Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Năm A
Mt 25,31-46
Nhìn vào bất cứ cây thánh giá nào, chúng ta cũng thấy phía trên đầu có một tấm bảng ghi những chữ mà đọc theo tiếng Việt là IN-RI, thực ra đó là bốn vần đầu viết tắt của bốn chữ La Tinh : Jesus Nazarenus Rex Judaeorum), nghĩa là Giêsu Na-da-rét, vua dân Do Thái. Có lẽ tổng trấn Philatô khi ra lệnh treo tấm bảng đó lên đầu thập giá Chúa, ông không nghĩ đến điều gì khác ngoài lợi thế chính trị cho ông, bất kể sự phản đối của người Do Thái. Nhưng có một điều ông không bao giờ nghĩ tới, mà điều đó lại thật quan trọng đối với đức tin của người Công giáo, bởi vì tấm bảng đó là một lời tuyên xưng không thể xóa nhòa : Chúa Giêsu Kitô thực sự là Vua.
Vậy chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là vua nghĩa là thế nào ? Ngài là vua gì ? Trước hết, chúng ta phải gạt ra ngoài những ý nghĩa về một ông vua mà người đời thường hiểu, tức là một ông vua theo nghĩa chính trị, Chúa Giêsu không bao giờ làm vua theo nghĩa này. Vì thế, khi dân chúng được hưởng phép lạ Chúa làm, họ hồ hởi phấn khởi tung hô Chúa là vua, Ngài đã từ chối. Ngài từ chối vì họ muốn Ngài là một nhà lãnh đạo quốc gia hay một người lãnh đạo quần chúng để đánh đuổi thực dân đế quốc, giành lại chủ quyền cho đất nước và đem lại phồn vinh cho dân tộc.
Tuy nhiên trong ngày Ngài khải hoàn vào thành Giêrusalem, tức là ngày lễ Lá, Ngài đã im lặng, không cải chính, để cho người ta hái lá, lấy áo trải trên đường cho Ngài đi, và chấp nhận để cho họ tung hô Ngài là con vua Đa-vít, vua dân Do Thái. Cũng thế, trước tòa án Philatô, Chúa Giêsu xác nhận Ngài là vua, nhưng Ngài cũng nói rõ ngay : Nước Ngài không thuộc trần gian này. Ngài là vua không lãnh thổ, không biên giới, Ngài không là vua của riêng một dân tộc hay một đất nước nào mà là vua tâm hồn mọi người. Hiến pháp của Ngài là Kinh Thánh, sức mạnh của Ngài không phải là binh lực vũ khí mà là tình yêu. Mục đích của Ngài đến trần gian là thực hiện kế hoạch và chương trình tình yêu của Thiên Chúa.
Như vậy, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi : Chúa Giêsu là vua gì ? Ngài là vua Tình Yêu. Tình yêu đã đưa Ngài đến trần gian để phục vụ mọi người và xây dựng nước tình yêu, để tất cả những ai ở trong nước của Ngài đều là công dân tình yêu. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu là vua vũ trụ, vua cả nhân loại, Ngài đã thi hành vương quyền của Ngài bằng cách yêu thương con người đến nỗi chết cho con người. Đó là cái chết vì tình yêu và cho người mình yêu, nên bất cứ ai đón nhận tình yêu cứu độ của Ngài và sống tình yêu cứu độ ấy, họ sẽ được nhận vào nước Chúa. Do đó, nếu chúng ta nói Thiên Chúa là Tình Yêu, thì chúng ta cũng phải nói Chúa Giêsu là Tình Yêu. “Giêsu, Vua Tình Yêu ”, đó là tựa đề một cuốn sách viết về Chúa đã được xuất bản lâu rồi, và mới đây lại có một cuốn sách khác, có tựa đề là “Một tình yêu có tên là Giêsu”. Cả hai cách gọi đó cũng là những điều chúng ta tuyên xưng Chúa hôm nay : Chúa Kitô là Vua, Chúa Kitô là Tình Yêu, Chúa Kitô là Vua Tình Yêu.
Chúa Kitô là vua của chúng ta, vua tình yêu, vậy chúng ta phải sống thế nào để đúng là thần dân của Ngài ? Bài Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta câu hỏi đó, Chúa Giêsu nói về ngày quang lâm của Ngài, và qua đó Chúa bảo chúng ta hãy đối xử tốt đẹp, hãy thể hiện tình yêu thương với nhau. Đúng vậy, Chúa Giêsu nói về ngày quang lâm của Ngài, tức là ngày Ngài trở lại phán xét mọi người. Chúa nói đến vấn đề phán xét không phải là để hù dọa hay làm cho con người phải lo sợ, nhưng Ngài muốn nhắc bảo cho mọi người biết : có ngày phán xét để sống cuộc sống hiện tại cho tốt hơn, Ngài không muốn nhấn mạnh về tương lai, nhưng nhấn mạnh đến hiện tại.
Đây là một cách tế nhị để bảo cho chúng ta biết : chúng ta đã sống thế nào trong đời sống hiện tại, thì chúng ta sẽ được thưởng hay bị phạt trong đời sống mai sau như vậy. Chúng ta là chiên hay chúng ta là dê ? Vì lý do gì chúng ta trở thành chiên hay dê ? Hay vì lý do gì chúng ta trở thành người được chúc phúc hay bị nguyền rủa ? Được vào cõi sống hạnh phúc muôn đời hay phải vào chốn cực hình ngàn thu ? tất cả đều căn cứ vào cuộc sống của chúng ta hôm nay. Như vậy, cuộc sống hiện tại tuy ngắn ngủi và tạm bợ nhưng lại là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ căn cứ vào đó mà thưởng hay phạt chúng ta.
Chúng ta trở thành chiên hay dê là tại chúng ta có biết hay không biết phụng sự Chúa, mà phụng sự Chúa như Chúa cho biết là phục vụ những người anh em đồng loại, nhất là những người đau khổ và bất hạnh về thể xác cũng như tinh thần, bởi vì tất cả những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính Chúa, và Chúa căn cứ vào đó mà thưởng phạt chúng ta. Thực vậy, chắc chắn có ngày chúng ta sẽ chết, chết rồi chúng ta sẽ đến tòa Chúa phán xét, Chúa sẽ thưởng hay phạt chúng ta. Thưởng hay phạt đều căn cứ vào cuộc sống hôm nay mà chúng ta đang sống, và tiêu chuẩn được Chúa đặc biệt căn cứ vào đó để phán xét là lòng yêu thương người.
Yêu thương là đặc điểm, là dấu hiệu đích thực của người con cai Chúa như Chúa đã nói : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”.
Yêu thương là điều dễ làm tăng uy tín cho người môn đệ Chúa hơn mọi giá trị khác. Nó có thể thay thế được rất nhiều đức tính, nhưng không đức tính nào thay thế được nó.
Yêu thương là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền giáo. Nhờ yêu thương, người ta dễ có cảm tình với chúng ta, và nhờ đó sẽ có cảm tình với đạo.
Yêu thương là tiêu chuẩn chính yếu mà Chúa sẽ căn cứ vào đó để định đoạt ai được vào thiên đàng, bởi vì chỉ có yêu thương, con nguời mới có thể được vào thiên đàng, chỉ có tình yêu thương, con người mới có thể xây dựng thiên đàng ngay trên trần gian này, bởi vì thiên đàng cũng đồng nghĩa với yêu thương.
Hôm nay chúng ta suy tôn Chúa Kitô là vua, chúng ta hãy nhìn lại đời sống của chúng ta có đang sống đúng cung cách là những thần dân của vua Kitô không ? Tức là nhìn lại xem chúng ta đang sống, đang thể hiện tình yêu thương như thế nào từ trong gia đình, trong cộng đoàn, trong tập thể và với mọi người. Xin Chúa cho chúng ta cảm nếm được ngay trong cuộc sống ở trần gian này thiên đàng mà Chúa đã hứa, thiên đàng mà chúng ta chỉ có thể có được bằng cuộc sống yêu thương mà thôi.
-Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP