Chúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm A
Lc 24:13-25
Theo trình thuật của thánh Luca, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ trên đường đi Emmau, tác giả trình bày nhiều chi tiết hơn mọi lần và nêu rõ đoạn văn diễn tả nỗi buồn phiền được chuyển thành niềm vui nơi những người tưởng rằng mình bị bỏ rơi, một đoạn văn cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện tỏ tường không chỉ đối với các môn đệ trên đường Emmau mà còn với mọi Kitô hữu nữa.
1) Nếu không có Chúa.
Các môn đệ không phải là những người không tin tưởng, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài ‘như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân’. Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: ‘chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel’. Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn. Nói cho cùng, họ chối không nhận sự kiện. Họ không hề tin vào biến cố phục sinh. Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, hơn nữa họ đã phải rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng cậy trông.
Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những người đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, vì gắn bó với những chán chường do cuộc sống khắt khe gây ra nên đi đến chỗ cứng tin, chán ngán. Con đường các môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà biết bao người đang gặp phải.
2) Chúa Giêsu hiện ra
Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ, và qua Kinh Thánh, Ngài giải thích ý nghĩa của đau khổ như điều Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ. “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Kitô không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?” Cuộc khổ nạn và thập giá của Đấng Thiên Chúa Xức Dầu đáp lại kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Và suốt cả Kinh Thánh đều tỏ rõ kế hoạch ấy. “Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh”. Chắc chắn rằng, lối chú giải đích thực phải nhắm đến Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh rõ rằng chính Môsê cũng như mọi tiên tri và ‘toàn bộ Kinh Thánh’ đều nói về Đấng Thiên Sai. Ai giải thích Cựu Ước theo nhãn quan lấy Đức Kitô làm trung tâm ắt không phải là gò áp bản văn, trái lại giải thích bản văn theo cách thức của nhà chú giải đích thực. Lối giải thích dựa trên Đức Kitô, lối chú giải Cựu Ước lấy Ngài làm trung tâm bắt nguồn từ chính Đức Kitô, và chính Ngài đã biện minh cho lối chú giải ấy. Chỉ dưới cái nhìn ấy mới hiểu được ý nghĩa đích xác của Kinh Thánh, bất cứ lối giải thích nào chỉ căn cứ vào nghĩa chữ bề ngoài, thì không hiểu được sâu xa mầu nhiệm và tinh thần sâu đậm nhất của Kinh Thánh.
Hơn nữa, Đức Giêsu mặc khải chính mình qua việc bẻ bánh “Khi ấy mắt họ mở ra và nhận biết Ngài” thêm vào những lời giải thích Kinh Thánh là mầu nhiệm bẻ bánh, cả hai sự việc ấy đều là một sự hy sinh mà nhờ đó Chúa tỏ mình ra. Con người có thể tìm hiểu, suy nghĩ, kiếm tìm và cầu nguyện để nhận ra Chúa. Nhưng dù sao, con người cũng cần được Chúa ban ơn cách riêng mới nhận ra Chúa Kitô. Nếu Chúa chẳng ban cho đặc ân ấy, con mắt ta vẫn khép kín. Và chỉ khi nào Chúa tỏ mình ra cho biết thì mới được, cũng như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmau: “mắt họ mở ra và nhận biết Ngài”. Bẻ bánh chính là dự phần vào bàn tiệc của Chúa. Chỉ ai được Chúa mời tham dự yến tiệc mới nhận ra Ngài cách đích thực.
3) Với Chúa Giêsu.
Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy. Theo nguỵ thư ghi lại: “Ta là lửa cháy, Ngài nói, ai gần Ta là gần lửa cháy”. Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất.
Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả trước mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: họ đổi buồn thành vui, sầu tan vui đến, tuyệt vọng biến thành hy vọng, tản lạc quy tụ về, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Khi họ gặp được nhóm Mười Một trong phòng hội, họ hiểu rằng Chúa đã hiện ra với ông Simon. Các trình thuật khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Trình thuật về các môn đệ đi làng Emmau cho thấy cuộc sống khi không có Chúa, sự can thiệp của Ngài, và sức biến đổi trọn vẹn cuộc đời. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật và còn hiện ra cho những kẻ thân cận: trước nhất và đặc biệt nhất là hiện ra với ông Simon rồi với hai môn đệ thành Emmau và sau với toàn thể các môn đệ đang hội họp.
G. Gutzwiller