Lời nói đầu: Trong lễ an táng, ngoài tang quyến và bạn hữu, còn có những giáo dân theo thói quen đạo đức, thường đi dự lễ để cầu nguyện cho người quá cố và để yên ủi tang gia.

Rồi cùng một ca đoàn có thể thường xuyên được mời hát lễ an táng. Như vậy cũng như lễ cưới, nếu linh mục chủ tế cứ nhai đi nhai lại một vài ý tưởng trong bài giảng, thì người nghe có thể nhàm. Vì thế linh mục cần nghiên cứu để nói gì khác biệt cho hợp với từng trường hợp và hoàn cảnh của người quá cố và nhu cầu mục vụ của người dự lễ..

Trong nghi thức lễ an táng, có 7 bài Thánh Kinh Cưu Ước; 10 bài Đáp Ca; 19 bài Thánh Kinh Tân Ước; 11 câu tung hô Tin Mừng; 19 bài Phúc Âm để lựa chọn một. Linh mục nên chọn hoặc hướng dẫn cho người nhà lựa những bài Thánh Kinh thích hợp với hoàn cảnh của người qúa cố và nhu cầu mục vụ của tang gia để có thể đánh động tâm hồn người nghe. Theo ý hướng đó, thì trong lễ an táng cho cụ bà cao tuổi chẳng hạn, mà chọn bài Phúc Âm về cái chết của người thanh niên thành Na-in, là không thích hợp khi xét về phương diện mục vụ áp dụng Lời Chúa. Trái lại trong lễ an táng của một người gặp nhiều đau khổ thử thách về đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng, mà vẫn giữ vững đức tin vào Chúa và sống đạo, mà chọn bài Phúc Âm về Tám Mối Phúc, hoặc bài Phúc Âm khi Chúa mời gọi những ai phải vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống đến cùng Chúa thì lại rất thích hợp.

Dựa theo những bài Thánh Kinh, nhất là bài Phúc Âm, linh mục có thể diễn nghĩa theo bài Thánh Kinh. Rồi kể những gương nhân đức, những mẩu chuyện sống đạo và  sống đức tin của người quá cố để làm gương cho con cháu và người tín hữu noi theo. Đó là cơ hội thuận tiện để phúc âm hoá, nghĩa là để rao giảng sứ điệp phúc âm cho những người đến dự lễ an táng, gồm cả những người ngoài Công giáo.Đó còn là cách thế để giúp giáo dân sống và thực hành Lời Chúa.

Sau cùng kết bài giảng giống như kết trong bài Số 1 với những thêm bớt cho thích hợp với tùng trường hợp và cầu nguyện cho người quá cố, cho các linh hồn nơi luyện ngục, cho người tín hữu tại thế và cho cộng đoàn tín hữu hiện diện.

Việc đọc điếu văn hoặc làm lễ truy điệu để ca tụng những thành quả của người quá cố là không thích hợp và không được phép trong thánh lễ an táng. Điếu văn hay truy điệu có thể làm nơi khác như tại nhà quàn hay nghĩa trang.

Phần 2 gồm 7 bài diễn giảng Lời Chúa từ Bài 6 tới Bài 12 để làm ví dụ, thêm Bài 13 để lưu ý người diễn giảng.

  1. “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày chủ về”

Trong đời sống thường ngày, đôi khi người ta phàn nàn hay nghe phàn nàn raằng: Nếu biết trước được sự thể sẽ xẩy ra như vậy, người ta đã đề phòng, để khỏi xẩy ra nông nỗi này. Nếu biết trước được tai nạn xẩy ra, người ta đã thắt đai an toàn, đã thế nọ thế kia khi lái xe. Nếu biết trước được máy bay rớt, người ta đã không đi chuyến bay đó. Nếu biết trước được ngày giờ nào chết đến, người ta đã sửa soạn tâm hồn. Sự thật thì người ta không nắm chắc được tương lai và số phận, người ta không lường được chữ ngờ.

Trong Phúc Âm thánh Luca, Chúa Giêsu kêu gọi loài người phải tỉnh thức và sẵn sàng (Lc 12: 35-48). Rồi Chúa kể dụ ngôn khi người chủ nhà đi vắng, thì người đầy tớ khôn ngoan sửa soạn đợi chủ về (c.36-38). Còn người đầy tớ  không tỉnh thức chờ đợi, nên khi chủ về, bị bắt quả tang làm chuyện bất lương, thì thật là vô phúc cho anh ta (c. 45-46). Chúa bảo các môn đệ phải sẵn sàng, vì chính giờ phút người ta không ngờ, thì Con Người sẽ đến (c. 40). Ai đã là hướng đạo sinh thì hiểu được ý nghĩa của khẩu hiệu: “Sắp Sẵn” hay “Sẵn Sàng” của Hướng đạo.

Khi căn dặn các môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng, Chúa Giêsu muốn ta phải tỉnh thức cầu nguyện, chống trả cám dỗ và dịp tội. Việc tập luyện để tỉnh thức sẽ làm tăng sức mạnh thiêng liêng hầu giúp ta có thể sẵn sàng chống trả cám dỗ. Việc tỉnh thức còn bao gồm viêc trung thành tuân giữ giới răn Chúa và sống theo đường lối Chúa. Ðể làm tăng thêm tầm quan trọng của việc tỉnh thức, Chúa còn cho ví dụ là người ta không biết khi nào kẻ trộm sẽ đào ngạch, khoét vách nhà mình (c. 39). Dụ ngôn trong Phúc âm ám chỉ về cái chết và việc phán xét của mỗi cá nhân, cũng có thể được hiểu theo nghĩa là ngày tận thế. Người ta không biết được khi nào mình sẽ lìa đời và lìa đời bằng cách nào. Không ai biết được khi nào thiên thần Chúa đến gõ cửa nhà linh hồn.

Nếu tin rằng chết là hết thì đâu có cần tỉnh thức và sửa soạn chờ ngày Con Người đến. Ngụ ý của bài Phúc âm là người ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về đời sống của mình. Và nếu người ta khôn ngoan, người ta phải làm hoà với Chúa trong khi còn thời giờ để làm việc đó. Vì thế người ta không thể thờ ơ lãnh đạm. Ai tưởng rằng mình có đủ thời giờ để sửa soạn thanh toán nợ nần với Chúa hoặc với tha nhân là tự lừa dối mình. Sở dĩ có việc sửa soạn là vì Chúa dạy ta rằng chết không phải là hết, nhưng còn có ngày phán xét và ta cũng tin như vậy. 

Thường người ta quan niệm Chúa Giêsu là Ðấng “chăn chiên lành”. Khi nhìn Chúa dưới lăng kính người mục tử chăn chiên lành, người ta nghĩ đến việc Chúa săn sóc, nghĩ đến lòng nhân từ, thương yêu và hay tha thứ của Chúa. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn đến tình yêu, lòng thương xót và lòng tha thứ của Chúa thì đó là cái nhìn khiếm diện có tính cách một chiều. Chúa Giêsu còn đến để phán xét. Và Chúa phán xét theo việc người ta có nghe và thực thi lời Chúa giảng dạy không? Mỗi người chúng ta không sớm thì muộn sẽ phải đối diện với cái chết, thời giờ mà ta phải đến toà phán xét.

Có những nền văn hoá khiến người ta ít có dịp nghĩ về cái chết. Văn hoá xã hội muốn bảo vệ người ta khỏi cảnh phiền lụy và buồn khổ do cái chết gây ra. Khi có người chết, thì nhà quàn hầu như đảm nhận hầu hết mọi dịch vụ: tẩn liệm, nhập quan, di quan và chôn cất. Ngoài nấm mộ ra, người ta thường không có gì, ngay cả hình chụp người chết cũng không có - để nhắc nhở cho mình và cho con cháu về cái chết của người thân yêu. Có lẽ không mấy ai muốn nghĩ về cái chết. Người ta thường quan niệm chết chỉ xẩy ra cho người khác, chứ không xẩy đến cho chính mình. Tuy nhiên chết là một điều bí mật. Chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai, bất thình lình, ở bất cứ nơi nào, ngay cả những nơi mà người ta coi là an toàn nhất. Mỗi phút trên thế giới có khoảng hai trăm người chết. Cứ vậy mà nhân lên cho mỗi giờ, rồi mỗi ngày.

Trong đời sống, ta thường nghe người ta nói: Ngày đó, tôi sẽ đi xưng tội để làm hoà với Chúa, và bắt đầu cuộc sống mới và trung thành giữ đạo. Ngày đó tôi sẽ thế nọ thế kia. Tuy nhiên ngày đó có thể không bao giờ đến vì họ đã đi vào kiếp sau. Như vậy Chúa muốn ta sống trong giờ phút hiện tại, trong đức tin và trong ơn nghĩa với Chúa.

Có thể nói thêm mấy lời về đời sống đạo hạnh và những gương nhân đức của người quá cố để làm gương và xin cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện cho người quá cố. Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1 ở phần 1.

  1. Về ý nghĩa cái chết của một người trẻ tuổi

Lời nói đầu: Có thể chọn Phúc âm về cái chết của người thanh niên, con bà Goá thành Na-in (Lc 7:11-17).

Sách Giảng Viên trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế”(Gv 3: 1-3). Với đức tin vào Chúa, người tín hữu tin rằng thời giờ là của Chúa. Chúa là khởi nguyên và là cùng đích của mọi loài, mọi vật và mọi sự. Thường khi người ta nhìn tới thì thấy thời giờ đi chậm, nhưng khi nhìn lại thì thấy mau lẹ. Người ta nói mới ngày nào đó, mình / chúng mình mới thế này thế nọ, hoặc thế nọ thế kia, mà nay đã hai mươi năm, ba mươi năm rồi. Khi bận rộn với công việc làm hay chương trình hoạt động nào đó, người ta cảm thấy thời giờ đi mau lẹ. Những lúc nhàn rỗi hay không bị hoàn cảnh thúc ép, người ta lại cảm thấy thời giờ đi chậm. Cho dù người ta cảm thấy thời giờ đi mau hay chậm, thời giờ vẫn xoay đều không thay đổi. Người ta không thể đi trước thời giờ, cũng không thể kéo dài thời gian.

Thời giờ là của Chúa nên người ta không thể biết trước được khi nào Chúa sai sứ thần đến gọi người ta ra khỏi đời này. Theo lẽ thường, thì vào tuổi già người ta mới nghĩ đến chết. Tuy nhiên người ta cũng chết vào lúc còn tuổi trẻ. Đến thời giờ mà Chúa sai sứ thần đến gọi ai ra khỏi đời này hoặc còn trẻ tuổỉ, trung niên, trường thành hay cao niên, thì là một điều bí mật .

Đa số người ta đều có thể đương đầu với cuộc sống, dù có khổ cực vất vả. Tuy nhiên ít ai muốn đối diện với cái chết. Nói cách khác, người ta không muốn chết, chưa muốn chết hoặc sợ chết. Người ta cũng cảm thấy khó chấp nhận cái chết của người còn trẻ và khoẻ mạnh. Nếu có ai hỏi tại sao Chúa gọi người còn trẻ, còn có con thơ dại ra khỏi đời này. Điều đó không ai tìm được câu trả lời cho thoả đáng. Người ta chỉ có thể trả lời đó là đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà trí khôn loài người không hiểu được. Điều đó nói lên một sự thật là mỗi người không nắm chắc được vận mạng của mình.

Nếu có ai khác nữa hỏi tại sao Chúa gửi thánh giá, bệnh tật, đau khổ và sự chết đến cho gia đình mình. Câu hỏi này cũng không ai trả lời được cho thoả đáng. Như vậy người ta chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin.

Hằng ngày đọc và nghe tin tức trên báo chí, coi truyền thanh, truyền hình, mạng tin, mạng xã hội, người ta thấy người ta chết vì tuổi già, bệnh tật, bạo động, vì tai nạn xe hơi, đắm tầu, rớt máy bay, động đất, lụt lội, hoả hoạn.. Người ta nghĩ chết chóc là chuyện xẩy ra cho người khác chứ không phải cho mình. Tâm trạng đó – tâm trạng nghĩ rằng chết không xẩy ra cho mình hay chưa xẩy ra cho mình có nghĩa là không ai muốn chết hay chưa muốn chết vì người ta nghĩ rằng họ còn trẻ tuổi và khoẻ mạnh.

Tuy nhiên trong thực tế thì chết có thể đến với bất cứ ai, già trẻ, lớn bé vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ngay cả ở những nơi mà người ta có thễ nghĩ là an toàn nhất thế giới, cũng có thể chết được. Như vậy chết là một điều bí mật. Chết giống như một cánh cửa khép lại. Người ta không  thể mở cửa ngó vào trước được. Người ta chỉ có thể đợi cho tới khi thiên thần Chúa mở cửa gọi người ta vào. Chết là một thực tại dù muốn hay không người ta cũng phải chấp nhận. Tuy nhiên việc chấp nhận cái chết khác nhau nơi mỗi người. Người vô thần coi cái chết là một thất bại, như một đường cùng, không lối thoát, ngoài ra không còn gì khác nữa. Đối với người Kitô giáo thì chết chỉ là một biến đổi từ đời này qua  đời khác. Chính Đức Kitô cũng đã trải qua những giai đoạn của cuộc đời, cũng sinh ra, lớn lên và chết. Sau khi chết được 3 ngày, Người đã sống lại và mời gọi người môn đệ chia sẻ cuộc phục sinh với Người.

Bởi vì chết có thể xẩy đến bất thình lình, cho nên trong Phúc Âm Chúa căn dặn: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24: 44) hoặc “ Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25: 13). Như vậy  chỉ có Thiên Chúa là Đấng nắm giữ mạng sống loài người, Thiên Chúa là tác giả sự sống và sự chết mới biết được. May thay, đối với người Kitô giáo thì chết không phải là hết. Chết chỉ là một biến đổi như trong kinh Tiền Tụng # 1 cầu cho những tín hữu đã qua đời ghi lại: “Đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”.

Đối với những người không tin tưởng vào cuộc sống đời sau, thì chết là hết, chết là một thất bại. Còn đối với người tín hữu, thì chết không phải là hết vì Đức Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc sống lại. Bằng việc phục sinh sống lại, Chúa Kitô đã xoá bỏ tội lỗi, toàn thắng sự chết và mời gọi người tín hữu đến để chia sẻ cuộc phục sinh với Người.

Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1 ở phần 1.

  1. “Hạt lúa mì có mục nát đi thì mới trổ sinh bông trái”.

Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa dạy: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không mục nát đi, nó sẽ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó mới sinh hoa kết quả” (Ga 12:24).  Nếu để ý quan sát thì người ta đều thấy như vậy. Tuy nhiên Đức Giêsu không chỉ nói đến tiến trình biến đổi của thực vật, như cỏ cây hoa lá. Luật đó còn được áp dụng cho cả loài người về đời sống thể lí, đời sống tinh thần và thiêng liêng nữa. Sứ điệp mà Ðức Giêsu đến để công bố trong giao ước mới đưa tới sự chết. Và vì vâng lời, nên Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết và mời gọi chúng ta, những người tin tưởng vào Chúa cùng chia sẻ sự sống với Người. Ðể chia sẻ sự sống mới với Ðức Kitô, người ta phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: “sinh, lão, bệnh, tử”. Người ta cũng có thể hiểu cái chết ở đây theo nghĩa bóng. Như vậy theo nghĩa bóng của cái chết thì người tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống trong ơn nghĩa với Ðức Kitô.

Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, ta mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2:11). Như vậy sống và chết gắn liền với nhau. Người ta có thể nói: sinh ra để mà chết. Và tất cả cuộc sống là một tiến trình tiến về cái chết. Bằng những lời đó, Đức Kitô đã cho ta thấy cái nghịch lí của định luật sống, nghĩa là loài thụ tạo phải chết đi, mới có sự sống mới. Định luật đó được áp dụng cho tất cả mọi tạo vật, trong hạt lúa mì, trong hột trái cây, nơi loài vật và con người. Như vậy chết là một phần của định luật sống. Nếu người ta sinh ra để mà chết, thì người ta cũng sinh ra với một ước muốn, gọi là hi vọng, hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mà Đức Kitô hứa ban cho những ai tin tưởng vào Chúa và thực hành lời Chúa và giới răn của Người.

Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1 ở phần 1.

  1. Đời sống con người là những chuỗi ngày pha trộn vui buồn, hạnh phúc, khổ đau.

Đời sống con người là những chuỗi ngày pha trộn vui buồn, hạnh phúc, đau khổ. Đôi khi người ta tự hỏi tại sao Chúa gửi đau khổ, thánh giá đến cho mình và gia đình? Không ai có thể trả lời được câu hỏi đó. Như vậy chìa khoá để hiểu và đối chất với đau khổ và sự chết là  ý nghĩa và mục đích. Đức Kitô đã đến thế gian để đem ý nghĩa cho đau khổ và sự chết. Người tín hữu không chuốc lấy đau khổ  chỉ vì đau khổ như một đường cùng, không lối thoát. Nếu chỉ dừng lại ở đau khổ và sự chết, thì đó là chúng ta chọn đi con đường cụt, không còn lối thoát. Như vậy người Kitô giáo chấp nhận đau khổ và thánh giá vì yêu mến Chúa để được tham phần vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu được chia sẻ cuộc phục sinh với Chúa.

Có khi nào chúng ta cảm thấy vất vả vì công việc bổn phận trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội, khiến ta muốn thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống không? Có khi nào ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi  nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?

Đức tin của người tín hữu không bảo đảm cho chúng ta một đời sống miễn trừ khỏi bệnh tật, đau khổ và sự chết. Điều mà đức tin có thể mang lại là giúp chúng ta đương đầu, đối phó với bệnh tật, đau khổ và sự chết đước một chiều hướng khác. Đó là  chiều hướng thiêng liêng và siêu nhiên.

Đức tin không loại bỏ những thực tại của cuộc sống gồm đau khổ và sự chết. Đức tin cũng không dập tắt than khóc và nước mắt. Do đó khi gặp đau khổ và sự chết người có đức tin vẫn buồn, vẫn khóc. Mặc dầu đức tin mang lại niềm an ủi và nâng đỡ, đức tin không lấy đi nỗi đau khổ của   cảnh xa cách người thân yêu.

Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời mình với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng  mời gọi ta mang lấy ách của Người: “Hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29).

Khi phải mang bệnh tật về phần xác hay tinh thần và sau khi đã tìm cách chữa trị, mà vẫn không thuyên giảm, ta cần học chịu đựng vì yêu mến Chúa, để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, thì việc chịu đau khổ mới mang lại ơn ích thiêng liêng. Chịu đau khổ như vậy vì lòng mến Chúa và để đền bù tội lỗi, gồm tội lỗi mình và tội lỗi nhân loại, thì việc chịu đau khổ của ta được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa. Ðem ý tưởng yêu mến Chúa vào việc chịu đau khổ và đem ý tưởng đền tội vào việc chịu đau khổ sẽ giúp cho việc chịu đau khổ được nhẹ nhàng, có ý nghĩa và đem lại ơn phúc cho cuộc sống. Chịu đau khổ như vậy được gọi là đau khổ giải thoát hay đau khổ mang lại ơn cứu rỗi.

Mang lấy gánh nặng của cuộc sống đòi hỏi người tín hữu phải có một đức tin kiên trì và một tâm hồn tín thác vào Chúa. Chỉ bằng việc suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, bằng kinh nghiệm đau khổ cá nhân và bằng lời cầu nguyện dâng hiến, ta mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của lời Chúa khi Chúa mời gọi: “Hỡi những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Như vậy thì thời giờ chia li than khóc, có thể trở nên thời giờ được chúc phúc, giúp người tín hữu sống gần với Chúa và gần gũi anh chị em trong tình bác ái.

Nguyện xin Chúa làm tăng trưởng đức tin của mỗi người chúng ta để  trong đời sống hằng ngày mặc dầu có gặp những khó khăn thử thách, những đau yếu bệnh tật và những vấn nạn của cuộc sống, chúng ta vẫn  có thể nhìn về tương lai với hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu.

Ngay sau đây có thể nói về đời sống đạo hạnh hoặc những gương nhân đức của người quá cố để nêu gương cho người còn sống. Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1 ở phần 1.

  1. Xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, Năm A

Kn 3:1-9; Rm 6:3-9; Ga 11:17-27

Tìm đọc trong: www.mucvuvanbut.net dưới mục: Sách của Tác giả Chủ trương, Năm A

Gợi ý: Có thể sửa đổi thêm bớt ý tưởng bài này cho hợp với lễ an táng hay cầu hồn.

 11. Chết không phải là xa cách vĩnh viễn

Lễ cầu cho các Tín hữu đã qua đời, Năm B

Is 25:6a, 7-9; Rm 8:14-23; Lc 23:33, 39-42

Tìm đọc trong: www.mucvuvanbut.net dưới mục: Sách của Tác giả Chủ trương, Năm B

Gợi ý: Có thể sửa đổi thêm bớt ý tưởng bài này cho hợp với lễ an táng hay cầu hồn.

 

  1. Nhớ đến các linh hồn mồ côi

Lễ cầu cho các Tín hữu đã qua đời, Năm C

2 Mcb 12:43-45; Kh 21:11-5a, 6b-7; Ga 11:17-27

Tìm đọc trong: www.mucvuvanbut.net dưới mục: Sách của Tác giả Chủ trương, Năm C.

Gợi ý: Có thể sửa đổi thêm bớt ý tưởng bài này cho hợp với lễ an táng hay cầu hồn.

 

  1. Nhận xét về một khía cạnh khi nghe giảng lễ an táng.

Bài 13 không phải để giúp diễn nghĩa bài thánh kinh trong lễ an táng, nhưng để lưu ý người diễn giảng lời Chúa về việc tự mình phán xét đời sau của người quá cố. Nhận thấy trong bài quảng diễn lời Chúa trong lễ an táng, có những linh mục chủ tế hoặc diễn giảng lời Chúa nói rằng người quá cố vì giầu nhân đức và sống đạo hạnh nên đã được lên thiên đàng rồi. Người ta cũng thấy có cả những vị đội mũ rất cao, giống như hàm ếch và chống gậy rất dài, đầu gậy uốn cong, khi cử hành lễ an táng, hoặc giảng lễ, thì cũng quả quyết như vậy, nghĩa là cho rằng người quá cố đã được lên thiên đàng rồi.

Ngày nay nghe và đọc tư tưởng của những giáo phái Kitô giáo khác nhau chủ trương rằng hễ tin vào Đức Kitô là được cứu rỗi. Người ta có thể bị ảnh hưởng bởi lập luận của họ, nên quả quyết rằng người quá cố đã được lên thiên đàng ngay sau khi chết. Tuy nhiên việc quả quyết như vậy thì không được thánh kinh và thánh truyền ban quyền xét xử cho loài người, cũng không phải là truyền thống tư tưởng thần học, viết sách và giảng dạy lâu đời của Giáo Hội Công Giáo. Không có gì bảo đảm khi nói rằng người quá cố đã được lên thiên đàng ngay sau khi qua đời. Đạo hạnh như mẹ Têrêsa với việc phục vụ trẻ em đói khổ bên Ấn Độ như vậy mà sau khi qua đời, Giáo Hội vẫn đòi một thời gian đợi chờ năm sáu năm mới tuyên thánh. Người ta không biết hết được tất cả những tư tưởng và việc làm của người quá cố khi còn sống. Ước nguyện của người tín hữu cần có là phó thác người quá cố vào lòng nhân từ, hay thương xót và tha thứ của Chúa.

Nói rằng người quá cố đã được lên thiên đàng thì khiến cho tang gia được an ủi đấy. Tuy nhiên có nhiều cách thế để an ủi tang gia trong trường hợp này thay vì quả quyết như vậy. Nếu nói rằng người chết đã được lên thiên đàng, thì đâu cần xin lễ cầu nguyện cho người quá cố nữa. Việc cầu nguyện cho người đã qua đời thì người tín hữu vẫn cầu nguyện như Giáo Hội dạy. Còn bao giờ Thiên Chúa cất nhắc linh hồn người quá cố về thiên đàng, là quyết định của Đấng phán xét tối cao, chứ không phải của người phàm. Nếu người quá cố đã được giải thoát khỏi luyện ngục rồi, thì lợi ích thiêng liêng của lời cầu nguyện và ơn ích của lễ dâng cho người quá cố, theo Tín Điều “Các Thánh Cùng Thông Công” mà Công Đồng Vaticanô II gọi là “Hiệp Thông Sống Động” sẽ được chuyển cho những linh hồn khác. Vì thế lời lời cầu nguyện và lễ dâng không bị mất mát gì cả.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch