khinh miệt phụ nữ nói trên bắt đầu ngay từ lúc chưa lọt lòng mẹ hoặc vừa mới chào đời. Tại một số nước, người ta áp dụng phân tích y học để thẩm định phái tính của bào thai và khi cha mẹ biết bào thai tương lai là con gái thường dễ chấp nhận việc phá thai.
4. Thiếu cơ may chính trị và kinh tế
Nếu như cánh cửa giáo dục và y tế tương đối đã mở rộng cho nữ giới, những cơ may thuộc phạm kinh tế và chính trị vẫn đóng kín. Với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, lao động hôm nay đòi hỏi nhiều kiến thức và chuyên môn cao. Tương đối nữ giới có trình độ cao, nhưng vẫn ít may mắn trong thị trường lao động. Tương đối nam giới vẫn dễ kiếm việc và có lương cao hơn. Chính nơi đây là yếu tố quan trọng đã tạo nên và tiếp tục duy trì tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Bất chấp những tiến triển lớn lao về việc phát triển tài năng và sự hiện diện đông đảo của phụ nữ trong những nghề tự do như giáo sư, bác sĩ, luật sư… , vai trò của phụ nữ trong lãnh vực chính trị còn rất giới hạn và quá khiêm tốn. Hầu như ở khắp nơi trên thế giới hôm nay người công dân có quyền bầu phiếu và phụ nữ chiếm hơn 50% cử tri. Nhưng sự hiện diện của phụ nữ ở những chức vụ có tính cách lãnh đạo và quyết định về chính trị như tổng thống, thủ tướng, dân biểu, bộ trưởng, thị trưởng, gíam đốc…còn quá ít ỏi. Theo thống kê của Liên-hiệp-quốc, phụ nữ chỉ chiếm 10% tổng số dân biểu quốc hội và vỏn vẹn 6% chức vụ lãnh đạo trong chính quyền. Tại 55 quốc gia trên thế giới, người ta nhận thấy phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong quốc hội hoặc chỉ diện diện một cách thật khiêm tốn: dưới 5%. Hiện tượng này gặp thấy ở nhiều nước nghèo (Afganistan, Bhutan, Etiopia, Mali chẳng hạn) cũng như ở nước giàu (Arabia Saudita, Hy lạp, Kuwait, Nam Hàn, Singapore).
Theo “Phúc trình về phát triển nhân bản” (1995) của Chương trình phát triển của Liên-hiệp-quốc, trong thế giới hôm nay phụ nữ lao động nhiều giờ và cần mẫn hơn nam giới. Trung bình phụ nữ đảm nhận 53% tổng số lao động tại các nước đang phát triển và 51% tại các nước kỹ nghệ hóa. Tuy nhiên kết quả thật trớ trêu: phụ nữ chiếm 1/2 dân số hoàn cầu, làm 2/3 công việc, nhưng chỉ hưởng 1/10 thu nhập và sở hữu 1/100 tài sản của thế giới.
Cũng theo tài liệu nói trên, trong số 130 nước được nghiên cứu, bốn nước Bắc Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch) đứng đầu thế giới về vấn đề phát triển phụ nữ. Tại các nước này nam và nữ đều ngang nhau trong mức độ xóa nạn mù chữ của người lớn, nhưng tỉ lệ phụ nữ ghi danh tại trường học cao hơn nam giới. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cũng cao hơn nam giới đến 7 năm, trong khi sự khác biệt trung bình trên thế giới là 5 năm. Tuy nhiên xét về mặt kinh tế, lợi tức trung bình của phụ nữ vẫn chỉ khoảng 3/4 lợi tức của nam giới. Xem như vậy, thực sự chưa có một xã hội nào trong thế giới hôm nay phụ nữ được hưởng cơ hội đồng đều với nam giới về phương kinh tế và chính trị.
Một so sánh quan trọng khác là tỉ lệ của việc phát triển về phái tính và phát triển nhân bản của các nước trên thế giới không luôn luôn đồng đều nhau. Những nước có mức độ phát triển về phái tính cao hơn mức độ phát triển chung về nhân bản là Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Cộng hòa Tiệp, Ba Lan, Thái Lan, Tích Lan, Mã Lai, v.v…, trong khi đó một số nước khác như Canada, Chí lợi, Tây ban Nha, các nước Ả rập thì mức độ phát triển về phái tính thấp hơn việc phát triển nhân bản. Riêng Canada đứng đầu về phát triển nhân bản, nhưng xét về phát triển phụ nữ bị tụt xuống hạng thứ 9, còn Việt Nam phát triển chung về nhân bản đứng hạng 85, nhưng phát triển phụ nữ được xếp hạng 74, nghĩa là cao hơn 11 hạng.
Nguyên nhân của sự khác biệt này không hoàn toàn lệ thuộc vào mức độ giàu nghèo của mỗi nước mà còn do sự khác biệt về lợi tức giữa nam và nữ, cũng như cơ hội tham gia vào lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị của người phụ nữ. Chính trị, văn hóa và giáo dục chiếm một vài trò rất quan trọng ở đây, chẳng hạn về phương diện phát triển phụ nữ Trung Quốc xếp hạng 71, nghĩa là 10 hạng trên Arabia Saudia, trong khi xét về lợi tức bình quân trên đầu người, Trung Quốc chỉ bằng 1/5 Arabia Saudita. Ba Lan hơn Siria 50 hạng về phát triển phụ nữ, dù rằng hai nước có lợi tức bình quân trên đầu người bằng nhau. Thái Lan được xếp cùng hạng với Tây ban Nha, dù rằng xét về lợi tức Thái Lan chỉ bằng nửa Tây ban nha. Nói một cách tổng quát, ở những nước theo khuynh hướng dân chủ, tự do hoặc xã hội vấn đề phát triển phụ nữ cao hơn, trong khi đó các nước Ả rập, hoặc theo Hồi giáo, việc phát triển phụ nữ thấp và chậm hơn.
Còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua trên hành trình thăng tiến phụ nữ. Theo Tổ chức phát triển của Liên-hiệp-quốc một trong những cố gắng phải cấp tốc thực hiện trong một giai đoạn ngắn là “thiết lập việc bình đẳng về pháp lý”. Công ước quốc tế nhằm loại trừ tất cả những hình thức đối xử phân biệt giữa nam và nữ được Liên-hiệp-quốc coi như một viên đá mốc để xây dựng quyền bình đẳng của phụ nữ. Rất tiếc hiện tại 41 nước hội viên vẫn chưa chịu ký 6 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn và 43 nước khác phê chuẩn nhưng không chấp thuận một số khoản. Nói khác đi, vẫn còn 90 nước chưa chấp thuận tất cả nguyên tắc “bình đẳng pháp lý” giữa nam và nữ.
Về phương diện kinh tế, cần sửa đổi và hiện đại hóa rất nhiều luật lệ và cách thế tổ chức ngõ hầu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người phụ nữ có con mọn, chẳng hạn cho phép người chồng ở nhà săn sóc con thay vợ, cho phép người phụ nữ có con thơ được làm việc bán thời gian, hoặc linh động hơn giờ làm việc cho họ, tăng thêm nhà giữ trẻ, tăng thêm thời gian nghỉ khi sinh nở và nhất là làm sao thời gian nghỉ đó vẫn được tiếp tục thăng tiến nghề nghiệp.
Về mặt chính trị, nhiều tổ chức đưa ra đề nghị tối thiểu nên dành cho phụ nữ 30% những chức vụ chính trị có tầm mức quyết định trên bình diện quốc gia hoặc thành phố. Hiện tại chỉ ở Thụy điển, Đan mạch, Na uy, Phần lan, Hòa lan… tỉ lệ phụ nữ trong nội các chính phủ và quốc hội vượt trên 30%. Ngay tại Pháp, quê hương của bình đẳng và nhân quyền, nhưng năm 1996 số nữ dân biểu chỉ vỏn vẹn 5,6%. Tình trạng bất công lộ liễu này đã gây tranh luận sôi nổi và Đảng Xã hội đã quyết dành cho nữ giới 30% số ứng cử viên trong các cuộc bầu cử. Đối với các chức vụ giám đốc và quản trị hiện có 15 nước đã vượt mức 30%, còn ở cấp bực thành phố có 8 nước. Tuy nhiên đại đa số các nước trên thế giới còn ở rất xa chỉ tiêu nói trên. Tại Việt Nam, trong danh sách Ban chấp hành Trung ương của Đại hội Đảng khóa VIII có 20 phụ nữ, trong 19 Ủy viên Bộ chính trị chỉ vỏn vẹn một đại diện phụ nữ, nhưng phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong Thường vụ Bộ chính trị.
5. …Phụ nữ Việt Nam xưa và nay
Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy Nho giáo khi du nhập vào Việt Nam, qua khúc xạ của văn hóa dân tộc, đã được “làm mềm” và “làm dịu” tính giáo điều và hà khắc cố hữu của nó. Chẳng hạn truyền thống trọng tình người và đề cao vai trò của phụ nữ đã làm cho luật Hồng Đức (1489), mặc dù soạn thảo vào giai đoạn Nho giáo được tôn làm quốc giáo, cũng cho phép con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng với con trai. Ngoài ra, con gái và cháu gái cũng có quyền hương khói cho ông bà, nếu không có con trai hay cháu trai; khi con trai trưởng còn nhỏ thì bà qủa phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Đối với vấn đề hôn nhân, luật cho phép người nữ từ hôn nếu thấy vị hôn phu bị ác tật, phạm tội hay phá sản. Người vợ cũng có quyền bỏ chồng nếu trong năm tháng người chồng bỏ rơi vợ về chuyện chăn gối. Khi li hôn như vậy, mỗi người lấy lại tài sản riêng của mình, còn tài sản chung thì chia đôi.
Luật Gia Long (1815), phỏng theo luật Trung Hoa nhiều hơn, nhưng vẫn không quên vai trò của phụ nữ. Chẳng hạn sau khi lặp lại “Thất xuất” còn đặt thêm “Tam bất khả xuất“, tức là ba trường hợp không cho phép chồng bỏ vợ, ngõ hầu hạn chế phần nào sự thiệt thòi của phụ nữ : người vợ đã để tang cha mẹ chồng, đã làm cho nhà chồng trở nên giàu có và không có nơi nương tựa. Luật Gia Long cũng cấm chồng không được bán vợ, bắt vợ làm thuê hay hạ vợ chính xuống làm nàng hầu.
Nhiều học giả ngoại quốc nhìn nhận là truyền thống văn hóa Việt Nam chú trọng đến nữ giới nhiều hơn luật Trung Hoa và quan hệ vợ chồng cũng bình đẳng hơn. A.Pazzi ghi nhận: “Xét trong văn học bình dân, ta thấy người phụ nữ Việt Nam, mặc dù khổ cực nhưng rất được yêu quý, nể vì, không như phụ nữ bình dân nhiều nước Tây phương chịu sự đối đãi thô lỗ, nhiều khi qúa sức chênh lệch với đàn ông…Phần nhiều đàn bà có một ngôi vị quan trọng, nhiều khi quyết định ở trong gia đình. Bởi vì người đàn bà ấy nắm hết cơ sở vật chất, quản trị trong nhà, giữ mối liên lạc đối vớ họ hàng, bà con, thấy rõ trọng trách của gia đình mình đối với làng nước”.
Quan niệm “nam tôn nữ ti” của Nho giáo đã bị hạn chế và bổ túc bởi truyền thống xa xưa về vai trò của người Mẹ trong gia đình. Đạo hiếu trong văn hóa Việt Nam luôn đề cao công cha – nghĩa mẹ trong mối tương quan bình đẳng:
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Trong sinh hoạt gia đình, người vợ cũng được đặt ngang hàng với chồng. Người vợ thường là người chỉ huy công việc nội trợ. Do đó có danh hiệu là “nội tướng” và có thực quyền. Có trường hợp một số bà còn làm tới, dành quyền quyết định tối hậu, đến độ “lệnh ông không bằng cồng bà“. Có người còn cao ngạo thách thức với nam giới và đòi đặt lại mức thang giá trị của xã hội Khổng giáo:
Ba đồng một chục đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một vị đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
Có lẽ đó chỉ là lối nói thậm xưng và cao ngạo để chọc tức bọn nam nhi trong một cuộc hát đối nào đó? Trong thực tại cuộc sống, địa vị của phụ nữ được củng cố qua khả năng phục vụ, tận tụy, hy sinh và dâng hiến trọn vẹn cho chồng con. Khách quan mà nói, so với nam giới, người phụ nữ bị thiệt thòi về mọi phương diện và rất đáng thương. Trách nhiệm “nội tướng” của nữ giới vẫn là “gánh giang sơn nhà chồng“, phải sinh con để nối dõi tông đường, phụng dưỡng cha mẹ chồng và tần tảo kiếm sống cho gia đình. Nguồn vui của họ là quên bản thân để tìm nguồn vui cho người khác, xây dựng sự nghiệp cho chồng con và thường thường khi chồng con đã thành đạt lại khiêm tốn rút lui vào bóng tối.
Chính sự hy sinh thầm lặng nhưng rất quả cảm và thiêng liêng này đã tạo nên vẻ đẹp và giá trị cao quí nhất của phụ nữ Việt Nam.Trong những giai đoạn đau thương và hoạn nạn nhất của đất nước, khi mà những bàn tay đàn ông phải lo giết chóc và phá hoại, thì phụ nữ đã âm thầm bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục, dìu dắt thế hệ trẻ và chăm sóc sức khỏe cho những người già yếu. Rồi cũng chính những bàn tay mềm mại đó đã băng bó các vết thương, xoa dịu nỗi khổ đau và săn sóc, ủi an những nạn nhân của thời cuộc. Trải qua bao cuộc bể dâu, bao hoang tàn đổ vỡ của chiến tranh, bao mất mát đau thương của gia đình cũng như đất nước, những người mẹ, người vợ, người chị, cô em Việt Nam… vẫn chung thủy nuôi con chờ chồng. Họ là hiện thân của tình thương, niềm an ủi, bóng mát và điểm tựa vững chắc cho sức sinh tồn và sự phát triển tài năng của dân tộc.
Bà Trần Tế Xương chẳng hạn là một mẫu người điển hình của người đàn bà Việt Nam. Cả đời nhẫn nhục rải đường cho chồng, cho con lên đỉnh cao bằng sự chắt chiu, hy sinh quả cảm không mệt mỏi. Khi bà tạ thế, thi sĩ Tú Xương đã chân thành ghi ơn bằng lời thơ thật cảm động:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Trong lá thơ gởi cho hai người con, cụ Phan Bội Châu đã ghi lại một giai thoại rất thương tâm để diễn tả công đức của người vợ quá cố. Khi cụ bị Pháp bắt và dẫn độ về Huế, trên đường đi được dừng chân nửa giờ tại tỉnh Nghệ An. Cơ hội đặc biệt này cho phép cụ gặp lại cụ bà sau hơn hai mươi năm xa cách. Cụ bà bình thản nói với chồng những lời tâm huyết sau đây: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn 20 năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mạn túc rồi. Từ đây về sau, chỉ trông mong cho thầy giữ được lòng xưa, thầy làm gì mặc thầy, thầy chớ nghĩ tới vợ con“.
Phải, đàng sau những vị anh hùng của đất nước luôn có những người đàn bà vĩ đại, đã quả cảm hy sinh tột độ, cam chịu mọi thiệt thòi để chồng con an tâm lo đại sự. Nhưng bên cạnh những người đàn bà vĩ đại và có tên tuổi đó, đất nước này còn có hàng triệu người mẹ, người vợ, người chị, cô em… vô danh và bình thường khác. Suốt đời họ đã âm thầm và nhẫn nhục hy sinh cho những người chồng, người con, người anh, người em… vô danh tiểu tốt (!). Nhiều khi họ biết rõ chồng con, em út họ chỉ là những người dân bình thường. Rồi ra cũng chẳng làm nên tích sự gì và chẳng có tiếng tăm gì với núi sông để nở mày nở mặt với thiên hạ. Sự hy sinh âm thầm của họ vì vậy càng âm thầm, quảng đại và linh thiêng hơn.
Nếu người đàn ông xây dựng nhiều, mà phá đổ cũng không kém, thì phụ nữ luôn là hiện thân của tình thương, luôn cưu mang, chở che, bao bọc và nâng niu sự sống. Có thể nói nếu sau những tàn phá và băng hoại thê thảm do chiến tranh gây nên, nếu đất nước này vẫn còn giữ được phần nào cái tính người, tình người và niềm tin là nhờ bản sắc dân tộc và tình yêu thương vô biên mà người mẹ đã gieo vào lòng từ thời thơ ấu. Hồ Dzếnh đã cảm nghiệm sâu sắc tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam và diễn tả lòng biết ơn với tình yêu lẫn nước mắt:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thủa sơ sinh lận đận rồi.
Tôi biết lòng cô u uất lắm,
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.
Dân tộc Việt Nam đang ở vào một khúc quanh mới của lịch sử, phải gồnh mình lên để theo kịp đà tiến của nhân loại. Hơn bao giờ hết dân tộc cần đến tấm lòng, đôi bàn tay, tính cần cù nhẫn nại và khả năng trực giác của người phụ nữ. Đã qua rồi cái thời “tam tòng…“. Phụ nữ Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước, đang lao mình vào quỹ đạo của nền văn minh hậu công nghiệp này. Thái độ sống, quan niệm sống, cách thế nhìn đời và vị trí của người phụ nữ trong xã hội chắc chắn sẽ có những đổi thay mà chẳng ai có thể lường được. Đó là một cơ may, nhưng rất có thể cũng có nguy ngơ đánh mất vẻ đẹp và giá trị cao cả ngàn đời của phụ nữ Việt Nam.
Hy vọng rằng vận hội mới của dân tộc và giai đoạn đặc biệt của lịch sử sẽ mở ra cho người phụ nữ Việt Nam một chân trời mới và một cơ hội chính đáng để thăng tiến bản thân. Ước mong sao với tính nhạy cảm cố hữu, cộng thêm chí kiên cường, lòng chung thủy, quảng đại tích luỹ từ bao ngàn đời, người phụ nữ Việt Nam ở cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI sẽ không thụ động “ôm con chờ chồng” như nàng Tô thị, cũng chẳng tiếp tục bị giam hãm trong một thế giới chật chội, trái lại sẽ mạnh dạn tiến lên, đồng hành với phụ nữ thế giới, nhưng vẫn không bao giờ sa vào vết xe đổ của nhiều phụ nữ Âu Mỹ. Làm sao hội nhập và hiện đại hóa mà vẫn sống trọn vẹn thiên chức của người mẹ, người chị và cô em Á Đông, với tất cả hình ảnh an hòa và yêu thương muôn thủa của dân tộc?
6. Vai trò của các Nữ tu
Sau mấy nét chấm phá về thân phận và vai trò của người phụ nữ Việt Nam, thiết tưởng cần có đôi lời về một thành phần đặc biệt khác: các chị nữ tu. Dù có biện minh và giải thích thế nào đi chăng nữa, phải thành thật công nhận rằng Giáo-hội Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng mức vai trò, sứ vụ và đóng góp của các nữ tu.
Tu viện Mến Thánh Gía đầu tiên được thành lập năm 1670 tại địa phận Đàng Ngoài, với hai nữ tu Việt Nam tiên khởi. Dù là một hạt giống bé nhỏ “sinh bất phùng thời”, được gieo vào lòng dân tộc trong một giai đoạn cấm đạo rất khốc liệt, nhưng Hội Dòng đã phát triển nhanh và đóng góp rất tích cực cho Giáo hội trong suốt thời kỳ bách hại. Qua gánh hàng rong và những viên thuốc tễ, các chị đi từ vùng này sang vùng khác, len lỏi vào những làng “ngoại đạo” và tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội. Với thời gian, nhiều Hội Dòng khác được thành lập hay được du nhập vào Việt Nam để biến các Dòng nữ thành một vườn hoa muôn màu muôn sắc. Hôm nay, nữ tu hiện diện ở mọi miền đất nước, với tổng số 6375 thành viên, gấp đôi con số linh mục và nam tu sĩ.
Trong suốt hơn 300 năm qua, nữ tu là biểu tượng cho đời sống cầu nguyện, là hiện thân của tình thương, dấn thân phục vụ để đào tạo các mầm non của đất nước và xoa dịu nỗi khổ đau của con người, đặc biệt những người bất hạnh, hẩm hiu xấu số. Chọn lựa đồng hành với đại chúng để phục vụ và loan báo Tin Mừng cho họ, nên dĩ nhiên các nữ tu cũng phải chia sẻ những khổ đau, mất mát và thiệt thòi cố nhiên của đại chúng. Các chị đã âm thầm giáo dục, dìu dắt thế hệ trẻ, chăm sóc sức khỏe cho những người gìa yếu, bệnh tật và xoa dịu nỗi thương đau cho các nạn nhân của xã hội.
Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời đau thương, chính thi sĩ Hàn Mặc Tử đã tìm được nơi trại cùi Qui Hòa tình người, nguồn vui, niềm an vui nội tâm và cả những nàng tiên tha thướt, dịu dàng, nhân ái, đạo hạnh… Khi Hàn MặcTử từ trần, một người bạn đồng bệnh tìm thấy trong túi áo của thi sĩ một bản văn ngắn bằng Pháp ngữ ca ngợi “Tâm hồn thanh khiết” (La pureté de l’âme), biểu tượng qua hình ảnh của các nữ tu Phan-sinh phục vụ tại Qui Hòa:
“Hỡi các vị thiên thần trên trời, thiên thần của Thiên Chúa, thiên thần hòa bình và hoan vui, các vị có thấy cái ánh sáng trong mờ càng ngày càng rõ rệt, cái màu sắc trắng như tuyết kia, cái hình hài không bợn nhơ kia, cái linh hồn hiện lên nơi cõi thế kia?… Ngay khi vừa thấy, tôi đã tin rằng đó cái hồn phách của các vì thánh, cái thi tứ, cái tinh hoa của sự cầu nguyện đáng lẽ phải bốc thành hương thơm và thanh khí, nhưng lại khiêm tốn quyết định làm người.
“Hỡi các vị thiên thần trên trời, thiên thần của Thiên Chúa, thiên thần hòa bình và hoan vui, xin hãy vỗ tay reo mừng: bởi vì đó là các Mẹ và các Chị Dòng Phan-sinh, xuống cõi trần gian để an ủi những đau khổ, lo âu của loài người yếu đuối, của các bệnh nhân tàn tật, của những kẻ phong hủi là chúng tôi đây”.
Trong giai đoạn liền sau biến cố 75, có lẽ các nữ tu phải lâm cảnh bơ vơ, lao đao vất vả hơn cả, khi bỗng dưng bị bứng ra khỏi khu vực sinh hoạt cố hữu là y tế và giáo dục. Nhiều Hội Dòng không biết phải làm sao để thích nghi với xã hội mới và cũng chẳng biết làm gì để sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó! Một vài nơi đành phân tán thành nhiều cộng đoàn nhỏ, hoặc dấn thân vào những sinh hoạt mới như Tổ hợp đan lát, chăn nuôi, đi nông trường, về vùng kinh tế mới… Vừa để kiếm sống, vừa tiếp tục hiện diện, âm thầm và lặng lẽ, ngõ hầu ấp ủ và nuôi dưỡng niềm tin của cộng đoàn tín hữu. Ôi cơ cực làm sao những hộ tập thể toàn phụ nữ và chưa hề kinh nghiệm về nghề nông ấy! Mặc dù ai cũng đã cố gắng hết sức và làm việc thật cực nhọc, nhưng nào có đủ ăn!
Người bình dân Việt Nam, bất luận lương giáo, đã đánh giá thật cao tấm lòng yêu thương, tinh thần phục vụ, thái độ dấn thân và khả năng hy sinh chịu đựng của các nữ tu. Có lẽ trên đời này không có huân chương nào lớn lao hơn cái tên mà người bình dân Việt Nam đã đặt cho các nữ tu: Các Dì hay đầy đủ hơn các Dì phước. Thật vậy, đối với mỗi người Việt Nam, Mẹ là hình ảnh linh thiêng và cao quý nhất, biểu hiệu tột đỉnh của tình thương và lòng hy sinh. Tiếng kêu cuối cùng hay tiếng kêu thất thanh của người con lúc hoạn nạn hoặc trước giờ lâm chung vẫn là Mẹ ơi hay Má ơi! Liền sau hình ảnh thân thương của Mẹ, chính là Dì. Ngoài ra, nếu bất hạnh không còn Mẹ thì Dì sẽ là người thay thế: “Dì ruột thương cháu như con/ rủi mà mất mẹ, cháu còn cậy trông“, người xưa thường nói thế. Các nữ tu là những người Dì đó, hơn nữa là những bà Dì phúc đức, hiền hậu và nhân ái.
Như vậy khi gọi các nữ tu là Dì người bình dân Việt Nam đã dành cho các chị một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim và trong cuộc đời của mình. Thật không còn cách nào để tuyên dương công trạng đúng và đẹp hơn.
Câu chuyện “Dì Hai Bến Sắn” chẳng hạn đã diễn tả một cách thật sắc nét tấm lòng và hình ảnh các “Dì nữ tu” trong con mắt người bình dân. Tên thật của Dì là Maria Regina Phạm thị Ngọc Loan, phó giám đốc Trại cùi Bến Sắn và đã từ trần ngày 31 tháng 7 năm 1993. Khi hay tin Dì từ trần, nhiều báo đã có bài viết về Dì. Báo SGGP số ra ngày 18.8.93 chẳng hạn, sau khi đề cao đức độ và cuộc đời phục vụ bệnh nhân của Dì, còn cho biết thêm: “Chị được chọn là phụ nữ tài năng và được mời đi báo cáo tại Hà Nội, nhưng chị đã từ chối, chị chỉ muốn chọn phục vụ hơn là vinh dự”.
Người ta còn kể nhiều giai thoại về con người và cuộc đời phục vụ bệnh nhân của Dì. Chẳng hạn lần kia ở chợ Bến Thành có một người phong xin ăn. Anh này dữ lắm, hễ không vừa ý là anh cắn. Tất cả mọi người khiếp đảm và cả đến cảnh sát cũng đành thua anh. Không ai dám đến gần anh. Cuối cùng cảnh sát báo cho trại Da liễu. Được tin ấy Dì đến tận nơi và nhận ra đó là một người bệnh bỏ trại. Dì đến nắm tay anh và nói: “Trời ơi, sao anh lại ở đây? Lên xe về với dì”. Thế là anh ngoan ngoãn vâng lời như một con chiên nhỏ. Mọi người có mặt ngỡ ngàng hỏi nhau: “Bà này là ai vậy?”.
Bà này là ai vậy? Xưa cũng như nay, có lẽ nhiều cha mẹ vẫn tự hỏi các Dì là ai và có thần thế gì mà đám nhóc con ngoan ngoãn vâng lời các Dì hơn cả vâng lời cha mẹ? Các Dì là ai mà hầu như không một trung tâm Da liễu hay bệnh viện nào mà bệnh nhân và nhân viên không quí mến và lưu luyến? Các Dì là ai mà dù tuổi đời còn ít, kinh nghiệm cũng chẳng là bao, thân hình mỏng manh, yếu ớt… thế mà dám dấn thân đảm nhận những công tác hay đi tới những nơi mà đa số giới màu râu đã đầu hàng? Cuối cùng, các Dì là ai mà đã được một đạo diễn điện ảnh giới thiệu là “mẫu người tử tế” trong một xã hội đang xuống dốc và không còn tử tế?
Ngày nay Đất nước cũng Giáo hội đang bước vào một vận hội mới, cần đến tấm lòng và bàn tay của các Dì hơn bao giờ hết. Cũng rất mừng là Nhà nước đã bắt đầu cho phép các Dòng nữ điều khiển nhà trẻ. Rất nhiều nữ tu, sau những năm dài gác bút nghiên vì những điều kiện khắc nghiệt của thời “bao cấp”, bây giờ đã can đảm tập tễnh cắp sách trở lại nhà trường, để lấy cho xong mảnh bằng sư phạm. Ước mong sao có những thay đổi sâu rộng hơn về y tế và giáo dục ngõ hầu những mầm non và tuổi trẻ của Việt Nam được những người vừa có khả năng, vừa đầy tâm huyết phục vụ và hướng dẫn.
Một dấu hiệu rất đáng mừng khác là trong mấy năm vừa qua việc nâng cao trình độ kiến thức của các nữ tu được đặc biệt quan tâm. Tất cả các Dòng nữ đã tích cực đầu tư cho thế hệ trẻ. Có người cho rằng trong lãnh vực xã hội và học vấn, người nữ tu tiếp cận nhiều với thực tế, tiếp thu nhanh và hăng say kiếm tìm hơn các giáo sĩ.
Tuy nhiên bên cạnh những thành qủa đó, nếu nhìn kỹ hơn một chút, có lẽ sẽ nhận thấy còn một số bế tắc cần giải tỏa. Trong phạm vi đào tạo chẳng hạn, hầu như chỉ mới nghĩ đến “đầu vào” mà chưa tính “đầu ra“! Ra như vì mơ hồ sợ thiếu người có khả năng trong tương và thấy thiên hạ gởi người đi học thì mình cũng gởi, nhưng thử hỏi có bao nhiêu Hội Dòng đặt vấn đề học xong rồi sẽ làm gì, sẽ sử dụng giới trẻ ra sao và tạo cơ hội như thế nào để họ tiếp tục phát triển khả năng? Một sự kiện hiển nhiên đáng cho chúng ta suy nghĩ: nhiều nữ tu trẻ xuất sắc và chuyên cần hơn các nam tu sĩ cùng lứa tuổi và cùng trình độ. Nhưng càng đi lên thì khoảng cách trí thức giữa nam và nữ càng tăng thêm, để cuối cùng khi ra làm việc số nữ tu có trình độ và có chuyên môn hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xét về phương diện hoạt động, có lẽ vẫn chưa thoát khỏi não trạng chắp vá, theo lối “rượu mới mà bình cũ”. Đại đa số học xong cũng chỉ luẩn quẩn trong sinh hoạt thiếu nhi, giáo lý, ca đoàn… Những hoạt động bác ái xã hội vẫn lấn cấn trong hình thức cổ truyền của thứ “bác ái trực tiếp“, nặng màu sắc tế bần, chứ ít chú trọng đến những hoạt động thuộc bình diện “bái ái gián tiếp“, đề cao tính cách dự phóng, giáo dục, khai mở, sáng tạo… Có lẽ đã đến lúc cần đi thêm một bước nữa để đào tạo một số “chuyên viên trung cấp” có khả năng trả lời cho những thách đố mới của thời đại.
Suốt thời gian qua, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước và của Giáo hội, rất nhiều sợi giây hữu hình và vô hình đã trói ghì các nữ tu. Có những sợi giây mang màu sắc văn hóa, kết quả của những tập tục coi thường nữ giới, chẳng hạn quan niệm chật hẹp về “tam tòng tứ đức”; có những sợi giây khác là kết quả của một đường lối tu đức tiền Công đồng Vatican II, nhưng vẫn còn rơi rớt mãi cho đến hôm nay; cũng có những sợi giây mới nẩy sinh ở thời kỳ “bao cấp”. Ngoài ra, còn có nhiều sợi giây khác chính các nữ tu đã tạo ra để tự trói mình cho chặt hơn. Phải chăng đã đến lúc cần tự cởi trói để có thể bước đi (cf.Ga.11,44), ngõ hầu sau đó có thể giúp người khác cởi trói? Làm sao triệt để khai thác khả năng đóng góp độc đáo của mình cho đất nước và cho Giáo hội, với tư thế đặc biệt của một người phụ nữ và nhất là một người nữ tu?
Có lẽ hoàn cảnh và môi trường xã hội “bao cấp” của mấy chục năm vừa qua đã khiến nhiều nữ tu lớn tuổi có “khuynh hướng qúa thực tiễn”, theo lối “mì ăn liền”. Những lần có dịp trao đổi và chia sẻ với một số cộng đoàn Nữ tu về những thách đố mà thời đại chúng ta đang đặt ra cho Giáo Hội nói chung và cho Dòng tu nói riêng, hầu như cái băn khoăn của người nghe là xin diễn gỉa cho “bửu bối”. Làm như thể người nói luôn có sẵn câu trả lời cho mọi vấn đề, hay cho rằng vấn đề căn bản là làm sao tìm ra “công thức”, rồi cứ thế áp dụng y nguyên. Rất ít người ý thức rằng “bửu bối” không có và nếu có cũng không thể áp dụng y nguyên. Điểm quan trọng nhất là gieo ý thức để cố gắng suy nghĩ, tìm kiếm và sáng kiến không ngừng.
Một vài lần người viết mượn lối trả lời của các thiền sư, thuật lại tích xưa về một cách mở hũ: “Một thiền sư thấy một đệ tử thắc mắc vì từ khi nhập môn ít thấy được thầy bảo ban, bèn đưa cho anh một cái hũ, bảo anh ta mở. Người đệ tử loay hoay mãi không mở được vì cái hũ nút kín bưng. Đã có lúc anh định đập tan cái hũ quỉ quái kia cho rồi, nhưng sợ thầy, nên không dám. Thiền sư thấy vậy, đá cho trò một cái thật mạnh, lật ngược cái hũ lên rồi lẳng lặng bỏ đi. Người trẻ tuổi chợt ngộ. Thì ra thói quen đã khiến anh mù lòa. Anh không nhìn thây cái hũ của thầy mở ở phía đáy”. Nghe xong câu chuyện trên, một vài cặp mặt bỗng sáng lên, nhưng nhiều cặp mắt có vẻ buồn và thất vọng hơn, vì như vậy…”bửu bối” càng vượt xa tầm tay!
Nói tóm lại, có lẽ đã đến lúc các nữ tu cần vận dụng khả năng trực giác, trí thông minh và tấm lòng nhân hậu cố hữu của mình để kiếm tìm những cách thế tông đồ và mục vụ mới ngõ hầu chu toàn sứ vụ chứng tá trong một xã hội đang đổi thay, và thay đổi nhanh đến độ chóng mặt. Điều đó đòi hỏi thái độ can đảm dấn thân, dám liều, dám đầu tư nén bạc Thiên Chúa trao ban, cho dù có nguy cơ thất bại, chứ không chọn giải pháp dễ dãi là chôn vùi nó dưới lòng đất (Mt. 25, 14 tt).
Thiết tưởng cũng nên tạm quên những khó khăn cục bộ để mở rộng tầm nhìn và đừng ngủ say trong những thành công quá khứ, ngõ hầu có thể đối diện với tương lai như đức Gioan Phaolô II từng nhắn nhủ: “Không phải các con chỉ có một lịch sử vẻ vang để ghi nhớ và kể lể, mà còn có cả một tương lai lớn lao cần xây dựng! Hãy nhìn thẳng vào tương lai, nơi mà Thánh linh dự tính cùng làm với các con những chuyện lớn lao hơn. Hãy biến đổi cuộc đời của các con thành một hăm hở đợi chờ Đức Kitô, hăng say tìm gặp Ngài như những trinh nữ cẩn trọng đi đón Hôn phu. Hãy luôn sẵn sàng mau mắn, hãy trung tín với Đức Kitô, với Giáo hội, với Hội dòng của các con và với con người ở thời đại chúng ta. Qua Đức Kitô các con sẽ canh tân mỗi ngày, để rồi trong thần khí của Ngài xây dựng một cộng đoàn huynh đệ, cùng với Ngài rửa chân cho những người nghèo khổ và đóng góp cái phần không thể thiếu của các con vào công cuộc biến đổi thế giới”.
GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P. / Nguồn: Mạng lưới GP Vinh