Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm A
Mt 25, 1-13
Đời con người là một cuộc chờ đợi mòn mỏi và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu, cũng bao hàm những mong ước, những đợi chờ. Đợi chờ là một cuộc trắc nghiệm về sự bền bỉ, một thử nghiệm về tình yêu. Bởi vì có yêu thương, có tha thiết mới mong chờ, đợi trông. Chờ đợi người mình mến chuộng, yêu quí, chờ mong người mình thực sự yêu thương hay chờ mong một điều gì tốt, một nguyện ước nào đó, con người mới đem hết lòng đợi chờ. Với ý nghĩa đó, đợi chờ là một cuộc chờ mong sâu xa, tha thiết thực sự.
Thánh Vịnh 87,3 viết :” Lạy Chúa, xin cho lời con cầu nguyện vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức “. Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến cho chúng ta hiểu ý nghĩa cao sâu của việc chờ đợi. Năm cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy sáng trong tay theo chú rể vào tiệc cưới. Thực sự mà nói, năm cô trinh nữ khôn ngoan chẳng bao giờ hối tiếc những gì đã qua, chẳng lo âu những điều sẽ tới, nhưng các cô luôn vững tin, luôn gắn chặt với thực tại của gian trần này để rồi họ có sẵn dầu dự trữ và thắp sáng đèn cùng chàng rể sánh bước, hân hoan, vui mừng vào dự tiệc cưới. Các cô khờ dại theo Tin Mừng thánh Matthêu sáng nay, vẫn là những cô chỉ biết bám víu vào quá khứ, những cô không biết tiên liệu, không biết nắm bắt thời gian. Nên, khi chàng rể tới, các cô đã quá muộn để mua dầu vì cửa phòng tiệc đã đóng kỹ.
Chúa Giêsu là dung mạo của chàng rể. Tiệc cưới là Nước Trời, Nước Thiên Chúa.
Chàng rể ở đây luôn đến bất ngờ vào ngày, vào giờ con người không hề biết trước.Cuộc đời trần thế là tạm bợ, mau qua. Không ai biết trước giờ chết ngoại trừ Con Người : Đức Giêsu Kitô. Chúa Kitô sẽ đến phán xét mọi người vào ngày tận thế, vào ngày tận cùng của thế giới, của trần gian này. Giờ đó, nào ai đoán trước, nào ai biết trước được.
Người Kitô hữu luôn phải sẵn sàng, luôn phải sống giây phút hiện tại với tất cả tình yêu, với tất cả lòng mến của mình và như thế, họ luôn tỉnh thức để đón chờ chàng rể đến để cùng vào dự tiệc Nước Trời, dự tiệc Nước Thiên Chúa. Môn đệ của Chúa là người phải luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa, họ như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn, lại mang dầu theo, chứ không khờ dại như năm cô trinh nữ khờ khạo mang đèn nhưng không mang dầu theo dự trữ. Các cô khờ dại sẽ mãi mãi ở ngoài, trầm luôn suốt cuộc đời của mình.
Các cô trinh nữ khôn ngoan, cầm dầu cháy sáng trong tay. Ánh sáng là đức tin chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta chịu phép rửa tội. Đức tin sống động là đức tin có việc làm. Người Kitô hữu có đức tin cháy sáng là người Kitô hữu luôn hướng về Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong đời sống của mình. Cuộc đời của họ luôn tỉnh thức đợi chờ. Theo Chúa là phải sống đức tin của chính mình, phải sống sự khôn ngoan của Thiên Chúa bởi vì có sống sự khôn ngoan của Chúa, người Kitô hữu mới vượt qua mọi thử thách đời sống của mình để tiến tới sự sông vĩnh cửu, chứ không bị u mê, lầm lạc dại khờ chạy bám theo những cám dỗ của trần gian, chạy theo những thói hư nết xấu làm lu mờ đức tin.
Đèn dầu cháy sáng. Dầu tình yêu, dầu bác ái. Thánh Gioan viết một câu rất chi lý
“Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu “ ( 1 Ga 4, 8 ). Tin yêu, sẵn sàng, tỉnh thức chờ đợi là luôn phó thác nơi Đấng, Mục Tử nhân lành :” Chúa là mục tử chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi. Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi “ ( Tv 22, 1-2 ). Tình yêu của Đấng Mục Tử nhân hậu đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta luôn được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Chúa để có sức mà đi trọn cuộc lữ hành trần thế mà tiến vào Nước Trời.
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa ( Lời nguyễn nhập lễ, lễ Chúa nhật XXXII thường niên, năm A ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Năm cô trinh nữ khôn ngoan tượng trưng cho ai ?
2.Năm cô trinh nữ khờ dại thuộc hạng người nào ?
3.Chàng rể trong dụ ngôn này là ai ?
4.Đèn cháy sáng tượng trưng gì ?
5.Đức tin không việc làm là đức tin gì ?
- Lm Nguyễn Hưng Lợi, DCCT