Chúa Nhật 7 Phục Sinh, Năm A
Cv 1:12-14; 1Pr 4:13-16; Ga 17:1-11a
Ðọc Phúc âm, ta thấy Chúa Giêsu hằng cầu nguyện để được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. Ðặc biệt Phúc âm hôm nay cũng thuật lại những lời cầu nguyện hiến tế cao đẹp của Chúa Giêsu.
Ðứng trước viễn tượng của cuộc tử nạn, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời nguyện xin cùng Chúa Cha: Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con tôn vinh Cha (Ga 17:1). Giờ tử nạn và phục sinh đã đến gần. Chúa Giêsu cầu nguyện: xin sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa Cha để làm trọn sứ mệnh ở trần gian bằng cách chấp nhận khổ hình thập giá để làm giá cứu chuộc, cho loài người được hưởng sự sống đời đời. Và khi loài người được hưởng sự sống đời đời thì Chúa Cha được tôn vinh. Cho tới lúc này Chúa Giêsu cũng đã vâng phục thánh ý Chúa Cha: sinh ra và sống giữa loài người, nêu gương, dạy bảo loài người và chữa lành bệnh tật và vết thương của loài người. Việc vâng phục thánh ý Chúa Cha đã được Chúa Con khẳng định trong lời cầu nguyện hiến tế: Phần con, con đã tôn vinh Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc Cha trao phó (Ga 17:4).
Lời cầu nguyện có hiệu quả tức thời nơi các tông đồ như thế nào! Sách Công vụ Tông đồ hôm nay ghi lại: Hết thảy các tông đồ đồng tâm nhất trí trong việc cầu nguyện, cùng mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Ðức Giêsu (Cv 1:14). Trong khoảng một tuần lễ, các tông đồ đã chứng kiến nhiều biến cố thay đổi. Các ông thấy đám đông tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu thế. Các ông chứng kiến cảnh tử nạn của Thày mình. Các ông trở về sống trong bàu khí suy niệm và cầu nguyện, cùng với Mẹ Maria để xin ơn Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa đã noi gương cầu nguyện cho các tông đồ và qua các tông đồ để ta noi gương, và Chúa hằng cầu nguyện cho ta và với ta như lời Người hứa: Nơi nào có hai ba người tụ họp cầu nguyện, thì ta sẽ ngự giữa (Mt 18:20).
Ðiều cốt yếu của lời cầu nguyện hiến tế của Ðức Giêsu là nhắm đến việc tôn vinh danh Thiên Chúa Cha. Tôn vinh Chúa Cha là việc loài người được hưởng sự sống đời đời. Và sự sống đời đời chính là việc loài người nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất và chân thật và Ðấng được sai là Ðức Kitô (Ga 17:3). Biết theo từ ngữ Thánh kinh là việc biết sâu thẳm chứ không phải chỉ là biết đến hay biết về. Trong kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu dạy ta xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha dưới đất cũng như trên Trời. Tuy nhiên khi cầu nguyện, có lẽ ta chỉ biết xin xỏ: ta xin quá nhiều cho bản thân, cho gia đình, cho họ hàng thân quyến, mà không xin cho danh Chúa được vinh hiển. Ta lại còn phàn nàn, kêu trách Chúa, hay chỉ than thân trách phận.
Mối liên hệ của ta đối với Thiên Chúa có lẽ cũng giống như liên hệ đối với người cha ruột thịt. Nếu ta cứ sống tình hiếu thảo, người cha sẽ săn sóc cho ta. Ðã có bao giờ ta cầu nguyện như Chúa Giêsu để tôn vinh Chúa Cha chưa? Ta có thể nói là có vì ta có đọc kinh Lạy Cha, xin cho danh Cha được cả sáng. Tuy nhiên ta có ý thức được lời cầu nguyện: xin cho danh Cha cả sáng, hay ta chỉ đọc một cách máy móc theo thói quen? Chúa Giêsu đã làm vinh danh Chúa Cha bằng việc vâng theo thánh ý Chúa Cha, chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá. Vậy đâu là những việc cụ thể để chứng minh là ta tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa.
Việc cầu nguyện còn phải giúp ta khám phá ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, nhất là người nghèo đói, tàn tật và đau khổ. Việc cầu nguyện cũng còn phải giúp ta khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong tạo vật, nơi cỏ cây, hoa lá, trên trời xanh, ngoài biển cả..Trước những vẻ đẹp thiên nhiên và những kì công của vũ trụ, ta phải tự hỏi phải chăng đã có bàn tay sáng tạo của Tạo hoá?
Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta xin cho được ơn trở thành những người có tâm hồn cầu nguyện. Việc cầu nguyện phải giúp ta làm giàu mối liên hệ với Chúa. Làm sao ta có thể làm tăng triển mối hiên hệ với Chúa, nếu ta không cầu nguyện, không thưa chuyện với Chúa? Vậy ta hãy cùng các môn đệ xưa xin Chúa dạy ta cầu nguyện, để lời cầu nguyện của ta đuợc như hương thơm bay lên trước toà Chúa, làm đẹp lòng Chúa và đuợc Chúa nhậm lời.
Lời cầu nguyện xin cho danh Cha cả sáng.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa
đã bày tỏ cho loài người biết
về lời cầu nguyện hiến tế cao đẹp
nói lên sự gần gũi thân mật giữa Chúa và Chúa Cha.
Chúa còn dạy chúng con cầu nguyện trong ‘Kinh Lạy Cha’:
xin cho danh Cha cả sáng.
Xin dạy con biết cầu nguyện và sống thế nào
để cho danh Chúa Cha được cả sáng
thay vì chỉ đọc kinh ngoài môi miệng. Amen
Lm Trần Bình Trọng