Trong những ngày này, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã hiệp thông một cách nào đó với Giáo Hội hoàn vũ, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II và 20 năm xuất bản sách Giáo lý Hôi thánh Công giáo.
Tại Pháp, cách riêng là tại Viện Đại Học Công Giáo Paris, có những buổi hội thảo, chiếu phim tài liệu (phỏng vấn một số nhân vật đã tham dự hoặc chứng kiến diễn tiến Công Đồng), để cho nhiều người, cách riêng là thế hệ sinh sau những năm 1960 hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của biến cố lịch sử này.
Tại Rôma, vào đúng dịp kỷ niệm này, ngày 11.10.2012 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa và chính thức công bố Năm Đức Tin (từ ngày 11.10.2012 đến 24.11.2013). Nhân dịp này, một số câu hỏi đặt ra, như: Đâu là những thành quả do Công Đồng Vatican II đem lại ? Chúng ta, những linh mục, tu sĩ và giáo dân đã đón nhận tinh thần của Công Đồng thế nào ? Đâu là thách đố về đức tin trong đời sống của tín hữu hiện nay ? Sau 50 năm khai mạc Công Đồng và sau 20 năm Sách Giáo Lý của Hội Thánh được ban hành, người Công giáo khắp nơi, cách riêng tại Việt Nam, đã đọc, đã khám phá và đào sâu giáo lý của Hội Thánh cũng như giáo huấn của Công Đồng tới đâu và đã đem ra áp dụng trong đời sống thế nào?
Bài viết này không phải là suy tư thần học cho những vấn đề được nêu ra trên đây. Nhưng, dựa vào những tài liệu và những bài viết về chủ đề này, chúng tôi, thế hệ sau Công Đồng, tổng hợp lại và gửi đến bạn đọc vài nét chính yếu mà giáo huấn của Hội Thánh, qua Công Đồng Vatican II đã gửi đến toàn thể thế giới và cách riêng cho chúng ta. Sứ điệp của Công Đồng và giáo huấn của Hội Thánh mà chúng ta tái khám phá và đào sâu trong Năm Đức Tin này, sẽ giúp chúng ta “sống đức tin” của mình hôm nay và ngày mai, giữa một thế giới đang thay đổi từng ngày với những thách đố về mọi phương diện.
Để hiểu nội dung chính yếu mà Công Đồng muốn trình bày, trước hết, chúng ta nhìn lướt qua bối cảnh lịch sử thời đó và mục đích mà Công Đồng nhắm tới là gì.
1. Bối cảnh lịch sử
Có những nhà nghiên cứu cho rằng, những năm 1960 là khúc quanh lịch sử thế giới trong thế kỷ 20. Thật vậy, vào thời điểm này, nhân loại đã trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới. Nhiều quốc gia đã biến mất hoặc xuất hiện trên bản đồ thế giới. Trong bối cảnh đó, Giáo Hội Công Giáo cũng bị ảnh hưởng lớn, do các cuộc chiến tranh và thay đổi về chính trị cũng như kinh tế trên khắp địa cầu.
Tại Phương Tây, quan niệm tách rời nhà nước khỏi nhà thờ làm cho mối tương quan giữa Giáo Hội và xã hội càng ngày càng trở nên phức tạp, nếu không muốn nói là đối kháng. Người ta có thể cho là vì xã hội đã văn minh hơn, tiến bộ hơn về khoa học, kỹ thuật, và trình độ tư duy, nên không còn chấp nhận bị chèn ép, kìm hãm dưới ảnh hưởng của ‘thần quyền’ nữa.
Nếu khiêm tốn nhìn nhận, chúng ta thấy rằng, một trong những nguyên nhân của phản ứng đó, là thái độ bảo thủ, là tính cách cha chú và độc đoán của Giáo Hội trong suốt nhiều thế kỷ qua. Dường như, sau Công Đồng Vatican I (1870), theo một số người nhận định, Giáo Hội đã trở nên cứng rắn trong kỷ luật và khuôn phép, nhưng lại thiếu đi sức sống mới mẻ, tươi trẻ và sinh động của Tin Mừng. Thật vậy, với những chuyển biến của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới vào thời điểm bấy giờ, công cuộc ‘Phúc Âm Hóa’ các dân tộc trở nên một đòi hỏi cấp bách, đồng thời là thách đố lớn lao chưa từng thấy. Chính trong hoàn cảnh đó, Giáo Hội Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, cần được ‘đổi mới toàn diện’ dưới ánh sáng của Lời Chúa và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là lý do mà Đức Gioan XXIII đã triệu Công Đồng vào thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ này.
2. Mục đích triệu tập Công Đồng
Khi được bầu làm Giáo Hoàng ở tuổi 76, nhiều người cho rằng Đức Gioan XXIII chỉ là vị chuyển tiếp, để chờ một vị năng động hơn để lãnh đạo Giáo Hội. Vì thế, khi nghe Ðức Giáo Hoàng loan báo sẽ triệu tập Công Ðồng, thì rất ít người tin rằng điều ấy có thể xẩy ra. Nhưng nơi “vị chuyển tiếp” này Chúa Thánh Thần đã hoạt động một cách kỳ diệu mà nhiều người không thể ngờ được. Thật vậy, được Chúa Thánh Thần soi sáng, Đức Gioan XXIII đã công bố triệu tập Công Đồng vào ngày 25.01.1959, sau chưa đầy ba tháng từ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng (ngảy 28.10.1958).
Khi được hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng muốn triệu tập Công Đồng, ngài hóm hỉnh trả lời, trong khi lấy tay mở cửa sổ : « Tôi muốn toang các cửa sổ Giáo Hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được ». Trong ý hướng đó, Đức Gioan XXIII mong muốn là Giáo Hội cần phải nhìn vào “những dấu chỉ của thời đại”, để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân loại. Ngài sử dụng một từ ngữ của người Ý là “aggiornamento”, có nghĩa là “cập nhật hóa”, để nói đến tính cấp bách của Giáo hội lúc này là mở ra với toàn thế giới.
Một trong những lý do khác mà Đức Gioan XXIII muốn triệu tập Công Đồng là để tái xác định căn tính của Giáo Hội, nhiệm vụ của các Giám Mục và để củng cố lại đời sống tâm linh của Giáo Hội. Đồng thời, đây là dịp để cổ võ sự hiệp nhất trong Giáo Hội, đề cao vai trò của giáo dân và tầm quan trọng của việc truyền giáo. Ngày 14.11.1960, trong diễn văn khai mạc trong giai đoạn chuẩn bị (1959-1962) trước sự hiện diện của 33 vị Hồng Y, và hàng trăm vị Giám Mục, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: « Mục đích của Công Đồng là đem lại giá trị chân thật cho tư tưởng con người, cũng như cho đời sống nhân loại và đời sống Kitô giáo, trong tinh thần trở về nguồn và vâng phục Chúa Thánh Linh ». Nói tóm lại, mục đích chính của Công Đồng là duyệt xét và canh tân toàn bộ đời sống của Hội Thánh. Do đó, các Đức Giám Mục trên toàn thế giới được mời tham dự sự kiện quan trọng này.
3. Các nghị phụ và chuyên viên tham dự
Công Đồng Vatican II được gọi là Công Đồng chung hay Công Đồng đại kết (concile oecuménique). Thật vậy, Công Đồng đã kêu mời đại diện các Giáo Hội Kitô khác tham dự, cách riêng là anh em Tin Lành và Chính Thống. Trong tổng số gần 3000 đại biểu được mời đến tham dự, có 2400 Giám Mục hiện diện. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các chuyên viên, cố vấn thần học, thần học gia và giáo dân. Tên tuổi một số thần học gia thời Công Đồng vẫn luôn được nhắc tới là : Karl Rahner, Henri de Lubac, Marie-Dominique Chenu, Yves Congar, Joseph Ratzinger …
Một trong những điều được ghi nhận ở đây, là tại phiên họp khai mạc Công Đồng ngày 11.10.1962, có bốn nghị phụ sau này trở thành Giáo Hoàng. Đó là : Hồng Y Giovanni Battista Montini, sau là Đức Giáo Hoàng Phaolo VI ; Giám Mục Albino Luciani là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo I ; Giám mục Karol Wojtyla là Đức Giáo Hoàng Gioan Phalo II và linh mục Joseph Ratzinger, khi đó 35 tuổi, có mặt trong vai trò cố vấn thần học, là Đức Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI.
4. Tôn chỉ, diễn tiến và văn kiện đúc kết
+ Tôn chỉ : Sau thời gian chuẩn bị, Công Đồng Vatican II đã chính thức khai mạc ngày 11.10.1962, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Trong diễn văn khai mạc, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã nhấn mạnh 5 tôn chỉ của Công Đồng chung Vatican II.
1) Mở ra với toàn thế giới
2) Thương xót hơn là lên án
3) Từ tâm hơn là khắt khe
4) Nhìn nhận thế giới có sự nhạy cảm đối với chân lý
5) Loan báo một Tin Mừng hy vọng hơn là công bố những tai họa
+ Diễn tiến : Không kể thời gian chuẩn bị (1959-1962), Công Đồng kéo dài hơn 4 năm, với 4 phiên họp chính thức. Ngày 03.06.1963, Ðức Gioan XXIII được Chúa gọi về trời. Ðức Thánh Cha Phaolo VI lên kế vị ngày 21.06 cùng năm và tiếp tục lãnh đạo công việc của vị tiền nhiệm.
Kỳ họp thứ 1 : từ ngày 11.10 đến 08.12.1962
Kỳ họp thứ 2 : từ ngày 29.09 đến 04.12.1963
Kỳ họp thứ 3 : từ ngày 14.09 đến 21.11.1964
Kỳ họp thứ 4 : từ ngày 14.09 đến 08.12.1965
+ Văn kiện đúc kết : Công đồng được đúc kết bằng 16 văn kiện, gồm 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn.
Bốn Hiến Chế
1) Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh
2) Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội
3) Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa
4) Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay
Chín Sắc Lệnh
1) Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội
2) Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục
3) Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục
4) Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu
5) Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân
6) Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội
7) Sắc Lệnh về Hiệp Nhất
8) Sắc Lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương
9) Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
Ba Tuyên Ngôn
1) Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo
2) Tuyên Ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo
3) Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo
Sau bốn kỳ họp, Công Đồng đã đúc kết được 16 văn kiện, đánh dấu bước ngoặt mới trong việc thích nghi phụng vụ (thánh lễ bằng tiếng địa phương, bàn thờ quay xuống…), tái canh tân đời sống linh mục và các dòng tu, đề cao vai trò của giáo dân Công Giáo, mở đường đối thoại với các Giáo hội Kitô ngoài Công Giáo và các Giáo hội ngoài Kitô Giáo.
+ Sứ điệp Công đồng gửi đến mọi người
Vào đúng ngày bế mạc 08.12.1965, sứ điệp của Công Đồng được công bố và gửi cho hết mọi người, mọi tầng lớp xã hội, thuộc mọi dân tộc và quốc gia, chứ không phải chỉ gửi riêng cho những người công giáo. Cách cụ thể, Công Đồng gửi sứ điệp đến :
1) Các nhà cầm quyền
2) Giới trí thức
3) Giới văn nghệ sĩ
4) Giới phụ nữ
5) Giới lao động
6) Người nghèo, bệnh tật và đau khổ
7) Giới trẻ
Chúng ta có thể tìm đọc nội dung rất phong phú và giàu ý nghĩa của sứ điệp này ở cuối Bộ Sách Công Đồng Vatican II. Qua sứ điệp gửi cho toàn thế giới, Giáo Hội muốn chứng tỏ rằng Giáo Hội mở ra và quan tâm tới nhu cầu và đời sống của mọi người trên khắp các lục địa. Thật vậy, câu đầu tiên của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng cho chúng ta thấy rõ tư tưởng nêu trên : « Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô » (số 1). Nhưng, nhìn lại sau 50 năm sứ điệp Công Đồng được công bố, đâu là thành quả trong việc canh tân và đâu là những thách đố mà Hội Thánh Chúa Kitô đang gặp phải trong việc loan báo Tin Mừng ?
5. Thành quả sau Công Đồng
Từ 50 năm qua, có nhiều nghiên cứu về các văn kiện của Công Đồng, có nhiều sách vở viết để khen có, để chỉ trích cũng có. Nhưng, có điều chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh thần ‘canh tân và hòa giải’ do Công Ðồng Vatican II thổi vào Giáo hội, đem lại cho Giáo Hội một sức sống mới. Từ đây, Giáo Hội được nhìn nhận như một mầu nhiệm hiệp thông, là cộng đoàn Dân Chúa, không còn nặng về tính cơ cấu và phẩm trật nữa. Nghi thức phụng vụ, cách riêng là thánh lễ và các bí tích, được cử hành cách linh động, giúp cho tín hữu tham dự chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn. Lời Chúa giữ địa vị quan trọng trong các cử hành này. Sách Kinh Thánh đã được phổ biến rộng rãi bằng tiếng địa phương, để mọi người có thể tiếp cận với Lời Chúa cách cụ thể và sống động hơn.
Tinh thần mới của Công Đồng đã khơi lên tâm trí các vị lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội và ảnh hưởng không nhỏ đến cảm nghĩ của giáo dân cũng như giáo sĩ khắp nơi. Ðó là tinh thần cởi mở, thông cảm, đối thoại và đón nhận. Giáo Hội đã mở cửa, nhìn ra thế giới và để cho thế giới nhìn vào. Những cuộc công du của Ðức Phaolô VI đến Jérusalem (1964) và tại đây, Ngài đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Đức Thượng Phụ Athénagoras của Chính Thống Giáo. Ngài còn đi New York vào tháng 10 năm 1965 và đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc. Nhất là những cuộc gặp gỡ đại kết, tổ chức Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới và những chuyến công du của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đi khắp các lục địa đã chứng minh chiều hướng « đi tới » và « đón nhận » của Giáo Hội.
Ngay sau Công Đồng, khắp nơi mở ra tinh thần đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Kitô khác ; giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo ngoài Kitô Giáo. Đời sống tu sĩ đã thay đổi một cách đáng kể. Các dòng tu đã viết lại cơ cấu, tôn chỉ và sứ mạng của dòng dưới ánh sáng của giáo huấn Công đồng. Có nhiều người nam đã lập gia đình được chịu chức phó tế vĩnh viễn. Theo số thống kê mới nhất, năm 2012, Giáo Hội Công Giáo có gần 40.000 phó tế vĩnh viễn trên khắp thế giới.
Tinh thần đổi mới của Công Đồng làm cho vai trò của giáo dân được đề cao trong đời sống Giáo Hội. Nhiều người tham gia vào các sinh hoạt phụng vụ và quản trị của Giáo Hội. Họ là các thừa tác viên đọc Sách Thánh và trao Mình Thánh Chúa. Nhiều giáo dân nam cũng như nữ, đóng vai trò trong các Hội Đồng Giáo Xứ và Hội Đồng của Giáo Phận. Nhiều người trong số họ có bằng cấp về thần học và các khoa học thánh đã và đang dạy trong các Đại Học, Học Viện Công Giáo hay trong các Chủng Viện.
Tinh thần canh tân này đã giúp cho một số lớn người Công Giáo khỏi bị mặc cảm và sợ hãi. Tinh thần đổi mới này đã biến họ đang từ thế thụ động, tự vệ chuyển sang thế chủ động, sáng kiến và dấn thân vào việc xây dựng xã hội trần gian, cùng chia sẻ đời sống với mọi người không phân biệt tôn giáo. Cách riêng, họ đã dấn thân vào việc truyền giáo bằng chính đời sống của họ, bằng sự cảm thông và giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi.
Trong lãnh vực này, những thập niên qua, Giáo Hội tại Việt Nam cũng được chung chia phần nào thành quả trên đây của Công Đồng. Một cách cụ thể, Giáo Hội Việt Nam đã đóng góp phần nào trong việc giúp đỡ những người cùng khổ và bị bỏ rơi. Mặc dù đây chỉ là việc làm âm thầm và nhỏ bé, nhưng nó được coi như là những dòng suối nhỏ chuyên chở tình yêu thương của Thiên Chúa vào các tâm hồn, đặc biệt là các tâm hồn khó nghèo và đơn sơ. Sứ mạng này nói lên tinh thần cởi mở và dấn thân phục vụ của Giáo Hội, dù còn gặp phải những khó khăn và thử thách.
Còn nhiều thành quả khác mà Giáo Hội đã đạt được sau Công Đồng Vatican II mà chúng ta không thể kể hết ở đây được. Mặc dù vậy, sau 50 năm hồng ân, với nhiều thay đổi tích cực, Giáo Hội vẫn luôn gặp phải những thách đố khi mở ra với thế giới bên ngoài và khi trào lưu văn hóa mới, những chủ nghĩa mới đang mỗi ngày một gia tăng.
6. Thách đố đức tin ngày hôm nay
Khiêm tốn nhìn nhận, chúng ta thấy rõ Giáo Hội trong thế giới hôm nay đang gặp nhiều thách đố về đời sống đức tin cũng như trong việc loan báo Tin Mừng. Nhìn chung, ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ đã giảm sút nhiều trong những năm gần đây, nhất là tại các nước Phương Tây. Nhiều cơ sở tôn giáo như nhà thờ, dòng tu hay đan viện đã phải bán đi hoặc cho thuê vì không còn nhiều người đi lễ hay đi tu như trước nữa. Số chủng sinh giảm đáng kể. Trước năm 1960, một Chủng Viện ở Châu Âu, có thể đã có 300 chủng sinh, nay chỉ còn 40 đến 50 chủng sinh.
Những phong trào, như Thiếu Nhi Thánh Thể và những đoàn thể Công Giáo tiến hành dường như đã biến mất. Các lớp giáo lý từng cấp, từ thấp tới cao cũng không còn được tổ chức chặt chẽ. Giáo lý hôn phối chỉ còn là một số buổi ‘gặp gỡ mục vụ’. Hầu như ý niệm về một khóa ‘hôn nhân và đời sống gia đình’ không được đề cập tới. Một số người sinh trưởng trong gia đình Công Giáo, nhưng trong suốt cuộc đời họ chỉ vào nhà thờ có ba lần: lần thứ nhất vào để được rửa tội, lần thứ hai vào nhà thờ để được làm phép hôn phối và lần thứ ba được khiêng vào nhà thờ trong nghi lễ an táng. Đây là một thực tế mà nhiều nơi, nhất là tại Châu Âu và Bắc Mỹ, đang gặp phải. Tuy nhiên, phải công bằng nhìn nhận, những người Phương Tây mà đã “sống đạo” thì họ sống đạo thực sự và đức tin của họ có chiều sâu.
Nhưng dù sao, trước tình trạng thờ ơ với đời sống đạo của người tín hữu, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong dịp kỷ niệm này, muốn nhắc lại giáo huấn của Công Đồng Vatican II và công bố Năm Đức Tin, để giúp các tín hữu ý thức về đời sống đức tin của mình. Thật vậy, trong buổi tiếp kiến khoảng 40 ngàn tín hữu hành hương vào sáng thứ tư, ngày 10.10.2012 vừa qua, một ngày trước khai mạc Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã nhắc lại và đề cao đặc tính thời sự của Công đồng Vatican II : “Bốn Hiến Chế như là bốn phương hướng chính của ‘la bàn’ có thể hướng dẫn chúng ta và hướng dẫn hành trình của Giáo Hội ngày nay”. Đức thánh cha cũng nhắc lại sự kiện, trong lịch sử của Giáo hội, các Công Đồng thường được triệu tập để xác định những yếu tố cơ bản của đức tin, nhất là để sửa chữa những sai lầm.
Trong thực tế, Công đồng Vatican II đã không có những sai lầm đức tin cần sửa chữa hoặc lên án, nhưng Giáo Hội muốn tìm ra cách để làm sao ‘nói về đức tin một cách mới mẻ’ hơn trong một thế giới đang biến chuyển mau lẹ. Trong bài huấn dụ này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Chúng ta thấy thời đại chúng ta đang sống tiếp tục chịu ảnh hưởng vì tình trạng quên lãng và không muốn nghe tiếng Thiên Chúa. Vì thế, tôi thiết nghĩ chúng ta phải học bài học đơn sơ và cơ bản nhất của Công Đồng, là nòng cốt của Kitô Giáo hệ tại niềm tin nơi Thiên Chúa là Tình Yêu Ba Ngôi, và hệ tại cuộc gặp gỡ – cá nhân và cộng đoàn – với Chúa Kitô, Đấng dìu dắt và hướng dẫn cuộc sống: tất cả những điều khác theo sau điều cơ bản ấy… Trái lại, khi thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, thì cả điều thiết yếu cũng sụp đổ ». Sau cùng, Ngài nói: « Công Đồng Vatican II là một lời kêu gọi mạnh mẽ gửi đến chúng ta: mỗi ngày hãy tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, biết đức tin ấy một cách sâu xa để sống tương quan mật thiết hơn với Chúa trong đời sống Kitô hữu ».
Lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha Biển Đức XVI trên đây mời gọi chúng ta tái khám phá vẻ đẹp của đức tin và đem đức tin ấy thể hiện bằng việc làm cụ thể. Theo lời thánh Giacôbê tông đồ : « Đức tin không có việc làm là đức tin chết » (Gc 2, 17.26). Chúng ta không thể có đức tin sống động, nếu chúng ta không sống kết hiệp và mật thiết với Đức Kitô. Đây là điều mà mỗi người chúng ta, cách riêng là những người Công Giáo Việt Nam, cùng nhau suy nghĩ để sống trong Năm Đức Tin này.
7. Cùng nhau suy nghĩ … hướng tương lai
Chúng ta cám tạ Chúa vì được hít thở bầu khí của Công đồng là tinh thần cởi mở và đối thoại. Nhờ tinh thần đó, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam đã phần nào đi ra, dấn thân, cảm thông, đối thoại và chia sẻ với hết mọi người, không phân biệt tôn giáo và giai cấp xã hội. Chúng ta đã đến với mọi người, cách riêng là những người nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi, dù còn gặp những cản trở và khó khăn. Nói tóm lại, chúng ta mong muốn đem tình thương của Thiên Chúa đến với tha nhân. Đó chính là sứ điệp của việc loan báo Tin Mừng.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể vững bước trên đường truyền giáo, trước những thách đố của thời đại, nếu chúng ta không có đức tin sống động và trưởng thành. Hay nói cách khác, nếu chúng ta chỉ có hình thức bên ngoài, mà chưa thực sự có Chúa bên trong, thì chưa đủ. Hiện nay, chúng ta có lý để hãnh diện về đời sống đạo của mình, vì ngày Chúa Nhật, các nhà thờ đầy kín người tham dự thánh lễ. Các Chủng Viện và Dòng Tu không đủ chỗ để nhận hết ơn gọi. Các phong trào thiếu nhi, giới trẻ, giáo lý đủ các cấp … còn rất hăng say và mạnh mẽ … và những cuộc rước sách thật long trọng vẫn còn đó. Nhưng, thử hỏi, đến khi mừng kỷ niệm 100 năm Công Đồng chung Vatican II, Giáo Hội tại quê hương Việt Nam thân yêu có bị rơi vào tình trạng như ở Phương Tây hiện nay ? Trước câu hỏi thực tế này và trong một thế giới tục hóa hôm nay, chúng ta phải làm gì và có suy nghĩ gì. Chúng ta phải chuẩn bị hành trang như thế nào để có thể ‘sống đức tin’ và loan báo Tin Mừng của Chúa cho những người xung quanh.
Qua lời mời gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhân dịp khai mạc Năm Đức Tin, chúng ta xác tín rằng để có thể thông truyền đức tin cho người khác, chúng ta phải củng cố đức tin của chính mình trước đã. Vì thế, thiết nghĩ rằng chúng ta được mời gọi thực hành mấy việc cụ thể sau đây : 1) Trau dồi kiến thức Giáo lý của Hội Thánh ; 2) Tái khám phá và đào sâu giáo huấn của Công đồng Vatican II ; 3) Trở về với cội nguồn là đọc và suy niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta vững bước trong đời sống đức tin của mình, bởi vì : « Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi » (Tv 118, 105). Năm mươi năm qua, dường như lời dạy của Công đồng về tầm quan trọng của Lời Chúa vẫn còn ‘rất mới’ đối với chúng ta. Trong năm kỷ niệm này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tiếp tục ‘cập nhật hóa’ và đào sâu giáo huấn này.
Để kết thúc bài chia sẻ, chúng ta cùng nhau ‘đọc’ và ‘suy gẫm’ lời dạy của Công Đồng gửi cho mọi thành phần dân Chúa, trong Hiến Chế Mạc Khải số 25 : « Tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Kinh Thánh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành ‘kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng’. Thánh Công Ðồng đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy năng đọc Kinh Thánh để học biết ‘khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô’ (Ph 3,8). Vì, theo thánh Giêrônimô ‘không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô’».
Hưởng ứng lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong Năm Đức Tin này, chúng ta sẽ dành thời gian để ‘đọc’, ‘suy gẫm’, ‘học hỏi’ và ‘áp dụng’ giáo huấn của Chúa Kitô và Giáo hội qua ‘ba tài liệu’ căn bản, là Sách Giáo Lý, Sách Công Đồng Vatican II và Sách Kinh Thánh. Ước gì sứ điệp của Chúa qua các tài liệu này luôn là hành trang và kim chỉ nam cho đời sống đức tin của mỗi kitô hữu chúng ta hôm nay và ngày mai.
Lm. Gioan B. Nguyễn Văn Hào Nguồn: conglyhoabinh.org