Chúa Nhật 12 Thường Niên, Năm B
G 38:1, 8-11; 2Cr 5:14-17; Mc 6:35-41
Thường khi gặp nguy cơ quẫn bách, người ta trở nên khiếp đảm, sợ hãi. Ðó là phản ứng tự nhiên của loài người. Mỗi người biểu lộ mối lo sợ bằng những cách thế khác nhau tuỳ theo phái tính và gan dạ tính của họ.
Theo quan niệm chung, thì người ta cho rằng đàn bà khi gặp gian nguy, thường hay cuống cuồng, la hét ầm ĩ. Còn đàn ông thì biết tự kiềm chế hơn. Có người gặp đối tượng sợ hãi thì buông thả, phó mặc cho hoàn cảnh. Người khác tìm cách chạy trốn. Người gan lì thì ở lại đối phó với những khó khăn nguy hiểm. Ngoài những mối lo sợ có đối tượng rõ rệt, người ta còn có thể mang những tâm trạng sợ hãi, kéo dài lê thê suốt cả cuộc sống mà không có đối tượng.
Phúc âm hôm nay ghi lại khi các tông đồ gặp sóng gió bão táp ập vào thuyển đã trở nên thất đảm, kinh hồn bạt vía. Các ông liền đánh thức Ðức Giêsu dậy, xin Người cứu giúp vì Người đang ngủ ở đàng lái - một điều xem ra là cần thiết phải làm. Không biết Ðức Giêsu có ngủ thật, hay chỉ giả vờ ngủ để thử đức tin của các môn đệ, thì không được biết. Dầu sao đi nữa Người cũng trách móc các ông: Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao? (Mc 4:40). Ðiều Ðức Giêsu muốn nói ở đây là các tông đồ phải có lòng tin vào Chúa một cách liên tục trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chứ không phải chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp nguy cơ, gian khổ mà thôi.
Cũng như các tông đồ, ta đã có thể gặp sóng gió bão táp ngoài biển khơi khi đi tầu du ngoạn hoặc đánh cá, hoặc khi vượt biển tìm tự do. Ta cũng có thể gặp sóng gió bão táp trong tâm hồn. Sóng gió bão táp trong tâm hồn có thể là những cơn cám dỗ nặng nề, những mối tình ngang trái, những dằn vặt trong tâm can, những nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Sóng gió bão táp trong tâm hồn có thể xẩy ra cho bất cứ ai: người lành cũng như người dữ, người có lòng tin tưởng cũng như người không tin.
Hôm nay mỗi người cần tự xét xem mối liên hệ của ta với Chúa như thế nào? Có phải ta chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp gian nguy hoạn nạn như bị lênh đênh trên biển cả. Khi tới được miền đất tự do, ta lại quên Chúa ngay. Ðã có bao giờ ta chỉ kêu cầu đến Chúa khi mang bệnh hoạn tật nguyền? Biết bao lần ta chỉ kêu xin Chúa nâng đỡ tinh thần khi bị thất tình, bị người yêu phản bội? Biết bao lần ta chi kêu xin Chúa giúp khi mất việc làm, khi công việc buôn bán bị thua lỗ? Nói tóm lại, ta chỉ kêu cầu đến Chúa để xin cho được một ân huệ nào đó như cho được thi đậu, cho có việc làm, cho được khỏi bệnh.. Khi được việc rồi, hay khi sự việc đã qua, ta lại đóng khung Chúa hay xếp Chúa vào hộp cất đi.
Thường người ta chỉ coi Chúa là người cuối cùng để kêu cầu khi gặp nguy hiểm thử thách. Ta đợi cho tới khi sóng gió nổi dậy, mới kêu xin với Chúa. Còn những lúc khác, ta lại quên Chúa. Ta muốn tự mình giải quyết những vấn đề thường ngày, mà không nghĩ đến Chúa, không xin Chúa giúp. Ta chỉ kêu cầu đến Chúa, khi đã dùng mọi phương thế đối phó mà vô hiệu, khi ta ở trong trạng huống vô phương cứu chữa. Trong tình thế vô phương cứu chữa như vậy, ta mới kêu cầu tới Chúa như là cơ hội cuối cùng, để xem may ra Chúa có giúp được gì không?
Ðức tin của ông Gióp trong bài sách Cựu ước hôm nay phải là gương mẫu cho ta noi theo. Ông Gióp là người giầu sang phú quí. Ông lại có lòng biết kính sợ Chúa, luôn tuân giữ giới răn Chúa. Khi gặp cảnh hoạn nạn, bị mất của cải vợ con, ông vẫn giữ một lòng trung kiên với Chúa. Ông coi khổ đau ở đời này là một mầu nhiệm mà trí óc loài người không thể thấu hiểu (G 38:8-11). Ðể có thể trung thành với Chúa khi bị thử thách nặng nề, ông Gióp đã phải trung thành với Chúa trong những thử thách nhỏ trong đời sống hằng ngày. Ðể có thể trung thành với Chúa trong thử thách lớn, các vị anh hùng tử đạo đã phải trung thành với Chúa trong những việc nhỏ bé hằng ngày, chứ không phải cứ khơi khơi mà dám xông ra pháp trường cho lí hình hành xử.
Mối liên hệ của ta với Chúa xét về phương diện thời gian và thường trực, giống như mối liên hệ mà vợ chồng hứa với nhau ngày lên xe hoa: Anh hứa nhận em làm vợ, em hứa nhận anh làm chồng, và cả hai cùng hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với nhau, khi thịnh vượng, cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng lẫn nhau mọi ngày suốt đời (Nghi thức hôn phối). Người tín hữu còn phải hứa với Chúa hơn thế nữa để đặt cậy trông phó thác vào Chúa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi thành công cũng như lúc thất bại mọi ngày suốt đời như vậy.
Chúa muốn ta tìm đến Chúa, đặt tin tưởng, cậy trông phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chứ không phải chỉ khi gặp khó khăn trắc trở mà thôi. Và Chúa muốn ta đặt tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ thơ đặt tin tưởng phó thác vào cha mẹ chúng như vậy.
Lời cầu nguyện: xin cho được ơn luôn tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh:
Lậy Chúa, trên biển đời đã có lần,
con cảm thấy lo âu khiếp sợ:
lo sợ cho bản thân, cho tương lai đen tối..
Trong khi đứng giữa ngã ba đường chông gai
không biết phải theo hướng nào,
xin Chúa sai sứ thần đến dẫn dắt con đi.
Khi bóng tối bao trùm đường lối,
xin Chúa chiếu soi ánh sáng dẫn bước cho con.
Nếu trên đường con gặp hoa thơm cỏ lạ và khí mát,
xin cũng đừng để con quên Chúa,
nhưng dạy con biết cảm tạ.
Xin Chúa là Chúa tể của con
và là gia nghiệp đời con. Amen.
Lm Trần Bình Trọng