Chúa Nhật 12 Thường Niên, Năm A

Gr 20:10-13; Rm 5:12-15; Mt 10:26-33

 Thánh Kinh Cựu ước cho thấy làm sao vị ngôn sứ đóng vai trò sứ giả của Thiên Chúa. Họ có thể tiên báo - hoặc không - về những biến cố trong tương lai. Sứ mệnh của vị ngôn sứ là  nhắc nhở cho dân Chúa: họ là ai, họ phải sống thế nào và làm gì với tư cách là dân được chọn.

Khi một ngôn sứ cảnh giác dân chúng về những tội thờ tà thần,  gian trá, vô luân và bất trung, thì thường không được tiếp đón trong cộng đồng. Ðó chính là điều mà ngôn sứ Giêrêmia đã phải gánh chịu: bị vua quan và dân chúng vu cáo vì họ không muốn nghe ông nói lên sự thật làm mất lòng. Tuy nhiên Giêrêmia vẫn cảnh giác tội bất trung và lạm dụng của dân chúng trong đền thờ, vì ông biết rằng Thiên Chúa sẽ bênh đỡ ông.

 Vai trò của ngôn sứ không phải chỉ thuộc thời Cựu ước mà thôi, nhưng còn cần thiết cho cả thời Tân ước. Khi Chúa Giêsu về trời, thì các tông đồ phải tiếp tục công việc cứu thế của Chúa. Nếu các ngôn sứ trong Cựu ước thường bị bách hại, thì các môn đệ của Chúa trong thời Tân ước cũng bị bách hại bằng cách này hay cách khác. Vì thế trong Phúc âm hôm nay, Chúa căn dặn các môn đệ ba lần: đừng sợ (Mt 10:26, 28, 31). Thoạt tiên Chúa bảo: Anh em đừng sợ người ta (Mt 10:26). Nói như vậy là Chúa muốn sửa soạn cho họ đối phó với những thử thách và hiểm nghèo mà họ sẽ gặp trong việc rao giảng tin mừng cứu độ. Ðiều Chúa nói với họ lúc đêm hôm, họ phải nói ra giữa ban ngày (Mt 10:27) có nghĩa là điều Chúa nói với nhóm Mười hai, thì họ phải rao giảng cho khắp muôn dân. Ðiều họ nghe rỉ tai, thì họ phải lên mái nhà rao giảng (Mt 10:27).

 Thời đó tại miền đất Chúa Giêsu sinh trưởng, mái nhà giống như một sân thượng, có lan can vây quanh. Chiều đến người ta lên sân thượng hóng mát và nói chuyện. Từ sân thượng này qua sân thượng khác mà tin tức được loan truyền đi cho nhau. Như vậy lên mái nhà rao giảng có nghĩa là điều họ nghe riêng tư, họ phải giảng dạy cách công khai. Rồi sau này Giáo hội còn cần dùng mọi phương tiện truyền thông như sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng tin hoàn cầu để rao giảng nữa.

 Ðiều nhắn nhủ thứ hai mà Chúa bảo họ là: Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10:28). Ý nghĩa lời Chúa ở đây thật là hiển nhiên. Rao giảng Phúc âm có thể gây thiệt mạng cho người rao giảng. Chẳng thế mà từ hồi Giáo Hội sơ khai đã có muôn vàn các vị tử đạo trên khắp thế giới, bất chấp cực hình, sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho đức tin. Riêng Giáo Hội Việt Nam cũng chứng kiến một trăm mười bảy vị Thánh Tử Ðạo trong số hơn một trăm ngàn vị đã chết vì đạo. Ðúng là họ đã áp dụng lời Chúa, nên không sợ những người chỉ giết được thân xác họ mà thôi.

 Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay xem ra không còn thích hợp với thời đại ta đang sống. Ngày nay không còn có chuyện cấm đạo, bắt đạo và sát hại người theo đạo như xưa, trừ ra ở một số quốc gia quá khích. Tuy nhiên ngay cả tại những quốc gia có tự do tôn giáo,  người ta vẫn sợ khi biểu lộ và làm chứng cho đức tin. Khi mà cách sống và lời nói biểu lô  đức tin của ta, khác biệt với người đời, ta sẽ bị chê cười, nhạo báng, nghi kị và tẩy chay. Bất cứ hình thức chống đối nào cũng có thể làm ta sợ hãi. Ta có thể sợ mất việc làm, mất bạn bè chỉ vì muốn trung thành tuân giữ đức tin. Có điều nữa làm ta lo sợ là sợ chính mình: sợ không dám đối diện với chính mình, không muốn nghe sự thật về mình vì có những sự thật làm đau lòng.

 Trong triều đại giáo hoàng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhiều lần Ngài đã nhắn nhủ người tín hữu trên khắp thế giới, lập lại sứ điệp Phúc âm: Ðừng sợ. Khi thăm viếng những quốc gia có tệ đoan như về tình trạng luân lý suy đồi, về tội phá thai, về mức ly dị lan tràn, về chính sách đàn áp, về nạn bất công tham nhũng, về mức sống qúa chênh lệch giữa người giàu và nghèo, Ngài đã dám nói lên sự thật, mặc dù có làm mất lòng giới lãnh đạo của quốc gia đó. Ngài còn viết cuốn sách với tiêu đề: Ðừng sợ. Mỗi người công giáo  được gọi để làm chứng cho đức tin bằng lời nói, việc làm và cách sống.

 Lần thứ ba Chúa bảo các tông đồ: Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ ngoài đồng (Mt 10:31). Mặc dù chim sẻ không đáng giá là gì, nhưng vẫn được Thiên Chúa quan phòng săn sóc. Nếu Chúa quan phòng cho chim sẻ ngoài đồng nội, thì Chúa còn quan phòng gấp bội cho loài người. Ðức tin vào lời Chúa và quyền năng Chúa sẽ giải thoát ta khỏi sợ. Người Việt Nam trải qua hai cuộc di cư vĩ đại: một lần từ Bắc vào Nam, một lần từ quê hương ra ngoại quốc. Nhiều người bỏ nhà ra đi hầu như với hai bàn tay không. Thế mà qua sự quan phòng của Chúa, họ lại có thể làm lại cuộc đời, và còn tạo nên sự nghiệp. Ðó chính là ý nghĩa của lời Chúa: Trước hết, hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả mọi sự khác, Chúa sẽ thêm cho (Mt 6:33). Lời Chúa có nghĩa là trước hết hãy tìm cách giữ đạo và tìm giờ thờ phượng Chúa, còn mọi sự khác như ăn uống, việc làm, nhà ở, đồ dùng ... Chúa sẽ ban sau.

 Lời nguyện xin cho được an tâm vững dạ:

 Lạy Chúa, Chúa là thành luỹ và là khiên thuẫn che chở con.

Con xin tạ ơn Chúa đã khích lệ bảo con: ‘đừng sợ’.

Khi con nhát đảm trong việc tuyên xưng đạo Chúa,

xin ban cho con lòng can đảm và sức mạnh.

Khi con sợ hãi trước những tẩy chay, chống đối,

xin Chúa đến với con làm lẽ trấn an.

Xin dạy con biết đặt trọn niềm tin cậy, phó thác vào Chúa

trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời con:

khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại

khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch