Ngày 8 tháng 12, 2021 lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng là ngày kết thúc Năm Thánh Giuse. Tôi muốn lợi dụng dịp này để suy niệm về một hình ảnh của vị thánh cao cả này: Giuse: Vị Thánh Ẩn Dật Nhưng Tỏa Sáng Vinh Quang.

Giuse thuộc dòng tộc Đavít. Nhưng theo Mátthêu thì Giuse là hậu duệ đời thứ 27 tính từ vua Đavít, trong khi đó, theo Luca thì từ Đavít đến Giuse là 42 đời. Cả hai thánh sử đã tỏ ra không đồng nhất với nhau về ai là cha đẻ của Giuse. Theo Mátthêu, cha đẻ của Giuse là Giacob, trong khi theo Luca thì cha của ông là Heli. Tóm lại, nếu nhìn Thánh Giuse dưới cái nhìn của một nhà sử học, hoặc ngay với cái nhìn của một người đọc Thánh Kinh, thì những gì mà chúng ta biết về Ngài cũng chỉ là ước đoán, chỉ là giả thuyết, hoặc suy luận, vì Thánh Kinh không phải là bộ sách lịch sử. Nhưng tại sao Giáo Hội lại đề cao Ngài và tôn vinh Ngài trên mọi hàng thần thánh? Có thể nói, trên trời sau Đức Trinh Nữ Maria, thì Thánh Giuse là đấng được cao quang, tôn vinh và gần gũi với Thiên Chúa nhất.

 Ngày tháng ẩn dật:

Cũng như Chúa Giêsu đã có 30 năm ẩn dật, Thánh Giuse cũng có một thời gian sống ẩn dật cho đến khi Thánh Kinh đưa Ngài ra ánh sáng qua biến cố kết hôn với Đức Trinh Nữ Maria trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu. (1: 18-25)

Tuy Thánh Kinh khi diễn tả về Thánh Giuse thuộc dòng tộc Đavít, nhưng đến thời của Ngài, vẫn theo Mátthêu và Luca, người miêu duệ của hoàng tộc này nay đã trở thành một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt. Danh hiệu hoàng gia Đavít cũng chỉ là quá khứ vàng son. Người đời chỉ biết đến dòng dõi của Ngài trong ngày Giuse đưa Maria về quê quán Belem ghi danh kiểm tra dân số. (Lc 2:1-5)      

Người đời không biết về Ngài, không nói về Ngài, mà chính Ngài, Giuse cũng không hé môi nói một lời về bản thân mình. Chỉ có một câu giới thiệu về Ngài được tìm thấy trong Thánh Kinh ghi lại người đồng hương gọi Giuse là anh thợ mộc. (Mt 13:55)

Vì quá khứ của Ngài không được ghi lại, và tương lai của Ngài cũng chỉ lẩn quẩn trong thôn xóm Nazareth với nghề thợ mộc. Như vậy, nếu hôm nay Giáo Hội tôn vinh và nhìn nhận Ngài, thì đúng với nghĩa: Một vị thánh ẩn dật nhưng tỏa sáng vinh quang. Lý do là vì cuộc đời cũng như sự thánh thiện và vinh quang ấy theo Thánh Kinh đã ghi lại:  “Giuse là kẻ công chính” (Mt 1:19).    

Xuất hiện qua Tin Mừng:

Tuy chỉ là những nét phác họa mờ nhạt, nhưng từ ngày được Tin Mừng đưa ra giới thiệu, đời sống, công việc và vai trò của Giuse đã được biết đến nhiều hơn:

Trước hết là vai trò phu quân của Đức Trinh Nữ Maria: “ Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.”(Mt 1:24) Hành động đón nhận này đã minh chứng vai trò người chồng đồng trinh của Đức Maria trọn đời đồng trinh. Nói theo ngôn ngữ bình thường, Đức Maria phải mang ơn Giuse suốt đời, vì chính nhờ sự đón nhận đầy yêu thương của Ngài, Thánh Giuse đã che chở và giữ gìn sự đồng trinh của Đức Mẹ, đã cứu mạng Đức Maria và cả Hài Nhi Giêsu, để rồi tiếp tục yêu thương, săn sóc cả hai mẹ con trong vai trò làm chồng và làm cha trong gia đình. 

Nhưng để chu toàn vai trò làm trưởng gia đình riêng của mình, đời sống của Thánh Giuse sẽ phải vất vả hơn, trách nhiệm hơn, và dĩ nhiên là phải hy sinh hơn. Thực tế là Ngài đã phải vất vả lo toan với công ăn, việc làm để chu cấp của ăn, áo mặc cho gia đình. Bù lại, Maria thì lo nội trợ, quán xuyến mọi việc trong nhà, và xây dựng tổ ấm.

Khi đón nhận Maria, đồng nghĩa Giuse cũng đón nhận bào thai trong bụng bà. Và theo như Thánh Kinh thuật lại, Giuse hiểu thai nhi này là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Cứu Thế. Trách nhiệm lo lắng, dạy dỗ của Giuse vì thế càng trở nên nặng nề và cao cả. Điển hình là những biến cố đem Maria về Belem khai sổ nhân đinh, hai người phải đến tạm trú tại một chuồng bò, đưa Maria và Hài Nhi trốn sang Ai cập… Sau cùng, vẫn theo Thánh Kinh, cùng với Maria, Thánh Giuse đã buồn bã tìm kiếm Hài Nhi đang lưu lại trong Đền Thờ: “Này con. Sao con đối xử với chúng ta như thế? Này cha con và mẹ đã phải đau khổ tìm con.” (Lc 2:48) Đây cũng là một thử thách của vai trò làm cha và giáo dục của Thánh Giuse. Sự im lặng, bình tĩnh của Ngài trong cách giải quyết vấn đề rất khôn ngoan và tâm lý. Nó là bài học quí giá cho những bậc phụ huynh khi đối diện với những khủng hoảng của con cái ở tuổi vị thành niên. 

Tỏa sáng vinh quang:

Hình ảnh có thể được dùng để so sánh ảnh hưởng của Thánh Giuse trên toàn thể Giáo Hội và thế giới, là hình ảnh Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu sống âm thầm  trong một đan viện, qua đời năm 24 tuổi. Đời sống tu hành của Têrêsa vỏn vẹn chỉ có 9 năm, thế nhưng, người nữ tu âm thầm, vô danh ấy đã được tôn phong hiển thánh, được đặt làm Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo, và là Tiến Sỹ của Giáo Hội.

Lý do nào đã đem lại những vinh quang, cao cả ấy cho một nữ tu trẻ tuổi, ẩn dật và không có gì nổi trội ấy? Lòng yêu mến. Têrêsa đã chu toàn những việc làm nhỏ mọn, tầm thường bằng một tình yêu lớn lao.

Qua hình ảnh so sánh này, Thánh Giuse là người xứng đáng với những vinh quang cao cả. Ngài là vị thánh có tầm ảnh hưởng nhất, và xứng đáng được ca tụng qua mọi thời đại.

Không như Têrêsa, Thánh Giuse sống thánh giữa đời. Ngài đã thánh hóa bản thân và nên thánh bằng những việc tầm thường, nhỏ bé của một người thợ mộc, của một người chồng, người cha âm thầm trong gia đình Nazareth. Với tinh thần nội tâm và cầu nguyện, Giuse hẳn cũng đã thánh hóa bản thân và nên thánh trong việc kết hợp bền chặt, liên lỷ và thân mật với Đức Maria, với Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng mến mà còn bằng những giao tiếp thường ngày qua nụ cười, ánh mắt, sự cảm thông, quan tâm và săn sóc cho hai mẹ con.

Chính vì thế, ngày nay trên Thiên Đàng, Thánh Giuse được cao quang hơn mọi bậc thần thánh. Ngài cũng được đặt làm Bổn Mạng và là Đấng Bảo Trợ Hội Thánh. Theo 2 vị Tiến Sỹ Hội Thánh, thì:

“Thánh Giuse, với uy quyền mà Chúa Giêsu đã quy phục nơi trần thế, đạt được điều ngài cầu mong trên thiên đàng từ chính Đấng là Nghĩa Tử vương đế của ngài.” – Thánh Tôma Aquinô. [1]

Và:

“Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng tựa như việc Ngài đã quy phục Thánh Giuse ở nơi trần thế – vì từ lúc mang tước hiệu là cha, làm người giám hộ, Thánh Giuse hoàn toàn có thể ra lệnh cho Con Trẻ – vậy nên, ở trên thiên đàng, Thiên Chúa sẽ thành toàn bất cứ lệnh truyền nào thánh nhân đưa ra.” – Thánh Têrêsa Avila.[2]

 Ite ad Joseph:

Như Pharaon đã nói với dân Ai Cập khi họ đến với ông trong những năm hạn hán, thiếu thốn lương thực, và khó khăn: “Ite ad Joseph” – Hãy đến với Giuse. Ngày nay, giữa bao khó khăn, vất vả và thử thách do ảnh hưởng của “nền văn hóa sự chết”, để vững vàng và can đảm bước đi trong tin yêu, phó thác, chúng ta cũng hãy mạnh dạn đến với vị Bảo Hộ thần thế là Thánh Giuse. Vì:

“Mỗi chúng ta đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse – một người ít được chú ý, hiện diện mỗi ngày âm thầm và kín đáo – một đấng chuyển cầu, một nguồn trợ lực và một sự soi sáng trong những thời điểm khó khăn. Mẫu gương của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những người đang sống trong âm thầm hoặc trong bóng tối cũng có thể đóng một vai trò không thể sánh ví trong lịch sử cứu độ.” - Đức Thánh Cha Phanxicô. [3]

Và mọi ngày hãy sốt sắng cầu xin với Thánh Giuse theo kinh nguyện mà Giáo Hội đã dạy:     

KINH CẦU XIN THÁNH GIUSE

 Kính chào Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài;
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài;
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.

Lạy Thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời
.
Xin ban cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và lòng can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen
.[4]

Trần Mỹ Duyệt

_______

Nguồn tài liệu:

  1. 9 Câu Danh Ngôn Về Thánh Giuse Sẽ Truyền Cảm Hứng Cho Bạn Trong Công Việc. Tác giả: Cerith Gardiner. Quang Sáng chuyển ngữ từ aleteia.org (01.5.2021)www.Giáo Phận Bà Rịa, Thứ Tư, 24.11.2021.
  2. Ibid.
  3. Ibid.
  4. Kinh cầu Thánh Giuse do Đức Phanxicô dọn cho Năm Thánh Giuse.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch