CN3MV-CChúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C

Xp 3:14-18; Pl 4:4-7; Lc 3:10-18

Chúa nhật thứ ba mùa Vọng được mệnh danh là Chúa nhật Gaudete. Gaudete là trạng thái mệnh lệnh (imperative mode) có nghĩa là hãy vui mừng của động từ La ngữ gaudere trong trạng thái vị biến  (infinitive mode). Hôm nay Giáo hội dùng những bài Thánh kinh chứa đựng những lời lẽ khích lệ, bảo người tín hữu vui lên, vì ngày giờ cứu rỗi đã gần kề.

Hôm nay cây nến mầu hồng nhạt trong bộ nến mùa vọng được thắp lên trong nhà thờ. Còn linh mục chủ tế có thể bận áo lễ mầu tím hay mầu hồng khi dâng lễ. Mầu hồng tượng trưng cho sự vui mừng, chờ ngày Chúa đến. Mầu hồng đây là mầu hồng phụng vụ - hồng lạt - chứ không phải mầu hồng tươi như phái nữ còn trẻ hay bận. Một mầu khác, mà những thợ may áo lễ tại một số quốc gia thường lầm là mầu vàng. Mầu vàng phụng vụ là mầu vàng kim tuyến, chứ không phải mầu con bướm vàng, cũng không phải mầu vàng mỡ gà, cũng không phải mầu vàng củ nghệ, cũng không phải mầu hoa cúc vàng, cũng không phải mầu vàng tơ tằm, mỏng và láng mà người ta thường dùng để may áo dài cho nữ giới còn trẻ. Những giáo xứ thành thị với khả năng tài chính, có thể cung cấp phẩm phục với mầu sắc phụng vụ thích hợp để giáo dân sành sỏi về ý nghĩa của mầu sắc khỏi bị chia trí khi thấy linh mục chủ tế bận phẩm phục mầu sắc phụng vụ không thích hợp, trừ ra tại những giáo xứ ở miền quê hay truyền giáo nghèo nàn.

Có nhiều cơ hội và biến cố trong đời sống có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho loài người. Sức khoẻ được bình phục, thành công trong việc làm, tiến thân trong sự nghiệp, gặp lại người thân yêu hay bạn bè thân thiết là những cơ hội đem lại niềm vui cho loài người. Niềm vui cũng có thể được tìm thấy trong lãnh vực thiêng liêng. Và đạo giáo phải mang lại cho ta niềm vui đó.

Lí do khiến người Kitô giáo vui mừng là ngày Chúa cứu thế đến cứu chuộc nhân loại đang gần đến, làm việc giao hoà giữa loài người với Thiên Chúa. Có những người cho rằng đạo Kitô giáo là đạo ưu sầu, nhấn mạnh đến hy sinh, hãm mình và cấm đoán. Nhận xét như vậy là nhận xét một chiều, chỉ đúng về một phương diện nào đó. Chính trong gia đình cũng có những ràng buộc cấm đoán, phương chi là tôn giáo. Dù sao đi nữa từ ngữ vui hay vui mừng được nhắc đến 360 (1) (ba trăm sáu mươi) lần trong Thánk kinh, trong khi từ ngữ ưu sầu chỉ được ghi lại có 33 (2) (ba mươi ba) lần mà thôi. Như vậy đạo Kitô giáo là đạo vui mừng. Niềm vui đây không nhất thiết phải là vui cười khoái lạc, nhưng là niềm vui nội tại. Niềm vui Kitô giáo không có nghĩa là không còn buồn khổ. Bao lâu còn sống tại thế, người ta không thể nào tránh khỏi đau khổ vì đời sống con người tại thế là những chuỗi ngày vui buồn lẫn lộn.

Ngôn sứ Xôphônia hôm nay nhắc nhở dân chúng đang sống trong cảnh lưu đầy cần reo vui lên vì Đấng Cứu thế sắp đến mang ơn cứu độ: Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dạy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi (Xp 3:14). Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phaolô mặc dù đang sống trong tù đày, có ít lý do để vui, cũng khuyên nhủ họ: Hãy vui luôn trong tình yêu của Chúa. Tôi nhắc lại: hãy vui lên anh em (Pl 4:4). Sở dĩ thánh Phaolô bảo họ vui lên trong Chúa vì Chúa là nguồn mạch và là động lực của sự vui mừng.

Khi ông Gioan tiền hô xuất hiện, rao giảng phép rửa sám hối để dọn đường cho Ðấng Kitô đến thì đám đông dân chúng hỏi xem họ phải làm gì để tỏ lòng sám hối? Ông Gioan bảo họ phải chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói (Lc 3:11).

Trong số những người đến xin chịu phép rửa cũng có đám người thu thuế. Thời bấy giờ, nhà cầm quyền La mã không đánh thuế người Do thái cách trực tiếp, nhưng cho đấu thầu. Người trúng thầu được quyển thu thuế từng khu vực cho đế quốc La mã. Người thu thuế chính trong từng khu vực còn cho những người khác phụ thầu để thâu thuế. Nếu họ đánh thuế cao hơn mức được ấn định trong giao kèo, họ được bỏ túi tiền thuế phụ trội. Do đó những người thu thuế bị dân chúng coi rẻ vì họ thu thuế cho chính phủ ngoại bang, họ còn bị coi rẻ hơn nữa nếu họ đánh thuế với giá cắt cổ. Khi đám người thu thuế hỏi ông Gioan xem họ phải làm gì? Ông Gioan không bảo họ phải bỏ nghề thu thuế, mặc dầu họ bị người đời khinh rẻ. Ông chỉ bảo họ đừng đánh thuế quá mức được ấn định (c. 13).

Binh lính cũng hỏi xem họ phải làm gì? Binh lính ở đây, không phải là binh lính của đế quốc La mã, cũng không phải là vệ binh của vua Hêrôđê, cũng không phải vệ binh Đền thờ, nhưng là binh lính áp đặt việc thâu thuế. Ðể trả lời câu hỏi của đám người này, ông Gioan bảo họ phải sống lương thiện, công bằng và thoả mãn với đồng lương (c. 14).

Như vậy bài học mà ông Gioan tiền hô dạy ta sửa soạn đón mừng Ðấng cứu thế là sống công bình, lương thiện, loại bỏ tính ích kỷ để có thể chia sẻ cơm áo. Sống ích kỉ sẽ khiến cho đời sống tinh thần và thiêng liêng trở nên cằn cỗi, không thoát ra khỏi con người mình để phát triển được. Ham muốn và đòi hỏi có thể khiến người ta phạm tội. Còn ham muốn và đòi hỏi mà không được sẽ làm cho người ta phải khổ.

Bài học thứ hai ông Gioan tiền hô dạy ta hôm nay là việc nhận thức được căn tính của mình trước mặt người đời và trước mặt Thiên Chúa. Khi dân chúng hỏi xem ông có phải là Ðấng Kitô không, thì Gioan trả lời: ông chỉ là người sửa soạn cho Ðấng cứu thế đến bằng cách xác nhận mình chỉ là người dọn đường. Ông chỉ làm phép rửa bằng nước; còn Người đến sau, quyền thế hơn sẽ rửa trong Thánh thần và lửa (c. 16). Vậy điều ta có thể học với ông Gioan là biết chấp nhận mình, chấp nhận vị thế, thế đứng và giới hạn của mình, không nhận vơ điều mình không có, không mạo nhận việc mình không làm. Tuy nhiên chấp nhận không có nghĩa là mình cứ cắn răng chịu đựng khi bệnh tật dằn vặt hoặc để cho nết xấu lấn át. Khi gặp bệnh hoạn, người ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Tuy nhiên bao lâu còn mang bệnh tật trong thân xác, ta cầu xin cho được ơn biết chịu đựng vì tin yêu. Nếu cảm thấy tự ti mặc cảm gì đó trong đời sống như thua kém người về phương diện nào đó như diện mạo, vóc dáng, tầm thước hoặc mặc cảm về những chứng hay tật gì trong thân xác hay về tính tình, ta dâng lên Chúa những mặc cảm đó và xin Chúa giúp cho mình biết đối phó khi có người nhắc đến hoặc chê bai những phương diện hay chứng tật đó.

Khi mà người ta không thoả mãn với mình, nhưng muốn cho được nhiều hơn những gì mình có; khi mà cái tâm của người ta còn khắc khoải, tâm trí người ta sẽ không được ổn định. Và khi bất ổn trong tâm hồn, người ta không thể nào cảm nghiệm được sự bình an và yên vui trong việc đón chờ Chúa đến. Vậy người tín hữu phải sửa soạn thế nào để việc đón mừng ngày Sinh nhật và mùa Giáng sinh có thể đem lại niềm vui cho tâm hồn.

Lời cầu nguyện xin cho được biết chấp nhận những gì mình có:

Lậy Ngôi hai Thiên Chúa sắp ra đời.

Ðể sửa đường Chúa đến,

thánh Gioan tiền hô đã dạy bảo loài người,

chấp nhận để sống vui.

Xin dạy con cũng biết chấp nhận:

bản thân, hoàn cảnh và vị thế của mình,

cho tâm trí được ổn định,

và tâm hồn được bình an

để đón mừng ngày Chúa đến. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

_____________________

  1. Liturgical Commission. Homilies Synday and Weekday Masses. Oct. – Dec. 1977, p. 345.

Diocese of Lansing.

  1. Ibid.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch