Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ nhận định của cá nhân mình về đời tu với hy vọng rằng những người không sống đời tu hiểu hơn về ơn gọi đặc biệt của bậc tu trì...

Đời tu là một chủ đề không ít người đặt câu hỏi thắc mắc, không chỉ người ngoài cuộc mà ngay cả những tu sĩ cũng muốn biết phải sống đời tu như thế nào theo đúng ý Chúa. Có những tu sĩ sống đời tu một cách bình an, hạnh phúc; lại có nhiều tu sĩ khác cảm thấy băn khoăn lo lắng về chính con đường mình đang đi. Nhóm tu sĩ thứ hai này vẫn không thể hiểu là tại sao những tu sĩ kia lại có thể tìm được niềm vui hạnh phúc trong đời tu được. Đâu là bí mật về hạnh phúc đời tu mà họ chưa tìm ra?

Những người không sống đời tu nghĩ gì về các tu sĩ? Nói chúng, đời tu đối với họ dường như là một thế giới khác, thật đặc biệt và bí ẩn. Người có thiện cảm coi tu sĩ như các thiên thần của Chúa, không vướng bụi trần. Còn người có ác cảm với đời tu khi bàn về đời sống các tu sĩ, họ nghĩ ngay đến từ  “lợi dụng” hoặc tệ hơn nữa là “lạm dụng”. Thật vậy, những tình cảm tốt đẹp dành cho tu sĩ dễ khiến người khác hiểu lầm về đời tu và cũng có thể khiến các tu sĩ ngộ nhận về chính bản thân họ. Không biết họ được đào tạo học hành như thế nào nhưng các tu sĩ vẫn thường được coi là giới trí thức trong xã hội. Không biết họ thông thái tới cỡ nào nhưng người ta tin tưởng tìm đến các tu sĩ để xin họ cho lời khuyên về mọi lĩnh vực trong đời sống. Không biết nhân cách người tu sĩ thực sự ra sao nhưng rất nhiều người kính trọng và yêu mến họ. Không biết người tu sĩ sống như thế nào nhưng người ta luôn nghĩ về họ như những người chọn con đường hy sinh từ bỏ. Như vậy, chính vì những hình ảnh người ta gán cho đời tu có thể không đúng với thực tế nên người tu sĩ càng phải tỉnh táo nhận ra căn tính đích thực của mình. Đời tu không phải là thứ trang điểm giúp người tu sĩ xinh đẹp lung linh hơn người khác. Đời tu càng không phải là thứ mặt nạ che giấu con người thật của người tu sĩ, để rồi chính họ phải khổ tâm và xấu hổ khi đối diện với bản thân mình.

 Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ nhận định của cá nhân mình về đời tu với hy vọng rằng những người không sống đời tu hiểu hơn về ơn gọi đặc biệt của bậc tu trì, qua đó cũng mong rằng những người đang sống đời tu có thêm xác tín và yêu mến hơn con đường mình đã chọn.

 Trước đây người ta thường dùng từ “ơn gọi” để nói về đời sống tu trì, nhưng ngày nay người ta đã dần dần quen với “ơn gọi” khi đề cập đến bậc hôn nhân gia đình hay sống độc thân giữa đời. “Ơn gọi” trước hết là một lời mời gọi con người sống theo một mục đích hay định hướng nào đó trong suốt cuộc đời mình, do đó chúng ta có thể coi ơn gọi như một sứ mệnh dành cho ai đó. Sứ mệnh đó không do mỗi người tự đặt ra cho mình nhưng đã được xác định trong kế hoạch của Thiên Chúa. Do vậy mà sứ mệnh hay ơn gọi còn mang thêm một tính chất khác nữa rất quan trọng: đó là một “ơn ban” từ Thiên Chúa.

 Từ cách hiểu như trên về ơn gọi, tôi sẽ không phân tích ngay về ơn gọi tu trì nhưng sẽ bắt đầu với một ơn gọi nền tảng và quan trọng hơn, đó là ơn gọi làm người. Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nghe về thuật ngữ “ơn gọi làm người” bởi vì nhiều người đã nói về nó, thường là trong bối cảnh văn chương nghệ thuật. Đôi lúc dù không thể hiểu được rõ ràng nhưng người ta vẫn có cảm nhận rằng làm người là mang lấy một sứ mạng đặc biệt nào đó, chứ không thể sinh ra rồi chết đi một cách vô nghĩa được. Nói cách khác, người ta tin rằng cuộc đời của con người phải mang một ý nghĩa, phải có một mục đích hay định hướng nào đó. Chính vì thế mà con người luôn không ngừng khao khát tìm kiếm chân lý, tìm kiếm lẽ sống cho mình. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về lý tưởng sống, biểu hiện qua sự đa dạng văn hóa, phong tục tín ngưỡng và tôn giáo khắp các vùng miền khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, đã sinh ra trên đời này dù ở đâu và ở thời đại nào đi nữa thì mọi người đều chia sẻ một ơn gọi chung, đó là “ơn gọi làm người”.

 Vì là sứ mệnh hay định hướng, “ơn gọi làm người” là điều mà con người cần nỗ lực hướng tới chứ không phải là điều con người đã đạt được. Điều này có nghĩa là con người phải cộng tác rèn luyện bản thân để hoàn thành sứ mệnh đó, tức là phải phấn đấu để được “làm người”. Thật vậy, chúng ta từ lúc được thụ thai và sinh ra đều đã “là người” rồi, nhưng để được “làm người” lại là một câu chuyện khác. Để xác định “ơn gọi làm người”, chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là hướng chung mà tất cả mọi người đều nhắm đến. Theo đó, nếu ai không đi theo hướng này thì không còn sống đúng bản chất con người nữa. Tôi cho rằng định hướng, hay còn có thể gọi là sứ mạng làm người, chính là “yêu mình và yêu người khác”. Cứ theo lẽ thường, đã là người thì không ai lại không yêu bản thân mình. Tương tự như vậy, tất cả mọi người đề có người nào đó để yêu thương, để sống vì. Xin nói thêm, những người tự tử không phải là vì họ ghét bản thân họ nhưng là vì họ yêu bản thân một cách sai lầm, họ muốn kết liễu đời mình để mong được giải thoát khỏi những đau khổ ở đời này. Lại có những người yêu mình đến mức ích kỷ, chỉ tìm cách vun vén lợi ích cho bản thân, bất chấp thiệt hại gây ra cho người khác. Cũng có những người biết yêu thương người khác nhưng chỉ trong một nhóm cục bộ, đến mức sẵn sàng hãm hại hay loại trừ những người không thuộc nhóm đó. Khi nói về sứ mạng làm người là “yêu mình và yêu người”, chắn chắn tôi không muốn nói đến những kiểu hành xử như trên.

 Như thế, “yêu mình và yêu người” cần được hiểu theo nghĩa trọn vẹn và chính xác nhất. “Yêu mình” ở đây là tìm kiếm và theo đuổi những gì mang lại hạnh phúc sung mãn nhất cho mình. Cũng vậy, “yêu người” là tìm cách giúp người khác có được thứ hạnh phúc sung mãn đó. Vì nội dung này mang nghĩa hơi trừu tượng nên từ đầu tôi đã tách biệt hai vế “yêu mình” và “yêu người”, chứ thực ra với những gì tôi sắp trình bày sau đây thì “yêu mình” chính là “yêu người”, mà “yêu người” cũng chính là “yêu mình”. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, đây là trò chơi “win-win” (các bên đều chiến thắng) chứ không phải là cuộc chiến một mất một còn. Chúng ta có thể hiểu được phần nào về điều này qua kinh nghiệm thực tế trong tương quan gia đình. Những người cha người mẹ làm lụng vất vả, hy sinh những nhu cầu của bản thân để chăm lo cho con cái. Chính tình yêu dành cho con cái đã khiến bố mẹ vui vẻ đón nhận mọi thiệt thòi. Như thế, không những con cái họ hạnh phúc nhưng chính họ cũng hạnh phúc vì đã làm tròn bổn phận làm cha làm mẹ trong gia đình, đặc biệt là khi thấy những hy sinh của mình mang lại thành quả tốt đẹp nơi con cái. Có thể nói rằng khi những người cha người mẹ ấy sống vì con cái tức là họ cũng đang sống vì chính bản thân họ.

 Người ta thường ví von rằng không ai trên đời này là một ốc đảo. Điều này có nghĩa là con người luôn được đặt trong các mối tương quan xã hội. Để thực sự sống hạnh phúc, hay nói cách khác là để yêu chính bản thân mình, con người không có cách nào khác là phải sống với và sống cho người khác. Càng cho đi thì người ta càng cảm thấy mình thêm đầy đủ, trọn vẹn. Những cặp vợ chồng sống hạnh phúc là những người biết trung thành chia sẻ trọn cuộc đời với bạn đời mình chứ không đi tìm kiếm thú vui cho riêng mình. Người giàu có sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực khi chia sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình chứ không phải khi được giữ thật nhiều tiền trong tủ. Triết lý nhà Phật cũng dạy ta phải buông bỏ để được hạnh phúc, sống từ bi hỉ xả để tâm hồn được thanh thoát đấy thôi. Thật thích hợp khi chúng ta nhắc lại những lời rất ý nghĩa trong Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô ở đây: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

 Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu về ý nghĩa của việc cho đi sẽ giúp bản thân mình phát triển sung mãn tròn đầy, còn ích kỷ sẽ chỉ dẫn đến tàn tạ, chết chóc. Ở Palestin có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết, vì không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loài cá nào có thể sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này. Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jondan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ nó cho riêng mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông rạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

 Như thế, lời mời gọi biết sống cho đi, yêu thương phục vụ người khác, hay nói cách khác là sống vị tha, không còn được hiểu là nhân đức của một số ít người nhưng là sứ mệnh chung của tất cả mọi người xét như là “ơn gọi làm người”. “Yêu người” là xu hướng tự nhiên, là “luật tự nhiên”  mà tất cả những ai muốn làm người đều phải tuân theo, vì con người chỉ có được hạnh phúc sung mãn đích thực khi biết sống vì người khác. Yêu mến người khác là cách đúng đắn nhất để ta yêu mến chính bản thân mình. Do đó, thay vì nói “ơn gọi làm người” là để “yêu mình và yêu người”, thì ta cũng có thể nói vắn tắt rằng “ơn gọi làm người” chính là “yêu thương”, là sống cho người khác.

 Tất cả những người tin vào Thiên Chúa đều biết giới răn quan trọng nhất là “yêu mến Chúa trên hết mọi sự”, nhưng họ cũng không được quên điều răn quan trọng thứ hai là “yêu người khác như chính bản thân mình”. Thực ra hai giới răn này không những không tách biệt mà còn soi sáng ý nghĩa cho nhau. Người tín hữu yêu mến Chúa trên hết mọi sự nên họ phải sống trọn vẹn cùng đích mà Thiên Chúa đã đặt ra khi dựng nên họ, đó là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Mà hình ảnh đó chính là một Thiên Chúa tương quan với nhau trong Ba Ngôi hiệp nhất với nhau, và là một Thiên Chúa không ngừng trao ban tình yêu Ngài cho con người trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Do đó, để sống trọn vẹn là hình ảnh của Thiên Chúa, con người phải biết sống trao ban tình thương cho tha nhân. Chính vì vậy mà thánh Gioan đã quả quyết rằng: “Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối.” (1 Ga 4,20) Như thế, về căn bản thì những giới răn này trong Thiên Chúa giáo không khác với “ơn gọi làm người” nói chung mà chúng ta đã bàn ở trên. Nói cách khác, xét về “ơn gọi làm người” thì những người tin vào Thiên Chúa cũng không khác gì những người vô thần hay tín đồ của các tôn giáo khác. Nếu phải tìm ra điểm khác biệt thì có chăng là những người tín hữu có một nền tảng chắc chắn hơn giúp họ xác tín vào “ơn gọi làm người” của họ. Thay vì cảm nhận một cách chung chung như mọi người rằng yêu mến người khác là cách để làm cho bản thân được hạnh phúc sung mãn, thì người tín hữu xác nhận rằng sống vì tha nhân chính là cách để hình ảnh của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nhất nơi chính bản thân họ.

 Riêng về người Kitô hữu, họ có một mẫu gương trọn hảo về đời sống “ơn gọi làm người”, đó chính là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta tin rằng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa thật nhưng cũng không được quên rằng Ngài còn chính là người thật nữa. Cuộc đời làm người của Đức Giêsu Kitô, từ giây phút thụ thai trong lòng Mẹ Maria cho đến ngày phục sinh vinh hiển và về trời cùng Chúa Cha, là để sống với con người và sống cho con người. Chúa Giêsu là mặc khải trọn vẹn nhất về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Qua cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy được một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đoái nhìn đến những đau khổ của con người và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây ra. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người đã mở ra con đường cứu độ cho con người. Con đường đó chính là bản thân Ngài, một con người sống kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa Cha và qua đó sống hết lòng cho tất cả mọi người, đến mức chấp nhận cả cái chết, bởi vì không một ai nằm ngoài vòng tay yêu thương của Chúa Cha. Do đó, Chúa Giêsu chính là mẫu gương duy nhất để con người sống “ơn gọi làm người” cách trọn vẹn nhất.

Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến chủ đề chính của bài viết này, đó là “ơn gọi tận hiến” hay là “ơn gọi tu trì”. Không phải là không có lý do khi tôi đã bàn quá nhiều về “ơn gọi làm người” để đến bây giờ mới đi vào nội dung chính. Thật ra, xét cho cùng thì những người sống “ơn gọi tu trì” không làm gì khác hơn là chu toàn “ơn gọi làm người” theo nhãn quan Kitô giáo mà tôi vừa đề cập ở trên. Tất nhiên không chỉ riêng tu sĩ mới được mời gọi bước theo Đức Giêsu, tất cả những ai tin vào Đức Giêsu tức là đang bước theo Ngài trong thân phận con người. Có lẽ điều khác biệt duy nhất giữa người sống đời tu và người không sống đời tu nằm ở việc người tu sĩ ao ước được bước theo Đức Giêsu một cách “triệt để hơn” mà thôi. Tính chất triệt để này thể hiện qua ba lời khấn của người tu sĩ. Lời khấn khó nghèo giúp người tu sĩ thoát khỏi nô lệ vật chất tiền bạc để từ đó họ có thể tự do sống yêu thương người khác một cách vô vị lợi như Chúa Giêsu. Lời khấn vâng phục giúp họ từ bỏ ý riêng của mình để tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa qua bề trên, cũng giống như Chúa Giêsu lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực cho mình vậy. Lời khấn khiết tịnh giúp người tu sĩ có điều kiện phù hợp để sống hết mình cho tất cả mọi người bằng một con tim không san sẻ theo gương Chúa Giêsu đã sống trọn đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời. Nói tóm lại, sống đời tu không phải là sống “khác người” mà ngược lại, là sống trọn vẹn “ơn gọi làm người”, sống yêu thương người khác theo mẫu gương Đức Giêsu Kitô, tức là sống “giống người” nhất.

Chúng ta có thể khép lại ở đây khi bàn về chủ đề “ơn gọi tu trì” xét như một đặc nét của “ơn gọi làm người”, tức là sống yêu thương người khác để cho bản thân mình được hạnh phúc sung mãn. Tuy nhiên, vì chúng ta đã nói đến “ơn gọi tu trì” là bước theo Đức Giêsu một cách triệt để, tôi nghĩ có một chủ đề khác có liên quan mà chúng ta cần bàn tới ở đây, đó là mầu nhiệm thập giá trong đời tu. Tôi không nhấn mạnh hay đề cập đến chủ đề này ngay từ đầu bài viết bởi vì tôi muốn tránh kiểu suy nghĩ giống nhiều người khác là mỗi khi nói đến đời tu là đều nói đến hy sinh, vất vả, nhịn nhục, chịu đựng, khổ đau… thậm chí có người còn coi đó là những nhân đức của đời tu.

 Chúng ta đã biết rằng đời tu chính là việc sống cho người khác như Chúa Giêsu đã sống. Chúa Giêsu đã sống yêu thương đến mức chấp nhận cái chết. Khổ giá và cái chết là hệ quả và là biểu hiện rõ nét nhất của tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người chứ không phải là biểu hiện duy nhất của tình yêu đó. Chúa Giêsu không tìm kiếm khổ giá, nhưng nếu “chén đắng” này không cất đi được thì Ngài vẫn sẵn sàng đón nhận nó vì tình yêu. Do đó, điều làm nên giá trị của đời tu là sống yêu thương phục vụ người khác, là sống triệt để “ơn gọi làm người” như Chúa Giêsu, chứ không phải những vất vả khó nhọc hay thậm chí là bất công mà người tu sĩ phải chịu. Nếu đau khổ không xuất phát từ tình yêu tha nhân thì nó trở nên vô nghĩa, cần phải đấu tranh để loại trừ.

 Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng vì đời tu là bước theo Đức Giêsu một cách triệt để nên thập giá là điều không thể có thể tránh khỏi. Theo kinh nghiệm con người, càng yêu nhiều thì càng đau nhiều. Trong Tin Mừng có nhiều chi tiết cho thấy Chúa Giêsu đau khổ vì yêu. Chúa yêu thương Lazaro nên khóc thương cho cái chết của anh. Chúa Giêsu cũng đau cùng nỗi đau của bà góa thành Na-in khi mất đứa con trai duy nhất. Ngài chạnh lòng thương vì đám đông dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt. Vì cảm nhận được nỗi đau của người phong hủi bị cộng đồng xa lánh, của người mù từ thuở mới sinh, của người què quặt không đi được… nên Chúa đã ra tay chữa lành. Nỗi đau lớn nhất mà Chúa Giêsu phải chịu đựng chính là thập giá. Ngài đau đớn một phần vì thể xác bị đánh đập tơi bời nhưng cũng một phần vì yêu thương các môn đệ còn ở thế gian như đàn chiên bị đánh tan tác. Chính vì thế, dù là trong khoảnh khắc trước cuộc khổ nạn, nỗi lo sợ ập đến, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần. Vì khao khát được “yêu cho đến cùng” như Chúa Giêsu đã yêu, chắc chắn người tu sĩ sẽ không tránh khỏi những vết thương đau đớn gây ra bởi những người mình yêu thương nhất, kể cả những người sống trong cùng một cộng đoàn với mình, ăn cùng bàn với mình. Nhưng người tu sĩ chấp nhận tất cả chỉ vì tình yêu. Giả như có thập giá thì người tu sĩ vẫn vững tin rằng họ cũng sẽ nên giống Thầy Giêsu của mình, tức là sẽ được sống mầu nhiệm phục sinh qua con đường thập giá. Như thế là chúng ta đã tìm ra bí mật của những người sống hạnh phúc trong đời tu, đó là vì họ biết sống yêu thương khác theo gương Chúa Giêsu.

 Tóm lại, người tu sĩ không khác bất cứ người nào khác trong việc sống ơn gọi hay sứ mệnh làm người, đó chính là sống yêu thương. Điều khác biệt là người tu sĩ xác tín hơn về ơn gọi này, vì biết rằng nó phát xuất từ Thiên Chúa. Thứ đến, người tu sĩ cũng vững tin hơn trên con đường yêu thương mình đang bước đi dù có nhiều chông gai, bởi vì chính Chúa Giêsu đã bước đi trước. Cuối cùng, người tu sĩ luôn tràn trề hy vọng về đích đến của con đường này là được ở cùng Thiên Chúa, vì cũng chính Chúa Giêsu đã đi đến đích trước qua mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, người tu sĩ luôn ý thức rằng mình vẫn đang ở giữa cuộc hành trình sống “ơn gọi làm người”. Dẫu biết rằng yêu thương người khác như Chúa Giêsu đã yêu sẽ mang lại sự sống đích thực nhưng vì thân phận mỏng dòn yếu đuối nên người tu sĩ vẫn chưa hoàn thành được ước nguyện tốt đẹp ấy. May mắn thay, Chúa không để người tu sĩ phải bơ vơ một mình trên hành trình đó, vì Ngài thừa biết rằng sức người không thể thắng nổi những cản trở ở đời này. Chúa luôn ban đủ ơn để người tu sĩ hoàn thành ước nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và cho tha nhân. Những tâm tình cuối cùng trong lời tuyên khấn lần đầu của các tu sĩ Dòng Tên phần nào nói lên được ước nguyện của mọi sĩ nói chung:

 Và như Chúa đã cho con được ao ước

Cùng làm việc dâng hiến này

Thì xin cũng ban ân sủng dồi dào

Để con hoàn tất lễ toàn thiêu ấy.

Lễ Chúa Chiên Lành năm 2020

 

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ(dongten.net)

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch