“Gia đình, công ăn việc làm và nghỉ ngơi. Khi nói đến một cuộc sống gia đình lành mạnh, cả ba yếu tố trên đều là cần thiết. Nhưng làm sao để cân bằng những yếu tố này luôn là một vấn nạn với nhiều gia đình” (Đức Hồng y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Gia Đình).
Nhằm giúp mọi người tìm lại sự quân bình trong cuộc sống sau những ngày làm việc vất vả, để tận hưởng cuộc sống tròn đầy khi dung hòa được ba yếu tố trên, lúc 14g30 ngày 24/11/2012, tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP đã trình bày đề tài: “Sống đức tin trong những ngày lễ nghỉ”.
Khán thính giả không khỏi ngỡ ngàng với cách đặt vấn đề khá ấn tượng của Sr. Maria: Chúng ta hãy trả lại cho Chúa “Ngày của Chúa”! Có lẽ chúng ta đã đánh mất “Ngày của Chúa” khi chỉ chú tâm lo công việc làm, lo kiếm tiền, dẫn đến hệ quả là nghiện nhiều thứ: ma túy, rượu bia, thuốc lá, game online, internet, phim Hàn quốc, tám chuyện... và nhất là “nghiện công việc” đến độ quên Thiên Chúa, quên cả gia đình, quên nhu cầu bản thân cần phải được đáp ứng như: sự nghỉ ngơi, thư giãn, để rồi kết cục phải đối diện với stress và sự đổ vỡ... Từ dẫn dắt trên, Sr. Maria đã giúp khán thính giả bắt đầu ngộ ra rằng: Trong “Ngày của Chúa”, ngoài việc gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta còn phải dành thời gian cho cộng đoàn và gia đình. Ngày nay, chúng ta đang đánh mất chỗ đứng và giá trị của gia đình, tự đánh mất nhiều thứ của gia đình, đáng kể nhất là thời gian.
Sr. Maria quảng diễn tiếp: Chỉ khi sống và dung hòa được ba yếu tố trên trong ngày lễ nghỉ, chúng ta mới tìm được sự thư thái, bình an trong tâm hồn, tận hưởng cuộc sống đầy ý nghĩa và hạnh phúc nhất.
Ngày lễ - Thời gian dành cho Thiên Chúa
Dựa vào Kinh Thánh: “Ngươi hãy nhớ ngày sabat mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabat, và coi đó là ngày thánh” (Xh 20, 8-11), Sr. Maria đã mời gọi khán thính giả hãy dành thời gian cho Chúa trong ngày lễ nghỉ, bởi lẽ:
- Ngày thứ Bảy và Chúa nhật, đối với người Kitô hữu, là “Ngày của Chúa”, là ngày mừng kính Đấng Phục Sinh hiện diện sống động trong cộng đoàn Kitô hữu, trong gia đình và trong đời sống cá nhân. Do đó, để thánh hóa ngày nghỉ lễ, dân Chúa cần phải dành thời gian cho Thiên Chúa và cho con người.
- Ngày lễ nghỉ là ngày con người được giải phóng, vì ngày sabat của Thập giới có một ý nghĩa xã hội và giải phóng. “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó... Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabat” (Đnl 5,15). Vì thế, ngày sabat giúp con người thoát ra khỏi tình trạng lao dịch, nô lệ để đưa vào tình trạng phục vụ trong tự do, hân hoan và chúc tụng.
Bởi lẽ đó, con người cần ngừng mọi công việc và dừng chân để cảm nhận những ơn lành Chúa đã ban cho, vui mừng vì những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, là tập bước vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa. Đồng thời, để có kinh nghiệm về “sự hiện diện” của Chúa Phục Sinh, gia đình phải coi Thánh lễ Chúa nhật như là trung tâm đời sống của gia đình và tham dự thật sốt sắng. Thật vậy, Quy chế tổng quát của Sách Lễ Rôma viết: "Việc cử hành Thánh lễ, với tích cách là hành động của Chúa Kitô và của dân Thiên Chúa, được tổ chức theo phẩm trật, là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô giáo, đối với Hội Thánh toàn cầu, cũng như Hội Thánh địa phương, và đối với từng tín hữu" (số 1).
Khi được hỏi về các công việc của tu sĩ trong ngày Chúa nhật, Thầy Giuse Hà Đình Tuấn OP, nhận xét: “Trong cộng đoàn, ngày Chúa nhật, các tu sĩ khá bận rộn với công việc tham dự Thánh lễ, dạy giáo lý trong và ngoài cộng đoàn... tuy mệt nhưng rất vui, vì bản thân mỗi người sẽ có nhiều thời gian dành cho Chúa và gặp gỡ tha nhân”. Cũng vậy, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Lương, Hội dòng MTG Vinh, còn cho biết thêm: “Ngày Chúa nhật, ngoài việc tham gia dạy giáo lý tại các giáo xứ, nhà dòng còn dành thời gian nhiều hơn để các chị em chầu Mình Thánh Chúa”.
Ngày lễ - Thời gian dành cho gia đình
Trước khi bước vào nội dung thứ hai “Ngày lễ - Thời gian dành cho gia đình”, Sr. Maria đã trình chiếu đoạn video clip về sự mong mỏi của những đứa trẻ muốn có cha bên cạnh trong ngày Chúa nhật, một em khác lại muốn được ăn những bữa cơm do mẹ nấu hơn là ăn cơm hộp... để nhấn mạnh một thực trạng khá phổ biến trong các gia đình hiện nay. Đôi khi mải mê với công việc, ta tiếc với con từng phút, để rồi sau đó xảy ra những chuyện thật đáng tiếc! Khi gia đình không còn là điểm tựa cho con cái, chúng không tìm được sự yêu thương nơi gia đình, ắt chúng sẽ ra đi để đến một nơi khác với hy vọng tìm được sự yêu thương, để rồi bao hiểm nguy đang rình rập chờ đợi chúng. Lúc đó, nhiều cha mẹ sống trong khổ đau, nhiều gia đình tan nát vì sự vô tâm, hờ hững, ngang bướng của con cái, chỉ biết sống riêng cho mình, coi gia đình như quán trọ.
Để giải quyết thực trạng trên, Sr. Maria đưa ra các giải pháp sau:
- Gia đình cần sống ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, làm sao để cuộc sống không chỉ để mưu sinh, mà còn là để gặp gỡ. Gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân, đó chính là trọng tâm của ngày nghỉ lễ.
- Tập thói quen cho các thành viên trong gia đình biết quý trọng ngày Chúa nhật là “ngày thánh thiêng” dành cho Thiên Chúa và những người thân trong gia đình. Cả nhà cùng đi lễ, tổ chức các buổi họp mặt, mừng sinh nhật các thành viên trong gia đình, thực thi bác ái, dã ngoại, thăm ông bà và họ hàng... nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp và đức ái cho con cái, đồng thời cũng giảm những công việc nhà trong ngày nghỉ, chia sẻ công việc với người phụ nữ trong gia đình.
- Ngoài ra, bữa cơm gia đình rất quan trọng để duy trì bầu khí gia đình. Đặc biệt, đối với gia đình Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ thói quen đọc kinh tối trong gia đình. Mỗi gia đình hãy dành cho Chúa “Phút hồi tâm” mỗi ngày trước khi đi ngủ, chắc chắn Chúa sẽ hiện diện và chúc lành cho các gia đình đó.
Chị Nguyễn Phan Cát Trinh, nhà ở Biên Hòa, là khán thính giả thường xuyên của Chương trình Chuyên đề nêu lên công việc của mình trong ngày Chúa nhật: “Sáng Chúa nhật, em đi lễ, dạy giáo lý ở nhà thờ; trưa đến, ăn cơm với gia đình; buổi tối, trở về nhà phụ mẹ nấu bữa cơm tối và cùng gia đình ăn cơm, coi tivi, đọc kinh và đi ngủ. Ngoài ra, khi gia đình có công việc, em bỏ mọi công việc cá nhân, kể cả việc tham dự Chương trình Chuyên đề để cùng tham gia với gia đình”.
Ngày lễ - Thời gian dành cho cộng đoàn
Để hướng dẫn tham dự viên đi vào nội dung thứ ba, Sr. Maria đã nhắc lại bản chất của đời sống Giáo hội là đức tin. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu đã thể hiện niềm tin thật mãnh mẽ: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân yêu mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được ơn cứu độ” (Cv 2, 46-47). Từ đó, Sr. Maria nêu vai trò của cộng đoàn trong đời sống Kitô hữu với những điểm chính yếu sau:
- Chúa nhật, ngày của sự hiệp thông, ngày sống cho nhau và sứ vụ. Thánh Thể liên kết chúng ta lại với nhau trong cùng một tấm bánh. Cộng đoàn tiên khởi sống kinh nghiệm Kitô giáo giữa ngôi nhà của họ và đền thờ. Ngày lễ và ngày Chúa nhật là khoảnh khắc làm mới lại Hội Thánh. Chính Hội Thánh địa phương là sự hiện diện cụ thể của Tin Mừng giữa đời sống nhân loại. Giáo hội mời gọi gia đình hãy “mở cửa”, chấp nhận để thế giới bước vào ngôi nhà của mình, đồng thời gia đình mở ra với thế giới.
- Việc thực thi bác ái là đặc điểm của ngày Chúa nhật đối với người Kitô giáo. Việc bác ái được đề nghị như một bổn phận thiết yếu của gia đình và cộng đoàn. Việc giáo dục trẻ biết làm việc bác ái, sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng trưởng thành trong đức tin.
- Chúa nhật, ngày của bài sai sứ vụ: Gia đình được mời gọi loan báo Tin Mừng theo cách riêng của mình và không ai thay thế được trong nội bộ gia đình, trong môi trường của mình (hàng xóm, bạn bè, họ hàng), trong cộng đoàn Hội Thánh và trong xã hội.
Với lập luận trên, Sr. Maria trình bày tiếp: Tin Mừng hóa gia đình cần được bắt đầu từ việc dạy giáo lý trong gia đình: “Ở những nơi tôn giáo bị cấm cách, tín ngưỡng hỗn độn và thế tục thì gia đình là môi trường tốt nhất cũng như độc nhất truyền thụ giáo lý chân chính cho trẻ em và thanh niên” (FC 52). Như thế, Tin Mừng hóa được thể hiện nơi gia đình qua đời sống làm chứng nhân dấn thân cụ thể. Các bậc cha mẹ phải luôn kết hợp mật thiết và hòa nhập một cách có ý thức với cộng đồng Hội Thánh địa phương, tức là giáo xứ và Giáo phận.
Kết luận
Buổi thuyết trình kết thúc lúc 17g30. Để giúp mọi người hiểu và sống “Ngày của Chúa” thật ý nghĩa và đúng tinh thần: Hãy trả cho Chúa “Ngày của Chúa”, Sr. Maria đã đưa ra lời cầu nguyện sau:
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết giúp gia đình và cộng đoàn sống đúng giới răn Chúa dạy, là giữ ngày Chúa nhật, ngày của Chúa.
Biết dành thời gian cho Chúa qua việc tham dự Thánh lễ, giữ giờ kinh nguyện trong gia đình.
Biết dành thời gian cho gia đình, cộng đoàn bằng sự quan tâm, chăm sóc từng thành viên trong gia đình.
Biết góp phần xây dựng gia đình Hội Thánh qua việc tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, Giáo phận.
Biết yêu thương, giúp đỡ người nghèo khổ trong khu xóm, xứ đạo của mình để Tin Mừng của Chúa được lan tỏa trong lòng xã hội hôm nay. Amen.
Nguyễn Thị Hồng Quế tường trình / Văn Chiến tường thuật