LEHIENLINHCLễ Hiển Linh, Năm C

Is 60:1-6; Ep 3:2-3a, 5-6; Mt 2:1-12

Khi các hiền sĩ nhờ ngôi sao lạ dẫn đường đến viếng thăm Ðấng Cứu thế mới sinh tại Bêlem, thì lời ngôn sứ Isaia được thực hiện: Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha, tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Thiên Chúa (Is 60:6). Họ từ bên đông, có lẽ từ xứ Ba tư hay Ả rập tìm đến Giêrusalem để viếng thăm Vua mới sinh của người Do thái và kính bái Người. Có thể họ phải đi cả tháng trời mới tới Giêrusalem, rồi đến Bêlem để thăm viếng và triều bái Vua mới sinh. Rồi họ dâng cho Ðấng Cứu thế mới sinh: vàng, nhũ hương và mộc dược. Do ba lễ vật này mà truyền thuyết cho là ba vị, chứ đoàn người đến thăm có thể đông hơn là con số bộ ba.

Câu truyện các hiền sĩ và ngôi sao lạ đã khơi dậy tính tò mò của loài người mà chưa được cắt nghĩa một cách thoả đáng. Theo truyền thuyết, người ta gọi họ là ba Vua với ba mầu da khác nhau: một ông da trắng, một ông da đen, ông kia da vàng tượng trưng cho các chủng tộc trên mặt đất thời bấy giờ. Thời nay những nhà chú giải Thánh kinh coi họ là những nhà thiên văn học, nhà thông thái hay hiền triết. Dĩ nhiên người ta có thể nghiên cứu và đặt giả thuyết về các hiền sĩ và ngôi sao lạ. Tuy nhiên người ta không được quên rằng phần thiết yếu của câu truyện là việc các hiền sĩ đi tìm Ðấng Cứu thế mới sinh và  Ðấng Cứu thế tỏ mình ra cho họ.

Vua Hêrôđê khi nghe tin Ðấng Cứu thế mới sinh thì bối rối, lo ngại vì sợ mất ngai vàng. Còn các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng vì họ cậy họ có sẵn kho tàng Thánh kinh. Họ cho rằng nếu Ðấng Cứu thế xuất hiện thì tự nhiên họ phải biết chứ không cần đi tìm kiếm. Thái độ tự mãn đó đã làm họ mù quáng, không nhận ra ngôi sao lạ để đi tìm Chúa.

Ngày lễ mừng cuộc gặp gỡ đầu tiên đó được gọi là lễ Hiển linh, có nghĩa là việc Ðấng Cứu thế bày tỏ mình ra cho dân ngoại. Theo quan niệm Do thái cổ xưa, thì tất cả những dân không thuộc dòng dõi Do thái, đều là dân ngoại. Trong bài trích sách ngôn sứ Isaia, vị ngôn sứ nhìn thấy trước mặt, một thành Giêrusalem mới có tính cách thiêng liêng và phổ quát, mà chư dân sẽ đến để được chia sẻ ánh vinh quang. Như vậy Ðấng Thiên sai đến không những tỏ mình cho người Do thái, mà còn cho dân ngoại qua các nhà đạo sĩ như là vị Cứu tinh các dân tộc. Chúa Cứu thế đến để thiết lập một Giáo hội cho mọi dân tộc. Do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Giáo hội mở cửa cho tất cả những ai muốn gia nhập. Theo nghĩa này thì Giáo hội thuộc mọi chủng tộc, màu da và ngôn ngữ. Cũng theo nghĩa này thì Giáo hội có thể được ví như một vườn hoa gồm trăm hoa đua nở dưới muôn vàn màu sắc. Và đó là vẻ đẹp của Giáo hội.

Trong ngày lễ Hiển linh, ta cảm đội ơn Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại vì một thời ta cũng là dân ngoại. Ta cũng cảm tạ Thiên Chúa đã kêu gọi ta gia nhập Nước Chúa ở trần gian qua nước rửa tội. Vương quốc mà Chúa hứa cho dân trong đạo cũ bây giờ được mở rộng ra cho các dân tộc muốn vào và ơn cứu độ được hứa cho dân riêng thì bây giờ được đến với các dân tộc. Như vậy Ðấng Cứu thế đến không phải để cứu chuộc một dân tộc, Người còn là Ðấng Cứu tinh của mọi dân nước. 

Ðược rửa tội từ nhỏ, ta cũng có thể có thái độ tự mãn, giữ đạo một cách máy móc, theo thói quen hình thức mà không tiếp tục đi tìm Chúa và học hỏi về đạo Chúa. Sự thực thì ta vẫn phải đi tìm Chúa, để khám phá ra sự hiện diện của Người xung quanh ta và trong đời sống ta. Ta vẫn phải tìm hiểu lời Chúa và thánh ý Chúa và đường lối của Chúa. Việc đi tìm Chúa phải là một tiến trình kéo dài suốt cả cuộc sống. Mặc dầu Chúa đã đến trong lịch sử loài người, và ta đã tin và tiếp nhận Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, ta vẫn phải tiếp tục đi tìm Chúa. Ðừng cậy mình theo đạo gốc kẻo mà mất gốc. Ðừng tưởng mình sinh ra là người công giáo nghĩa là chịu phép Rửa tội từ nhỏ mà không cần tiếp tục đi tìm Chúa, tìm sự công chính và tìm sống theo đường lối của Chúa, kẻo làm mất Chúa nghĩa là mất đức tin vào Chúa.

Cũng như các nhà đạo sĩ quan sát ngôi sao lạ bằng mắt và bằng tâm hồn mới có thể ra đi tìm Chúa, ta cũng cần quan sát và ghi nhận những dấu chỉ của thời đại, những biến cố xẩy ra trong vủ trụ như bão táp, lụt lội, động tất, hoả hoạn, chiến tranh và những biến cố trong đời ta như bệnh tật, đau yếu, tai nạn bằng mắt và bằng tâm hồn, để tìm ra thánh ý Chúa, xem Chúa có dùng những biến cố hay những dấu chỉ nào, để nói với ta điều gì không? Ðiều đó có nghĩa là ta không nên để cho những biến cố, những dấu chỉ qua đi một cách tình cờ mà không rút ra bài học nào. Khi một biến cố hay dấu chỉ của thời đại qua đi một cách ngẫu nhiên là tại những lí do như ta là người vô tâm vô trí, hoặc tâm hồn ta đầy ắp những chướng ngại vật như lo lắng, kiêu căng, tự phụ, tham lam, ích kỉ, ghen tương, thù oán, khiến ta coi như không có gì xẩy ra.

Cũng như đoàn hiền sĩ tìm thấy Ðấng Cứu thế mới sinh không phải ở trong cung điện nhà vua, không phải trong khách sạn, không phải ở thủ đô Giêrusalem, nguy nga và tráng lệ, nhưng trong một làng nhỏ ở hang chiên lừa sập sệ, hôi hám, ta cũng có thể tìm thấy Chúa ở những nơi, những người và những hoàn cảnh mà ta ít hi vọng gặp Chúa. Ta có thể tìm gặp Chúa ở những nơi tồi tệ nhất và những người khốn cùng nhất: người nghèo đói, người đau yếu, người khốn cùng. Và Chúa cũng có thể dùng những nơi tồi tệ nhất, những người khốn cùng nhất đế nói với ta điều gì đó.

Lời nguyện xin cho được tiếp tục đi tìm Chúa để phụng thờ:

Lạy Chúa hài nhi mới sinh!

Khi ba Vua đi tìm Chúa để phụng thờ,

họ được ngôi sao lạ dẫn lối chỉ đường

đến hang đá máng cỏ Bêlem.

Xin dạy con biết thành tâm đi tìm Chúa

tại những nơi chốn hay những sự vật

mà người đời không ngờ Chúa có ở đó

và xin cho con được nhận ra sự hiện diện của Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch