Hàng năm theo truyền thống từ 1980 tới nay là 39 năm, cứ đến Thứ Bảy gần sát lễ Lao Động tại Mĩ vào đầu Tháng 9, người Công Giáo Việt Nam trong Miền Trung Đông Hoa Kì (MTĐHK) gồm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, các bang:Virginia, Maryland, Pennsylvania, Delaware và West Virginia lại tụ tập về hành hương kính Đức Mẹ và các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại núi Đức Mẹ Lộ Đức, Emmitsburg, Maryland.
Gộp trong 39 lần, thì có 2 lần hành hương tại The National Shrine of Elizabeth Ann Seton vào năm 2013-2014 cũng ở Emmitsburg vì Đền Núi Mẹ Lộ Đức, Emmittsburg, MD bị cản trở trong thời gian xây dựng nhà tiếp tân đón khách. Hai nơi này chỉ cách nhau có 10 phút lái xe nên có thể coi là một. Hành hương năm nay nhằm Thứ Bảy ngày 31 Tháng 8, 2019.
Các giáo xứ (GX), GH (giáo họ), giáo đoàn (GĐ) và cộng đoàn (CĐ) trong Miền TĐHK theo danh xưng chính thức:
- 01. CĐ Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời, Allentown, PA
- 02. GX (Giáo Xứ) Các Thánh TĐVN, Arlington, VA
- 03. GX Mẹ Việt Nam, Silver Spring, MD
- 04. GX Đức Mẹ La Vang, Dundalk, MD
- 05. CĐ Đức Mẹ La Vang, Hatfield, PA
- 06. CĐ Đức Mẹ Lên Trời, Upper Darby, PA
- 07. GH (Giáo Họ) Đức Mẹ Việt Nam, Hampton, VA
- 08. CĐ Đức Mẹ Thăm Viếng, Philadelphia, PA
- 09. GĐ (Giáo Đoàn) Mẹ Thiên Chúa, Harrisburg, PA
- 10. GX Đức Mẹ La Vang, Norfolk, VA
- 11. CĐ Nữ Vương Mân Côi, Philadelphia, PA
- 12. CĐ Công Giáo VN Pittsburgh, PA
- 13. CĐ Các Thánh TĐVN, Lancaster, PA
- 14. CĐ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Reading, PA
- 15. CĐ Thánh Cả Giuse, York, PA
- 16. GX Các Thánh TĐVN, Richmond, VA
- 17. CĐ Thánh Helena, Philadelphia, PA
- 18. CĐ Thánh Giuse, Phoenixville, PA
- 19. CĐ Thánh Thomas Aquinas, Philadelphia, PA
- 20. GH (Giáo Họ) Đức Mẹ La Vang, Chantilly, VA
- 21. CĐ Thánh Phao-lô Tông Đồ, Lebanon, PA
- 22. Liên Đoàn TNTT Dominicô Saviô Miền TĐHK
Miền Trung Đông Hoa Kì có các giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn công giáo được liệt kê trên đây. Còn mỗi năm có thể có những cộng đoàn hoặc giáo họ vắng mặt vì những lí do khác nhau. Tuy nhiên thành viên của cộng đoàn đó vẫn có thể hiện diện. Chẳng hạn mấy năm nay có một cộng đoàn ở PA vì chưa bầu được chủ tịch cộng đoàn, nên không được phân công. Trước ngày hành hương năm 2019, một thành viên của cộng đoàn đó điện thư cho Ông Chủ Tịch Miền tỏ ra buồn vì mấy năm trước không thấy cộng đoàn đó đảm trách phần phụng vụ nào. Điều này chứng tỏ mặc dù cộng đoàn đó không đại diện trong ngày hành hương, nhưng thành viên vẫn có thể hiện diện.
Chương trình ngày hành hương:
- 09g00 sáng: thăm viếng Nơi Hành Hương
-10g00 sáng: Ban tổ chức bố trí và phối hợp công tác.
-11g00 sáng: Giải tội tại nhà nguyện.
-12g00 trưa: Giáo dân tập họp tại Đài Đức Mẹ (xin đứng theo cộng đoàn).
-01g00 trưa: Cung nghinh thánh tượng Ðức Mẹ và linh hài các thánh tử đạo Việt Nam.
-02g00 chiều: Thánh lễ Đồng Tế tại Hang Đá Lộ Đức
-03g00 chiều: Picnic và sinh hoạt cộng đồng.
-05g00 chiều: Thu dọn vệ sinh, giải tán.
Chương trình hành hương từ 39 năm nay vẫn không có gì thay đổi đáng kể về giờ giấc và nghị sự. Từ chín giờ sáng, người ta đã thấy những người với phận vụ có mặt để sửa soạn cho ngày hành hương. Nhìn chương trình ngày hành hương thì thấy giáo dân có những giờ tự do từ 9:00 -11:00; từ 11:00 đến 12:00 cho những ai không cần xưng tội; rồi từ 3:00-5:00, hoặc kéo dài hơn nữa. Người ta thấy có những giáo dân dùng những giờ tự do này để cầu nguyện riêng trong nhà nguyện lớn, hoặc nhà nguyện nhỏ có Mình Thánh Chúa ngự. Cũng thấy họ cầu nguyện trước ảnh tượng ông thánh nọ, bà thánh kia. Dĩ nhiên là họ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Lộ Đức trong khe đá trên núi và trước tượng Đức Mẹ La Vang dọc theo đường kiệu giữa rừng cây cỏ do một cá nhân người Việt xin đặt.
Lấy nước suối Lộ đức. Hình của MVVB // Cầu nguyện trước tượng Mẹ La Vang ở đưòng kiệu. Hình của MVVB
Còn một tượng Đức Mẹ La Vang khác bằng đá cẩm thạch mầu ngà do Liên Đoàn Công Giáo Miền TĐHK xin đặt ở vườn cầu nguyện. Họ còn cầu nguyện riêng ở nhà nguyện lớn, nơi có đặt Mình Thánh Chúa. Người ta còn thấy giáo dân dùng giờ tự do để mua tượng ảnh của Trung tâm hành hương, hoặc lấy nước suối tại đây về uống. Và dĩ nhiên họ còn dùng giờ tự do để hỏi thăm sức khoẻ của nhau, hỏi thăm tin tức gần xa, hoặc kể cho nhau những câu chuyện vui buồn trong cuôc sống.
Những phận vụ và phần phụng vụ cần sửa soạn và thực hiện trong ngày hành hương
Liệt kê sau đây là là những phận vụ và phần phụng vụ được phân chia cho mỗi giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn. Phụ trách treo biểu ngữ. Kiệu Các Thánh Tử Đạo VN, hát khi kiệu và Thánh lễ. Ráp nối hệ thống âm thanh tại đường kiệu, bàn thờ và ca đòan. Giữ trật tự. Cung cấp Ban Giúp Lễ. Cung cấp Tòa Giải Tội. Làm vệ sinh bên ngoài. Đem theo các áo lễ đồng tế cho quý Cha. ĐemThánh Giá, Nến Cao, và Bình hương. Xướng Lời Nguyện Giáo Dân #1, #2, #3, #4, # 5, # 6, #7, #8, #9. (Tại sao lại có 9 lời nguyện giáo dân. Thưa rằng trong giai đoạn đầu chỉ có 9 hoặc giáo xứ hoặc cộng đoàn trong miền mà thôi nên cần có 9 lời nguyện để chia cho 9 ông hoặc bà chủ tịch đọc). Kiệu Đức Mẹ và Đoàn Tung Hoa. Dâng Hoa trước Thánh Lễ. Đem theo giỏ quyên tiền và túi đựng tiền. Cung cấp cờ hiệu, cờ Đức Mẹ, cờ Hội Thánh. Đọc Bài Đọc 2 (nam). Giúp trang hoàng bàn thờ, mang bình đựng bánh và bánh lễ, rượu, sách lễ. Giúp in các Bảng Dành Riêng và mang theo để dán tại đầu dẫy hàng ghế trước Hang Đá Đức Mẹ: dành riêng cho Ban tuyên đọc lời Chúa, Ban đọc Lời Nguyện Giáo Dân, Ban Dâng Của Lễ, quý Sơ , quý vị cao niên. Đem theo một bàn nhỏ để đặt các chén thánh, lễ vật. Đánh máy và in 9 Lời Nguyện Giáo Dân cho các cộng đoàn có phận vụ. Đọc Bài Đọc 1 (Nữ). Quyên tiền. Hướng dẫn các Cha đến vị trí cho rước lề. Dâng lễ vật. Có năm còn phải mang cả lều che bàn thờ và lều che những lễ vật cần che mưa.
Giờ giải tội
Toà giải tội "dã chiến" trước tượng Mẹ La Vang ở vườn cầu nguyện, còn thấy ghế sắt mầu xám sâm cho linh mục ngồi. Hình của MVVB
Ngay trước giờ giải tội, người hướng dẫn loan báo vào âm thanh, mời các linh mục bước xuống vườn cầu nguyện để giải tội, thay vì ở nhà nguyện vì có lễ trong nhà nguyện lớn cho nhóm hành hương khác, hình như của Nam Mĩ. Lúc này thấy có một linh mục đang quan sát tượng Mẹ La Vang bằng đá cẩm thạch trắng ở vườn cầu nguyện của TTHH. Đồng thời thấy có nhân viên TTHH đến đặt một ghế gấp trước tượng Mẹ. Hỏi ra thì nhân viên nói có linh mục VN nhờ đặt toà giải tội ở đây.
Khi nghe phóng thanh mời các linh mục giúp giải tội ở vườn cầu nguyện, linh mục đang quan sát tượng Mẹ La Vang, thấy tiện nên ngồi luôn tại toà giải tội này từ 11 giờ tới 12 giờ. Trong lễ đếm được 13 linh mục đồng tế, thì đoán có khoảng 10 linh mục giúp giải tội. Uớc lượng như vậy vì có những linh mục có thể không đến kịp giờ giải tội.
Rước kiệu
Rước kiệu. Hình của MVVB
Khi đến giờ, người hướng dẫn mời các giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn đi theo thứ tự dựa vào vần mẫu tự của thành phố mà giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn. Dẫn đầu giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn là người cầm bảng hiệu tên của GX, GH hay CĐ. Sau đó là 2 kiệu, tiếp đến là các sơ, đoàn lễ sinh, rồi đến các cha. Sau cùng là nhóm giáo dân không thuộc GX, GH, hay CĐ nào. Trong đi rước kiệu thì có nhóm ma Sơ Mến Thánh Giá Đà Lạt và Dòng Con Đức Mẹ Huế hướng dẫn lần chuỗi, sen kẽ bằng những bài thánh ca thích hợp. Xem hình rước kiệu người ta cũng thấy có những nữ tu khác di du hoc từ VN hoặc từ những bang khác và cả Ba nữ tu Nữ Tử Bác Ái người Mĩ. Trước khi rước kiệu, người ta thấy mấy Sơ này lái xe loại ba bánh chở người đi lại khó khăn đến địa điểm hành lễ. Trên đường rước kiệu vào bàn thờ dâng lễ, đoàn người đi kiệu còn gặp những người thuộc đoàn hành hương khác đi ra đi vào. Thấy có cả những phụ nữ Hồi Giáo trùm đầu trùm đuôi kín mít, kín hơn cả bà Sơ kín. Người Hồi Giáo rất có lòng kính mến Mẹ Maria mà họ gọi tên Mẹ là Miriam.
Khi hai kiệu được rước tới trước bàn thờ và được đặt trên kệ, linh mục chủ tế lại xông hương kiệu lần nữa. Đoàn phụng vũ dâng hoa kính Đức Mẹ năm nay thuộc cộng đoàn của linh mục Chủ Tịch Miền, mà Linh Chủ Tịch Miền năm nay lại là Chủ Tế Thánh Lễ. Lúc ca vũ dâng hoa khỏi sự, người ta cũng thấy linh mục chủ tế nhập đoàn phụng vũ, cũng diễn tả những tác động tay, chân và cả thân người khi phủ phục xuống đất trước tượng Mẹ. Sau bài ca vũ phụng vụ, người ta nghe một tràng pháo tay vang dội của Cộng đoàn phụng vụ.
Thánh lễ đồng tế:
Vũ khúc dâng hoa kính Me. Hình của MVVB
Dù được dùng để che mưa. Vậy mà nhiều người VN còn dùng dù để che nắng. Ngày hành hương năm nay có ánh nắng mặt trời soi chiếu với nền trời xanh biếc có điểm tô những vầng mây trắng trôi bồng bềnh, khác hẳn với ngày trời mưa mà vẫn đi hành hương như năm 2017 với cả một rừng dù. Đến cuối đường kiệu, kiệu Đức Mẹ được đặt trên kệ tại một khoảng đất trống trước nhiều băng ghế dài ngoài trời lắp đặt theo thế dốc của khu đất cho cử toạ giáo dân. Từ vị trí đoàn dâng hoa hoặc xa hơn là từ bàn thờ nhìn xuống thấy cả khối cộng đoàn giáo dân từ ghế đầu đến ghế cuối cùng vì băng ghế cuối cùng nằm trên thế đất cao hơn những băng ghế phía trước. Thấy đa số giáo dân ngồi dưới bóng mát của những lùm cây từ ba phía che ánh sáng mặt trời. Chỉ có một số nhỏ không được bóng cây phủ bóng, thì phải che dù. Một số người gần bàn thờ cũng thấy che dù. Nhiều linh mục gần bàn thờ thì không có bóng cây che nắng. Thấy vậy có một giáo dân đem dù lên chỉ đủ che cho linh mục chủ tế mà thôi.
Chỉ có Lm Chủ Tế được che dù. Photo By MVVB // Phần giới thiệu các linh mục đồng Tế. Photo By Thảo Lê
Hiện diện trên bàn thờ người ta thấy có 13 linh mục, trong đó có 11 thuộc Miền TĐHK và hai từ Rôma sang thăm. Chủ tế là Lm Trịnh Minh Quân, Chủ Tịch Miền TĐHK. Diễn giảng lời Chúa là Lm Lê Quốc Hưng, O.P., Phó Xứ Giáo Xứ CTTĐVN, Arlington, Virginia. Có hai thầy phó tế phụ lễ và đoàn lễ sinh đông đảo. Cuối lễ Lm Trịnh Minh Quân, ngỏ lời cảm tạ quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, quí chức và toàn thể giáo dân, đặc biệt những người góp phần vào những việc sửa soạn cho ngày hành hương và tham phần vào những phần phụng vụ khác nhau trong thánh lễ. Ngài cũng thông báo những chương trình hoạt động của Miền trong năm tới.
“Picnic” và sinh hoạt cộng đồng
Từ sau khi Trung Tâm Hành Hương (TTHH) xây nhà tiếp khách và các phòng bán tượng ảnh và vật kỉ niệm và “nâng cấp” TTHH, thì bầu khí picnic và sinh hoạt cộng đồng của người Việt mình không còn được thân tình như trước. Đó là tại vì những lí do như: (1). Bãi đậu xe xung quanh tháp tượng TTHH đã được biến thành nhà tiếp tân và các phòng bán tượng ảnh và vật kỉ niệm. (2). Có những người phải đậu xe dưới chủng niệm nằm sát cạnh TTHH rồi đi lên nhiều bậc sang TTHH. (3). Có những người đi xe bus chung đến TTHH, rồi sau lể phải lên xe về với nhóm.
Chỉ còn một bãi đậu xe gần TTHH là nơi người ta có thể lấy đồ ăn thức uống từ trong cốp xe ra, rồi tìm địa điệm xung quang bài đậu xe đễ chia sẻ Hôm nay sau lễ có linh mục kia còn đi quanh gặp một số người ở địa điểm tập trung. Sau đó mới ra bãi đâu xe, đi đến những gia đình đang ngồi ăn picnic để thăm hỏi. Gặp một gia đình ở Virginia mời ăn xôi. Gặp gia đình khác bên Maryland mời ăn bánh mì kẹp thịt. Đến gặp gia đình nữa ở Pennsylvania đang ngồi ăn với linh mục quản nhiệm. Linh mục đến thăm kể lại, hồi đầu có mấy gia đình Lancaster, PA ăn picnic chung rất vui. Linh mục quản nhiệm Cộng đoàn này biết rõ cộng đoàn, mới nói họ ăn picnic chung với cả cộng đoàn đấy. Lm này phàn nàn nói TTHH còn nhiều đất. đáng lẽ họ phải xây nhà tiếp khách ở địa điểm tách biệt khỏi đia điểm tập trung của TTHH.
Còn trước kia thì khác. Nhiều gia đình có thể đậu xe xung quanh tháp chuông Đền hành hương và trước nhà nguyện lớn của TTHH. Sau lễ họ chọn địa điểm thích hợp rồi trải vải ngồi trên thảm cỏ, hay ngồi bên gốc cây, bên kệ tường để chia sẻ đồ ăn thức uống. Linh mục nào quen biết mà đi ngang qua, họ mời cho bằng được. Những món được đem đi hành hương thường là bún thịt nướng, bánh mì kẹp thịt nổi tiếng cả thế giới; cơm chiên, chả giò (hai món này cũng khá nổi tiếng; bánh cuốn, xà lát, xôi, cơm nếp, đồ tráng miệng như bánh trái, nước ngọt, có cả thứ uống có men nữa. Linh mục nào đang cầm gói đồ ăn trong tay rồi, thì cũng nể mà nhận thêm khi có gia đình khác mời. Mang theo món nào đi ăn thì cũng thấy có những gia đình đem theo cả lọ nước mắm pha sẵn. Hồi đó TTHH chưa phát triển nên khi đi hành hương thường chỉ thấy quân ta thôi, nên quân ta có vẻ tự nhiên trong việc ăn uống.
Phải công nhận rằng nước mắm pha kiểu người Nam thì ngon hơn pha kiểu Bắc kì và Trung kì. Nếu pha thêm mấy giọt rượu cà cuống vào nữa thì còn khử được mùi nước mắm mà vẫn giữ được hương vị thơm phức của rượu cà cuống. Cay là thuộc vị giác nghĩa là lưỡi mới cảm thấy cay. Còn đây hương vị cay của rượu cà cuống bốc cả lên mũi. Hồi nhỏ mình cứ nghe người lớn nói “cà cuống chết đến đít còn cay” và “cà cuống uống rượu phải đòn”. Lớn lên mình hiểu “chết đến đít còn cay” nghĩa là gì, nhưng vẫn không hiểu “cà cuống uống rượu phải đòn” là họ muốn nói gi? Trước đây, tiệm thực phầm Thái Lan thường có bán rượu cà cuống trong lọ nhỏ xiú bằng ngón tay cái đàn bà. Hồi hai thập niên cuối thế kỉ trước một số tiệm thực phẩm Việt Nam có bán thứ này. Không biết bây giờ còn bán không?
Để giúp giáo dân được vui, có lẽ Ban Chấp Hành Miền có thể thương lượng với TTHH xin dùng vườn cầu nguyện để picnic và sinh hoạt sau lễ cho những gia đình muốn ở lại picnic mà không cần về để dự lễ Vọng Chúa Nhật vào chiều Thứ Bảy. Tại đây người ta có thể ra bãi đậu xe của TTHH hoặc bãi đậu xe của Đại Học / Đại Chủng Viện để lấy đồ ăn thức uống đem đến.
Nhận xét về những buổi hành hương tại đây từ trước tới nay
Miền TĐHK đã có kinh nghiệm tổ chức hành hương tại đây 39 lần nên ít khi có giáo xứ, cộng đoàn hoặc giáo họ muốn đổi phận vụ và phần phụng vụ vì đã quen làm như “ngựa đi đường cũ” rồi, hoặc vì cộng đoàn nhỏ thì thiếu nhân lực để làm công việc lớn. Tuy nhiên nghe nói cũng có giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn muốn đổi việc vì họ có những thành phần mới có khả năng, hoặc thích làm những phận vụ này. Nếu đổi thì cũng tránh được vấn đề “quen quá hoá nhàm” và khi mới đảm nhận phần phụng vụ khác thì cũng thấy khởi sắc.
Một điều nên biết là trong các buổi hành hương tại đây từ đầu đến nay, chưa bao giờ Cộng Đồng CGVN Miền TĐHK mời một giám mục nào đến chủ tế hay giảng lễ cả. Mời linh mục không thuộc Cộng Đồng Miền TĐHK làm chủ tế hoặc giảng thuyết cũng không được bàn tới. Còn nếu qua lời giới thiệu của thành viên trong Cộng Đồng Miền đến người ngoài Cộng Đồng Miền, mà linh mục hay giáo dân ngoài Miền đến được, thì dĩ nhiên được chào đón. Trước ngày hành hương, Ban Chấp Hành Miền cũng không quảng cáo ra bên ngoài Miền vì nhận thức rằng bảy miền kia trong Liên Đoàn CGVNHK cũng có thể đi hành hương đến địa điểm hành hương riêng. Ban chấp hành Miền cũng không mời ban nhạc với chương trình văn nghệ văn gừng nào đến giúp vui cả để người đi hành hương tập trung vào việc hành huơng.
Vậy mà số lượng người hành hương vẫn không giảm trong suốt 39 năm qua, mà còn tăng. Như vậy có phải người ta đi hành hương là để nghe một ca sĩ nào có giọng hát hay và truyền cảm không? Hoặc họ hi vọng rút trúng được vé số không, hoặc xem một chương trình gì ngoại lai không? Có phải người ta muốn nghe linh mục giảng thuyết hay ho không? Điều đó chắc là không vì họ biết là Miền TĐHK không mời linh mục bên ngoài Miền đến giảng thuyết, mà chỉ cậy nhờ vào cây nhà lá vườn nghĩa là các linh mục trong Miền thay nhau giảng mà thôi.
Hoặc có phải người đi hành hương muốn thấy, hoặc nghe vị chủ tế hoặc giảng thuyết đội mũ rất cao, đầu mũ giống hàm ếch và chống gậy rất dài, đầu gậy uốn cong không? Hoặc giả họ còn muốn thấy vị đó đội mũ chỏm bên trong mũ hàm ếch, là mầu tím hay mầu đỏ không?
Vậy thì tại sao người ta vẫn tiếp tục đi hành hương tại đây từ năm nọ qua năm kia và đi đông như vậy? Có lần họ đi vào cả ngày trời mưa từ nhà đến nơi hành hưong như năm 2017 vì họ có phận vụ trong ngày hành hương. Họ nghĩ rằng nơi họ ở có mưa, còn nơi họ đi hành hương có thể không mưa. Nhìn đám đông năm 2017 thấy giống như những rừng dù vậy (mời coi hình). Nói như vậy không có nghĩa là không có những người đã bỏ đi hành hương tại đây vì những lí do khác nhau. Còn những người vẫn đi tới đây hành hương, thì có lẽ họ thấy rằng:
(1). Giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn trong Miền TĐHK đã gắn bó với Trung Tâm hành hương này bằng cách góp phần phát triển và góp phần trong ngày hành hương.
(2). Địa điểm hành hương (16330 Grotto Rd, Emmitsburg, MD 21727) là trung độ (điểm giữa) của các giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn trong Miền. Vào Google maps, rồi Driving Directions, địa điểm hành hương cách Cộng Đoàn gần nhất (York, PA căn cứ vào địa chỉ Nhà Thờ St Patrick nơi Lm Quản Nhiệm một thời cư ngụ) là đúng 1 giờ; cách GX xa nhất (Norfolk, VA căn cứ vào địa chỉ Nhà xứ của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang) là 3g56 phút; cách giáo họ xa thứ 2 (Hampton, VA căn cứ vào địa chỉ nhà thờ mới của giáo họ Đức Mẹ VN) là 3g43 phút; cách Cộng Đoàn xa thứ 3 (Pittsburgh, PA căn cứ vào địa chỉ Nhà Thờ Sacred Heart Church, nơi cư ngụ của Lm Quản nhiệm) là 3g35 phút. Hoan hô bộ ba: xa nhất, nhì, ba, ba lần.
(3). Trước đây chỉ có 9 đơn vị đi hành hương (giáo xứ, cộng đoàn), nay có thêm nhiều đơn vị đi hành hương hơn (giáo xứ, giáo họ, giáo đoàn, cộng đoàn, hội đoàn, đoàn thể) nên có thêm đơn vị tham gia ngày hành hương. Do đó Miền TĐHK có thêm người đi hành hương, thêm phận vụ trong ngày hành hương và thêm lời kêu gọi đi hành hương.
(4). Những năm đầu do các linh mục điều động giáo dân đi hành hương. Tuy nhiên gần đây vì những lí do khác nhau như bận rộn, các vị để cho Ban Thường Vụ giáo dân Miền dựa vào chương trình hành hương có sẵn và những phận vụ và phần phụng vụ trong ngày hành hương để liên lạc với ban thường vụ của mỗi giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn về việc phân công và đảm trách phần phụng vụ trong ngày hành hương. Như vậy lại thấy họ sẵn sàng tham dự và phục vụ.
(5) Người đi hành hưong có nhiều giờ tự do để cầu nguyện riêng và làm những việc riêng như lấy nước suối, đốt nến khấn, mua ảnh trượng hay đồ lưu niệm của trung tâm hành hương.
(6) Những gia đình không cần về đễ dự lễ chiều Thứ Bảy vọng Chúa Nhật thì họ có thể ở lại gặp nhau chia sẽ đồ ăn thức uống lai rai theo kiểu picnic, trễ hơn giờ kết thúc.
Xem hình hành hương Miền TĐHK 2019 của Thảo Lê
Hành hương Miền TĐHK 2018:
Hành hương Miền TĐHK 2017:
Hành hương Miền TĐHK 2016:
Ý nghĩ của việc đi hành hương
Đối với nhiều người hay một số người, đi hành hương cũng là dịp gặp họ hàng bạn hữu và làm quen với người chưa gặp bao giờ, để hỏi thăm sức khoẻ, thông đạt tin tức, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, hoặc chia sẻ cả đồ ăn thức uống.
Tuy nhiên người ta không được quên ý nghĩa thiêng liêng của việc đi hành hương. Từ xa xưa, người tín hữu đi hành hương đến những đền thánh, nơi được coi là mang dấu thánh tích và linh thiêng để sùng kính, cầu nguyện, ăn chay, tạ tội, tạ ơn, xin ơn nọ ơn kia như ơn được khỏi bệnh phần xác, phần hồn, phần tâm linh. Họ đến để học hỏi, để xin ơn đổi mới đức tin, đổi mới tâm hồn và đời sống.
Có những người, vì lí do nào đó, khi tụ tập cầu nguyện với nhóm đông người, họ không thấy tâm hồn được đánh động, không khơi dậy được những phút hồi tâm, những cảm nghiệm linh thiêng, được gần gũi với Chúa bằng con tim. Vì thế, họ cần những phút cầu nguyện riêng tư, ở một mình với Chúa mà không bị phân tâm. Nếu biết được như vậy, thì khi thấy họ cầu nguyện một mình trong thinh lặng, thì người khác cũng sẽ không làm gián đọan những phút riêng tư của họ với Đấng mà họ tin cậy mến và tôn thờ. Cả khi họ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Lộ Đức trên núi, hay tượng Đức Mẹ La Vang bên đường kiệu giữa lùm cây, người ta cũng sẽ tôn trọng những tâm tình riêng tư của tâm hồn họ. Cũng nên biết tại đây trên lối vào gần bàn thờ trước núi Đức Mẹ có một nhà nguyện nhỏ xiú có đặt Mình Thánh Chúa trong Mặt Nhật trên bàn thờ, thích hợp cho những người muốn cầu nguyện riêng tư một mình với Chúa.
Nhiều trung tâm hành hương mà người ta tự tạo ra đời nay không còn mang đúng ý nghĩa của những trung tâm hành hương đời xưa. Những việc tổ chức đi hành hương, tổ chức đại hội Thánh Thể, đại hội Thánh Mẫu, đại hội Thánh Mẫu La Vang, hoặc việc đi kính viếng đền ông thánh nọ, bà thánh kia chẳng hạn, mà nhắm những mục đích khác như để khoe khoang, phô trương và trình diễn chương trình gì đó như để làm tiền với vẻ buôn thần bán thánh là lạm dụng ý nghĩa và lợi dụng mục đích của việc hành hương và việc đạo đức.
Truyền thống đi hành hương đã có từ hai ngàn năm xưa. Như vậy mỗi lần đi hành hương, hoặc dự đại hội đượm nét tôn giáo, người tín hữu cần làm mới lại ý nghĩa và mục đích của việc đi hành hương, việc đạo đức cùng với lời nguyện cầu để có thể mang lại ơn ích thiêng liệng cho tâm hồn và đời sống. Rồi sau buổi hành hương, nên kiểm điểm xem mình có cảm thấy vui – một niềm vui nội tại - và bình an trong tâm hồn không?
Gia Bảo / Mục Vụ Văn Bút