Logo_Loi_ChuaChúa Nhật 6 Thường Niên, Năm C (Lc 6, 17. 20 – 26

Ngày xuân, người ta thường chúc cho nhau giàu sang phú quý: tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt…Vậy mà Tin Mừng xem ra trái ngược với lẽ thường tình của con người khi Chúa chúc phúc cho người nghèo và khiển trách người giàu. Chúa Giêsu không nhấn mạnh chuyện kinh tế hay chính trị nhưng Người quan tâm đến hạnh phúc.

I. PHÚC CHO ANH EM NHỮNG KẺ: NGHÈO… ĐÓI…KHÓC… BỊ BÁCH HẠI…

Nghèo, đói, khóc, bị bách hại… tự nó là một thảm cảnh. Phải chăng khi chúc phúc như thế Chúa Giêsu chủ trương đi ngược sự tiến bộ của nhân loại?

1. Nghèo

Người nghèo không có tài sản để sở hữu, để bị ràng buộc, để bám víu, để bận tâm canh chừng… Tự nguyện sống nghèo, người ta thanh thoát và hiểu được giá trị của vật chất. Vật chất là phương tiện góp phần cho hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc. Hiểu như vậy, người tự nguyện sống nghèo sử dụng vật chất nhưng không dính bén và không làm nô lệ cho vật chất. Trái lại, họ còn sử dụng vật chất vào những việc hữu ích cho mình và cho đồng loại. Theo nghĩa đó, họ sẽ góp phần thăng tiến nhân loại và đáng được chúc phúc. 

2. Đói

Người đói luôn có nhu cầu nạp năng lượng... Năng lượng ở đây không chỉ là cơm bánh, là mớ vật chất thoáng hiện thoáng mất như hoa sớm nở tối tàn, nhưng còn là nhu cầu tâm linh. Chúa không chủ trương: cứ đói khát, cứ nghèo xơ xác, nghèo mạt rệp, nghèo rớt cục mồng tơi… thì có phúc. Người đói ở đây là người nhận ra những khoảng trống tâm linh nơi mình và khao khát được lấp đầy bởi chính tình yêu thương của Thiên Chúa. Người đói khát tâm linh được chúc phúc bởi họ “đặt niềm tin vào Chúa… có Chúa làm chỗ nương thân”.

3. Khóc

Người khóc thường mang tâm trạng xúc động. Sự xúc động có thể do vui sướng nhưng phần nhiều người ta khóc do quá khổ đau. Chấp nhận cùng khóc với người khác không có nghĩa là người ta hèn nhát, bạc nhược, ủy mị “mít ướt” … nhưng là đồng cảm với phận người khốn khổ: đem niềm vui cho người sầu khổ, vực dậy những người thất vọng, mang tình thương đến những người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, mang công bình bác ái đến cho nhân loại… Theo nghĩa đó, người biết khóc là người đáng được chúc phúc, bởi họ góp phần làm vơi đi nỗi đau của nhân loại, phục sinh những tâm hồn tưởng chừng như đã chết lịm.

4. Bị bách hại

Người bị bách hại thường thường là người yếu thế. Người của Chúa tuy bị bách hại nhưng họ là những người mạnh, người hùng, người chiến thắng sự sợ hãi… “Anh hùng không phải là không sợ nhưng là người chiến thắng sự sợ hãi”. Bị bách hại nhưng họ không thỏa hiệp những gian trá của thế gian, không làm nô lệ cho sự dữ, cho tội lỗi, cho những trò bịp bợm lừa đảo, mất tính người… “không tìm sức mạnh phàm nhân làm nơi nương tựa”. Thế gian có thể giết chết thân xác nhưng không giết được linh hồn của họ.

Thì ra, người của Thiên Chúa có Lời Chúa làm điểm tựa. Dù bị bách hại nhưng họ luôn trung kiên theo Chúa. Gian khổ đắng cay không khuất phục được họ. Họ đáng được chúc phúc bởi “lòng họ thanh, tâm họ chánh”.

Tóm lại

Người nghèo: không có gì để mất, để lo, bởi tất cả là hồng ân, tất cả là của Chúa.

Người đói: chọn Chúa làm gia nghiệp; trần gian, không gì khiến họ phải bận tâm.

Người khóc: biết khóc cho mình và khóc cho người.

Người bị bách hại: có Chúa phù trợ không mãnh lực trần gian nào uy hiếp được họ.

II. KHỐN CHO CÁC NGƯƠI NHỮNG KẺ: GIÀU… NO…CƯỜI…ĐƯỢC CA TỤNG 

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, cớ sao những người giàu có… no đầy… vui cười… được ca tụng lại bị Chúa khiển trách?

1. Giàu

Người giàu có nhiều của cải, nên bận tâm canh chừng… Lòng say mê của cải dễ khiến người ta quên lãng Chúa bởi của cải chiếm mất chỗ của Chúa trong lòng họ. Không ít người vì của cải mà họ đã bất chấp mọi thủ đoạn. Họ sẵn sàng loại trừ Thiên Chúa, loại trừ người thân. Thiên Chúa không lên án vật chất, nhưng thật tiếc cho những ai vì tiền của mà bán rẻ lương tri, loại trừ Thiên Chúa, loại trừ đồng loại.

2. No

Người no không còn nhu cầu tiếp nhận năng lượng. Khi vật chất dồi dào, an sinh xã hội bảo đảm, người ta không còn cảm thấy nhu cầu cần Chúa và cần nhau. Họ dễ dàng quên lãng tình cảm và dửng dưng trước nhu cầu tâm linh. No thỏa là dấu hiệu sung mãn, nhưng no bứa thì lại là dấu hiệu chán chê và có nguy cơ dẫn đến cuồng loạn, dửng dưng… Người no bứa trái tim không còn độ nhậy bén để nhận phúc lành của Chúa.

3. Vui cười

Thường vui cười là biệu hiện của tâm hồn phấn trấn, cởi mở hay ít là ngoại giao…Khi người ta cười trên sự đau khổ của người khác thì lại là biểu hiện của sự thiếu ý thức hoặc ngạo mạn khiêu khích... Cười trên sự đau khổ của người khác đã là điều đáng trê trách; lạm dụng những khổ đau của người khác thì quả là mất tình người. Tiếng cười là liều thuốc mang lại niềm vui, mang lại sức khỏe… Thật đáng chê trách khi tiếng cười là sự đắc thắng hả hê, là niềm vui của nhóm người bất chánh không còn tính người, lạm dụng nỗi khổ đau của người khác.

4. Được ca tụng

Tán thưởng ca tụng là niềm khích lệ giúp người ta thăng tiến vượt lên chính mình để sống tốt hơn. Mỉa mai thay những lời ca tụng, “xông hương” xu nịnh, ton hót, cười hùa… đã gây biết bao tổn hại. Những lời vuốt ve xu nịnh vừa hủy diệt lương tâm kẻ được tâng bốc, đồng thời hủy diệt chính kẻ xu nịnh. Tán thưởng, ca tụng, vuốt ve, tâng bốc… như một thứ dịch bệnh làm băng hoại lòng người. Bệnh dịch này biến những nhóm bè phái chức quyền thành những tay đao phủ làm đổ máu người vô tội.

Tóm lại

Người giàu: dễ mắc nguy cơ bận tâm của cải. Lòng họ không có chỗ của Chúa không còn anh em.

Người no bứa: không còn nhu cầu tình cảm và tâm linh dễ trở thành kẻ xơ cứng đóng băng đời mình. 

Người cười vô ý thức: dễ bị vô cảm và dễ lạm dụng người khác.

Người được ca tụng: dễ bị vong thân đánh mất chính mình, bởi quen thói được vuốt ve chiều chuộng nên cũng dễ biến thành kẻ hủy diệt.

Những người như thế trái tim đã đóng băng không còn chỗ nhận phúc lành của Chúa. 

Xuân đến mọi người chúc cho nhau muôn điều tốt đẹp. Đồng hành với cuộc đời, người tín hữu vui xuân trong niềm tin mọi phúc lành đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng trân trọng và yêu thương những tâm hồn nghèo khó.

Kính chúc mọi người, mọi nhà được vạn sự như ý trong Lời của Thiên Chúa.

LM Jb Nguyễn Minh Phương, CSsR

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch